Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

An toàn giao thông đường thủy cần được quan tâm đúng mức

Phóng viên - 12/04/2017 | 3:31 (GTM + 7)

VOVGT – Vụ TNGT đường thủy tại Gành Hào là hồi chuông cảnh báo về tình trạng quản lý lỏng lẻo và mất an toàn giao thông thủy nội địa hiện nay…

Nghe nội dung tại đây:

Hình ảnh chiếc tàu bị chìm trong vụ tai nạn tại cửa biển Gành Hào

Vào khoảng 10h sáng 6/4, tại cửa biển Gành Hào thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, một tàu cá tham gia lễ hội Nghinh Ông do huyện Đông Hải tổ chức đã bị chìm khiến 2 người chết và nhiều người bị thương. Theo cập nhật đến ngày 9/4 thì vẫn còn 1 nạn nhân nữa chưa được tìm thấy. Đây được xem là vụ tai nạn đường thủy nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại tỉnh Bạc Liêu, làm xôn xao vùng sông nước Nam Bộ những ngày này. Nguyên nhân bước đầu được xác định là do tàu chở quá tải, tài công có dấu hiệu không chấp hành nghiêm các quy định về an toàn giao thông đường thủy. Người vi phạm rồi sẽ chịu bản án của pháp luật, nhưng đằng sau ấy là nỗi đau không thể nguôi nguây của gia đình những nạn nhân.

Vụ TNGT đường thủy tại Gành Hào mới đây như một lời nhắc nhở với ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông, là hồi chuông cảnh báo về tình trạng quản lý lỏng lẻo và mất an toàn giao thông thủy nội địa hiện nay.

Có ý kiến của người dân cho biết: “Trong giao thông đường thủy, vai trò của người lái tàu, lái ghe rất quan trọng vì họ mang trọng trách đảm bảo sự an toàn cho hành khách, cho bản thân họ và cả cho những người cùng tham gia giao thông đường thủy khác nữa…”. Một ý kiến khác cho hay: “…Theo tôi thì việc chở quá số người quy định trên các ghe tàu tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, bởi một con tàu có sức chịu đựng khoảng 10 người, nhưng người lái tàu lại đẩy lên 20 hoặc 30 người, thì rõ ràng sức chịu đựng của con tàu nó quá giới hạn của nó. Khi gặp sóng to, gió lớn thì sẽ rất gây chao đảo cũng như nguy cơ đắm tàu rất là cao”…

Nghe các ý kiến tại đây:

Đó là những ý kiến của người dân về tình trạng mất an toàn giao thông trên các tuyến đường thuỷ nội địa hiện nay mà đa phần xuất phát từ ý thức chủ quan, không tuân thủ những quy tắc đảm bảo an toàn giao thông đường thuỷ. Phải thừa nhận rằng, vận tải đường thủy nội địa đang giữ đà tăng trưởng ổn định, đặc biệt là sự phát triển “nóng” của tuyến vận tải ven biển với tỷ lệ tăng trưởng rất cao, trên 250%. Đây là hạt nhân tích cực trong việc “chia lửa” cho vận tải đường bộ, cũng như phát triển vận tải theo chiến lược chung của ngành GTVT. Thế nhưng, tỉ lệ nghịch với sự phát triển ấy, an toàn giao thông cho loại hình vận tải này lại chưa được sự quan tâm đúng mức.

Liên tiếp trong những năm qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thuỷ để lại những hậu quả nặng nề về tài sản và tính mạng người dân. Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 68 vụ tai nạn giao thông đường thủy, trong đó có nhiều vụ để lại thiệt hại nặng nề. Điển hình như vụ chìm tàu du lịch trên sông Hàn - Đà Nẵng khiến 3 người thiệt mạng hồi tháng 6 năm 2016 làm dấy lên lo ngại về mức độ an toàn của các phương tiện thủy. Một con tàu thiết kế sơ sài, không đủ độ an toàn, không được cấp phép lại đón 56 du khách hoạt động công khai. Hay trước đó, ngày 2/8/2013, khi đang trên hành trình từ Gò Công Đông (Tiền Giang) về Vũng Tàu, ca nô H29-BP chở 30 người bất ngờ bị chìm tại vịnh Gành Rái, cách TP.HCM khoảng 4 hải lý và cách Vũng Tàu khoảng 10 hải lý. Vụ tai nạn khiến 30 người trên tàu trôi dạt trên biển trong điều kiện thời tiết xấu, 9 người tử vong. Và mới đây, dư luận lại bàng hoàng trước sự cố chìm tàu tại Gành Hào - Bạc Liêu.

Điều đáng nói là tài công Doãn Thanh Nam, điều khiển tàu mang biển số BL 93.322 khi xảy ra sự cố không biết chính xác trên tàu mình có bao nhiêu người và chiếc tàu này không nằm trong đoàn tàu của ban tổ chức lễ hội Nghinh Ông. Và cũng rất có thể các tài công đã cố “thi thố” bám đuôi nhau trong quá trình di chuyển, gây mất an toàn giao thông. Nước mắt những gia đình nạn nhân chưa khô. Ánh mắt mỏi mòn ngóng chờ tin con mất tích từ cửa biển vẫn ám ánh bao người.

Ông Dương Văn Sài – nạn nhân trong vụ chìm tàu tại Gành Hào kể lại: “Khi hai ông cháu ngồi sau lái thì có 2 ghe lớn cặp với nhau chạy, nên sóng rất lớn, ghe mới lật ngang…”

Ông Dương Văn Sài nói:

Sẽ còn nhiều điều cần được làm rõ trong vụ tai nạn này. Không thể tưởng tượng được, giữa chòng chành sóng nước, con thuyền nhỏ lại chở hàng chục người mà không hề được trang bị bất cứ một phương tiện bảo hộ nào. Đó là sự thiếu trách nhiệm của tài công, là sự chủ quan của người tham gia giao thông đường thuỷ nội địa. Có nhìn lại các vụ tai nạn mới thấy hậu quả khốc liệt của tai nạn giao thông đường thuỷ không thua kém bất kỳ một tai nạn hay sự cố nào khác.

Nói về mức độ nguy hiểm của tai nạn giao thông đường thuỷ và sự chủ quan, bất chấp quy định an toàn của những người tham gia giao thông bằng loại hình này, ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó trưởng ban chuyên trách Ban an toàn GT Tp.HCM cho biết:“Tai nạn giao thông đường thủy mà xảy ra thì việc giải quyết, khắc phục nó còn khó khăn, phức tạp, gấp nhiều lần so với đường bộ. Mà chở quá tải, phương tiện thì không đảm bảo kỹ thuật, rồi người điều khiển phương tiện, người tài công, người điều khiển chính thì không điều khiển mà lại giao cho những thuyền viên, những người mới điều khiển phương tiện”.

Ông Nguyễn Ngọc Tường cho biết:

Cùng với sự chủ quan của người tham gia giao thông thì cũng phải thừa nhận rằng chính sự lỏng lẻo trong quản lý của các địa phương đã khiến cho tình hình tai nạn giao thông liên quan đến đường thuỷ liên tục gia tăng trong thời gian qua. Phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, thậm chí cũ nát song vẫn tham gia giao thông và đưa đón số lượng khách lớn. Trở lại với vụ chìm tàu tại Gành Hào Bạc Liêu mới đây, câu hỏi đặt ra cho các đơn vị quản lý là trách nhiệm của các đơn vị ở đâu khi giữa lễ hội Nghinh Ông, một trong những lễ hội hàng năm được tổ chức bày bản và có kế hoạch tại các vùng sông nước của bà con ngư dân lại xuất hiện một chiếc thuyền chở hàng chục người hò reo nhảy múa giữa chòng chành sông nước, không áo phao, không bảo hộ mà vẫn được phép bám đuôi đoàn nghi lễ? Và trên thực tế, còn bao nhiêu đoàn thuyền chở quá tải và không đảm bảo an toàn như vậy ngay trong lễ hội này?

Thực tế, trong những năm qua, số phương tiện quá hạn sử dụng, phương tiện hoán cải không đúng quy định, phương tiện cũ nát, phương tiện chưa đăng ký còn nhiều và vẫn lén lút chuyên chở hàng hóa, chở người trên các tuyến đường thủy, nhất là trên các tuyến sông nhỏ, trong khi việc đào tạo thuyền viên, người lái và hoạt động của các bến thủy tại một số địa phương cũng có nhiều bất cập. Điều đó, làm phát sinh tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thủy phức tạp hơn.

Trước thực trạng mất an toàn giao thông đường thủy hiện nay, ông Nguyễn Trọng Thái, chánh văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia lưu ý: “Trước hết, đối với người điều khiển phương tiện, người chủ phương tiện thủy thì phải tuyệt đối chấp hành những quy định của luật an toàn giao thông đường thủy nội địa, đặc biệt là các quy tắc giao thông, các quy định an toàn, kể cả phương tiện, trang thiết bị phải đảm bảo đủ điều kiện quy định. Còn đối với người dân, khi sử dụng phương tiện thủy nội địa thì phải lựa chọn phương tiện đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn, được cấp phép để hoạt động chuyên chở và phục vụ hành khách. Khi mà phát hiện phương tiện không đảm bảo lưu thông thì không lên các phương tiện ấy và phải báo cho chính quyền, cho các cơ quan chức năng xử lý”.

Ông Nguyễn Trọng Thái nói:

Việc bảo đảm an toàn giao thông đường thủy là một việc rất cần kíp, phải nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm tăng cường nhận thức của người tham gia giao thông bằng đường thủy nội địa, các cấp chính quyền địa phương phải đồng bộ nhập cuộc để bằng mọi giá phải kéo giảm TNGT, hạn chế thấp nhất những thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân, bởi lẽ ngoài kia, trên những sông ngòi chằng chịt còn bao nhiêu phương tiện vẫn bất chấp quy định về an toàn đường thủy thản nhiên lưu thông và sẽ còn bao nhiêu vụ tai nạn kinh hoàng ám ảnh xã hội?

Ngoài đảm nhiệm chức năng hoạt động giao thông vận tải, đường thủy nội địa còn là địa điểm để khai thác về du lịch, nuôi, trồng, đánh, bắt thủy hải sản, tổ chức các hoạt động văn hóa - xã hội. Có nhiều địa phương người dân chọn địa bàn sông nước làm nơi cư trú, làm việc, sinh hoạt. Chính sự chênh lệch về trình độ chuyên môn, nhiều người được đào tạo cơ bản, có bằng cấp học vấn và chứng chỉ chuyên môn cao, nhưng cũng có nhiều người tham gia giao thông, làm việc trên đường thủy nội địa có học vấn thấp, điều khiển phương tiện theo thói quen “cha truyền con nối”.

Chính vì thực trạng này mà nhiều người điều khiển phương tiện thuỷ khi hoạt động trên đường thuỷ nội địa không chấp hành các quy định của Nhà nước. Để đảm bảo trật tự ATGT đường thuỷ nội địa đang ở mức đáng báo động như hiện nay thì ý thức người tham gia giao thông là yếu tố quan trọng nhất. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và hướng dẫn việc thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa bằng những hình thức, biện pháp sát thực, cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và dân trí từng nơi. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài, tránh “đánh trống bỏ dùi” như thời gian qua.

Một vấn đề khác cũng cần phải chấn chỉnh và thực hiện tốt hơn. Đó là công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Hiện công tác thanh tra, kiểm tra mới chỉ tập trung ở một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm và trong thời gian cao điểm mà chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục. Tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra.

Chính nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường thủy của người dân còn nhiều hạn chế là nguyên nhân dẫn tới gia tăng tai nạn giao thông đường thủy thời gian gần đây. Vì vậy, để kiểm soát và giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí đến mức thấp nhất thì cần thiết phải tăng cường công tác phối hợp liên ngành giữa 3 Cục (Cục ĐTNĐ, Cục CSGT, Cục Đăng kiểm Việt Nam) để đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, kiên quyết không cấp phép rời cảng, bến đối với các phương tiện vi phạm chở khách quá số người quy định, chở vượt trọng tải cho phép, thiếu trang thiết bị bảo đảm an toàn.

Mùa mưa bão sắp tới, với những diễn biến bất thường về thời tiết, để hoạt động giao thông đường thủy thông suốt, an toàn, các bộ, ngành chức năng cũng cần rà soát, đề xuất bổ sung hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa, về công tác quản lý nhà nước ở địa phương. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này cần phải vực dậy tinh thần của “văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, nhân rộng hơn những mô hình tốt để làm khơi dậy trong người dân tinh thần và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy, xây dựng nếp sống văn hóa khi tham gia giao thông.

Thời gian qua, mỗi mô hình “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” được các địa phương hưởng ứng và thực hiện đều có những điểm mạnh, mang lại những giá trị nhất định. Do đó, để cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” tiếp tục được duy trì thực hiện đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn, trong thời gian tới các địa phương cần tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình “Văn hóa giao thông đường thủy” trong toàn quốc. Tất cả vì mục tiêu giảm thiểu TNGT, vì an toàn của mỗi người dân, vì lợi ích của toàn xã hội.

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

// //