Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Những lỗ hổng lớn trong an ninh nguồn nước đô thị: Cần sự giám sát của người dân

Phóng viên - 19/10/2019 | 8:10 (GTM + 7)

Cũng như vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải, người dân cần sự công khai, minh bạch của đơn vị cung cáp nước và cơ quan quản lý về chất lượng nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hàng vạn người dân thủ đô đã phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm từ nhà máy nước sông Đà trong nhiều ngày qua mà không nhận được bất kì khuyến cáo của đơn vị cung cấp nước, hay của bất kì cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước.

Điều này cho thấy, vấn đề an ninh nguồn nước của thủ đô đang bộc lộ những lỗ hổng lớn, cần có những giải pháp kịp thời.

 người dân ở khu vực chung cư HH-1A Linh Đàm đã được lấy nước sạch từ nguồn Nhà máy nước mặt sông Đuống
Người dân xếp hàng lấy nước sạch. Ảnh: Quang Hùng

Hàng nghìn căn hộ ở quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai đã phải sinh hoạt và ăn uống với nguồn nước nhiếm styren gấp 1,3-3,65 lần so với tiêu chuẩn của Bộ Y tế trong nhiều ngày qua. Nhiều người dân và trẻ em đã có những biểu hiện đi ngoài, đau bụng và mẩn ngứa khi sử dụng nguồn nước này. Nhiều người dân không tránh khỏi bức xúc:

"Sự việc vừa rồi khiến bản thân chúng tôi vô cùng bức xúc khi đơn vị cung cấp nước không có sự kiểm tra đầu vào hay khi phát hiện ra, không có một sự thông báo kịp thời với người dân. Với những hộ gia đình có con nhỏ như nhà chúng tôi rất lo lắng, sự việc lần này là dầu thải nhưng nếu như nó là những chất độc khác, những vi chất không tốt cho nguồn nước thì chúng tôi không có gì để đảm bảo cả".

"Chúng tôi đã mua nước của đơn vị cung cấp nước thì bên đơn vị phải đảm bảo cho chúng tôi nguồn nước đảm bảo sạch, chứ không phải chúng tôi ngày nào cũng mang nước ra đo xem hôm nay có sạch không? Anh phải đảm bảo nguồn nước đầu vào cam kết với chúng tôi chứ không phải bây giờ có cái gì mới bổ đầu nhau ra rồi trách nhiệm nọ trách nhiệm kia".

"Suốt 7 ngày đấy nhà tôi vẫn sử dụng nước có styrene. Khi mà thành phố có phương án mang nước đi cho dân đi thì quá là tát vào mặt dân, cảm giác như chúng tôi như kẻ ăn mày đi xin đồ bố thí. Bởi vì là chúng tôi cần nước sạch thì mang nước vào cái xe để tưới cây. Chúng tôi đi làm đóng thuế đầy đủ, chúng tôi rất tôn trọng, rất muốn tin tưởng chính quyền nhưng thử hỏi những lúc chúng tôi cần chính quyền đã làm gì".

PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cấp thoát nước cho biết, Nghị định 117 năm 2007 đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc cung cấp nước sạch cho người dân. Theo đó, Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng cơ chế chính sách về cấp nước, , ban hành tiêu chuẩn có liên quan đến cấp nước, hướng dẫn các chỉ đạo về cấp nước.

Bộ Y tế ban hành quy chuẩn về nước sạch sinh hoạt và tổ chức kiểm tra giám sát việc thực hiện quy chuẩn đó trên toàn quốc. UBND các tỉnh, các cấp có trách nhiệm quản lý về phân vùng cấp nước, các hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn.

Đặc biệt tại Điều 55 của Nghị định này quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị cung cấp nước. PGS-TS Nguyễn Hồng Tiến cho biết:

"Các công ty cấp nước sạch cho người dân đều phải tuân thủ các quy định như nhau, từ quản lý, vận hành đến khai thác các nguồn nước phải tuân thủ quy định như nhau nhưng trên từng địa bàn cụ thể thì tùy theo đặc thù của địa bàn đó mà có những quy định cụ thể hơn cho phù hợp. Còn về quy định thì giống nhau, trước khi cấp nước cho người dân đều phải qua kiểm tra kiểm soát và đảm bảo đúng quy chuẩn để cung cấp nước cho người dân".

Một số chuyên gia cho biết, ngoài Nghị định 117, Luật Tài Nguyên môi trường và Bảo vệ môi trường,  năm 2017, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành “Sổ tay cấp nước an toàn” – được coi như là cẩm nang hướng dẫn về cấp nước an toàn cho các đơn vị cung cấp nước trên cả nước. Trong đó đã có những quy định, hướng dẫn về cấp nước an toàn, nhận diện rủi ro và các kế hoạch ứng phó với sự cố. Tuy nhiên, trên thực tế, một số đơn vị chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định này.

Chiều nay, 17/10, UBND quận Hoàng Mai phối hợp với quận đội Hoàng Mai, quân sự phường Hoàng Liệt cử lực lượng tham gia xúc rửa , thau bể ngầm và bể mái các toà nhà HH. Dự kiến tiến độ thau rửa các bể sẽ hoàn thành trước ngày 20/10
Chiều 17/10, UBND quận Hoàng Mai phối hợp với quận đội Hoàng Mai, quân sự phường Hoàng Liệt cử lực lượng tham gia xúc rửa , thau bể ngầm và bể mái các toà nhà HH. Dự kiến tiến độ thau rửa các bể sẽ hoàn thành trước ngày 20/10. Ảnh: Quang Hùng

Lý giải về thực tế này, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do tình trạng “cha chung không ai khóc”. Được biết, ngành y tế được giao quản lý kiểm soát chất lượng nước đầu ra của nhà máy thông qua các đơn vị: Viện Vệ sinh Dịch tễ TW, Viện Sức khỏe môi trường và Bệnh nghề nghiệp TW, Trung tâm phòng chống bệnh tật; trong khi ngành môi trường lại được giao kiểm soát chất lượng nước đầu vào của các nhà máy nước.

Tại cuộc họp báo chiều ngày 17/10/2019, khi phóng viên hỏi bảo vệ nguồn nước sạch cấp cho dân trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện như thế nào, đại diện UBND tỉnh Hòa Bình có trả lời về các quyết định phê duyệt hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đà về nhà máu nước sạch nhưng không đề cập đến tình hình triển khai quyết định này như thế nào

TS Phạm Văn Sơn- Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam- Hội Bảo vệ tài nguyên môi trường Việt Nam cho rằng, sự cố ô nhiễm nước sông Đà cho thấy, các nhà máy sản xuất và cung cấp nước tại Việt Nam hiện nay chưa đánh giá đúng những nguy cơ ô nhiễm nguồn nước mặt có thể xảy ra. Đó có thể là các hoạt động của tàu, xà –lan chở dầu đi lại trên sông, bồn chứa xăng dầu ngầm ở hai bên bờ sông và hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở kinh doanh dọc hai bên bờ sông Đà... Bên cạnh đó, trong khi thành phố có các trạm quan trắc ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước thải thì nguồn nước uống sinh hoạt của hàng triệu người dân thủ đô lại chưa có hệ thống quan trắc nguồn nước để kiểm soát nguồn nước đầu vào và thành phẩm đầu ra trước khi phân phối cho người dân.

TS Phạm Văn Sơn cho rằng, các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng nguồn nước hiện nay vẫn chưa đầy đủ,:

"Hiện nay các nhà máy nước không có yêu cầu đặt trạm quan trắc môi trường về các chỉ tiêu như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu và các hóa chất độc hại, kim loại nặng .. Các chỉ tiêu theo TCVN 01 của Bộ Y tế liên quan đến các chỉ tiêu của nước sinh hoạt lại thiếu những chỉ tiêu quan trọng". 

Để có thể kiểm soát an toàn nguồn nước sinh hoạt cho người dân, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn nước đầu vào và đầu ra. Trong đó, cần có những quy hoạch, tạo ra những vùng an toàn  cho nguồn nước mặt cung cấp cho các nhà máy tránh xa các cơ sở sản xuất, các trại chăn nuôi cũng như các đơn vị cung cấp xăng dầu, hóa chất.

Về nguồn nước đầu ra, cần bố trí các trạm quan trắc online, kiểm soát chất lượng nước thường xuyên và có những khuyến cáo ngay cho người dân khi có sự cố.Đồng thời, cần có một đơn vị giám sát chất lượng nguồn nước độc lập, không liên quan đến cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị cung cấp nước, để đảm bảo các thông tin về chất lượng nước được công bố khách quan, công khai cho người dân.

Phóng viên chương trình đã liên hệ với Trung tâm phòng chống bệnh tật Hà Nội để tìm hiểu về quy trình kiểm soát chất lượng nguồn nước của Hà nội nhưng lãnh đạo Trung tâm phản hồi đang đi công tác, chưa thể trả lời phỏng vấn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp thông tin đến thính giả ngay khi có thông tin phản hồi.

Cần sự giám sát chất lượng nước của người dân (bài bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến)

Sự phát triển đô thị hóa ngày càng nhanh khiến nguồn cung nước không chỉ khan hiếm mà chất lượng nước suy giảm khiến nhiều người dân thủ đô sống trong tâm trạng bất an. Cũng như vấn đề ô nhiễm không khí, nước thải, người dân cần sự công khai, minh bạch của đơn vị cung cáp nước và cơ quan quản lý về chất lượng nước sinh hoạt sử dụng hàng ngày.

Chiều nay, 17/10, UBND quận Hoàng Mai phối hợp với quận đội Hoàng Mai, quân sự phường Hoàng Liệt cử lực lượng tham gia xúc rửa , thau bể ngầm và bể mái các toà nhà HH. Dự kiến tiến độ thau rửa các bể sẽ hoàn thành trước ngày 20/10
Cần sự giám sát chất lượng nước của người dân. Ảnh: Quang Hùng

Người dân Hà Nội đã thực sự may mắn bởi dầu thải có mùi khét. Nhờ đó mà người dân có thể trực tiếp phát hiện nước ăn của mình có vấn đề. Nếu nguồn nước bị ô nhiễm bới một thứ chất độc không mùi, không vị, là thạch tín, hay thủy ngân, hoặc một thứ kim loại nặng có thể âm thầm ngấm vào cơ thể người dân qua thời gian sử dụng kéo dài thì họ chỉ biết khi đã nhập viện. 

Chất lượng nguồn nước, lâu nay vẫn là một điểm mù trong đời sống của cư dân đô thị.

Theo quy định tại thông tư 41/2018 của Bộ Y tế, chất lượng nước sinh hoạt được kiểm soát bằng hai hình thức: nội kiểm và ngoại kiểm. Nội kiểm là nhà máy nước tự mang mẫu đi kiểm định và công bố, ngoại kiểm là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất.

Trên webside của Nhà máy nước sông Đà, kết quả xét nghiệm chất lượng nước được công bố hàng tháng, do Trung tâm kiểm soát bệnh tật thực hiện, song mẫu nước thử nghiệm do nhà máy tự gửi, tức là hoàn toàn trông vào sự tự giác của doanh nghiệp.

Việc ngoại kiểm định kỳ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được thực hiện 1 lần/1 năm. Việc ngoại kiểm đột xuất được thực hiện trong các trường hợp sau:

- Khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước định kỳ, đột xuất của đơn vị cấp nước.

- Khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

- Khi kết quả kiểm tra chất lượng nước hoặc điều tra dịch tễ cho thấy nguồn nước có nguy cơ bị ô nhiễm.

- Khi có các phản ánh của cơ quan, tổ chức, cá nhân về chất lượng nước.

- Khi có các yêu cầu đặc biệt khác của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, khi nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc, nếu như nó không khét lẹt, không vẩn đục để có thể nhìn bằng mắt thường để nghi ngờ… thì cơ bản chúng ta không có khả năng kiểm soát nếu như doanh nghiệp không tự giác có trách nhiệm với tính mạng của người dân.

Sự tự giác của doanh nghiệp có đáng tin không? Câu trả lời là dù phát hiện nước nhiễm dầu thải từ ngày 8/10 nhưng doanh nghiệp không báo cáo mà vẫn tiếp tục cấp nước cho người dân một cách bình thường cho đến khi chính quyền ra khuyến cáo nước không thể dùng.

Không thể tin được sự tự giác của doanh nghiệp, vậy thì người dân phải làm sao để đảm bảo sự an toàn của mình? Không có cách nào khác ngoài việc phải kiểm soát chất lượng nước chặt chẽ hơn, bằng cách huy động sự tham gia của chính người dân, của các tổ chức xã hội vào quá trình giám sát.

Trên địa bàn Hà Nội có hàng chục trường đại học, viện nghiên cứu khác nhau. Và đó là các cơ quan, tổ chức đầy đủ khả năng từ thiết bị, con người, đến các chuyên gia để phân tích, xét nghiệm và đưa ra kết luận về chất lượng nước. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là trong suốt quá trình diễn ra sự cố nước sinh hoạt, không có bất cứ một cơ quan, tổ chức khoa học nào chủ động lấy mẫu nước về phân tích để đưa ra các kết quả độc lập về chất lượng nước. Nếu điều đó được thực hiện, thành phố có thể đưa ra những khuyến cáo sớm hơn, nhà máy sẽ xử lý sự cố nhanh hơn, nhằm giảm nguy cơ nhiễm độc của người dân một cách tối đa. 

Sẽ có người đặt câu hỏi: Động lực nào khiến các cơ quan, tổ chức chủ động làm việc này? - Thực ra, khi hỏa hoạn xảy ra, chúng ta sẽ chủ động chữa cháy trước khi cứu hỏa đến, hay cứ đứng khoanh tay đứng chờ? Ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt ảnh hưởng tới 1/3 thành phố, và trường đại học tự nhiên, một đơn vị có đủ khả năng từ con người, đến thiết bị, và các chuyên gia đầu ngành nhưng vẫn phải chờ kết quả của một đoàn kiểm tra liên ngành lững thững cả tuần lễ.

Đó là chưa kể, nghiên cứu khoa học, đào tạo các nhà khoa học để làm gì khi mà họ không sẵn sàng hành động trong khả năng của mình vì sự sống còn của cộng đồng, khi mà họ khoanh tay đứng chờ vì coi nỗi lo sợ của cộng đồng không phải là trách nhiệm của bản thân?

Tags:
Ý kiến của bạn
Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, trên Đèo Cả những ngày qua đã khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị đình trệ. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt huyết mạch này.Đến nay công tác khắc phục sự sự cố lở đá được thực hiện đến đâu?

Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?

Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?

Vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum làm 15 cán bộ Quản lý thị trường TP.HCM bị thương đã được chuyển về BV Chợ rẫy điều trị. Hiện 9 bệnh nhân được điều trị tích cực, trong đó có một bệnh nhân hôn mê, xuất huyết não rất nặng.

Sở Y tế TP.HCM liên kết khám chữa bệnh trước, trả tiền sau

Sở Y tế TP.HCM liên kết khám chữa bệnh trước, trả tiền sau

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành khuyến cáo triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Thu phí gửi xe không tiền mặt: Người ủng hộ, kẻ làu bàu 'công nghệ phập phù'

Thu phí gửi xe không tiền mặt: Người ủng hộ, kẻ làu bàu "công nghệ phập phù"

Hôm qua (15/4) là ngày đầu tiên quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai giải pháp thu phí gửi xe không dùng tiền mặt ở 16 điểm đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường đã được cấp phép. Người dân, nhân viên trông xe đón nhận hình thức mới này như thế nào?

Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng đường sắt đô thị

Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT bằng đường sắt đô thị

Theo điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, Hà Nội sẽ thay thế tuyến buýt BRT hiện hữu bằng tuyến đường sắt đô thị.

Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp, bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng yêu cầu triển khai các giải pháp, bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Giá cà phê, kim loại nối dài đà tăng mạnh

Giá cà phê, kim loại nối dài đà tăng mạnh

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày giao dịch 15/4, diễn biến phân hoá khiến sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới. Sắc đỏ hoàn toàn phủ kín bảng giá nông sản và năng lượng.

// //