Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chở quá tải: Căn bệnh trầm kha của đường thuỷ

Phóng viên - 15/05/2017 | 11:33 (GTM + 7)

VOVGT – An toàn giao thông đường thuỷ chưa bao giờ hết nóng khi ngày càng có nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết nhanh chóng…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ảnh minh họa – Tuổi Trẻ

Tình trạng mất ATGT đường thuỷ từ lâu đã ở mức báo động, với hậu quả là mỗi năm trung bình xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong xã hội. An toàn giao thông đường thuỷ chưa bao giờ hết nóng khi ngày càng có nhiều vấn đề cấp thiết cần được giải quyết nhanh chóng và triệt để.

Cùng với việc quá tải trọng của các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ diễn biến phức tạp trong một thời gian dài, khiến các cơ quan quản lý phải vào cuộc siết chặt kiểm tra, xử lý thì trên đường thuỷ, tình trạng quá tải cũng không thua kém.

Một số người dân cho biết: “Dạo gần đây, tôi thấy cái gì cũng chở quá tải hết. Ghe, thuyền, xà lan chở cát, vật liệu xây dựng rất nhiều, vượt trọng tải cho phép. Điều này tôi nghĩ rất nguy hiểm và cần cơ quan chức năng xem xét mạnh tay”. Một người khác cho biết thêm: “Nhiều tàu chở quá tải đến mức nước tràn lên mặt boong như vậy rất là nguy hiểm. Chưa kể đến việc ghe tàu chở khách với số lượng ban đầu chỉ có 30 người thôi, nhưng chủ tàu lại muốn chở nhiều hơn nên vượt hơn con số đó. Tôi thấy việc chở quá trọng tải cho phép như vậy là hết sức nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn xảy ra như chìm tàu, lật tàu vì chao đảo”.

Nghe các ý kiến tại đây:

Đó là ý kiến của một số thính giả khi được hỏi về tình trạng chở quá tải trọng cho phép của các phương tiện thuỷ nội địa hiện nay. Không đăng kiểm phương tiện, không có bằng cấp chuyên môn lái tàu, bất chấp nguy hiểm chở quá tải… là những vi phạm phổ biến của hàng vạn phương tiện vận tải thủy ở nhiều nơi, đe dọa mạng sống của chính mình và những người tham gia giao thông khác.

Ghi nhận tại sông Tiền, sông Hậu và nhiều nhánh sông nhỏ tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi cuộc sống hằng ngày của người dân gắn liền với sông nước, nhiều tàu, ghe, sà lan… chở quá tải vẫn “vô tư” lưu thông bất kể ngày hay đêm.

Theo quan sát, hầu hết phương tiện đều chở hàng quá mớn nước. Thậm chí có sà lan chở hàng nước ngập hết mạn, tràn lên cả boong, chỉ nhô lên phần cơi hầm hàng, ì ạch vượt sóng. Nhiều chiếc có cảm giác chỉ cần gặp sóng mạnh là bị chìm. Ban đêm, các tàu hoạt động rầm rộ hơn, hầu hết đều chở hàng trong trạng thái mấp mé mép nước.

Không chỉ tuyến sông Tiền, sông Hậu ở miền Tây Nam Bộ mà ngay cả trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, các sông ở khu vực Đông Nam Bộ và nhiều nơi khác, tàu thuyền quá tải cũng chạy nườm nượp. Các phương tiện này chủ yếu chở vật liệu xây dựng như: than, gạch, đá, cát, xi măng.... Đa số các tàu, sà lan này có trọng tải từ 150 đến 1.500 tấn.

Chính vì vậy, khi đang chạy trên sông, nếu gặp tàu ngược chiều, tốc độ cao sẽ tạo sóng, gây nguy hiểm cho phương tiện, mất ATGT đường thủy.

Nạn chở quá tải trên đường thủy đã diễn ra từ nhiều năm qua, dù Cục ĐTNĐ VN năm nào cũng có chỉ đạo ngăn chặn tình trạng trên. Thậm chí, Cục ĐTNĐ VN còn quy định phương tiện trong mùa lũ phải giảm tải ít nhất 10% tải trọng so với bình thường. Tuy nhiên, tình hình không mấy chuyển biến. Vì sao lại xảy ra tình trạng “nhờn luật” của cánh tài công điều khiển phương tiện thuỷ nội địa như vậy?

Trung tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng tuyên truyền Cục CSGT chia sẻ: “Một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông đường thuỷ có ý thức chưa tốt, còn thấp, không chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, một phần do thiếu hiểu biết, vì trình độ tiếp nhận thông tin còn hạn chế, một phần nữa là người ta vẫn biết nhưng vì mục đích kinh doanh lợi nhuận nên người ta cố tình vi phạm. Ở đây, cái ý thức chủ quan của người tham gia giao thông đường thuỷ là một trong những nguyên nhân cơ bản gây ra tai nạn giao thông đường thuỷ. Theo tổng hợp của chúng tôi thì có đến 60, thậm chí hơn 60% số vụ tai nạn liên quan đến ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện”.

Trung tá Nguyễn Quang Nhật nói:

Ngoài những nguyên nhân như phân tích của Trung tá Nguyễn Quang Nhật, thì cũng phải thừa nhận rằng do công tác tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chuyên ngành trên sông còn hạn chế và biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe (mức xử phạt thấp, không tạm giữ phương tiện) nên đã dẫn đến tình trạng tàu, ghe, sà lan chở quá tải trọng thường xuyên xảy ra, dần dà dẫn đến tình trạng “nhờn luật” như hiện nay.

Sà lan chở cát quá tải trên kênh Chợ Gạo, Tiền Giang

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thái, chánh văn phòng UBATGT Quốc gia cho biết: “Hiện nay với những đối tượng điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa gây hậu quả nghiêm trọng, căn cứ vào mức độ nghiêm trọng, căn cứ theo bộ luật hình sự thì cũng có thể áp dụng xử phạt hình sự, ví dụ như điều khiển phương tiện gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị phạt từ 3-10 năm, gây ra đặc biệt nghiêm trọng thì có thể bị tù đến 10 năm, ngoài ra còn bị đình chỉ không được thực hiện điều khiển, đảm nhận chức vụ”.

Ông Nguyễn Trọng Thái cho biết:

Trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa đã chứng kiến nhiều vụ tại nạn đặc biệt nghiệm trọng, gây nên những hậu quả thương tâm, hằn sâu trong ký ức của những người may mắn thoát được lưỡi hái tử thần. Hẳn ai cũng nhớ vụ tai nạn giao thông đường thủy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra sáng ngày 30 Tết Kỷ Sửu (25/1/2009) tại bến đò xã Quang Hải, Quảng Trạch, Quảng Bình. Do chủ phương tiện không chấp hành nghiêm các quy định về an toàn, cố tình chở quá tải đã làm lật đò khiến 42 người thiệt mạng, gây dư luận quan ngại trong xã hội.

Hay việc tàu đánh cá “hóa kiếp” thành tàu chở đoàn khách 41 người tham gia lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Gành Hào (huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) mới đây khiến 3 người chết và nhiều người bị thương đã gióng lên hồi chuông báo động tình trạng mất an toàn đường thủy ở khu vực ĐBSCL. Và còn rất nhiều, rất nhiều những sự cố và tai nạn giao thông khác liên quan đến tình trạng chở quá tải trên đường sông suốt thời gian qua.

Để khắc phục tình trạng này và nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện thuỷ nội địa, ông Nguyễn Trọng Thái, chánh văn phòng uỷ ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết thêm: “Tuyệt đối chấp hành các quy định về an toàn giao thong thuỷ nội địa, các quy tắc thuỷ nội địa, đảm bản an toàn tuyệt đối. Khi mà phát hiện các trường hợp nguy hiểm thì thông báo ngay cho các cơ quan chức năng biết để kịp thời xử lý. Còn về phía cơ quan chức năng thì tăng cường công tác quản lý của phương tiện thuỷ, đảm bảo luồng tuyến, phát hiện và xử lý ngay các trường hợp vi phạm không đảm bảo an toàn, không có giấy phép, vi phạm chở quá tải, quá số người quy định thì phải xử lý nghiêm”.

Ông Nguyễn Trọng Thái nói:

Trên thực tế, ở mạn phải của các tàu đều có vạch ngang đánh dấu mớn nước, nếu mực nước vượt qua vạch dấu này nghĩa là tàu chở quá tải. Không chỉ quá tải trong hoạt động vận tải hàng hoá mà trong vận tải hành khách, du lịch cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Vì vậy, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy vào mùa du lịch, mùa mưa bão như hiện nay là một việc rất cần kíp, phải nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng ngừa, tránh xảy ra tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Có thể nói rằng, chở quá tải là “căn bệnh trầm kha” của vận tải đường thủy hiện nay. Ở đâu cũng thấy “thi nhau” chở quá tải, bất kể sông lớn hay sông bé, mùa lũ hay mùa cạn. Tàu càng to, mức độ chở quá tải càng lớn, từ tàu chở than, xi măng, phân bón, đến chở cát, sỏi, đá... thậm chí cả chở người, chẳng có chiếc nào hở mạn khô. Quá tải gây nên tình trạng “quanh năm mất an toàn”, thế nhưng vì hám lợi nên các chủ phương tiện chẳng hề quan tâm đến sự nguy hiểm luôn treo lơ lửng trước mũi tàu, bất chấp những quy định của pháp luật.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp gây ra tai nạn giao thông đường thủy chiếm tỷ lệ cao nhất trong những năm qua.

Mức độ thiệt hại do loại tàu chở quá tải gây ra cũng rất lớn, hậu quả của những vụ tai nạn này không chỉ làm thiệt hại về người, tài sản hàng hoá của nhà nước, nhân dân mà còn gây hỏng hoặc phá vỡ kết cấu làm suy yếu, làm mất tác dụng của các công trình trên sông, rất khó khắc phục.

Vì vậy, để chữa “căn bệnh” quá tải, góp phần làm giảm tai nạn GTĐT, nhất là về mùa mưa lũ, lực lượng Cảng vụ cần kiểm tra chặt chẽ các phương tiện khi vào nhận, trả hàng, yêu cầu phải dỡ phần hàng quá tải và kiên quyết không cho phương tiện quá tải rời bến, hoặc vào bến. Lực lượng Thanh tra giao thông ĐTNĐ, Cảnh sát GTĐT, chính quyền địa phương sở tại kiểm tra thường xuyên các bến, bãi bốc xếp hàng hóa, nhất là những bến khai thác, kinh doanh cát, sỏi...

Rà soát lại cảng, bến nào không đủ tiêu chuẩn, kiên quyết không cho hoạt động. Kiểm tra, phát hiện kịp thời và đề xuất biện pháp xử lý nghiêm đối với các tàu ghe vi phạm quá tải theo quy định. Điều quan trọng là các phương tiện thuỷ khi đi lại trên sông, phải tuân thủ việc giảm tải theo qui định của pháp luật.

Một “đơn thuốc” nữa không thể thiếu đó là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện Luật Giao thông ĐTNĐ cho người tham gia giao thông. Đồng thời, lực lượng CSGT đường thuỷ, thanh tra giao thông cần tăng cường kiểm tra thường xuyên, liên tục các phương tiện vận tải tham gia giao thông và xử lý triệt để tình trạng chở quá tải, tình trạng thiếu các loại giấy tờ, các văn bằng, chứng chỉ của người điều khiển phương tiện cũng như vi phạm các qui định về trang, thiết bị an toàn, như vậy mới có thể phòng ngừa, hạn chế và làm giảm tai nạn giao thông ĐTNĐ.

Chỉ có như thế mới hi vọng rằng, tình trạng các phương tiện thủy chở quá tải được hạn chế, ý thức các chủ phương tiện thủy nội địa được nâng cao, từ đó đảm bảo an toàn khi vận hành các phương tiện thủy nội địa và đảm bảo bình yên sông nước trong thời gian tới.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Phiên đấu thầu vàng đầu tiên: 80% vàng đấu thầu bị “ế”

Phiên đấu thầu vàng đầu tiên: 80% vàng đấu thầu bị “ế”

Sau khi hủy lịch đấu thầu ngày hôm qua, 10 giờ sáng nay (23/4), NHNN đã chính thức tiến hành đấu thầu vàng miếng đầu tiên trong năm 2024, sau 11 năm dừng hoạt động này. Kết thúc phiên đấu thầu, đã có 2 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng 34 lô vàng miếng.

// //