Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Lát đá vỉa hè, vật liệu nào chịu được xe máy, ô tô?

Phóng viên - 16/04/2019 | 16:22 (GTM + 7)

Sau mỗi lần lát mới vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội thì một trong những nguyên nhân khiến công trình nhanh chóng xuống cấp là bởi tình trạng ô tô, xe máy lưu thông và đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè như hiện nay.

Hiện nay, tình trạng xe máy, ô tô lưu thông và đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè khiến nhiều người đặt ra câu hỏi. Vật liệu nào sẽ chịu được xe máy, ô tô?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hà Nội đang lên kế hoạch lát đá tự nhiên cho vỉa hè hàng trăm tuyến phố. Tạm không bàn đến các tranh luận xung quanh sự cần thiết và phù hợp hay không của dự án này, mà chỉ nhìn ở độ bền vững của vỉa hè, thì dù lát gạch hay đá, có lẽ không vật liệu nào chịu nổi nếu vẫn để xảy ra tình trạng ô tô xe máy lưu thông và đậu đỗ tràn lan trên vỉa hè như hiện nay. 

Nêu câu hỏi phản ánh về tình trạng phương tiện di chuyển và đậu đỗ trên vỉa hè, phóng viên kênh VOV Giao thông đã thu được nhiều ý kiến:

“Nhiều xe đậu đỗ làm bọn em không có chỗ đi trên vỉa hè, nên phải đi xuống lòng đường. Nhiều khi xe cộ đi qua rất nguy hiểm cho tính mạng bọn em”.

“Việc xe tải ra vào, dừng đỗ khiến vỉa hè trở nên tồi tệ; mặt đường bong tróc, vỡ nát, tôi thấy có những vết rạn nứt kéo dài hàng mét. Đặc biệt, các góc cua của tuyến đường nhiều chỗ bị cày nát, xới tung từng viên gạch”.

“Kiến nghị nên cho các xe ô tô vào bãi đỗ xe đàng hoàng. Ở đây bãi đỗ xe rất vắng vẻ, trong khi xe để đầy trên vỉa hè”.

Thực tế cũng cho thấy, sau mỗi lần lát mới vỉa hè trên nhiều tuyến phố Hà Nội thì một trong những nguyên nhân khiến công trình này nhanh chóng xuống cấp là bởi nó đã không được sử dụng đúng mục đích. Với mong muốn di chuyển nhanh chóng và giải quyết chỗ đỗ xe cho nhu cầu cấp thiết của người dân, vỉa hè tại nhiều tuyến phố đã trở thành lòng đường để di chuyển và bãi đậu xe bất đắc dĩ. 

Tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt-Nhật phân tích, theo thiết kế, đối tượng phục vụ của vỉa hè là dành cho người đi bộ, do vậy từ việc tạo móng nền cho đến lát gạch, vỉa hè chỉ chịu được tải với người đi bộ. Vì thế, với trọng tải từ 1,5 đến 3 tấn, nếu ôtô con leo lên nền gạch được lát theo hình thức tự chèn sẽ sụt lún đồng loạt, riêng những đoạn lát đá bản to sẽ xảy ra tình trạng vỡ vụn. Đây chính là nguyên nhân chính của tình trạng vỉa hè nhiều tuyến phố tại Hà Nội vừa lát đá xong đã xảy ra tình trạng bị lún, vỡ vụn... Tiến sĩ Phan Lê Bình khẳng định:

“Vỉa hè chỉ được thiết kế chịu tải của người đi bộ hoặc người đi xe đạp là cùng, chứ không ai thiết kế để chịu tải được sức nặng của xe cơ giới. Vì thế khi vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi đậu xe thì chỉ qua một thời gian ngắn nó sẽ bị hư hại”.

Một trong các nguyên nhân đã được chỉ ra là, thiếu bãi đỗ xe hoặc bố trí vị trí bãi đỗ xe chưa hợp lý khiến tình trạng phương tiện lưu thông và dừng đỗ trên vỉa hè.

Tại nhiều tuyến phố trong nội đô, mặc dù biết là sai quy định nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn “liều” lao vỉa hè, chấp nhận nộp phạt, thậm chí bị cẩu xe nếu bắt gặp lực lượng chức năng kiểm tra. 

Nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu bãi đỗ xe hoặc bố trí bãi đỗ xe chưa hợp lý dẫn đến tình trạng phương tiện lưu thông tràn lan trên vỉa hè

Nêu ý kiến về vấn đề này, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho biết, việc lạm dụng vỉa hè làm nơi lưu thông và dừng đỗ phương tiện cùng hệ lụy của nó với bộ mặt đô thị đã được nhìn thấy từ lâu. 

Để giải quyết căn cơ vấn đề này, cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền địa phương cần vào cuộc và có các giải pháp tháo gỡ những bất cập hiện nay. 

Mặt khác, để đem lại hiệu quả cho công tác xử lý vi phạm dừng đỗ, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương trong việc tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Công tác này cần phải được thực hiện thường xuyên, bền bỉ và kéo dài.

“Đề nghị Thành phố công khai, làm rõ các nơi ô tô được dừng đỗ hoặc nơi không được dừng đỗ. Còn các phương tiện mà cố tình vi phạm thì đề nghị lực lượng chức năng xử lý thật nghiêm, làm đến nơi đến chốn. Mặt khác quy trách nhiệm quản lý cho người đứng đầu chính quyền địa phương về vấn đề này, chủ tịch quận hoặc chủ tịch phường”.

Đồng tình với quan điểm cần gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đối với công tác xử lý vi phạm trên vỉa hè nói chung và vi phạm dừng đỗ phương tiện trên vỉa hè nói riêng.

TS Ngô Thị Ngọc Anh, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng nêu dẫn chứng, thời gian qua, thái độ kiên quyết xử lý các vi phạm trật tự đô thị, trả lại sự thông thoáng cho vỉa hè ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã thu được những kết quả nhất định. 

Tuy nhiên kết quả và hiệu quả dài lâu của công tác này phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của các cơ quan chức năng. Nếu công việc này được tiến hành thường xuyên và xử lý nghiêm khắc, kịp thời cả người vi phạm và những người thiếu trách nhiệm để xảy ra vi phạm, chúng ta sẽ có những đô thị văn minh với vỉa hè sạch sẽ, thông thoáng. TS Ngô Thị Ngọc Anh đề xuât:

“Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố phải biết rõ, mình phải chỉ đạo cho đơn vị chức năng, lực lượng Công an làm gì, Sở giao thông phải làm gì và chính quyền các địa phương phải làm gì, các phường cần phải làm gì. Nếu không làm được phải cách chức, phải rời bỏ vị trí cho những người làm đúng”.

Quản lý vỉa hè, nói vậy mà… không phải vậy

Vỉa hè là của người đi bộ và ưu tiên cao nhất phải cho người đi bộ. Trong tổ chức giao thông, mọi chính quyền đô thị đều tuyên bố thực hiện nguyên tắc này. Thế nhưng thực tế, vỉa hè ở các đô thị lớn của Việt Nam, như Hà Nội và TP. HCM lại đang phải gồng gánh quá nhiều chức năng, từ thương mại đến giao thông cho xe cơ giới. 

Hậu quả là quyền lợi của người đi bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn vỉa hè thì nhếch nhác, thậm chí tan nát dưới bánh xe máy, ô tô. Đó liệu có đơn thuần chỉ là bất cập trong quản lý, hay còn bởi sự thiếu nhất quán giữa giải pháp và chủ trương?

Chỉ trong ít năm gần đây, không ít lần Hà Nội lát lại vỉa hè, hoặc bằng gạch, hoặc bằng đá xanh. Nhiều tuyến đường mới mở cũng đã dành diện tích lớn hơn cho vỉa hè. Nhưng cứ được dăm bữa nửa tháng, khi người đi bộ còn chưa kịp tận hưởng sự thảnh thơi, thì xe cộ đã ồ ạt phi lên, khiến gạch xô, đá vỡ.

Không chỉ đi lên vỉa hè để giải quyết nhu cầu giao thông bức bối trong giờ cao điểm, mà hành vi này còn trở thành thói quen, thành sở thích của không ít người, ngay cả khi đường vắng, người thưa. Hình ảnh người đi xe máy ngược chiều trên vỉa hè còn bấm còi inh ỏi, còn trừng mắt nạt nộ người đi bộ, như thể đó là đường bất khả xâm phạm của riêng mình..đã không còn hiếm. 

Để ngăn xe cơ giới đi lên hè, chính quyền các đô thị đã thử nhiều cách, từ lắp hàng rào cứng ngăn cách vỉa hè với lòng đường, từ dựng cọc tiêu, barie zic zac, ra sức thí nghiệm sao cho chỉ người đi bộ và xe lăn có thể lọt qua.. Những biện pháp đó có thể mang lại hiệu quả tức thì, song ở một góc nhìn khác, đáng tiếc thay, nó lại cho thấy sự bất lực đến bi thảm của những người quản lý.

Và có một điều lạ, là trong khi các vi phạm khác được ngăn chặn bằng chế tài, thì riêng với vi phạm xe cơ giới đi lên vỉa hè, Hà Nội, TPHCm lại tìm kiếm giải pháp kỹ thuật thay cho xử lý vi phạm, khiến cho vi phạm trở thành đương nhiên và ngày càng phổ biến.

Thậm chí, ngành giao thông các địa phương này còn thí điểm cho phép đỗ xe có thu phí trên vỉa hè lòng đường, coi đó như một trong các sáng kiến giải quyết vấn đề thiếu điểm đỗ xe vốn xuất phát từ lỗi quy hoạch và giám sát thực hiện quy hoạch.

Những khó khăn trong xử lý vi phạm ô tô xe máy đi lên vỉa hè hoàn toàn có thể khắc phục được, bằng cách chọn và triển khai thí điểm, làm quyết liệt ở một số khu vực, đoạn đường và thông báo rộng rãi kết quả xử lý, để người tham gia giao thông chấm dứt thói quen tùy tiện lâu nay, trên cơ sở nhận thức rõ rằng, đó không chỉ là hành vi lấn chiếm phần đường của người đi bộ mà còn phá hoại công trình, kết cấu hạ tầng giao thông.

Nhưng trước tiên và trên hết, để ngăn xe máy ô tô đi lên vỉa hè, bản thân các nhà quản lý chính quyền đô thị cần phải nhất quán trong chủ trương và giải pháp đối với quản lý vỉa hè. Chức năng chính của vỉa hè được xác định là gì, ưu tiên số một cho ai, thì các biện pháp quản lý phải thể hiện nhất quán điều đó, thay vì các giải pháp yếu ớt và thậm chí mâu thuẫn với chủ trương, khiến người dân dễ hiểu nhầm rằng: thành phố "nói vậy mà không phải vậy".
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhưng Võ Văn Ngân cũng được biết đến là “điểm nóng” ngập nước. Sau 3 năm thi công, dự án nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập ở đoạn đường dài 2,5km với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền Hỏa Thần là di tích đầu tiên tại Việt Nam thờ Thần Lửa. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh đặc biệt thờ Thần Hỏa của người Hà Nội, cũng như du khách thập phương.

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Dù Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định đối với xe hoán cải, song với sự ra đời ngày càng nhiều xe nhà ở di động ngày càng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng để quản lý riêng loại hình phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Ở Sài Gòn – TP.HCM, hơn 4 thập kỷ qua, có một người phụ nữ đã tiếp thêm sức sống, gìn giữ “những chất âm ngày cũ” giữa Sài Gòn sôi động, hào hoa; bằng nghề mua bán và sửa chữa máy cassette.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trong quý I/2024

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc trong quý I/2024

Thống kê trong 3 tháng đầu năm, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành đạt hơn 14,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, riêng TPDN Bất động sản chiếm tỷ trọng 43%.

Để tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen

Để tiết kiệm năng lượng trở thành thói quen

Hằng năm, vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 3 lại diễn ra sự kiện Giờ Trái Đất. Tại Việt Nam, nhiều hoạt động hưởng ứng đã diễn ra nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích việc bảo tồn năng lượng. Tuy nhiên, để tiết kiệm điện trở thành thói quen của mọi người dân thì cần nhiều giải pháp hơn nữa.

// //