Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cơ hội và thách thức cho xuất khẩu nông sản, thủy sản ĐBSCL năm 2019

Phóng viên - 06/02/2019 | 5:29 (GTM + 7)

VOVGT-Trong những năm qua, với nhiều cải tiến trong quy trình sản xuất, nguồn nông sản, thủy sản của ĐBSCL ngày càng đảm bảo về chất lượng lẫn sản lượng...

ĐBSCL được biết đến là vùng đất đai trù phú, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

ĐBSCL được biết đến là vùng đất đai trù phú, mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày đặc, cộng với điều kiện vị trí địa lý, khí hậu thuận lợi nên người dân nơi đây dễ dàng sản xuất nông nghiệp cũng như đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản.

Trong những năm qua, với nhiều cải tiến trong quy trình sản xuất, nguồn nông sản, thủy sản của ĐBSCL ngày càng đảm bảo về chất lượng lẫn sản lượng.

Bên cạnh việc khai thác tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa, sản phẩm mà bà con tạo ra đã và đang được các thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng. Nhân dịp đầu xuân mới, xuân Kỷ Hợi 2019, mời độc giả cùng đến với góc nhìn tổng quan về một năm đã qua, với những điểm sáng đáng ghi nhận trong việc xuất khẩu nông sản, thủy sản của ĐBSCL và những kỳ vọng cho năm mới 2019.

Năm 2018 là một năm mà thị trường thế giới có nhiều biến động, sự cạnh tranh ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nông sản – thủy sản của nước ta nói chung và ĐBSCL nói riêng. Tuy nhiên, các mặt hàng nông – thủy sản vẫn tiếp tục cho thấy tiềm năng không nhỏ trên thị trường.

Nhiều mặt hàng nông sản chinh phục được các thị trường lớn, thị trường nổi tiếng “khó tính”, trong khi các mặt hàng thủy sản tiếp tục được các thị trường ưa chuộng. Năm 2018, ước tính kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam cả năm đạt vượt mức kỷ lục 40 tỷ USD.

Đây là con số kỷ lục của ngành nông nghiệp Việt Nam, khẳng định vị thế của một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới. Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập – Chuyên gia nghiên cứu về thị trường nông sản cho biết:

“Trong năm 2018, xuất khẩu nông sản của ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục gặt hái được những thành tựu rất ấn tượng. Nó đã góp phần vào mục tiêu chung của cả nước trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta đã vượt cột mốc 40 tỷ USD và thiết lập nên một kỷ lục mới cho ngành xuất khẩu nông sản của nước ta.

Tiếp tục những thành công về nông sản ở ĐBSCL, một số chủng loại cây ăn trái tiếp tục khẳng định vị thế cũng như thương hiệu trái cây của ĐBSCL xuất khẩu sang các thị trường cao cấp cũng như khó tính. Đặc biệt là trái vú sữa, đây là năm thứ hai chúng ta xuất khẩu sang thị trường Mỹ, cũng như mặt hàng xoài, năm vừa qua chúng ta cũng đã thâm nhập thành công, xuất khẩu xoài tươi sang thị trường Hàn Quốc cũng như thị trường Nhật Bản”.

ĐBSCL vốn được biết đến với thế mạnh về lúa gạo

Năm 2018, mặt hàng này tiếp tục mang về nguồn thu đáng kể từ việc xuất khẩu. Theo thống kê, từ năm 1995 đến nay, diện tích, năng suất và sản lượng của ngành lúa gạo liên tục tăng trưởng. Diện tích gieo trồng lúa tại ĐBSCL đã tăng từ 3,2 triệu ha lên khoảng 4,3 triệu ha, năng suất lúa cũng tăng từ 40,2 tạ/ha vào năm 1995 lên 6,7 tấn/ha vào vụ Đông Xuân năm 2018.

Sản lượng lúa ĐBSCL chiếm tới 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tổng kết năm 2018, tính chung cả nước, xuất khẩu gạo đạt trên 3 tỷ USD, giá trung bình 502 USD/tấn. Tỷ trọng gạo xuất khẩu chất lượng cao đã tăng tới 80%.

Đây là những “con số biết nói”, là thành quả của sự nổ lực từ nhiều phía. Xuất khẩu gạo của nước ta đã duy trì xu hướng tích cực ngay từ đầu năm nhờ tín hiệu nhập khẩu trở lại từ nhiều thị trường, theo cả hợp đồng tập trung và hợp đồng thương mại.

Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Mỹ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới (sau Ấn Độ và Thái Lan). Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với mức giá cao, có lợi cho người nông dân.

Đặc biệt, không chỉ gia tăng về sản lượng xuất khẩu, chất lượng các sản phẩm lúa gạo cũng có sự dịch chuyển theo hướng phát triển các mặt hàng gạo chất lượng cao, gạo thơm – dẻo, thay vì tập trung vào các sản phẩm gạo chất lượng trung bình như trước đây.

Cùng với đó, chính sách mới quản lý điều hành xuất khẩu gạo qua việc Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107 ngày 15/8/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo giúp cho việc xuất khẩu gạo dần dần được hình thành một cách hệ thống.

Thể chế chính sách xuất khẩu gạo đã từng bước theo hướng tự do hóa, dần phù hợp với quy định của quốc tế, loại bỏ các rào cản gây bất lợi cho thương nhân trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương phân tích:

“Về mặt thể chế, chúng ta thấy rằng 2018 là năm có dấu ấn đặc biệt. Đây là năm đầu tiên triển khai quyết định 942 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược xuất khẩu gạo. Đây cũng là năm mà có những thay đổi đột phá về mặt cơ chế khi có Nghị định 107 thay thế 109. Qua đó, đáp ứng mong mỏi không chỉ của các doanh nghiệp mà của cả các địa phương, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL”.

Nhiều mặt hàng trái cây của ĐBSCL để lại dấu ấn rõ nét trong năm 2018

Bên cạnh lúa gạo, nhiều mặt hàng trái cây của ĐBSCL đã ghi lại dấu ấn rõ nét trong năm 2018. Điển hình như mặt hàng vú sữa – năm qua là năm thứ hai chúng ta xuất khẩu loại trái cây này sang thị trường Hoa Kỳ với sản lượng tăng gấp khoảng 2,5 lần so với năm trước đó.

Cụ thể, từ tháng 10/2018, nhà vườn tỉnh Tiền Giang đã chuẩn bị khoảng 400 tấn trái Vú sữa Lò Rèn để xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ theo hợp đồng của các doanh nghiệp. Để đảm bảo đủ số lượng cung ứng, hơn 270 nhà vườn ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy và Châu Thành của tỉnh Tiền Giang phải tích cực chăm sóc hơn 100 ha cây vú sữa đã được ngành chuyên môn thẩm định và cấp mã Code vùng trồng truy nguyên nguồn gốc.

Trong quá trình sản xuất, nhà vườn phải áp dụng đúng kỹ thuật về quản lý dịch hại theo yêu cầu của Cơ quan kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ; thực hiện ghi chép nhật kí. Với triển vọng mở ra cho trái vú sữa của Việt Nam khi thị trường nổi tiếng khó tính mở cửa nhập khẩu lọai trái này, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tiền Giang nhận định:

“Thị trường Hoa Kỳ, một thị trường rất khó tính nhưng đã đồng ý nhập hàng vú sữa của Tiền Giang. Hoạch định lại vùng trồng, thứ hai là chúng tôi sẽ triển khai những công việc như từ đây trở đi, người trồng vú sữa phải thực hiện sản xuất theo hướng GlobalGAP. Thứ ba là phải tổ chức lại sản xuất, làm sao kết nối được doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu vú sữa sang thị trường Hoa Kỳ”.

Bên cạnh đó, một loại trái cây khác cũng cần nhắc đến là xoài, điển hình có thể điểm qua mặt hàng xoài ba màu được một số khu vực của tỉnh An Giang trồng chuyên canh. Từ khi UBND tỉnh An Giang phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện dự án “Xây dựng mô hình sản xuất xoài ba màu có quy mô 500 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với chuỗi tiêu thụ sản phẩm ở huyện Chợ Mới”, không bao lâu vùng trồng xoài ba màu này đã xuất khẩu lô xoài sống 4,5 tấn vào thị trường Úc.

Đầu tháng 4/2018, UBND tỉnh An Giang đã thống nhất liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu Chánh Thu ở Bến Tre tiến hành chọn các hộ nông dân trồng xoài tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới sản xuất theo VietGAP để tiến hành lấy mẫu trái phân tích. Đồng thời, tiến hành liên kết Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II để tiến hành khảo sát hiện trạng và cấp mã code cho các hộ dân để xuất khẩu xoài ba màu sống sang thị trường Úc và Mỹ.

Với sự đầu tư nhất định thì hiệu quả kinh tế mà bà con trồng xoài ba màu thu về được cũng xứng đáng với công sức. So với trồng các giống xoài khác như xoài Cát Chu hay xoài Cát Hòa Lộc, thời gian qua, bà con trồng xoài ba màu có được hiệu quả kinh tế cao hơn và ổn định hơn. Ông Nguyễn Văn Hiền – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang chia sẻ:

“Hy vọng với sự phối hợp của các ngành, các cấp, cũng như các địa phương, đặc biệt là bà con nông dân trồng xoài, sẽ sản xuất ra nhiều lô sản phẩm xoài đạt tiêu chuẩn, có cấp mã code để xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Nếu làm được liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có đầu ra ổn định, xuất khẩu sang thị trường các nuớc, vùng trồng xoài chuyên canh ở 3 xã cù lao của huyện Chợ Mới, trong thời gia tới sẽ khả quan hơn”.

Cũng liên quan đến trái xoài, vừa qua, 22 tấn xoài của một đơn vị tại tỉnh Đồng Tháp cũng được xuất sang thị trường Trung Đông. Theo đó, những quả xoài được xử lý để bảo quản theo dây chuyền công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được triển khai tại nước ta.

Theo quy trình chuẩn, xoài sau khi phân loại sẽ được rửa trong bồn xử lý mủ, sau đó rửa lại bằng nước nóng, sấy khô và cuối cùng là dán nhãn, đóng gói. Cách làm này giảm đáng kể lượng nông sản hao hụt và tiết kiệm nhân công. Đặc biệt, giúp xoài có thể bảo quản được từ 25 - 30 ngày.

Sự vươn lên của ngành xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL trong năm 2018

Năm 2018, xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận những gam màu sáng. Theo đó, năm qua, xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 9 tỷ USD, trở thành mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 trong ngành nông nghiệp. Trong đó, cá tra đạt 2,26 tỷ USD, tôm đạt 3,58 tỷ USD,... Sản lượng thủy sản năm 2018 đạt con số cao nhất từ trước đến nay, với 7,74 triệu tấn, tăng 7,2% so với năm trước.

Hầu hết các nhóm sản phẩm đều tăng so với năm 2017, tổng sản lượng thủy sản toàn ngành đạt 7,74 triệu tấn, với sản lượng khai thác đạt gần 3,6 triệu tấn. Những con số thống kê đã phần nào cho thấy sự vươn lên của ngành xuất khẩu thủy sản trong năm 2018, mặc dù đã gặp phải không ít “sóng gió”.

Ông Dương Nghĩa Quốc - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định chung về xuất khẩu thủy sản và đặc biệt là xuất khẩu cá tra trong năm qua:

“Năm 2018 là năm đạt kết quả rất lớn trong 5-7 năm vừa qua. Với kết quả xuất khẩu của cá tra Việt Nam đạt khoảng 2,26 tỷ đô la Mỹ, đây là một kỳ tích. Về mặt sản phẩm có giá trị gia tăng cao thì hiện nay cũng chưa nhiều mà chủ yếu chúng ta xuất khẩu sản phẩm phi-lê thô. Đó là hạn chế đối với ngành hàng cá tra trên thị trường xuất khẩu”.

Nhắc về “sóng gió”, những khó khăn trong xuất khẩu thủy sản, không thể không nhắc đến câu chuyện thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 23/10/2017, Uỷ ban Châu Âu (EC) đã rút "thẻ vàng" đối với thuỷ sản khai thác của Việt Nam và đưa ra 9 khuyến nghị cần khắc phục trong thời gian 6 tháng (đến ngày 23/4/2018).

Theo đó, tấm thẻ vàng được xem như sự thể hiện quyết tâm trong việc tiếp tục cuộc chiến chống lại nạn đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm Minh bạch, thành viên Liên minh nông nghiệp nhận định về những ảnh hưởng của thẻ vàng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản:

“Đương nhiên là phải ảnh hưởng rồi, vì họ kiểm tra rất chặt. Và việc xuất khẩu vào trong EU đối với sản phẩm từ biển, hoàn toàn không dễ dàng. Mình thoát khỏi thẻ đỏ thì cũng rất là may rồi, nhưng mà chưa được tự do nếu mình chưa thoát khỏi thẻ vàng. Vụ việc này, tôi nghĩ rằng những áp lực của EU cũng là cơ hội đổi mới ngành khai thác biển Việt Nam.

Mình cũng đã có những tác động từ phía Chính phủ, các tỉnh, ngư dân thay đổi. Vừa rồi trên báo chí cũng có thông tin là Nghị viện châu Âu đánh giá tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình phải làm thực chất hơn nữa, không chỉ vì chuyện thẻ vàng mà còn vì bảo vệ nguồn lợi biển Việt Nam”.

Từ thời điểm thẻ vàng được rút ra đến nay cũng đã hơn 1 năm, nhiều địa phương trên địa bàn cả nước nói chung và tại ĐSBCL nói riêng đã có những nổ lực trong việc khắc phục hạn chế còn tồn tại. Dự kiến, trong tháng 4/2019, đoàn công tác của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam để đánh giá lại một lần nữa kết quả của Việt Nam đã đạt được trong việc khắc phục thẻ vàng.

Do vậy, các địa phương phải thực sự vào cuộc mới mong thoát thẻ vàng từ EC. Quả thực, đây không chỉ là một rào cản với thủy sản nước ta mà còn là dịp để chúng ta nhìn nhận lại một cách sâu sắc hơn về những cái được và chưa được trong quá trình nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Năm 2018 khép lại với không ít những biến động của thị trường nói chung và việc xuất khẩu nông – thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tổng quan, năm qua là một năm khá thành công với những điểm sáng, những tín hiệu lạc quan được thể hiện qua các con số thống kê. Các thị trường lớn đang dần hài lòng hơn với những sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong khi đó, riêng tại ĐBSCL, cá tra, tôm hay các loại trái cây như sầu riêng, xoài, vú sữa,… đang dần khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Từ một vùng đất rộng lớn vốn được biết đến là “vựa lúa” của cả nước, giờ đây, ĐBSCL đã có thể được gọi là “vựa trái cây” hay “vựa thủy sản”, với những tiềm năng được dự báo sẽ còn phát huy hơn nữa trong năm 2019.

Ngành nông sản cũng đẩy mạnh cơ cấu theo hướng tăng trưởng xuất khẩu 

Về nông sản, đầu tiên là câu chuyện sản xuất lúa gạo - đây là mặt hàng truyền thống đang được ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp. Bên cạnh đó, vấn đề thương hiệu cũng đang được quan tâm xây dựng, mang tới nhiều triển vọng trong năm mới.

Tại lễ khai mạc Festival Lúa gạo Việt Nam lần III, năm 2018 tổ chức tại TP Tân An, Long An tối vào 18/12/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chính thức công bố logo thương hiệu Gạo Việt Nam, được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam chứng nhận.

Mặc dù tiềm năng về thị trường vẫn khá lớn nhưng sự cạnh tranh của thị trường lúa gạo xuất khẩu năm 2019 sẽ không hề nhỏ. Các chuyên gia dự báo về một cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn vào năm tới khi các quốc gia thu mua lớn giảm khối lượng nhập hàng, còn những quốc gia xuất khẩu gạo tăng cường đưa gạo ra thị trường quốc tế.

Bên cạnh cây lúa đã là thế mạnh từ bao năm qua, nhiều mặt hàng trái cây đang dần gây dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới, điển hình như xoài, vú sữa, chôm chôm,…

Triển vọng cũng mở ra với trái dừa và bưởi da xanh, khi vào khoảng thời gian đầu năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam đã chính thức cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dừa xiêm xanh và bưởi da xanh tỉnh Bến Tre. Theo đó, khu vực địa lý được xác định là các huyện Châu Thành, Chợ Lách, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại và TP Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý 2 chỉ dẫn địa lý nói trên.

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Sản phẩm có chỉ dẫn địa lý sẽ gia tăng cơ hội xuất khẩu, dễ dàng tiếp cận những thị trường khó tính, nhất là thị trường EU, Mỹ, Nhật. Ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết:

“Cái triển vọng rất lớn, đặc biệt là với thời đại thông tin hiện nay, có những vấn đề sẽ được lan tỏa không riêng gì trong nước mà cả thế giới. Hiện nay, khi Bến Tre được công nhận chỉ dẫn địa lý trên dừa xiêm xanh và bưởi da xanh thì rất nhiều người ở tỉnh bạn chia sẻ, chúc mừng, hoan nghênh.

Phải nói rằng với thời địa thông tin hiện nay thì sức lan tỏa của nó rất lớn. Chính vì vậy, bà con rất phấn khởi, các doanh nghiệp thì có thêm lòng tin, tự tin vào những sản phẩm của mình. Hiện nay thì các hoạt động kinh doanh, sản xuất cũng có nền tảng, cơ sở từ việc chỉ dẫn địa lý này, giúp chúng ta định hướng, tăng lòng tin trong đầu tư, kinh doanh”.

Hay với mặt hàng thịt heo – cũng là nguồn sinh kế chính của nhiều bà con nông dân, chúng ta có thể đặt mục tiêu tốt hơn cho mặt hàng này khi năm qua là năm đầu tiên thịt heo được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Myanmar.

Song song đó, nhiều địa phương cũng đang cố gắng cải tiến, áp dụng quy trình truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Việc truy xuất nguồn gốc được xem như “điểm cộng”, tăng cơ hội cho nông sản làm hài lòng các thị trường khó tính.

Còn với thủy sản, rõ ràng chúng ta có rất nhiều cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, tiềm năng về nuôi trồng thủy sản tại các địa phương ĐSBCL là rất lớn. Trong tháng 01/2019, tại xã Bình Phú, huyện Châu Phú (An Giang), Công ty cổ phần Nam Việt tổ chức lễ khởi công dự án “Nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Bình Phú”.

Dự án có quy mô 600 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Đây được xem là dự án nuôi cá tra công nghệ cao tập trung, có quy mô lớn nhất từ trước tới nay ở khu vực ĐBSCL, cũng như cả nước. Với 600 ha, dự án được chia thành 2 khu:

Thứ nhất là khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích nuôi 150ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng; dự kiến mỗi năm khu này sẽ sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của công ty Nam Việt, số còn lại sẽ cung cấp cho người nuôi cá tra ở ĐBSCL với những con giống sạch bệnh, góp phần nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thứ hai là khu nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao, có diện tích 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; dự kiến khi đi vào hoạt động, mỗi năm, khu này sẽ sản xuất khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng phục vụ chế biến, xuất khẩu.

Tại ĐBSCL, nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, TP Cần Thơ, Bến Tre,… đang phát triển các mô hình nuôi cá tra. Thời gian qua, nguồn cá tra xuất khẩu khá lớn, mang về kinh tế ổn định cho bà con. Nhưng vấn đề đặt ra là việc liên kết vùng còn hạn chế, nguồn con giống chưa được đồng nhất, chất lượng đôi khi không được đảm bảo.

Thế nên, muốn phát triển tốt hơn mặt hàng này, đòi hỏi các địa phương phải bắt tay nhau, thay vì sản xuất riêng lẻ, manh mún theo kiểu tự phát. Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam thì cần thiết phải có một đơn vị “đầu tàu” xây dựng liên kết vùng trong nuôi cá tra:

“Tôi nghĩ tất cả mọi thứ có thể điều chỉnh được, như vậy là phải có ban điều phối. Ban điều phối nghiên cứu trong đầu tư, tỉnh nào đầu tư về con giống, cỡ bao nhiêu, diện tích nuôi bao nhiêu, đầu tư công nghệ gì,…

Ở Trung ương thì có Bộ NN&PTNT hoặc bộ Khoa học & Công nghệ, nhưng ai đứng ra điều phối hoạt động của liên kết này, của từng vùng thì phải có định chế một cách cụ thể và phân công, phân nhiệm chứ không thể nói chung chung. Như vậy, liên kết vùng không chỉ riêng con cá tra mà các chương trình trọng điểm của ĐBSCL thì trong thời gian vừa qua cũng thiếu cái này, điều hành hoạt động cũng bị ảnh hưởng”.

PV VOVGT trao đổi cùng GS TS NGND AHLD Võ Tòng Xuân

Với mong muốn mang đến góc nhìn rộng hơn, đa chiều hơn, không chỉ là những ghi nhận tại ĐBSCL mà còn là những nhận định về tình hình xuất khẩu nông – thủy sản của cả nước, phóng viên Kênh VOV Giao thông đã có cuộc gặp gỡ đầu năm cùng GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia hàng đầu về.

PV: Xin chào GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân! Đầu tiên, rất cảm ơn GS đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện hôm nay! Thưa GS, GS nhận định như thế nào về tình hình xuất khẩu nông sản, thủy sản của ĐBSCL nói riêng cũng như nước ta nói chung trong năm 2018 vừa qua?

GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân: Tình hình xuất khẩu nông sản, thủy sản năm 2018 cho chúng ta một niềm hy vọng phấn khởi. Dĩ nhiên là chúng ta đã cố gắng hết sức từ rất nhiều năm. Kết quả đưa tới là năm 2018 vừa qua, chúng ta có một bức tranh rất khả quan, rất sáng sủa. Một mặt, Bộ Nông nghiệp khai phá được thị trường, để thị trường Nhật Bản đón nhận trái xoài, vải thiều; bên Úc đón nhận vải thiều, vú sữa; ngay cả chôm chôm, bên Mỹ bây giờ cũng rất thích chôm chôm của Việt Nam mình…

Nói chung, nhu cầu về cây ăn quả là rất lớn đối với các thị trường ôn đới, bởi vì người ta rất thích trái cây của mình nhưng trồng không được. Về mặt thủy sản, năm rồi, giá trị chúng ta bán được cũng tương đối cao so với các năm trước.

Có thể nói rằng, đây là một bằng chứng cho thấy, nếu chúng ta đầu tư vào thủy sản một cách đúng đắn thì chúng ta có thể bớt đi diện tích lúa để thủy sản (nhất là thủy sản nước ngọt) phát triển lớn lên thì chúng ta sẽ đạt được thu nhập rất lớn.

PV: Chặng đường 2019 đã mở ra, theo GS thì chúng ta có những cơ hội nào trong việc xuất khẩu nông – thủy sản?

GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân: Có thể nói, Việt Nam của chúng ta, từ miền Bắc vô miền Nam, chúng ta đều có những hệ sinh thái để trồng cây rất ngon, có thể chiếm được thị trường thế giới một cách dễ dàng. Ví dụ, miền Bắc của chúng ta có vải thiều. Vải thiều này rất ngon, nếu trồng cho thật tốt, trồng đúng phương pháp thì có thể “đánh bại” vải thiều của Thái Lan.

Ở miền Nam, chúng ta có những sản phẩm mà thế giới rất “thèm”. Tôi lấy ví dụ như xoài, xoài bên Nhật nếu chúng ta vào trường đấu giá của họ thì một trái xoài lành lặn, không có dấu vết bệnh hoạn gì hết thì có thể bán 15 USD/trái. Tôi đã có vào trong chỗ đấu giá thì thấy rõ ràng thế mạnh của mình rất lớn, nhưng mình không có nhiều trái như thế. Rồi ví dụ như trái bơ, trái bơ của chúng ta thì rất ngon, nhất là bơ sáp…

Hoặc là khóm, bây giờ đất phèn mặn của chúng ta cũng còn khoảng 500.000ha, nhưng trên đất phèn nặng thì chúng ta trồng khóm rất tốt. Thay vì mình mang nước ngọt về trồng lúa thì mình thay cây lúa bằng cây khóm. Mình trồng khóm rồi mình chế biến thành nước khóm cô đặc. Người ta chỉ cần mua nước khóm cô đặc thôi, về người ta sẽ pha loãng, đưa vào trong chai hoặc những hộp, những lon nước khóm.

Cái này rất quý, các nước châu Âu rất tiếc là tại sao Việt Nam không có những sản phẩm này để bán cho người ta. Hiện nay, ĐBSCL cũng có một số cơ sở để chế biến rau quả. Ví dụ, mới đây nhất là hai nhà máy tại Long An và Tiền Giang, hay nhà máy Thuận Phong ở Bến Tre, cũng là chế biến rau quả. Nhưng mỗi vùng trồng cây ăn trái cần có nhiều nhà máy như thế, để khi trái thu hoạch vào thì phải xử lý ngay, đưa trái xuống 5 độ C.

Rồi lựa ra, trái nào tốt để bán tươi, trái nào méo mó hoặc là mình sấy khô, hoặc là mình làm nước quả. Riêng thủy sản, chúng tôi cũng thấy rất triển vọng, bởi người dân trên thế giới đa số ai cũng thích ăn thủy sản. Có một mảng dân rất lớn là những người Hồi giáo, cá là thức ăn chính của họ, đụng qua thịt heo cũng không ăn. Những người theo đạo Hindu thì không ăn thịt bò, nhưng cá thì mọi người ăn, tôm thì mọi người ăn. Thành ra, chúng ta có tiềm năng rất lớn để phát triển nông nghiệp với thủy sản.

PV: Nhiều người cũng lo ngại về những câu chuyện như dội hàng rớt giá, sản xuất thiếu liên kết, không đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu,… có thể tái diễn và trở thành thách thức trong năm mới. Riêng với góc nhìn của GS, thách thức lớn nhất với xuất khẩu nông sản – thủy sản sẽ là gì?

GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân: Qua đài phát thanh, tôi cũng muốn nhắn nhủ với bà con nông dân của mình: Thách thức lớn nhất hiện nay là người nông dân. Bởi vì khó khăn về chính sách cũng đã được khai thoáng. Bây giờ, Nhà nước cho phép không chỉ gói gọn trong trồng lúa mà có thể sản xuất các loại nông sản, thủy sản có gí trị cao hơn. Muốn làm như vậy thì phải sản xuất lớn.

Nếu chúng ta sản xuất nhỏ, manh mún thì cũng sẽ không đạt được chất lượng. Một triệu nông dân, mỗi người làm một cách thì cuối cùng, chất lượng không đồng đều, giá thành sẽ rất cao. Cho nên, phải có những nhà doanh nghiệp đứng chỗ này, để họ nắm lấy các cơ hội, tìm kiếm các thị trường tiềm năng, rồi về có những vùng nguyên liệu lớn.

Thách thức bây giờ là bà con nông dân. Bây giờ tới phiên mình phải thay đổi tư duy, nếu không thay đổi tư duy, mình cứ muốn làm cỏn con nhỏ nhỏ như thế thì mình cứ nghèo hoài như hàng trăm năm nay. Tôi rất mong rằng, trong dịp Tết này, nhiều bà con nghe được, để khi các nhà doanh nghiệp có được đầu ra của sản phẩm, cần nguồn nguyên liệu thì người ta sẽ bàn tính với địa phương.

Từ đó, quy hoạch một vùng nguyên liệu cho nhà doanh nghiệp này thì bà con sẽ hợp thành Hợp tác xã kiểu mới, như ý của Thủ tướng đã nêu ra cách đây mấy tháng. Tức là, mình sẽ làm một chuỗi cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp này. Chắc chắn, mình sẽ có được kỹ thuật cao, giống tốt, sự hướng dẫn.

Rất mong rằng, năm tới này sẽ bắt đầu việc mọi người chuyển mình, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ một cách rất thành công. Tức là, mọi người đều sẽ chuyển tới hướng làm giàu chứ không phải làm ăn nữa.

PV: Dạ vâng! Một lần nữa xin được cảm ơn GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện cùng chương trình! Bước sang năm mới, mến chúc GS sẽ luôn dồi dào sức khỏe và có thêm nhiều đóng góp, sáng kiến cho việc phát triển nền kinh tế nước nhà!

Năm 2019 mở ra với nhiều kỳ vọng cho thị trường xuất khẩu nói chung, trong đó có các mặt hàng nông – thủy sản. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu 43 tỷ USD, tăng trưởng GDP ngành đạt 3,0%. Riêng về xuất khẩu thủy sản, năm 2019 sẽ hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD.

Điều quan trọng không phải là việc những con số này có quá lớn hay không mà là chúng ta sẽ làm gì để đạt được nó. Với những nổ lực trong việc xây dựng thương hiệu, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, chúng ta sẽ cùng đặt niềm tin vào một năm bức phá của xuất khẩu nông – thủy sản, mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo đà cho sự phát triển của ĐBSCL – vựa lúa – vựa trái cây – vựa thủy sản của cả nước.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Giá vàng SJC sẽ giảm mạnh?

Sáng nay (25/3), giá vàng SJC quanh mốc 80 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn 69 triệu đồng/lượng sau 1 tuần giảm mạnh.

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Công tác xã hội ngành y, điểm tựa cho những bệnh nhân hiểm nghèo

Năm 2010, Chính phủ lấy ngày 25/03 hằng năm làm Ngày Công tác xã hội làm dấu mốc quan trọng khởi đầu phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam.

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Lựa chọn SGK: Phát huy sự chủ động của các trường

Các cơ sở giáo dục trên cả nước đang gấp rút lựa chọn SGK năm học 2024-2025 cho học sinh lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Quyền chọn SGK được giao cho các trường, làm thế nào để thầy cô phát huy vai trò tự chủ, trách nhiệm, đồng thời hệ thống được kiến thức những năm học trước đó cho học sinh?

Nơi âm dương không cách trở

Nơi âm dương không cách trở

Phố Giáp Nhị (Q. Hoàng Mai) có nhiều ngõ ngách chằng chịt đặc trưng đúng chất Hà Nội phố. Nhưng có điều kỳ lạ khi khám phá ngang dọc con phố này sẽ thấy một khu phố mà người dân đang chia sẻ không gian sống với những ngôi mộ.

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói 120.000 tỉ giải ngân chậm: “Miếng bánh” sắp hết hạn mà “tủ kính” lại khó mở

Gói tín dụng 120.000 tỉ đồng từ khi được công bố đã đem lại kỳ vọng giải bài toán nhà ở xã hội một cách bền vững. Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm, nhiều dự án không thể triển khai, người thu nhập thấp vẫn chưa thể chạm vào cơ hội có được nơi an cư.

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Doanh thu 12,5 triệu đồng/tháng phải đóng thuế: Liệu có phù hợp?

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng doanh thu chịu thuế VAT với cá nhân, hộ kinh doanh là 150 triệu đồng/ năm, tăng 50 triệu đồng so với quy định hiện hành.

Bình trà đá nghĩa tình

Bình trà đá nghĩa tình

Không riêng tại thành phố Hồ Chí Minh mà thời gian gần đây, trên một số tuyến đường ở ĐBSCL, chúng ta không khó bắt gặp hình ảnh những bình trà đá miễn phí dành cho mọi người, đặc biệt là bà con lao động khó khăn xuất hiện ngày càng nhiều.

// //