Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

ĐBSCL: 10 sự kiện nổi bật năm 2018

Phóng viên - 04/02/2019 | 4:30 (GTM + 7)

VOVGT-Với người dân ĐBSCL thì có lẽ 2018 là một năm để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ bởi chưa bao giờ người dân nơi đây chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu...

Cần Thơ kỷ niệm 15 năm lên TP trực thuộc Trung ương

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cần Thơ - Tự hào tuổi 15

Sau 15 năm được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương, Cần Thơ đã tạo được những dấu ấn phát triển tự hào của một thành phố sông nước, thể hiện rõ vai trò trung tâm vùng ĐBSCL trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bước đầu hội nhập khu vực và thế giới.

Từ những buổi đầu thành lập, mảnh đất Cần Thơ đã phải trải qua chặng đường đầy khó khăn, thách thức để đến hôm nay mới thực sự vươn mình, nâng tầm vị thế, khẳng định sức mạnh vốn có của mảnh đất và con người Tây Đô hiền hòa, chân chất.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) tại Cần Thơ

Với chủ đề “Cùng hành động ứng phó biến đổi khí hậu”, Hội nghị ASEM đã được tổ chức tại trung tâm của ĐBSCL từ ngày 19 -20/6/2018. Đối với Việt Nam, đây là một trong những Hội nghị liên khu vực quan trọng nhất về biến đổi khí hậu và là Hội nghị duy nhất của ASEM Việt Nam đăng cai trong năm 2018.

Hội nghị không chỉ thể hiện đóng góp của Việt Nam cho nỗ lực của ASEM và toàn cầu, mà cùng tạo điều kiện để ĐBSCL của Việt Nam tranh thủ ủng hộ và hợp tác, hỗ trợ của các đối tác Á-Âu, thiết thực triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Năm 2018, đánh dấu sự thành công vượt bậc của ngành cá tra, khi người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều thắng lợi

Ngành cá tra thắng lớn

Năm 2018, đánh dấu sự thành công vượt bậc của ngành cá tra khi người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu đều thắng lợi. Có thể nói, sau thời gian dài lận đận thì hiện nay kinh doanh cá tra đã tăng trưởng trở lại, khẳng định thế mạnh về xuất khẩu ở nhiều địa phương ĐBSCL.

Theo Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 ước đạt từ 2 - 2,2 tỷ USD, hiện sản phẩm cá tra Việt Nam đã có mặt tại khoảng 125 thị trường; trong đó Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU và ASEAN là những thị trường chủ lực.

Riêng thị trường Mỹ, nếu năm 2017, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phi lê vào quốc gia này khoảng 3,5USD/kg thì sang năm 2018 tăng lên từ 4,6- 5USD/kg trở lên.

Bao trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chuẩn bị xuất khẩu

Vú sữa Lò rèn Vĩnh Kim đặt chân lên đất Mỹ

Năm 2018 là năm thứ hai trái vú sữa Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường cao cấp Hoa Kì và đến cuối năm 2018, tỉnh Tiền Giang đã xuất khẩu được 43 tấn trong tổng nguồn nguyên liệu dự kiến đạt 400 tấn được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, năm 2018 toàn tỉnh này có khoảng 128 ha vú sữa đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và đã được cấp 11 mã code. Vùng trồng vú sữa phục vụ xuất khẩu hiện tập trung nhiều nhất ở huyện Châu Thành và Cái Bè.

Đê kè Gành Hào, H.Đông Hải (Bạc Liêu) liên tục bị sóng đánh gây sạt lở nghiêm trọng

Sạt lở bủa vây ĐBSCL

Những ngôi nhà bỗng chốc sụp đổ … Đất ở, đất sản xuất cũng bị cuốn trôi… Hàng triệu hộ dân luôn thấp thỏm, sống trong nỗi sợ hãi, bất an… Đó là cuộc sống của hàng chục triệu người dân tại khu vực ĐBSCL trong thời gian quan.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai, ĐBSCL có đến hơn 600 điểm sạt lở trên chiều dài gần 800 km, trong đó 55 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm và 140 điểm ở mức nguy hiểm đe dọa cuộc sống của gần 20 triệu người.

Triều cường dâng cao kèm theo mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến TP HCM và các tỉnh tại ĐBSCL ngập sâu trong nước

Triều cường kỷ lục ở ĐBSCL

“Triều cường năm nay mình tính như mọi năm nhưng mà cuối cùng nó cao hơn khoảng 20 – 30 cm, ở trong nhà mình cũng chủ quan cho nên ướt một số đồ. Bây giờ xây ở trước thì mất thẩm mỹ quá không có xây được, giờ kê đồ lên cũng đỡ phần nào thôi”.

“Mọi năm là cái vườn không có ngập, năm nay ngập lên cả tấc nước nữa. Chịu đựng hôm rồi là mấy ngày rồi, không có nấu nướng gì bán được, bữa nay đi mua cơm hộp về ăn chứ không nấu được cơm ăn luôn đó, bếp ngập luôn rồi”.

Đó là những chia sẻ của người dân trong đợt triều cường lịch sử xảy ra vào những ngày đầu tháng 10/2018. Không chỉ ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp ở những vùng nông thôn, triều cường còn "nhấn chìm" nhiều khu vực nội ô khiến việc đi lại, sinh hoạt xáo trộn.

Cầu Cao Lãnh

Khánh thành cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống

Ngày 27/5/2018, tại xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, Bộ GTVT đã tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh và tuyến nối cầu Cao Lãnh - cầu Vàm Cống. Đây là công trình thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong, được khởi công xây dựng từ giữa tháng 10/2013. Dự án được kỳ vọng sẽ là đòn bẫy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung.

Festival lúa gạo lần III và công bố logo thương hiệu gạo Việt

Tối ngày 18/12/2018, tại TP. Tân An, tỉnh Long An đã diễn ra “Festival Lúa gạo Việt Nam lần III - Long An, năm 2018 và Lễ công bố logo Thương hiệu Gạo Việt Nam”. Tại Festival Lúa gạo lần này, có 1.058 đơn vị gian hàng của 612 địa phương, đơn vị, doanh nghiệp tham gia trưng bày giới thiệu hàng hóa sản phẩm, thành tựu trên các lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Dịp này, Ban Tổ chức sẽ công bố “Logo thương hiệu gạo Việt Nam”. Logo do họa sỹ Nguyễn Nghiêm sáng tác, với hình ảnh bông lúa cách điệu mang biểu tượng chim Lạc Việt, nằm trên nền xanh hình elip tượng trưng cho hạt gạo đã vượt qua hơn 500 tác phẩm trong và ngoài nước để chính thức trở thành Logo thương hiệu gạo Việt. Sự kiện ý nghĩa này không chỉ góp phần gia tăng giá trị hạt gạo mà thương hiệu nông sản Việt cũng có “chỗ đứng” vững chắc hơn trên thương trường quốc tế.

Một góc khu du lịch Quốc gia núi Sam

Núi Sam được công nhận khu du lịch Quốc gia

Ngày 13/7/2018, Khu du lịch quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) đã được chính thức công nhận là KDL cấp quốc gia. Đây được xác định là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Dự kiến đến năm 2025 nơi đây sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 800.000 lượt khách lưu trú. Đến năm 2030 đón khoảng 7 triệu lượt khách, trong đó có khoảng trên 1 triệu lượt khách lưu trú. Năm 2025 đạt doanh thu trên 2.600 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030 đạt trên 6.000 tỷ đồng.

Hò Đồng Tháp được công nhận di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Hò Đồng Tháp là làn điệu dân ca đặc trưng ở Đồng Tháp và Nam bộ, có trên 100 tuổi. Sau thời gian gần như mai một, khoảng 10 năm trở lại đây, Đồng Tháp đã nỗ lực khôi phục điệu hò này dưới sự giúp sức của nhạc sĩ Cao Văn Lý và hiện rất phổ biến ở xứ Sen Hồng. Việc Hò Đồng Tháp được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được đánh giá là điều kiện tốt để không ngừng nuôi dưỡng và phát huy các giá trị nhân văn sâu rộng của loại hình dân gian đặc sắc này.

Đấy là những sự kiện đáng chú ý của ĐBSCL trong năm 2018 vừa qua. Và rõ ràng khi nhắc đến câu chuyện của năm cũ thì lúc nào cũng sẽ có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Nhưng nhìn chung, với người dân ĐBSCL thì có lẽ 2018 là một năm để lại nhiều ấn tượng mạnh mẽ bởi chưa bao giờ người dân nơi đây chứng kiến tác động của biến đổi khí hậu một cách rõ ràng đến mức như vậy.

Từ trước đến nay chúng ta luôn cho rằng ĐBSCL là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, không chỉ có phù sa màu mỡ mà còn ít phải gánh chịu thiên tai. Tuy nhiên với những gì đã và đang diễn ra thì quả thật đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn nhận lại. Rõ ràng, trước tác động mang tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, ĐBSCL trở thành một trong những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Điều này đang làm đảo lộn toàn bộ đời sống, sản xuất của cư dân vùng châu thổ, uy hiếp nghiêm trọng sự ổn định của vùng. Các địa phương vùng ĐBSCL trong qua năm đã nỗ lực ra sao trong quá trình phát triển để thích ứng với biến đổi khí hậu, theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ?

Chỉ tính riêng trong vòng 3 năm trở lại đây ĐBSCL đã phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mang tính “lịch sử” vì được nhận định là chưa từng xảy ra trước đây. Nếu năm 2016, đã có đến 9/13 tỉnh, thành ĐBSCL phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt hạn mặn lịch sử, ảnh hưởng trên 139.000 ha lúa; nếu năm 2017, câu chuyện sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trở báo động.

Thì năm 2018, người dân nơi đây lại phải đối mặt với đợt triều cường lịch sử, không chỉ gây thiệt hại cho các diện tích sản xuất nông nghiệp mà còn tấn công cả những tuyến đường nội đô làm đảo lộn đời sống và việc đi lại của người dân.

Điều này cho thấy, những nhận định mà các chuyên gia đưa ra trước đây đã vượt qua ranh giới của sự dự báo và đã xảy ra trong thực tế. Cách đây hơn 1 năm, phát biểu tại hội nghị chuyên đề để tiến tới ban hành Nghị quyết 120, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh ĐBSCL phải phát triển theo hướng “thuận thiên” là chính. Vì vậy chúng ta phải tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, thời gian qua nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai thực hiện. Tại Tiền Giang, Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 57.000 ha cây trồng đã chuyển đổi phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường. Trong đó đã chuyển trồng hơn 5.500 ha vườn cây ăn quả, 1.000 ha rau màu và 50.000 ha lúa chất lượng cao... Qua khảo sát cho thấy, mô hình chuyển đổi từ lúa sang các loại cây ăn trái, rau màu, nông dân có thu nhập mỗi năm tăng từ 71 đến gần 300 triệu đồng/ha, tăng gấp 3,7- 5,8 lần so với trồng lúa.

Là địa phương trong khu vực bị ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu, tỉnh Bến Tre đã và đang tập trung tìm cách phát triển kinh tế thích ứng với khô hạn, xâm nhập mặn, xác định mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Theo đó, những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ trương cắt giảm từ 3 vụ lúa canh tác trên gần 20.000 ha chuyển sang canh tác 2 vụ lúa xen các loại cây ngắn ngày khác nhằm tránh thiệt hại do hạn, mặn. Thậm chí một số cánh đồng năm trước canh tác 3 vụ lúa, năm nay cắt giảm chỉ trồng 1 vụ lúa.

Có những hộ bỏ trồng lúa cả 3 vụ, chuyển toàn bộ diện tích ruộng sang trồng cỏ để nuôi bò, vì trồng lúa năng suất thấp, nước nhiễm mặn, trồng cỏ chống chịu được hạn, mặn, thích hợp để nuôi bò và hiệu quả kinh tế cao hơn. Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre nhận định:

“Từ những vấn đề tư duy đổi mới về mặt kinh tế, từ việc thống nhất lại việc xác định 3 trụ cột chính trong phát triển ở ĐBSCL, thấy rằng trước đây tập trung nhiều cho trụ cột lúa gạo thì giờ xoay trở lại theo hướng “thuận thiên” là trục thủy sản. Đây cần xác định là trục quan trọng của ĐBSCL. Kế đó là lĩnh vực cây ăn trái. Thứ 3 mới tới lúa gạo. Trên cơ sở đó, qua thời gian thực hiện chúng tôi thấy rằng mang lại những kết quả vừa là phù hợp với biến đổi khí hậu, tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu”.

Tương tự tại An Giang, những năm gần đây địa phương này đã và đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị kinh tế cho nông dân.

Năm 2017, diện tích trồng lúa của tỉnh giảm, do dó tổng sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 4 triệu tấn, giảm gần 40.000 tấn; diện tích cây ăn trái tăng hơn 19% so với năm 2016, hiện nay địa phương có gần 16.000 ha; đồng thời chú trọng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết như: chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm dưa lưới, trồng đậu tương rau, bắp thu trái non (ngô bao tử) phục vụ chế biến đông lạnh và xuất khẩu…đến thời điểm hiện nay, các sản phẩm cây ăn trái như xoài, chuối cấy mô…có đầu ra rất ổn định.

Thời điểm cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, xâm nhập mặn tại ĐBSCL diễn ra nặng nề nhất trong 100 năm qua. Có những khu vực, mặn tiến sâu vào đất liền tới 70 km, thậm chí lên đến 85 km. Tình trạng trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển. Theo dự báo, trong tương lai gần, xâm nhập mặn tại ĐBSCL còn diễn ra phức tạp hơn và hàng triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn. Nhiều diện tích trồng lúa 2 vụ/1 năm sẽ không thể sản xuất được do xảy ra tranh chấp mặn – ngọt.

Từ thực tế đó, để thích ứng với biến đổi khí hậu, tiếp tục phát triển, những năm qua, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã áp dụng mô hình tôm – lúa, hay còn gọi với một cái tên khác là “Con tôm ôm gốc lúa” vào sản xuất và thu được hiệu quả kinh tế cao.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau, trước kia, nhiều địa phương thuộc các huyện Thới Bình, U Minh, Trần Văn Thời và TP.Cà Mau, sản xuất lúa vô cùng khó khăn do đất bị nhiễm mặn, năng suất thấp, nên thu nhập của người dân rất hạn chế. Sau khi chuyển sang áp dụng mô hình tôm - lúa, hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 -3 lần so với chỉ trồng lúa. Trung bình khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha. Từ hiệu quả thực tế, mô hình nhanh chóng lan rộng và phát triển tại Cà Mau. Đánh giá về ưu điểm của mô hình tôm-lúa, Ông Nguyễn Văn Tranh, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Cà Mau cho biết thêm:

“Thời tiết của mình phân chia ra hai mùa mưa nắng rõ rệt. Mùa nắng tập trung nuôi tôm, mùa mưa cải tạo đất trồng lúa. Cắt được mùa vụ nuôi tôm để mình trồng lúa, khi mà trồng lúa tạo được môi trường mới, trở lại nuôi tôm hạn chế được mầm mống bệnh. Đó là mô hình sản xuất bền vững. Ngoài nuôi tôm ít dịch bệnh, tương đối ổn định rồi thì lúa là một trong những nguồn thu nhập cũng khá vì sản xuất lúa trên đất nuôi tôm rất ít chi phí. Lúa làm trên đất nuôi tôm là lúa sạch”.

Cùng nhau nỗ lực, tạo ra những mắt xích thật chặt chẽ để hỗ trợ và tạo động lực phát triển cho nhau trong tương lai

Bàn về giải pháp phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, một trong những nội dung trọng tâm được các chuyên gia đưa ra đó chính là liên kết vùng, liên kết để tăng nội lực, tăng sức mạnh cạnh tranh và bắt tay nhau giải quyết những vấn đề cấp bách mà Đồng bằng đang phải đối mặt theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ. Thế nhưng, nhìn lại năm qua, rõ ràng các địa phương ĐBSCL vẫn đang gặp nhiều lúng túng khi triển khai. Ông Lê Minh Hoan, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp nêu rõ:

“Nếu chúng ta kêu gọi sự liên kết vùng thì tôi đề nghị chúng ta liên kết trong nội bộ các tỉnh trong vùng với những nhóm nghiên cứu mang tính chất đồng bộ. Với nghị Quyết 120 nếu chúng ta ngồi lại, ĐH Cần Thơ là người đứng đầu câu chuyện để khuyến nghị từng phần. Thì mỗi phần đó chính là tập tài liệu để khuyến nghị chính sách, hơn là trông chờ. Hoặc ít nhất thể hiện sự chủ động của mình trong quá trình đề đạt Chính Phủ. Tôi có niềm tin rằng nếu chúng ta thuyết phục được trong nội bộ thì sẽ thuyết phục được Thủ tướng và các bộ ngành”.

Là trái tim của ĐBSCL, sau hơn 15 năm nỗ lực không ngừng để xứng tầm thành phố trực thuộc trung ương, thời gian qua, thành phố Cần Thơ đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển bền vững nhằm thích ứng với biến đổi BĐKH theo Nghị quyết số 120 của Chính phủ đề ra, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển chung cho toàn vùng.

Năm 2019, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ sẽ có những định hướng như thế nào để phát huy tối đa vai trò liên kết và điều phối của mình đối với các địa phương khác trong vùng cũng như hướng đến việc chuyển mình trở thành “một đô thị sông nước, đô thị sinh thái đáng sống”? Sau đây là cuộc trao đổi của PV Kênh VOV Giao thông cùng ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ.

PV: Xin chào đồng chí Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ. Thưa đồng chí, năm 2018 là năm đánh dấu một chặng đường 15 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương. Xin đồng chí đánh giá những thành tựu nổi bật mà Cần Thơ đạt được trong 15 năm qua. Đồng thời, hiện nay, thành phố còn những khó khăn gì cần tập trung giải quyết?

Đồng chí Trần Quốc Trung: Trong 15 năm qua, với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của Trung ương, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đã đạt được thành tựu to lớn, tương đối toàn diện, bước đầu thể hiện vị trí, vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long trên một số lĩnh vực như: thương mại - dịch vụ, giáo dục - đào tạo và y tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức khá cao, GDP giai đoạn 2004 - 2014 tăng bình quân 14,15%/năm; GRDP giai đoạn 2015 - 2018 tăng bình quân 7,56%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2018 ước đạt 103.270 tỷ đồng, gấp 9 lần so với năm 2004; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 10,32 triệu đồng năm 2004 lên 80,48 triệu đồng năm 2018, gấp gần 8 lần so với năm 2004; du lịch có bước phát triển khá, doanh thu tăng bình quân 24,8%/năm và tăng hơn 20 lần so với năm 2004.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, theo hướng phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao. Công tác cải cách hành chính được tăng cường, thành phố được xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Tốt”; quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng, vị thế thành phố được nâng cao, tạo thế và lực mới cho thành phố đẩy mạnh phát triển và hội nhập.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố, một số công trình mang tính kết nối như: Cầu Cần Thơ, Cảng biển Cái Cui, Cảng Hàng không Quốc tế Cần Thơ, quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ 61C, Cầu Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến Bốn Tổng - Một Ngàn…; một số công trình thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội như Bệnh Viện đa khoa thành phố, Bệnh viện Nhi đồng, Thiền viện trúc Lâm Phương Nam, Đền Thờ Châu Văn Liêm, khách sạn 5 sao Mường Thanh, khu phức hợp cao tầng và nhà phố thương mại VinCom Shophouse, Khu nghỉ dưỡng cao cấp Azerai Cần Thơ, đạt chuẩn 5 sao…

Công tác xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Đến nay, thành phố có 33/36 xã và 2/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt chỉ tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2015 - 2020. Chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đến nay còn 1,53%. Quốc phòng - an ninh được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực.

Đặc biệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 11, khóa 12) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa 11) và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa 12) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt nhiều kết quả tích cực, tạo sức lan tỏa trên các lĩnh vực trong đời sống xã hội, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên.

Tuy nhiên, kinh tế thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò trung tâm, động lực phát triển của vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học chưa đáp ứng tốt cho công tác dạy và học; tình trạng quá tải ở một số bệnh viện chậm được khắc phục. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, từng lúc, từng nơi còn diễn biến phức tạp. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chưa thật tinh gọn, một số cán bộ, đảng viên sai phạm bị thi hành kỷ luật, xử lý theo pháp luật vẫn còn xảy ra ở một vài cơ quan, đơn vị.

PV: Đảng bộ TP.Cần Thơ sẽ tiếp tục lãnh đạo thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào để đưa thành phố phát triển mạnh hơn trong thời gian tới thưa ông?

Đồng chí Trần Quốc Trung: Để thành phố phát triển mạnh hơn trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố Cần Thơ tập trung lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau:

1- Tiếp tục phát huy đồng bộ các yếu tố tiềm năng, lợi thế; tập trung huy động tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Cải thiện môi trường thu hút đầu tư; nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh nền kinh tế; đặc biệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị định số 103 ngày 07/8/2018 của Chính phủ về quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố Cần Thơ; xem đây là điều kiện thuận lợi, cơ hội để thành phố phát triển nhanh và bền vững.

2- Đẩy mạnh đầu tư, kêu gọi thu hút các nguồn lực đầu tư và tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để phát triển nhanh, mạnh hơn và đồng bộ hơn về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và liên kết vùng.

3- Tập trung phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện con người. Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giữ vững sự ổn định về chính trị để phát triển kinh tế - xã hội.

4- Chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa 12) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa 12) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố, nhằm sớm khẳng định vai trò của Cần Thơ là trung tâm động lực phát triển của vùng theo tinh thần Nghị quyết số 45 của bộ Chính trị (khóa 9) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Vâng! Xin cảm ơn đồng chí Bí thư đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

Đó không chỉ là mong ước của riêng thành phố Cần Thơ mà còn là sự quyết tâm chung của cả vùng ĐBSCL. Trên nền tảng của năm 2018 vừa qua, chúng ta sẽ cùng nhau nỗ lực, tạo ra những mắt xích thật chặt chẽ để hỗ trợ và tạo động lực phát triển cho nhau trong tương lai.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Vì sao cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đối mặt nguy cơ không có đơn vị vận hành, bảo trì?

Những bất cập trong các thủ tục bàn giao lẫn việc thanh toán chi phí quản lý vận hành cho đơn vị phụ trách đã khiến tuyến đường này gặp nhiều khúc mắt khi bị cắt điện tại các nút giao lớn hay nghiêm trọng hơn là đứng trước nguy cơ không có đơn vị quản lý vận hành, bảo trì bảo dưỡng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //