Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Khám phá các khu chợ đêm nổi tiếng ở Hà Nội

Phóng viên - 18/09/2018 | 14:51 (GTM + 7)

VOVGT - Chợ đêm Hà Nội không chỉ bày bán vô số mặt hàng mà còn là nơi tụ họp những buổi diễn ca nhạc đường phố, một điểm đến lý thú của khách du lịch.

Các khu chợ đêm nổi tiếng ở Hà Nội

Chợ đêm Phố Cổ

Nói đến chợ đêm Hà Nội, cái tên được biết và nhắc tới nhiều nhất chính là chợ đêm Phố Cổ. Nằm trong khu phố cổ Hà Nội độc đáo, điểm đến du lịch nổi tiếng nhất nhì Hà Thành, chợ đêm phố cổ là điểm dừng chân của biết bao khách du lịch. Chợ được mở từ 18h – 23h vào các ngày cuối tuần thứ 6, thứ 7 và chủ nhật. Kết hợp với khu phố đi bộ vào dịp cuối tuần, khách du lịch có thể thưởng ngoạn tản bộ chiêm ngưỡng vẻ đẹp 36 phố phường và tận hưởng không khí tấp nập, đông đúc của khu chợ.

Chợ kéo dài từ đường Hàng Đào, qua cổng chợ Đồng Xuân, tiếp tục đi đến Hàng Khoai, hàng Giấy. Khu chợ đêm phố cổ bày bán vô số loại mặt hàng khác nhau. Phong phú về thể loại, đa dạng về mẫu mã, đây là địa điểm lý tưởng được người dân Hà thành lựa chọn mua sắm. Quần áo, phụ kiện, đồ trang trí, thủ công mỹ nghệ,… có giá cả rất bình dân với chất lượng khá tốt.

Ngoài ra, du khách có thể dạo chơi thư giãn, tận hưởng nét đẹp văn hóa nghệ thuật phố cổ với những bản nhạc đường phố đặc sắc, say đắm lòng người.

Nằm gần chợ Nhà Xanh, khu chợ đêm Dịch Vọng cũng là điểm đến mua sắm giá rẻ nổi tiếng. Ban ngày, chợ bày bán thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn cho các hộ gia đình. Ban đêm, chợ tổ chức buôn bán quần áo, giày dép, túi xách, … với giá siêu rẻ, thu hút đông đảo các bạn sinh viên tham quan mua sắm.

Chợ có diện tích rộng lớn, ánh đèn rực rỡ lan tỏa cả một khu phố. Hàng bán ở chợ với mẫu mã đa dạng, chất lượng khá bền với mức giá rẻ. Điểm đặc biệt ở đây là các ki ốt bán hàng đã niêm yết một mức giá chung. Vì vậy bạn sẽ dễ dàng bắt gặp người bán đều đưa ra mức giá giống nhau ở các ki ốt. Hãy mạnh dạn trả giá và mua sắm cho mình những món đồ ưng ý bạn nhé.

Chợ đêm Phùng Khoang

Cũng giống như chợ Nhà Xanh, chợ đêm Phùng Khoang nằm ngay cạnh một số trường đại học nổi tiếng như Đại học Hà Nội, Học viện An ninh, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn,…. Khách mua chủ yếu tại chợ là các bạn sinh viên, học sinh thuộc các trường đại học trên. Ban ngày nơi đây cũng chỉ bày bán thực phẩm, đồ ăn đồ uống. Đến tối chợ sẽ họp và bày bán các mặt hàng thời trang tạo nên một không gian vô cùng tấp nập, nhộn nhịp người qua lại.

Ở đây còn là nơi bán chăn đệm, đồ dùng gia đình giá rẻ dành cho các bạn sinh viên có nhu cầu thuê nhà trọ ở thủ đô. Vào cuối tuần, hàng hóa được những con buôn đem về với số lượng lớn và vô vàn mẫu mã đẹp mắt. Nếu bạn muốn lựa chọn cho mình những mặt hàng độc đáo, mới lạ thì hãy ghé thăm chợ đêm Phùng Khoang vào cuối tuần.

Chợ hoa đêm Quảng Bá nhộn nhịp về đêm. Ảnh: dangcongsan.vn

Ngoài ra, các bạn cũng có thể khám phá chợ hoa Quảng Bá. Chợ hoa thường họp từ 23h đến rạng sáng. Hoa ở chợ Quảng Bá được chuyển về từ khắp các vùng lân cận thủ đô như Đông Anh, Tây Tựu, Gia Lâm.

Chợ đông vui nhất là khoảng 1-2h. Bạn sẽ được thấy một Hà Nội rất khác. Khi cả thành phố còn đang ngủ say, chợ hoa Quảng Bá lại nhộn nhịp, ngập tràn trong sắc hoa. Ánh sáng phát ra từ những bóng đèn trên cao khiến cả khu chợ chìm trong sắc màu lung linh, huyền ảo. Khách hàng của chợ hoa ngoài những người tiểu thương còn là các bà, các mợ đến chọn cho bó cúc vàng đẫm sương cúng rằm, mùng một. Các cô cậu học trò đến tìm những nhánh baby trắng tinh khôi, kết vòng đội đầu cho ngày chụp kỷ yếu. Cũng có lúc, người ta lại gặp những du khách nước ngoài lang thang khám phá Hà Nội về đêm với chiếc máy ảnh trên tay…

Bên cạnh cái đẹp của sắc hoa, người đi chợ cũng có dịp hiểu hơn về cuộc sống của những người dân lao động mưu sinh từ khi mặt trời còn chưa ló rạng. Đến khi trời hửng sáng, người ta lại thấy Hà Nội thật tuyệt với những xe hoa đi rong, chậm rãi qua từng con phố còn ngái ngủ.

Thành phố mùa đỏng đảnh (bài viết của tác giả Kim Nguyễn đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng)

Người ta thường nhớ về Hà Nội với bốn mùa hương sắc: xuân, hạ, thu, đông rõ rệt; hay xứ Huế với những cơn mưa dầm dai dẳng; phố núi Đà Lạt với mưa phùn lất phất. Còn thành phố phương Nam khiến người đi, kẻ ở lưu luyến bởi tiết trời đỏng đảnh như tính tình con gái mới lớn.

Nắng nắng - mưa mưa, nắng vội vàng mà mưa đến cũng thật hối hả. Cũng bởi mưa - nắng ở thành phố thất thường đến độ mỗi khi nhắc đến, người ta thường ví von: Sài Gòn sớm nắng chiều mưa/Sài Gòn giữa trưa chỗ mưa chỗ nắng.

Đôi khi, người ta không khỏi bực mình trước những cơn mưa bất chợt, mưa ào qua nhanh đến nỗi không kịp mặc áo mưa, thế là chịu ướt. Hay đoạn đường không có bao xa nhưng chỗ nắng, chỗ mưa không biết đâu mà lần. Những giờ tan tầm xe cộ đông đúc, trời lại mưa rả rích, chiếc áo mưa cồng kềnh, vướng víu nhưng cũng phải chịu vì… thành phố đang mùa mưa.

Những cơn mưa bóng mây vội vã của đầu mùa hạ đến thật nhanh mà đi cũng thật vội. Trời đang nắng nóng chang chang như đổ lửa trên đầu, vậy mà bất chợt mưa ào đến không kịp trở tay, chiếc áo mưa vừa lấy ra khỏi cốp xe chưa kịp mặc thì trời đã hửng nắng trở lại. Mưa đầu mùa kèm theo mùi ẩm ương của hơi đất, làm nhiều người khó chịu. Nhưng cũng chính nó khiến nhiều người đi xa lại nhớ về thành phố, nhớ hơi đất ẩm nồng sau những trận mưa đầu mùa bất chợt.

Thành phố bước vào mùa mưa với những trận mưa rả rích từ chiều này đến sáng nọ, mưa rỉ rả từ lúc trưa đến chập tối. Cả thành phố thoang thoảng mùi của nước mưa, tiếng lách tách của từng giọt nước rớt xuống bên hiên nhà, vệ đường… Chỉ cần chìa tay ra, ngước lên bầu trời xám xịt kia, là cảm nhận được từng giọt nước đang rớt xuống, trắng xóa khung cửa sổ, mặt đường, hòa lẫn bao nỗi niềm khó tả và nhất là thỏa cái mong ước sau bao ngày nắng nóng hanh hao.

Sau những vội vàng, bất chợt của mưa đầu mùa, người ta dường như bắt đầu quen với mùa mưa. Bởi có lúc cả thành phố chìm hẳn trong những trận mưa lớn, xối xả. Đám mây đen kéo đến che mất cái nắng trên đầu, tiếng sấm bắt đầu cùng tia chớp… như một cái “nháy mắt” báo hiệu mưa đến. Mưa về “tắm mát” cho một khoảng trời rộng thênh thanh. Những con đường lộng gió, những hàng me già thẳng tắp cũng xanh tươi hơn sau những ngày nắng hầm hập. Vạn vật dường như được “tắm gội” thật tinh tươm, cảm giác tưởng chừng mùa thu đang về giữa thành phố chỉ có hai mùa mưa - nắng.

Và những ngày thành phố mưa bão, người ta lại cảm nhận tình người ấm áp hơn. Một hiên nhà nào đó, người lỡ đường vội vàng ghé lại trú mưa, những trạm chờ xe buýt chen chúc nhóm người cùng đôi gánh hàng rong chờ mưa tạnh. Đứng chờ mưa tạnh, dăm ba câu hỏi bâng quơ, cũng chẳng ngại ngùng bất kể lạ hay quen: “Mưa kiểu này coi bộ lâu tạnh à nha”; hay anh xe ôm xa quê nhớ nhà vừa trú mưa, vừa than với cô bán hàng rong: “Mưa vầy thấy nhớ nhà đứt ruột, cô ơi!”.

Và giữa những trận mưa xối xả, một góc đường nào đó với dòng chữ “áo mưa miễn phí” cùng chùm áo mưa xanh xanh, đỏ đỏ… được treo sẵn để người đi đường ai quên áo mưa thì tự nhiên ghé lấy mà dùng. Người để áo mưa cũng không biết ai sẽ tới lấy và người lấy cũng không biết ai đã để sẵn, chỉ biết có một tấm lòng sẻ chia, giúp nhau trong mọi hoàn cảnh, đang lan tỏa trong lòng thành phố phương Nam đầy hào sảng.

Nếu ngày nắng mang đến cho người ta sự năng động, tràn trề sức sống, thì mưa là lúc mọi thứ như chậm lại, một dịp để người thành phố thong thả ngắm nhìn cuộc sống quanh mình. Quán xá, nhất là những quán cà phê cũng đông khách ghé lại hơn vì muốn tìm một góc yên tĩnh để ngắm nhìn những trận mưa đang về trên phố, rồi lần giở những trang sách đang đọc dở, hay đơn giản là một chỗ trú mưa vì lỡ đường.

Mưa, cũng chỉ là một hiện tượng thời tiết bình thường, nhưng lại mang đến một cảm giác thật khác lạ, để người ta có dịp sống chậm, cảm nhận rõ hơn cuộc sống quanh mình. Dường như có một thành phố trẻ thật dịu dàng trong những ngày mưa.

Nghe toàn bộ chương trình tại đây:

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //