Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Quan điểm Bộ GTVT về ý kiến của Đại biểu QH xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng rượu

Phóng viên - 06/06/2019 | 10:17 (GTM + 7)

Vụ An toàn giao thông khẳng định, sẽ làm rất nghiêm vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông.

Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nam Định kiểm tra nồng độ cồn lái xe khách tại chốt giao thông thành phố Nam Định. Ảnh: TTXVN

Liên quan đến việc Quốc hội vừa lấy ý kiến đại biểu về các nội dung còn nhiều tranh luận trong dự thảo Luật phòng, chống tác hại rượu bia; trong đó, có quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông (hai phương án để đại biểu chọn), trao đổi với phóng viên với ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) khẳng định, quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ là làm rất nghiêm vấn đề sử dụng rượu bia khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông. 

Theo ông Nguyễn Văn Thạch, đối với phương án 1 được lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội là “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn”. Về vấn đề này, hiện nay theo Luật giao thông Đường bộ năm 2008 đã quy định đối với người điều khiển xe ô tô nồng độ cồn bằng 0 (tức là không được uống rượu, bia khi lái xe). Đối với lái xe mô tô cho phép nồng độ cồn dưới 50 miligam/100 mililít máu.

Đối với phương án 2: “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”. Về phương án này, ông Nguyễn Văn Thạch cho rằng, hiện nay trên thực tế có nhiều thức ăn, đồ uống, thậm chí thuốc chữa bệnh vẫn có một số nồng độ cồn nhất định. Nếu những người đó khi điều khiển phương tiện giao thông trước đó có sử dụng những thức ăn, đồ uống trên mà bị kiểm tra qua máy thử nồng độ cồn thì vẫn có thể cho kết quả nồng độ cồn nhất định (mặc dù rất thấp). 

Về kinh nghiệm quốc tế, ông Nguyễn Văn Thạch chia sẻ, đối với một số nước vẫn có quy định cho phép người điều khiển phương tiện giao thông được sử dụng rượu bia với tỷ lệ nồng độ cồn nhất định khoảng từ 30 -35 miligram/100 mililít máu nhưng sẽ gắn với quy định về độ tuổi. Nghĩa là nếu người điều khiển phương tiện giao thông mới tham gia thì cấm hoàn toàn. Nếu người điều khiển phương tiện giao thông có kinh nghiệm lâu năm thì cho phép có tỷ lệ nồng độ cồn nhất định.

Ông Nguyễn Văn Thạch cũng cho biết, trong dự thảo Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi, Bộ đã chỉ đạo Ban soạn thảo vẫn đưa quy định là không sử dụng rượu bia (nồng độ bằng 0) khi điều khiển phương tiện giao thông. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó,  dự thảo sửa đổi Nghị định số 46/2016/NĐ-CP sẽ nâng mức xử phạt cao nhất là từ 38-40 triệu đồng và rút giấy phép lái xe là 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện giao thông khi sử dụng rượu bia. Hiện tại, mức xử phạt cao nhất đối với lái xe sử dụng rượu bia (mức 3) theo Nghị định 46 mới chỉ từ 16-18 triệu đồng và rút giấy phép lái xe từ từ 4-6 tháng.

Bình luận về việc đưa quy định về cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, một chuyên gia về an toàn giao thông cho biết, nội dung về cấm rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông được quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà Bộ Y tế xây dựng chưa thực sự phù hợp bởi khi đưa ra nội dung này, Bộ Y tế quên rằng có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực đường bộ sẽ gồm có xe ô tô, xe đạp, xe máy, xe mô tô, xe thô sơ (xe bò, ngựa kéo…)… Trong lĩnh vực đường sắt có tàu hỏa, trong lĩnh vực đường thủy có tàu thủy hoặc trong lĩnh vực hàng không có máy bay.

Như vậy, nếu theo đề xuất của Bộ Y tế trong dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia quy định một cách chung chung cho các phương tiện giao thông là không hợp lý.

Cũng theo vị chuyên gia an toàn giao thông này, hiện nay mỗi luật chuyên ngành như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng đều có những quy định về hành vi không được uống rượu bia khi điều khiển phương tiện với những hạn mức khác nhau tùy vào từng đặc thù của từng ngành.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, Luật Giao thông đường bộ 2008 đã có quy định rất cụ thể về vấn đề uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. Nên hiện nay, việc xử lý hành vi uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông không có gì khó khăn.

“Quan điểm của Hiệp hội là vấn đề uống rượu bia phải được điều chỉnh ở các luật chuyên ngành vì tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi uống rượu đối với mỗi ngành, nghề là khác nhau, nếu ta gộp chung vào quy định ở một luật sẽ chồng chéo và không phù hợp thực tế. Đối với người điều khiển xe ô tô thì trong Luật Giao thông đường bộ đã cấm tuyệt đối. Nhưng với người điều khiển mô tô, xe máy cấm có được không thì phải nghiên cứu kỹ về phong tục tập quán, văn hóa vùng miền, khả năng kiểm soát của lực lượng chức năng...Nếu luật quy định không được đa số người dân đồng tình thực hiện thì sẽ rất khó đi vào thực tế.", ông Nguyễn Văn Quyền phân tích.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Cao Cường, Giám đốc, Luật sư điều hành Công ty Luật An Viên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, khi các luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hoặc phạm tội (ví dụ như trong Luật Giao thông đường bộ và Luật Đường sắt đã có quy định về vấn đề rượu bia) mà trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng quy định hành vi này theo hướng đồng bộ hóa hết các phương tiện giao thông ở một loại thì rất khó áp dụng pháp luật.

Bởi, khi có hai luật đều điều chỉnh một hành vi thì nguyên tắc áp dụng luật là áp dụng chế tài có lợi cho người phạm tội, người vi phạm. Cụ thể, nếu hai luật đều đưa ra mức phạt thì nguyên tắc xử lý là phán quyết có lợi cho người phạm tội và người vi phạm. Chẳng hạn, trong Luật Đường sắt quy định mức cao nhất đối với người vi phạm uống rượu bia khi điều khiển tàu hỏa sẽ bị phạt 10 triệu đồng, trong khi đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia chỉ quy định mức phạt là 5 triệu đồng. Trong trường hợp này cơ quan chức năng chỉ được phép xử lý người lái tàu là 5 triệu đồng. Tương tự cũng trong trường hợp người điều khiển tàu hỏa…Điều này sẽ dẫn đến việc xử lý hành vi uống rượu bia không được như mong muốn.

Cũng theo Luật sư Lê Cao Cường, theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ 2008, ngưỡng cho phép về độ cồn là 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở đối với người điều khiển xe máy (0,05%) và là 0 đối với người điều khiển ô tô, đồng nghĩa là là hiện nay, Việt Nam đã rất "khắt khe” với người điều khiển ô tô đến mức “hễ đã uống rượu thì không được cầm vô lăng”.

Trước đó liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngày 3/6, Quốc hội có xin ý kiến về vấn đề xử phạt với lái xe sử dụng rượu bia. Chủ tịch Quốc hội khẳng định, không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông mà bởi luật hiện hành đã có quy định.

Tuy nhiên, do quá bức xúc trước tình trạng sử dụng rượu, bia lái xe gây tai nạn giao thông, trong thảo luận có nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị tăng chế tài, không cần đo độ cồn mà cứ uống rượu, bia là không được lái xe, lái xe là vi phạm. Phương án khác là giữ nguyên như hiện nay nhưng sau khi đại biểu cho ý kiến thì không phương án nào quá 50% ý kiến tán thành.

“Tăng thêm hay giữ như hiện nay đều không được biểu quyết nên ta sẽ thực hiện xử phạt theo luật hiện hành”, Chủ tịch Quốc hội cho biết. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh việc thông tin lại như vậy để mọi người không hiểu lầm rằng pháp luật không có xử phạt lái xe uống rượu, bia./.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Giá vé máy bay tăng cao: Người dân đổi hướng du lịch

Chỉ hơn một tuần nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 , nhưng giá vé máy bay nội địa hiện tại không những “đắt đỏ” mà còn “khan hiếm”. Nhiều người thay vì “đu đỉnh” với giá vé thì đã chọn chuyển hướng du lịch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

// //