Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Việt Nam và góc nhìn từ 2 thập kỷ chống dịch

Phóng viên - 26/02/2020 | 16:24 (GTM + 7)

Năng lực chống dịch Covid-19 của ngành y tế Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới công nhận và ngợi khen khi 16 người bệnh đều đã được chữa khỏi và xuất viện. Để có được thành quả này, là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều thập kỷ nhằm nâng cao

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chuyện 2 thập kỷ chống dịch của 3 thế hệ blouse trắng

Hôm ấy là Mùng 2 Tết, nhận cuộc gọi triệu tập từ cơ quan, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - chỉ kịp vơ vài bộ quần áo rồi vội vã lên đường.

Khác với trực Tết thông thường, bác sĩ Cấp đã chuẩn bị tâm lý ứng phó với một tình huống khẩn cấp, khi dịch bệnh lạ ở Trung Quốc bùng phát và xâm nhập vào Việt Nam. Do tìm hiểu và lên kế hoạch từ trước Tết 2 tuần, lãnh đạo bệnh viện đã ra mệnh lệnh cho toàn thể cán bộ, nhân viên: Không được rời bệnh viện quá 50 cây số và phải có mặt sau 2 tiếng được triệu tập.

bác sĩ Nguyễn Trung Cấp bước ra từ khu vực điều trị cách ly Covid-19
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp bên trong khu vực điều trị cách ly Covid-19

Giới hạn “50 cây số” và “2 giờ đồng hồ” đồng nghĩa: nhiều y, bác sĩ quê xa Hà Nội sẽ không thể đoàn tụ với gia đình. Ngay cả những người gần Thủ đô cũng không được tận hưởng một kỳ nghỉ đúng nghĩa.

Từ đó đến nay, đã 3 tuần liền, bác sĩ Cấp và đồng nghiệp “cắm chốt” trực chiến nơi tuyến đầu điều trị Covid-19 của cả nước. Cá biệt, có trường hợp ở lại bệnh viện từ… năm ngoái.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ, ngoài việc đề xuất phác đồ điều trị, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, vấn đề ăn uống cho nhân viên y tế, người bệnh trong thời gian cách ly, thì điều mà các bác sĩ quan tâm hơn cả là tâm lý của bệnh nhân:

“Bác sỹ thì khác các bệnh nhân vì họ có thể đi lại, vẫn có thể có giao tiếp với đồng nghiệp, vẫn có công việc để làm. Bệnh nhân thì không có công việc gì để làm cả. Người ta phải ngồi một mình một phòng hoặc nếu như 2-3 người trong một phòng thì phải mỗi người ngồi một góc, không được gần gũi, không được trò chuyện gì cả”

Khi được hỏi, công việc của bác sĩ truyền nhiễm có nguy hiểm? Vị trưởng khoa cấp cứu cười xòa, “nguy hiểm là tất nhiên, nên cần các bác sĩ có tay nghề và có kinh nghiệm ở vòng trong, mà đó chính là trưởng khoa với phó khoa!”.

“Mình cố gắng mình sắp xếp ít người vào trong phòng trong cùng nhất. Cho nên, số người vào có khoảng trên dưới 20 người thôi, còn những người ở vòng 2, vòng ngoài thì họ vẫn có thể đi về được với điều kiện trước khi đi về thì mình tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ”.

Là cấp dưới và học trò của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, chị Nguyễn Thị Thu Hằng, điều dưỡng viên khoa Cấp cứu tâm sự, từ ngày vào Viện đầu mùa dịch Covid-19, chị cũng chưa được về nhà. Thậm chí, có đồng nghiệp của chị bỗng trở nên… vô gia cư, vì chủ phòng trọ và hàng xóm không cho về ở vì sợ lây bệnh.

“Từ Tết tới giờ thì các con phải gửi về cho ông bà chăm sóc vì mình không có ở nhà. Các con thì nhớ, suốt ngày gọi điện hỏi mẹ ơi bao giờ về, bao giờ về đón con, con nhớ mẹ. Nhiều lúc như vậy cũng thấy thương các con lắm. 2-3 tuần chưa gặp con”

Công việc của chị Hằng là buổi sáng 6-7h, đặt suất ăn cho bệnh nhân, mặc trang bị phòng hộ mang vào phòng cho họ. Sau đó theo dõi mạch, nhiệt độ, huyết áp rồi phát thuốc cho bệnh nhân uống. Buổi trưa và chiều tiếp tục lặp lại như vậy. Toàn bộ quá trình trao đổi với bệnh nhân đều qua điện thoại để tránh lây nhiễm chéo. Bản thân các bệnh nhân rất sốt ruột, muốn mau chóng ra viện, nên đội ngũ điều dưỡng luôn động viên, trấn an họ, tạo tinh thần thoải mái nhất để chấp hành phác đồ điều trị.

Mẹ con bệnh nhi Covid-19 3 tháng tuổi trò chuyện với bác sĩ ngày xuất viện
Mẹ con bệnh nhi Covid-19 3 tháng tuổi trò chuyện với bác sĩ ngày xuất viện. 

Vào viện Nhiệt đới công tác được 14 năm, điều dưỡng viên Nguyễn Thị Thu Hằng nói, động lực lớn nhất để chị theo nghề là được thấy những gương mặt rạng rỡ của bệnh nhân khi xuất viện.

“Bệnh nhân ra viện thì các y, bác sỹ ở khoa rất vui mừng, vì mình đã chăm sóc và điều trị thành công cho bệnh nhân. Bệnh nhân không có tiến triển nặng lên  và giúp cho người dân yên tâm, tin tưởng vào đội ngũ y, bác sỹ cũng như ngành y tế”

Một điều trùng hợp, virus gây Covid-19 chính là biến chủng của virus Corona gây đại dịch SARS cách đây 17 năm. Những thầy thuốc tiền nhiệm của bác sĩ Cấp, điều dưỡng Hằng cũng từng trải qua thời khắc “chống dịch như chống giặc”, khốc liệt hơn nhiều lần.

Trong khi trang thiết bị phòng hộ, cơ sở vật chất còn thô sơ, thì độc lực của virus gây bệnh SARS rất cao, tỉ lệ tử vong lên tới 8%. Bên cạnh đó, phải rất lâu sau khi dịch phát sinh, các nhà khoa học mới hiểu được căn nguyên, mầm bệnh và “địch thủ” của họ là ai. Có những kinh nghiệm phải trả giá bằng mạng sống của các nhân viên y tế…

BV cung cấp thời chống dịch Sars
Ảnh bệnh nhân và các y bác sĩ Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, BV Bạch Mai thời chống SARS 2003.

Trong khuôn viên của bệnh viện Việt-Pháp, cạnh cổng ra vào nằm trên phố Phương Mai, Hà Nội, có một ngôi miếu nhỏ ít người vãng lai. Cứ ngày rằm, mùng một, chị Nguyễn Thị Mến- y tá trưởng bệnh viện- lại đến thắp hương, tỏ lòng thành kính với 6 người thầy thuốc Việt Nam và nước ngoài đã ngã xuống trong đại dịch SARS năm 2003.

Ngày đó, một nửa nhân viên của bệnh viện Việt-Pháp nhiễm bệnh, bản thân chị Mến cũng từng bị sốt cao 42 độ C, liệt chân, phải đặt nội khí quản rồi hôn mê. Người nhà chị còn tưởng không qua khỏi, bạn bè nghe tin đã gọi điện chia buồn. Chồng chị thì lo đến mức xuất huyết mắt, mấy năm sau mới khỏi.

“Cái nặng nhất là khi biết tin đồng nghiệp mất. Kinh hoàng và hoảng sợ. Trước đấy mình không bao giờ nghĩ là có ai phải chết cả. Thực ra ai chả sợ chết, người dân thấy dịch bệnh thì đều hoảng sợ tránh xa. Chính điều đấy làm bệnh viện bị cô lập, không ai dám vào tiếp tế, thiếu đồ ăn, thiếu trang thiết bị dụng cụ”

Trong tâm trí của chị Nguyễn Thị Mến, ở bệnh viện thời điểm ấy, ai ai cũng có nguy cơ đối mặt với “tử thần”. Phải đến khi Bộ Y tế quyết định chuyển toàn bộ bệnh nhân sang Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới của Bệnh viện Bạch Mai, rồi cách ly khử khuẩn Bệnh viện Việt-Pháp, dịch bệnh mới được dần đẩy lùi.

Các y tá trong trang phục bảo hộ gội đầu cho bệnh nhân SARS đang bị cách ly, điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Hà – Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Trưởng phòng hồi sức cấp cứu, Viện y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, tiền thân của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chia sẻ: ông từng rơi nước mắt khi không thể lo được cho các y tá đồ phòng hộ tối thiểu trong khi họ là người tiếp xúc với người bệnh thường xuyên nhất. Rất may, sau đó, có viện trợ từ tổ chức quốc tế, các bác sĩ, nhân viên y tế ở Viện mới biết được đồ phòng hộ là như thế nào.

“Phải xin hãng thuốc chứ làm gì có mà lấy. Chúng tôi kiếm không ra. Áo choàng áo giấy làm gì có, phải lấy áo choàng xanh của người nhà bệnh nhân để mặc ra ngoài. Chúng tôi bố trí 3 kíp làm việc, mỗi kip làm 1 ngày, xong rồi bàn giao cho kip thứ 2. Thế nên thời gian tiếp xúc cũng giảm đi, chỉ còn 1/3 thôi”

Đôi tay nhăn nheo, mắt rớm lệ, vừa nâng niu bức ảnh tư liệu chống dịch SARS đã hoen mờ, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà vừa chia sẻ về không khí nghẹt thở những ngày ấy:

“Nhìn ánh mắt người bệnh như là họ cầu cứu, van xin sự giúp đỡ của mình. Máy chỉ hỗ trợ thêm thôi, còn bệnh nhân vẫn phải ngồi tự thở, có những cô giữ bác sĩ lại cả tiếng đồng hồ nói ‘nếu mà anh đi thì em chết mất’. Không khí làm việc lúc ấy dù căng thẳng, biết mình có thể nhiễm, có thể chết, nhưng vì trách nhiệm nghề, vì người bệnh mà sẵn sàng như người chiến sĩ ra trận có thể chết nhưng vẫn xông vào”.

 Y tá Nguyễn Thị Mến nhận hoa chúc mừng hồi phục sau khi nhiễm Sars.
 Y tá Nguyễn Thị Mến nhận hoa chúc mừng việc hồi phục kỳ diệu sau khi nhiễm Sars.

Đến nay, dịch Covid-19 đã và đang được ngành y tế Việt Nam kiểm soát tốt. Kinh nghiệm từ việc chống dịch SARS gần 2 thập kỷ trước, sự hy sinh của những thầy thuốc trong trận chiến năm ấy đã để lại cho thế hệ hôm nay những kinh nghiệm và giá trị tinh thần nhân văn sâu sắc. Và theo như tâm nguyện của chị Nguyễn Thị Mến, cống hiến của những người mặc blouse trắng cần được xã hội ghi nhận, không được và không thể lãng quên!

“Bố mẹ các bạn đau lòng lắm, cứ nhìn thấy tôi là khóc, giá như con cái họ cũng may mắn như tôi. Tôi chỉ có mong muốn là các bạn ấy cũng được ghi nhận như những người lính trên chiến trường. Chúng ta cũng chiến đấu như ngoài mặt trận. Chúng ta thì sẵn sàng hi sinh để cứu người, bởi đấy là nghề nghiệp. Chúng ta không được phép đào ngũ. Chính sự ghi nhận của đất nước là một điều động viên, khích lệ rất lớn cho chúng tôi có tinh thần mạnh mẽ”

Hãy cảm ơn cả những thầy thuốc không… điều trị

Các bệnh nhân covid-19 khỏi bệnh và xuất viện
Các bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh và xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 năm nay, ngành y quyết định không tổ chức các hoạt động kỷ niệm, dồn toàn lực chống dịch. Họ quên niềm vui riêng để vì sự nghiệp chung.

Tôi từng tham dự lễ ra viện cho bé gái 3 tháng tuổi mắc Covid-19 ở Bệnh viện Nhi Trung ương, và cảm nhận rõ được nụ cười nhẹ nhõm, ánh mắt reo vui của các y bác sĩ khi trò chuyện với mẹ cháu qua điện thoại. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Vui hơn nữa, khi bé được mẹ hướng theo nghiệp chữa bệnh cứu người, trở thành một đồng nghiệp với họ trong tương lai.

Niềm vui của các bác sĩ điều trị được khắc họa qua hình ảnh này, được lan truyền, chia sẻ rộng khắp báo chí, truyền thông, mạng xã hội.

Nhưng cũng có những niềm vui lặng lẽ hơn, những người thầy thuốc ấy ngắm nhìn thành quả của đồng nghiệp, chia sẻ với niềm vui của người bệnh, người nhà người bệnh từ hậu trường.

Đó là những thầy thuốc không điều trị. Họ nằm ở tuyến y tế dự phòng, phòng tuyến đầu tiên, trước khi bệnh nhân được nhập viện.

Họ là những cán bộ y tế tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh ngày đêm gõ cửa từng nhà để điều tra dịch tễ, khoanh vùng dịch bệnh, là những nhân viên kiểm dịch ở các cửa ngõ, cửa khẩu, ngăn chặn ca bệnh xâm nhập vào nước ta, hoặc thẩm lậu ra ngoài vùng dịch.

Họ là những kỹ thuật viên xét nghiệm, các nhà khoa học vùi mình trong phòng thí nghiệm để “giải mã” chủng mới virus Corona, đưa ra những mẫu xét nghiệm nhanh, góp phần rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh.

Họ là những cán bộ Trung tâm đáp ứng khẩn cấp dịch bệnh tuyến Trung ương, các chuyên gia cố vấn, thành viên ban chỉ đạo quốc gia đã thức trắng đêm lên phương án chống dịch, cập nhật tình hình diễn biến dịch trên thế giới và trong nước.

Họ là những cán bộ truyền thông y tế đưa ra những khuyến cáo chính thống dưới nhiều dạng thức như văn bản, poster, clip giúp người dân phòng dịch, đồng thời tránh trở thành nạn nhân của tin giả, tin đồn thất thiệt.

Còn nhớ, một cựu lãnh đạo Bộ Y tế từng chia sẻ, nền y học thông minh và nhân văn nhất là hướng vào dự phòng, cần chăm sóc người khỏe để nâng cao chất lượng sống, kéo dài tuổi thọ.

Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, có lẽ, xã hội cần gửi một lời cảm ơn đến các cán bộ y tế dự phòng, những người thầy thuốc không khám bệnh.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //