Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Sức khỏe tài xế: Đảm bảo an toàn theo kiểu cảm tính

Phóng viên - 18/11/2019 | 16:15 (GTM + 7)

Trong số các vụ TNGT nghiêm trọng thời gian gần đây, phần lớn là do lỗi chủ quan của tài xế. Có trường hợp sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy; có trường hợp lái xe quá dài dẫn tới ngủ quên, có trường hợp không đảm bảo sức khỏe nhưng vẫn được cầ

Có nhiều trường hợp sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy... mà dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian gần đây
Có nhiều trường hợp sử dụng chất kích thích như rượu, bia, ma túy... mà dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng trong thời gian gần đây

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Theo khảo sát của Phóng viên Kênh VOV Giao thông, hiện nay, đa số các doanh nghiệp vận tải lớn, có uy tín đều đã bắt đầu trú trọng tới vấn đề sức khỏe của tài xế. Họ thực hiện khá nghiêm túc từ khâu sàng lọc hồ sơ đến kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần theo quy định.

Tuy nhiên, do chi phí này doanh nghiệp phải trả, nên một số nhà xe tư nhân vẫn tìm nhiều cách để trì hoãn, trốn tránh hoặc thực hiện chiếu lệ, dẫn tới những lỗ hổng lớn về điều kiện đảm bảo sức khỏe cho các tài xế. Một số tài xế không qua kiểm tra sức khỏe, chủ yếu chạy xe dựa trên kinh nghiệm cá nhân. Một số tài xế chia sẻ với Kênh VOV Giao thông:

“Công ty tôi quy định khoảng 250- 300 cây là bắt đầu thay tài xế và thay phụ xe. Bắt buộc phải đi kiểm tra sức khoẻ hết chứ, hồi trước là nửa năm, mà nghe nói sắp tới đây 3 tháng kiểm tra một lần”.

“Chúng tôi thường là 6 tháng, kiểm tra ma tuý rồi khám định kỳ các thứ, tuỳ công ty. Cũng tuỳ từng đợt thôi, có đợt kiểm tra kết hợp công ty, cả bên công an, cả bên y tế người ta kiểm tra sức khoẻ, y tế”.

“Mình chạy xe nó nắng nôi, mệt mỏi, rồi mỏi vai gáy khi điều khiển rồi nó quá sức, nên giấc ngủ rất quan trọng. Mình phải đảm bảo thời gian nghỉ, giải lao để lấy lại phong độ”.

“Hằng ngày thì anh em chạy xe cũng thường buồn ngủ, đau vai gáy, đau cả lưng nhưng thường thường mệt thì anh em phải giải lao, mình tìm địa điểm nào nó sạch sẽ, giải lao khoảng 15-20 phút rồi lại tiếp tục dậy đi làm”.

Lái xe, đặc biệt là xe tải, xe khách, là nghề đặc biệt. Nó liên quan tới sự an toàn, tính mạng của rất nhiều người một khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Do đó, vấn đề giám sát, nhắc nhở đối với tài xế đã được quy định khá chi tiết trong Luật giao thông đường bộ và các văn bản dưới Luật.

Tuy nhiên, hiện nay, việc thực hiện còn lơi lỏng. Theo chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy, do ít có chương trình dành riêng cho tài xế, đối tượng này đang khá “cô đơn” trong việc đảm bảo sức khỏe và đa số phải tự tìm hiểu, tự chăm sóc bản thân là chính.

“Nói chung lái xe hiện nay chạy một cách tùy tiện và tự mình chăm sóc mình là chính. Cho nên dẫn đến nhiều tai nạn là do sức khỏe, do làm quá sức, chạy quá thời gian, thời lượng cho phép. Người ta quy định thời lượng là 4 tiếng thôi nhưng có khi 5-7 tiếng ngồi trên xe lái, dẫn đến không sáng suốt, nhanh nhạy và dễ gây ra tai nạn”.

Một lỗ hổng lớn được TS. Nguyễn Xuân Thủy chỉ ra, đó là Việt Nam chưa kiểm tra, giám sát và xử phạt được nhiều trên thực tế đối với những trường hợp lái xe quá giờ quy định. Bởi lẽ, các tài xế vẫn có cách “lách luật” bằng việc chuyển sang lái một chiếc xe khác, hoặc tắt ứng dụng quản lý, giám sát.

Kinh nghiệm nước ngoài cũng khác so với Việt Nam. Các nước nghiêm khắc hơn khi buộc lái xe phải vào các trạm dừng nghỉ để báo cáo, nghỉ ngơi một khoảng thời gian nhất định, sau đó mới được tiếp tục hành trình. Thiết bị giám sát trên các xe cũng có chế độ cảnh báo, nhắc nhở khi lái xe chạy liên tục.

TS. Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, vai trò của chủ xe, chủ doanh nghiệp trong việc giám sát tài xế mang tính then chốt:

“Chủ xe phải có trách nhiệm, phải có quy chế, nội quy, phải nhắc nhở lái xe trước khi thực hiện hành trình. Tức là quy định đến giờ nào đó là nghỉ ngơi. Nếu không có trạm nghỉ ngơi cũng phải tìm chỗ mà nghỉ, thì mới đảm bảo được sức khỏe. Vấn đề khám và chữa bệnh cho lái xe thì các chủ xe cũng lơi lỏng.Vừa rồi chúng ta thực hiện khám lái xe trên toàn quốc thì mới phát hiện ra là nhiều lái xe xì ke ma túy, nhiều lái xe bị bệnh hiểm nghèo mà vẫn tiếp tục ngồi trên ghế lái”.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy, chế tài xử phạt đối với lái xe sử dụng ma túy hiện còn chưa có sức răn đe, cần treo bằng vĩnh viễn với những trường hợp này, chứ không phạt cho lái tiếp.

Đồng quan điểm về vấn đề sức khỏe lái xe đang bị coi nhẹ, TS. Trần Hữu Minh – Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia nhấn mạnh, đây là nguyên nhân dẫn tới sự thiếu tập trung, buồn ngủ, không đảm bảo thể lực, tinh thần của lái xe, dẫn tới những vụ tai nạn nghiêm trọng. 

TS. Trần Hữu Minh kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần đưa ra nhiều chương trình chăm sóc riêng dành cho tài xế, nhóm đối tượng ảnh hưởng lớn tới sự an toàn của mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, TS. Trần Hữu Minh ủng hộ việc triển khai và hoàn thiện sớm hệ thống trạm dừng nghỉ dành cho các tài xế và hành khách đi đường trường.

“Chúng tôi cũng rất kỳ vọng về phía cơ quan quản lý, chúng ta cần sớm hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ ở trên đường cao tốc, tuyến quốc lộ, huyện lộ. Để các lái xe, không những xe kinh doanh vận tải, kể cả lái xe tư nhân, họ có thể nghỉ ở đó 10p, 15p, 30p, 1 tiếng và thưởng thức 1 tách trà nóng, 1 cốc socola nóng. Đây là những thức uống rất lành mạnh, bổ dưỡng, giúp người lái xe có tinh thần, tỉnh táo, với mức giá hợp lý trong chuyến đi tiếp theo”.

Theo TS. Trần Hữu Minh, cơ quan quản lý cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đảm bảo tất cả các quy định của Chính phủ về thời gian làm việc của lái xe tối đa là 10 tiếng/ngày, lái xe liên tục không quá 4 tiếng. Muốn vậy, cần có quy định chi tiết dành cho các doanh nghiệp trong việc khống chế thời gian lái xe, qua đó đảm bảo sức khỏe của người lái.

“Chúng ta tiếp tục kiên trì tuyên truyền, để những thông tin chính thống và bài bản đến với được tất cả những người lái xe trong xã hội. Ngoài ra, chúng ta cần phải rà soát lại những quy trình, các quy định để đảm bảo chúng ta có thể có khả năng phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm về thời gian lái xe của người lái, bao gồm cả việc hoàn thiện những quy trình để phòng, chống, chấm dứt việc gây sức ép của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện lên lái xe ở bất cứ hình thức nào. Đây là những kinh nghiệm quốc tế đã làm rất thành công và chúng tôi cho rằng chúng ta cần tham khảo, sớm áp dụng trong thời gian tới”.

Một trong những vấn đề nhức nhối nhất liên quan tới sức khỏe tài xế hiện nay là vi phạm nồng độ cồn. Do đó, năm 2020, Ủy ban ATGT Quốc gia đã lựa chọn chủ đề “Đã uống rượu bia, không lái xe” để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử phạt với vấn đề phòng chống, lạm dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện cơ giới.

TS. Trần Hữu Minh cho biết, trước đây, Nhật Bản, Hàn Quốc vào những năm 1970, 1980 cũng từng đau đầu về vấn nạn lái xe sau khi uống rượu bia, nhưng bằng những biện pháp sửa đổi văn bản pháp luật, kiên trì thực thi bền bỉ trong 4-5 thập kỷ, đến nay đã kiểm soát được. Vì vậy, Việt Nam cũng có thể tự tin có thể đẩy lùi được vấn nạn ma men lái xe gây tai nạn.

Chúng ta cần nhiều hơn những chương trình chăm sóc tài xế để họ thấu hiểu được vai trò, trách nhiệm và vị trí tối quan trọng của mình trong việc đảm bảo an toàn cho xã hội
Chúng ta cần nhiều hơn những chương trình chăm sóc tài xế để họ thấu hiểu được vai trò, trách nhiệm và vị trí tối quan trọng của mình trong việc đảm bảo an toàn cho xã hội

Đảm bảo an toàn theo kiểu cảm tính

Cách đây không lâu ở một bến xe lớn tại Hà Nội, diễn ra sự kiện “Ngày hội chăm sóc bác tài”. Những nỗ lực của ban tổ chức rất đáng khen khi bố trí nhiều không gian tư vấn, khám sức khỏe, cắt tóc, kiểm tra phương tiện miễn phí với các tài xế.

Nhưng điều đáng buồn là ngoài quan khách, cơ quan truyền thông, thì sự kiện hiếm hoi dành cho cánh tài xế lại vắng bóng chính… tài xế. Chỉ lác đác lái xe ôm ở xung quanh bến xe đến vì tò mò. Rất ít lái xe khách, xe buýt ghé vào sự kiện. Khi được hỏi, đa số nói rằng, họ bận làm việc.

Trách các bác tài thơ ơ với sự kiện dành cho họ một, thì phải trách các doanh nghiệp mười, khi nhà tổ chức đã đưa các dịch vụ chăm sóc tài xế tới tận bến xe.

Thực tế, sự quan tâm của các doanh nghiệp vận tải đối với tài xế là câu chuyện được nhắc đến thường xuyên, nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mực. Các quy định đã có, nhưng việc tuân thủ có nơi vẫn hình thức và đối phó. Cứ vài tuần, lực lượng chức năng lại phát hiện trường hợp tài xế sử dụng ma túy chạy xe từ Nam ra Bắc, vượt hàng nghìn cây số, trong sự “bất ngờ” và vô can của cơ quan chủ quản.

Ủy ban ATGT quốc gia từng nêu hàng loạt nguyên nhân dẫn đến việc tài xế sử dụng chất kích thích, trong đó có sức ép về thời gian chạy xe, về doanh số mà các doanh nghiệp gánh lên vai họ. Rõ ràng, với các doanh nghiệp vận tải, và phần nào đó là một bộ phận tài xế, lợi ích kinh tế đang lấn át so với lợi ích sức khỏe, an toàn cộng đồng.

Một nền giao thông nhân văn và lý tính sẽ tìm mọi cách hạn chế tối đa sai sót yếu tố con người, ngay từ khâu phòng ngừa. Một số nước đã thử nghiệm công nghệ giám sát nồng độ cồn, ma túy, vượt qua được kiểm tra của máy móc, tài xế mới được vận hành xe. Trên đường, không cho máy kiểm tra trong khoảng thời gian nhất định, xe sẽ tự động giảm tốc độ và phát tín hiệu cảnh báo, nhằm đảm bảo an toàn cho những phương tiện xung quanh.

Trong bối cảnh Việt Nam chưa có điều kiện áp dụng công nghệ hỗ trợ tương tự, yếu tố con người vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo ATGT, thì không hệ thống giám sát nào ưu việt bằng sự tự giác, cẩn trọng của những người làm việc trong lĩnh vực vận tải, từ tài xế đến cơ quan quản lý, đặc biệt là sự sâu sát của doanh nghiệp.

Chúng ta cần nhiều hơn những chương trình chăm sóc tài xế để họ thấu hiểu được vai trò, trách nhiệm và vị trí tối quan trọng của mình trong việc đảm bảo an toàn cho xã hội.

Chúng ta cần những hành động thực chất thay vì hô hào khẩu hiệu, những thông điệp nghe rồi để đấy, cần nhiều hơn những giải pháp phòng ngừa dựa trên cơ sở khoa học thực tiễn, thay vì các đợt cao điểm xử lý vi phạm đầy cảm tính, theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //