Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Bão số 9: Vẫn còn nhiều người dân chủ quan buôn bán, các tỉnh phía Nam tập trung lực lượng ứng phó

Phóng viên - 24/11/2018 | 3:35 (GTM + 7)

VOVGT-Cấm đò ngang, đò dọc, bến phà, tàu thuyền đánh bắt thủy sản, tàu du lịch... xuất bến hoạt động trước diễn biến của Bão số 9.

Gần như toàn bộ các khu vực vùng ven biển huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã được di dời. Tuy nhiên, còn một số hộ dân chủ quan chưa chịu di dời. Nhiều tiểu thương vẫn vô tư buôn bán, mặc dù chỉ cách một bức tường sóng và gió đang nổi lên.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc Gia, do ảnh hưởng của bão số 9, ở Phú Quý có gió giật mạnh cấp 8; Nha Trang có gió mạnh cấp 6, giật đến cấp 7. Khu vực ven biển Nam Trung Bộ đã có mưa to (50-80mm/12 giờ). Rất có thể trong 24h – 48h tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai mức độ 3.

Dự báo, đến 22 giờ ngày 24/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 150km; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.

Đến 10 giờ ngày 25/11, bão số 9 di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7-8 sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 106,3 độ Kinh Đông, trên đất liền Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông đến 10 giờ ngày 25/11: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Đến 10 giờ ngày 26/11, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.

Từ chiều 24/11, trên đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; riêng vùng ven biển Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8. Sâu trong đất liền các tỉnh Đông Nam Bộ có gió giật mạnh cấp 6-7 và nguy cơ dông mạnh, lốc xoáy trên toàn bộ khu vực Nam Bộ trong chiều 24/11.

Từ chiều và đêm nay (24/11), TP. HCM sẽ có mưa rất to (200-250mm) và có khả năng dông, lốc xoáy. Nguy cơ cao mưa lớn kết hợp triều cường gây ngập lụt trên diện rộng.

Do đó, nhằm tập trung ứng phó với Bão số 9, để đảm bảo an toàn cho người, tàu thuyền nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại mà Bão số 9 gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố yêu cầu các chủ bến và chủ phương tiện đò ngang, đò dọc; tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, du lịch,.. chấp hành lệnh nghiêm cấm xuất bến hoạt động kể từ 13h ngày 24/11.

Gần như toàn bộ các khu vực vùng ven biển huyện Cần Giờ đã được di dời toàn bộ

Thông báo cho các chủ bến và chủ phương tiện về diễn biến của cơn bão số 9 để chủ động tổ chức các biện pháp, phòng, tránh, ứng phó bão; khẩn trương thu xếp các tàu, thuyền đang neo đậu tại bến được an toàn, tránh ảnh hưởng của cơn bão.

Sở GTVT, Công an TP và UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các chuyến đò ngang, đò dọc, tàu du lịch,.. vẫn còn đang hoạt động trên các tuyến đường thủy nội địa, các tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản hoạt động trên sông, rạch; yêu cầu nhanh chóng điều khiển phương tiện cập bến an toàn, tránh để xảy ra sự cố do ảnh hưởng của sóng, gió, mưa bão gây ra.

Bộ Tư lệnh TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an TP tập trung sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động.

Đồng thời, phải cập nhật thường xuyên, kịp thời các tình huống xấu xảy ra (nếu có) về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP qua số điện thoại: (028) 38 297 598, số fax: (028) 38 232 742.

Các địa phương phía Nam tập trung phòng tránh, sẵn sàng ứng phó với bão số 9 và mưa lũ

Bến Tre: Di dời dân ứng phó bão số 9

Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, chủ động ứng phó với bão số 9, cơ quan chức năng địa phương đã liên lạc, kêu gọi tất cả các tàu đánh bắt thủy sản của Bến Tre vào nơi tránh trú an toàn. Tỉnh Bến Tre có 2.558 phương tiện, với hơn 15.600 người, trong đó hoạt động gần bờ 750 phương tiện, đánh bắt xa bờ 1.808 phương tiện, neo đậu trong bờ 591 phương tiện.

Từ 17 giờ ngày 23/11, Bến Tre yêu cầu tất cả tàu thuyền không được ra khơi. Triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó với bão; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, đặc biệt là phương án di dời, sơ tán dân (nắm chắc số lượng người cần di dời, sơ tán; khu vực, địa điểm bố trí sơ tán đến; lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán; chuẩn bị hậu cần tại các điểm bố trí sơ tán).

Các địa phương chủ động quyết định việc di dời dân tại địa phương khi có tình huống xấu do bão gây ra. Chuẩn bị các phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản đối với các phương tiện hoạt động trên sông, trên biển, các khu vực xung yếu, ven biển, cửa sông, các cồn...; bảo vệ các công trình, trạm, trại, các tuyến đê biển, đê sông có nguy cơ mất an toàn; đề phòng tình huống mưa to kết hợp với đợt triều cường ngày 24-25/11 được dự báo ở mức rất cao...

Tiền Giang: Sáng 24/11, tại trụ sở Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Tiền Giang tại huyện Gò Công Đông, UBND tỉnh Tiền Giang đã có cuộc họp khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó cơn bão số 9 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang. Ông Lê Văn Nghĩa chỉ đạo, do đây là cơn bão diễn biến phức tạp nên các cấp, các ngành và nhân dân địa phương, nhất là các huyện, thị ven biển Gò Công cần hết sức đề cao cảnh giác và có biện pháp ứng phó kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, đến sáng 24/11, địa phương đã kêu gọi toàn bộ toàn bộ các phương tiện đánh bắt ven bờ vào nơi tránh trú bão an toàn. Khoảng 1.000 phương tiện đánh bắt xa bờ khác của tỉnh đều hoạt động ngoài vùng nguy hiểm của bão và đang giữ liên lạc thường xuyên với đất liền. Công tác ứng phó bão số 9 tại Tiền Giang cơ bản đã hoàn tất và sẵn sàng, không để thiên tai gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống.

Về diễn biến thời tiết, trên địa bàn các huyện ven biển: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Tân Phú Đông…trời nhiều mây, có mưa nhỏ rải rác. Người dân vẫn sinh hoạt bình thường. Đặc biệt, khu du lịch Tân Thành du khách vẫn tấp nập tham quan, mua sắm.

Chiều nay, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai tỉnh Tiền Giang triển khai các hoạt động cấp thiết như: tuyên truyền, vận động hơn 5.000 hộ dân ở nơi kém an toàn, ở cù lao Tân Phú Đông, huyện Gò Công Đông đến nơi ở an toàn.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch UBND huyện cù lao Tân Phú Đông cho biết: “Bây giờ chủ yếu vấn động dân ở ngoài đê, nhà yếu vào nhà kiên cố an toàn, mình dời vô hết rồi. Từ đây đến tối chắc dời 2000 hộ, có một số hộ họ tự đi. Phà thì cũng đã kiểm tra hết, đảm bảo an toàn. Khi bão vô mình cho vô các ụ để đảm bảo an toàn, khi bão qua mình mới cho đưa khách”.

Bộ đội biên phòng tiếp tục giám sát, không cho các tàu thuyền ra khơi, bắn tín hiệu kêu gọi các phương tiện trên biển vào nơi trú ngụ an toàn

Bạc Liêu lệnh cấm tàu thuyền ra khơi tránh bão số 9

Tiền Giang - Bến Tre: Hơn 20.000 hộ dân di tản, sơ tán vào nơi ở an toàn “né” bão

Bạc Liêu: Cấm tàu thuyền ra khơi 

Thường xuyên kiểm đếm chính xác số lượng tàu thuyền và thuyền viên còn đang hoạt động trên biển; thông tin liên lạc về diễn biến của bão số 9 cho các tàu thuyền còn hoạt động ngoài khơi biết để tìm nơi trú tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng ảnh hưởng của bão: Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 8,5 đến 12,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,0 độ Kinh Đông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương triển khai nhanh các biện pháp bảo vệ sản xuất nếu bão số 9 gây mưa lớn trên diện rộng.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bạc Liêu tiếp tục theo dõi và phát kịp thời các bản tin dự báo về diễn biến của bão số 9, thông tin kịp thời đến Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chủ động ứng phó.

UBND các địa phương tuyên truyền rộng rãi, kịp thời về diễn biến của bão để các cấp chính quyền và nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó cơn bão số 9 xuất hiện trùng với đợt triều cường từ ngày 24-27/11.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân ở các nơi xung yếu để có thể ứng phó các diễn biến bất ngờ của cơn bão số 9.

Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi và chỉ đạo đối phó với mọi tình huống của bão số 9.

Khánh Hòa: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa, do ảnh hưởng của bão số 9, từ tối 23/11 đến trưa 24/11, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mưa nhỏ đến vừa, tổng lượng mưa các trạm đo được từ 19 giờ ngày 23/11 đến 6 giờ ngày 24/11 phổ biển từ 10 – 30mm, riêng khu vực huyện Vạn Ninh (phía bắc Khánh Hòa) lượng mưa đo được 75mm. Hiện chưa có thông tin báo cáo nào từ các địa phương cho thấy bão số 9 gây thiệt hại.

Trước đó, tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp để ứng phó khi các nguồn dự báo thời tiết cho hay bão số 9 sẽ đổ bộ và và ảnh hưởng khu vực Nam Trung bộ. Trên đất liền, các địa phương đã triển khai sơ tán hơn 2.840 hộ dân với hơn 12.000 người tại các vùng trọng yếu có nguy cơ mất an toàn để đến các địa điểm tránh trú tập trung.

Đồng thời các địa phương như: huyện Vạn Ninh, thành phố Nha Trang, Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa tiến hành vận động trên 2.210 người tại các khu vực nuôi hải sản bằng lồng bè vào đất liền tránh trú bão. Trên 340 tàu thuyền đánh cá của ngư dân tại các vùng biển gần bờ cũng đã được thông tin, hướng dẫn vào neo đậu tại các vị trí trú ẩn an toàn.

Hiện các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đạt mức chứa từ 50% – 60% so với dung tích thiết kế. Riêng một số hồ như: Hoa Sơn, Tà Rục, Suối Dầu, Cam Ranh đã đạt dung tích chứa trên 70%, đang được các đơn vị quản lý tiến hành điều tiết, chủ động hạ thấp mực nước nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt vùng hạ du khi có tình huống mưa lớn do bão gây ra.

Phú Yên: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9, ngày 24/11, các khu dân cư ven biển tại thành phố Tuy Hòa đã bị triều cường kèm sóng biển uy hiếp. Chính quyền địa phương đã nỗ lực trong công tác vận động người dân đi tránh trú ở những nơi an toàn.

Khu dân cư Bạch Đằng, phường 6, thành phố Tuy Hòa có 40 hộ dân đang sinh sống. Từ tối 23/11 đến nay, khu dân cư bị triều cường kèm những cột sóng cao từ 3 đến 4m liên tiếp đánh vào bờ, tràn qua kè đá tạm. Nhiều cột sóng phủ lên mái nhà của người dân. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, triều cường, chính quyền địa phương đã vận động người dân di dời đi tránh trú ở những nơi an toàn. Nhưng vẫn còn khoảng 11 hộ quay trở lại bám trụ để giữ tài sản.

Bà Nguyễn Thị Phấn, khu dân cư Bạch Đằng, phường 6, thành phố Tuy Hòa cho biết: Khi nước lớn, thường vào đêm khuya, sóng tràn qua mái nhà. Không còn ai dám ở. Ngày hôm qua (23/11), Ủy ban nhân dân phường có xuống thông báo mọi người phải di dời. Ở đây sợ nguy hiểm. Nhưng đồ đạc nhiều quá mà không có chỗ gửi nên buổi sáng quay về nhà.

Qua kiểm tra thực tế tại các khu dân cư, ông Võ Ngọc Kha, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuy Hòa cho biết: trên địa bàn thành phố có 4 điểm xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng bởi triều cường và mưa lũ đó là: thôn Long Thủy (xã An Phú), khu dân cư Bạch Đằng (phường 6), xóm Rớ (phường Phú Đông) và xã Bình Ngọc.

Đến nay chính quyền các địa phương đã thông báo các hộ dân phải di dời ra khỏi nơi nguy hiểm. Đối với khu dân cư Bạch Đằng có mức độ nguy hiểm nhất khi có triều cường. Còn 11 hộ vẫn quay trở về nhà để giữ tài sản, UBND phường 6 phải phối hợp với Bộ đội Biên phòng cương quyết không cho người dân ở lại nhà, chậm nhất là là chiều nay (24/11); tuyệt đối không để các hộ dân chủ quan để xảy ra thiệt hại về người.

Bình Thuận: Đến 12h trưa ngày 24/11, mọi công tác chuẩn bị ứng phó bão số 9 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành theo chỉ đạo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, hiện tại toàn bộ tàu, thuyền 7.184 chiếc/38.822 lao động đã neo đậu an toàn tại các khu vực tránh trú bão. Tổng số phương tiện thủy nội địa đang neo đậu là 40 phương tiện/203 thuyền viên/52 lao động.

Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận thông báo, bố trí sắp xếp cho các tàu vận tải các khu vực neo đậu tránh bão, hướng dẫn các tàu diễn biến và hướng di chuyển, khu vực ảnh hưởng trực tiếp và đề nghị các chủ phương tiện chủ động chạy thoát ra khỏi khu vực biển Bình Thuận, càng sớm càng tốt, đảm bảo an toàn. Toàn tỉnh hiện có 93 bè/240 lao động, các chủ bè nuôi thủy sản đã chằng buộc chắc chắn, an toàn; đồng thời thực hiện nghiêm lệnh cấm không để người lao động ở lại trên lồng bè, chòi canh trên biển.

Đến 12 giờ trưa 24/11,  trên địa bàn huyện đảo Phú Quý có mưa to, gió mạnh cấp 8; một số cây xanh bị ngã, tuy nhiên chưa có thiệt hại về người.

Lực lượng chức năng đang túc trực để ứng phó với những diễn biến của bão. Bộ đội biên phòng đang túc trực 24/24 để hỗ trợ người dân. Hơn 200 hộ dân khu vực nguy hiểm trên đảo đã được di dời đến nơi an toàn.

Long An: Ông Võ Kim Thuần, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An cho biết, các đơn vị, địa phương đang tổ chức túc trực 24/24, tập trung theo dõi diễn biến của bão để có phương án ứng phó kịp thời.

UBND tỉnh Long An đã có công điện khẩn về việc tập trung ứng phó với bão số 9 và mưa lũ, triều cường, yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng túc trực thường xuyên 24/24.

Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm tra gia cố các tuyến đê bao, bờ bao, cống ngăn triều cường để có kế hoạch xử lý kịp thời các sự cố tràn đê, vỡ đê nếu có xảy ra; vận hành các cống ngăn triều cường hợp lý, không để xảy ra tình trạng ngập úng kéo dài gây ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai.

Đồng thời tổ chức các đội thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, tổ tự quản trực ban cứu hộ, cứu nạn tại các điểm xung yếu, tích cực hỗ trợ người dân đối phó, khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra. “Do thời điểm bão ngay vào ngày nghỉ, nên UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương nghiêm túc chấp hành các nội dung chỉ đạo trong công điện, mở điện thoại 24/24 để cập nhật sớm nhất diễn biến bão để chủ động đề phòng”, ông Võ Kim Thuần nói.

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Chỉ số hàng hóa MXV-Index suy yếu xuống vùng thấp nhất 2 tuần

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới đóng cửa hôm qua với diễn biến phân hoá.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

// //