Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cấm quay phim chụp ảnh ở trụ sở tiếp dân khi chưa được cho phép: Có đi ngược lại các quy định hiện hành?

Phóng viên - 10/01/2019 | 7:09 (GTM + 7)

VOVGT - "Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân" - Đây là nội dung đang gây tranh cãi vừa được UBND Tp.Hà Nội ban hành.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lý giải quy định mới này nhằm "chống tình trạng một số người đi theo người nhà đến trụ sở tiếp dân nhưng lại dùng các thiết bị bí mật ghi âm, ghi hình rồi về cắt xén nội dung buổi tiếp, sau đó đưa lên mạng phục vụ những mục đích khác". Vì thế, tất cả nội dung ghi âm, ghi hình đều phải được thực hiện một cách công khai minh bạch.

Sau đó lập biên bản để hai bên thống nhất với nhau về nội dung. Việc sử dụng sau đó cũng được thực hiện một cách công khai minh bạch.

Trụ sở Tiếp công dân TP Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

Ông Nguyễn Thanh Học, người dân phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Tp.Hà Nội cho rằng, việc người dân đến cơ quan công quyền để kiến nghị, khiếu nại là chuyện hết sức bình thường. Khi đó, cán bộ được giao trách nhiệm tiếp dân cần phải biết lắng nghe ý kiến của người dân và có những đề xuất, biện pháp xử lý thích hợp. Hơn nữa, với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra thì việc ghi âm, ghi hình sẽ có tác dụng để mỗi người dân thực hiện quyền giám sát những người thi hành công vụ.

Do đó, ông Nguyễn Thanh Học bày tỏ băn khoăn khi nghe tin về quy định này:

“Tôi thấy băn khoăn là nếu áp dụng quy định này thì người dân sẽ gặp khó khăn trong việc ghi âm, ghi hình. Việc chờ sự đồng ý của cán bộ tiếp dân sẽ gây ra những phiền hà cho người dân khi tới làm việc nên tôi đề nghị là phải có những quy định cụ thể để người dân được rõ hơn”.

Quy định "không quay phim cán bộ tiếp dân khi chưa được đồng ý" cũng ngay lập tức nhận được nhiều quan điểm trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng quy định này không phù hợp bởi hiện nay cả luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014 hướng dẫn luật này đều không có quy định cấm ghi âm, ghi hình ở trụ sở tiếp công dân. Và cán bộ tiếp dân cũng đang thực thi công vụ, chứ không phải tư cách cá nhân và không thuộc phạm vi bí mật đời tư.

Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, hoạt động của các bộ, công nhân viên chức trong quá trình thi hành công vụ. Trên tinh thần của Hiến pháp, công dân được làm những gì pháp luật không cấm, vì thế quy chế cấm người dân quay phim, chụp ảnh là trái luật, trái với quyền dân chủ và thực hành giám sát của công dân.

“Trụ sở tiếp công dân là nơi người dân thường xuyên ra vào để khiếu nại, kiến nghị, tố cáo, không thuộc khu vực cấm, địa điểm cấm nên không thể có cơ sở để cấm người dân quay phim, chụp ảnh. Thành phố Hà Nội ban hành quy định cho phép người dân được quay phim, chụp ảnh nếu nhận được sự đồng ý của người tiếp dân công dân thì điều này không đúng và cũng rất khó để thực hiện”.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng, quy định này “không sai”, bởi Tổng Thanh tra Chính phủ cũng ban hành quy định không được quay phim, chụp ảnh tại trụ sở tiếp công dân Trung ương khi chưa được sự đồng ý của phụ trách trụ sở tiếp dân. Quy định này nhằm mục đích hạn chế những trường hợp tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội buổi tiếp công dân với những lời lẽ bình luận không đúng mực; thậm chí có một số người không quay phim, chụp ảnh để giám sát mà mang động cơ khác.

Một trụ sở đặt biển cấm ghi âm, chụp ảnh. Ảnh: Tuổi trẻ

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định này của Hà Nội không vi phạm Hiến pháp, pháp luật bởi Hà Nội không cấm mà chỉ nêu khi cán bộ tiếp dân chưa đồng ý thì người dân không được quay, chụp, ghi âm.

“Liên quan tới việc giữ bí mật và đảm bảo cho người tố cáo theo các quy định của pháp luật, nếu người quay và người ghi âm chỉ trong việc của họ thì không vấn đề gì nhưng lại ghi âm cả những phần của người khác vào thì vi phạm nguyên tắc tiếp công dân. Thứ 2 là vấn đề lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự thì cần dẫn tới quy định này”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, về lo ngại các trường hợp công dân lợi dụng việc ghi âm, ghi hình để bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cán bộ tiếp công dân hoặc thực hiện những hành vi nêu trên để gây rối trật tự công cộng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì theo quy định hiện hành, họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với những chế tài hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bởi vậy, khi những cá nhân, công dân có một trong những hành vi vi phạm nêu trên thì những người thi hành công vụ, cơ quan bảo vệ pháp luật đã có đủ căn cứ pháp lý để xử lý bằng những chế tài mà luật pháp đã quy định.

Nhà báo Văn Kỳ Thanh, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam nêu ý kiến:

“Cái quy định như thế này thì Hà Nội phải có những giải thích để người dân hiểu chứ cứ đưa thế này khiến người dân ngỡ ngàng. Đồng thời phải căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện nay để thực thi các quy định cho đúng, cho trúng và không được vượt quá các quy định của pháp luật hiện hành”.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác ngành tư pháp vào chiều ngày 08/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định “Tiếp dân cũng phải ghi âm ghi hình, hỏi cung cũng phải ghi âm ghi hình, quy định như vậy để đảm bảo quyền con người. Đó là những cải cách rất quan trọng trong hệ thống”.

Thuyết phục hay cấm đoán (Bình luận của nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Việc Hà Nội hay chính quyền các đô thị ban hành nội quy, bổ sung quy định để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước là bình thường và cần thiết nhưng rất cần sự giải thích và thuyết phục để người dân ủng hộ, nếu đó là quyết định đúng đắn và cần thiết. 

Người dân khi đến làm việc tại cơ quan tiếp công dân TP Hà Nội không được quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của cán bộ tiếp công dân. (Ảnh minh họa)

Quy định cấm quay phim chụp ảnh, ghi âm ở nơi tiếp công dân khi chưa được sự cho phép của người tiếp dân, mà thành phố Hà Nội vừa ban hành có vi phạm Hiến pháp hay không, có xung đột với các quy định Pháp luật hiện hành về Luật tiếp công dân và quyền hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ hay không, các luật sư đã lên tiếng.

Tuy nhiên, trong sự việc này, điều dư luận mong chờ là câu trả lời thuyết phục của Hà Nội về mục đích của quy định nêu trên.

Hà Nội cấm quay phim chụp ảnh, ghi âm ở nơi tiếp công dân để làm gì? Và vì sao phải cấm?

Hà Nội có lý do để lo ngại về sự trật tự, nghiêm minh ở nơi tiếp công dân có thể bị ảnh hưởng bởi những hành vi quay phim chụp hình tùy tiện, trong thời đại mà người người seo-fi, nhà nhà live-stream mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, có nhất thiết phải ban hành thêm nội quy, khi mọi cơ quan Nhà nước đều vận hành bằng các quy định? Và bất kỳ hành vi xâm phạm quy định nào đều lập tức được bảo vệ của cơ quan cùng các lực lượng an ninh khác sẵn sàng can thiệp.

Nếu quy định này nhằm bảo vệ quyền nhân thân, quyền riêng tư của người tiếp công dân-với tư cách là một công dân, người thi hành công vụ, thì Thành phố có lý do gì ban hành, khi hệ thống pháp luật đã có các quy phạm để bảo vệ những quyền đó? Hình ảnh, giọng nói, cử chỉ, nội dung trao đổi công việc của người tiếp dân…nếu bị người khác ghi âm ghi hình, sử dụng vào các mục đích khác ngoài mục đích tố cáo phản ánh sai phạm, thì cán bộ tiếp dân hoàn toàn có thể kiện, để được pháp luật bảo vệ.

Còn nếu quy định này nhằm ngăn ngừa tình trạng phản ánh, tố cáo sai sự thật, với dụng ý xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tổ chức cá nhân, thì cũng đâu khó để xác minh sự thật của các dữ liệu này, và Luật an ninh mạng sẽ không bỏ qua cho người cố tình xuyên tạc, phản ánh sai sự thật.

Vậy Hà Nội ban hành thêm quy định trong nội quy tiếp dân để làm gì?

Trả lời trên báo chí, một lãnh đạo UBND TP Hà Nội giải thích rằng: tất cả các phòng tiếp công dân ở Hà Nội và của trụ sở tiếp dân của Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều đã trang bị camera ghi âm ghi hình. Người dân có yêu cầu muốn trích xuất lại toàn bộ, sẽ được trích xuất đầy đủ bàn giao và có biên bản cẩn thận.

Nhưng ngay cả camera đã trang bị khắp nơi, thì người dân vẫn chưa hết băn khoăn. Bởi lẽ, chuyện camera đột ngột mất dữ liệu vào đúng khoảng thời gian mà bảo mẫu tát con trẻ ở trường mầm non, vào lúc mà bác sĩ bị tố tắc trách với bệnh nhân trong cơn thập tử nhất sinh, hay mất dữ liệu giám sát hành trình đúng vào thời điểm xác định lỗi trong các vụ tai nạn giao thông … cũng không hiếm. Và nếu khả năng đó xảy ra, người dân sẽ lấy gì để bảo vệ mình, khi không tự quay phim chụp ảnh làm bằng chứng?

Người dân băn khoăn, bởi nếu ở nơi tiếp dân, cán bộ nhân viên luôn ứng xử chuẩn mực, thực hiện đúng các quy định của pháp luật và đạo đức công vụ, thì có người dân nào-dù đã được giải thích- mà vẫn hồn nhiên quay phim chụp ảnh đưa lên mạng cho vui, để rồi ngay lập tức được công an mời lên làm việc?

Rà soát, sửa đổi hay bổ sung các quy định để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước là công việc bình thường của các chính quyền đô thị. Ban hành nội quy để bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của cán bộ tiếp dân cũng rất quan trọng.

Song, điều mà người dân mong đợi là những quyết định được bổ sung phải phục vụ mục đích cao nhất: đó là tăng tính công khai minh bạch cho nền hành chính công. Và rất cần một sự giải thích thỏa đáng để thuyết phục được người dân về sự cần thiết của quy định đó trước khi áp đặt./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

// //