Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hạn chế đồ nhựa dùng một lần: Không thể trông chờ sự tự giác

Phóng viên - 01/09/2019 | 12:30 (GTM + 7)

Từ ngày 1/9/2019, Hà Nội sẽ bắt đầu cắt giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở vận động và kêu gọi tự nguyện, kế hoạch này sẽ khó lòng đạt hiệu quả...

Rác thải nhựa có thời gian phân hủy lâu, gây ô nhiễm tới môi trường

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ông Mai Trọng Thái- Chi cục trưởng Chi cục môi trường- Sở Tài Nguyên môi trường cho biết về kế hoạch cắt giảm nhựa dùng một lần: 

“Hà Nội với kế hoạch không dùng túi ni long dùng một lần, các sản phẩm nhựa một lần. Đây là những vấn đề mà chúng ta đang phải cam kết thực hiện.Để áp dụng ở Hà Nội, trước mắt chúng ta sẽ tập trung triển khai ở các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội không sử dụng các sản phẩm cốc nhựa chai nhựa tại công sở và cam kết các trường học thu gom vỏ sữa, hộp sữa để tái chế”.

Những người dân, họ nghĩ như thế nào về kế hoạch này, phóng viên chương trình ghi nhận một số ý kiến:

“Phụ thuộc vào ý thức của từng người. Có người nhận thức được cái việc xả rác thải nhựa ảnh hưởng cho môi trường, họ hướng đến những sản phẩm an toàn hơn, thay vì dùng nhựa thì họ dùng cốc giấy, que hút giấy hay là gỗ. Có những người họ cứ dùng cốc nhựa cho nó nhanh”.

“Mình cảm thấy cái việc giảm thiểu này cần phải quy định một cách rõ ràng và cụ thể. Bởi vì phải có những quy định chi tiết như vậy thì tính đảm bảo thực thi khi đi vào thực tiễn mới được chấp hành một cách đồng nhất và ai cũng phải có ý thức để thực hiện điều đó”.

“Mình thấy cũng nên có một số hình thức xử phạt để có tính răn đe tại vì cũng chẳng mấy ai để ý đến mấy vấn đề này lắm nên phải có một chút ép buộc một tí thì mọi người mới bắt đầu thực hiện, dần dần sẽ có ý thức tự giác hơn”.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), Việt Nam là một trong 5 quốc gia có lượng nhựa thải ra nhiều nhất thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn mỗi năm. Tại các đô thị lớn như Hà Nội và Tp.HCM, lượng rác thải nhựa mỗi ngày rất cao. Trung bình, mỗi ngày, Hà Nội thải ra từ 550-600 tấn rác thải nhựa trong khi con số này tại Tp.HCM là khoảng 1.800 tấn, trong đó số lượng rác thải nhựa được tái chế chiếm tỷ lệ nhỏ. 

Rác thải nhựa có thời gian phân hủy lâu, gây ô nhiễm tới môi trường. Ông Lê Trung Dũng- Nguyên Trưởng Phòng Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho rằng giảm thiểu rác thải nhựa là một chiến lược quan trọng để bảo vệ môi trường và thể hiện sự cam kết của Việt Nam đối với khu vực và thế giới trong việc giải quyết rác thải nhựa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tốt nhất, chính quyền các đô thị cần bổ sung những quy định ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan đơn vị liên quan:

“UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan ban hành cần có những quy định rõ ràng, trước hết các cơ quan hành chính sự nghiệp và các đơn vị cần phải sử dụng bắt buộc chứ không vận động nữa, phải có những văn bản quy định chi tiết Ngoài việc tuyên truyền cũng phải xử lý, đặc biệt là việc mua những chai nhựa dưới 0,5 lít kiên quyết không thanh toán”.

Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư- TS Phạm Ngọc Đăng- Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường cho rằng, những chính sách, biện pháp đưa ra càng cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại mỗi đô thị sẽ càng làm tăng tính khả thi và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các cơ quan, đơn vị sẽ chưa đủ mà cần huy động toàn dân, toàn xã hội cùng chung tay thực hiện cắt giảm việc sử dụng các sản phẩm nhựa:

“Tuyên truyền và tạo điều kiện cho người dân không sử dụng túi ni lông đó nữa, thì mới tốt, còn về mặt cơ quan nhà nước chiếm tỷ lệ rất thấp so với người dân sử dụng túi ni lông. Túi ni lông phục vụ cho sử dụng sinh hoạt bình thường”. 

Một số chuyên gia cho rằng, kiểm soát nguồn cung các sản phẩm nhựa dùng một lần cần phải được tính đến. Chính quyền các địa phương cần có những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở đang sản xuất các chai nước dùng một lần chuyển sang thay thế bằng các chai thủy tinh, hay các sản phẩm thân thiện với môi trường trong giai đoạn đầu, sau đó có những quy định bắt buộc thực hiện. 

Đặc biệt, ngay cả khâu phân phối lưu thông những sản phẩm này cũng cần được kiểm soát, các siêu thị, cửa hàng, nhà hàng không nên tiếp nhận và bán các sản phẩm dùng chai nhựa mới có thể hạn chế những sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Đối với những doanh nghiệp tái chế các sản phẩm từ nhựa hiện cũng đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, cơ quan quản lý nhà nước song song với việc đưa ra những yêu cầu về cắt giảm đồ nhựa sử dụng 1 lần, cần có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tái chế. Bà Trần Thị Hoa- Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (Green Hub) phân tích: 

“Những doanh nghiệp tái chế cũng đang trong tình trạng khó khăn , những DN rất khó trong việc tiếp cận các nguồn rác thải nhựa đủ chất lượng để thực hiện hoạt động cũng như trong việc vận hành các sản phẩm tái chế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế cũng cần được những cơ chế khuyến khích để có thể thực hiện các hoạt động tái chế của mình”.

Chính quyền thành phố Hà Nội và Tp.HCM hiện đang rất nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp nhằm cắt giảm tiến tới hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và chuyển sang các sản phẩm mới thay thế. Tuy nhiên, thành phố cũng nên cân nhắc, các sản phẩm thay thế cho sản phẩm nhựa dùng một lần có đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng tới môi trường trong tương lai để có những biện pháp quản lý phù hợp. Các thành phố không nên quá “sốt sắng” vì mục tiêu cắt giảm sản phẩm nhựa mà có thể lại đối mặt với những hậu quả ô nhiễm môi trường khác do những sản phẩm mới gây ra.

Chỉ hy vọng sự tự giác của người dùng để hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần - đây là một ý tưởng phi thực tế

Thói quen sử dụng sản phẩm nhựa và túi nilong tràn lan như hiện nay là do hậu quả của việc thiếu kiểm soát nguồn cung sản phẩm ra thị trường. Để thay đổi thói quen của người tiêu dùng, có thể tác động trực tiếp đến lợi ích hoặc cần phải có những quy định cụ thể hơn là khuyến khích sự tự giác. 

“Tự giác hạn chế sản phẩm nhựa là một ý tưởng phi thực tế” (Bình luận của Nhà báo Phạm Trung Tuyến – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Chuỗi cửa hàng café Highland  đang chạy chiến dịch truyền thông "Những cánh tay xanh" với thông điệp: "Cùng nhau giảm thiểu nhựa sử dụng một lần, vì lợi ích lâu dài của cuộc sống và môi trường". Highland rất có ý thức với tác hại của rác thải nhựa khi dùng câu chuyện này để truyền thông thương hiệu. Nhưng điều đó không ngăn việc họ chỉ phục vụ đồ uống bằng ly cốc nhựa, bởi nó rẻ, và tiện, đỡ chi phí nhân công vệ sinh.

Câu chuyện của Highland cho thấy, truyền thông không phải yếu tố quá quan trọng tác động đến lựa chọn của người dùng. Vì vậy, mong muốn hạn chế đồ nhựa sử dụng một lần dựa vào sự tự giác của người dân là một ý tưởng lãng mạn. 

Người dân vốn dĩ không có thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần. Nhưng thói quen đó được hình thành khi ngành sản xuất nhựa gia dụng phát triển và phổ biến sản phẩm nhựa giá rẻ trong mọi nhu cầu của cuộc sống, và việc sử dụng các sản phẩm đó được lạm dụng ở tất cả các dịch vụ, thậm chí được coi là giải pháp thúc đẩy tiêu dùng nhờ yếu tố tiện dụng.

Để hình thành thói quen lạm dụng sản phẩm nhựa, thời gian trôi qua trong khoảng 20 năm, với bàn tay vô hình của thị trường.

Để thay đổi thói quen đó, trước hết cần sự can thiệp mang yếu tố thị trường, như tăng thuế với việc sản xuất và sử dụng đồ nhựa gia dụng, miễn thuế đối với những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Nhưng các công cụ can thiệp thị trường là không đủ, bởi chi phí cho sự tiện dụng luôn được ưu tiên. Vì thế, các chế tài cần được áp dụng khắt khe hơn, thậm chí là cấm sử dụng, đặc biệt là nhóm cung cấp dịch vụ và các cơ quan, tổ chức.

Các loại túi nilon, màng bọc thực phẩm bằng nilon cần phải được áp thuế cao, thậm chí cấm sản xuất và cung ứng trên thị trường. Thói quen sử dụng sản phẩm chỉ được thay đổi khi có sự tác động về lợi ích, tài chính và thời gian. Nên chỉ khi việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trở nên đắt đỏ, hoặc được coi là trái pháp luật thì mới đem lại hiệu quả.

Chỉ hy vọng sự tự giác của người dùng để hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần, vì thế, là một ý tưởng phi thực tế.

Tags:
Ý kiến của bạn
Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Sóng về khuya: Đồng hành với những chuyến đi an toàn

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người chết từ những vụ tai nạn giao thông liên quan tới tài xế ngủ gật. Nguyên nhân do thiếu ngủ chiếm tới 30% trên tổng số các vụ tai nạn giao thông trong một năm.

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Hà Nội sống và yêu: Ăn sáng từ nhà ra phố

Không khó để bắt gặp đủ các hàng quán bán đồ ăn sáng ở Hà Nội ngày nay. Lật giở về quá khứ, thói quen ăn sáng của người Hà Nội phải chăng là lê la quán xá hay đã biến thiên theo thời gian?

Truy đuổi trên đường

Truy đuổi trên đường

Việc quy định cụ thể hoạt động truy đuổi để ngăn chặn một số hành vi vi phạm TTATGT không chỉ gây áp lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ, mà còn trở thành lực cản trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý giao thông, an toàn xã hội.

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Chuyển đổi số, cần “mở” cơ chế chia sẻ thông tin

Thiếu cơ chế chia sẻ thông tin từ cơ sở dữ liệu quốc gia khiến nhiều ý kiến đang băn khoăn về tính hiệu quả của việc xây dựng chính phủ số.

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Khi các doanh nghiệp “bắt tay” để đẩy lùi “bà hỏa”

Tại các khu – cụm công nghiệp, việc triển khai các mô hình “Cụm liên kết an toàn PCCC” như những cái “bắt tay” của các doanh nghiệp, để cùng chung sức đẩy lùi “bà hỏa”.

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Taxi truyền thống Singapore đang ngày một “hụt hơi”

Trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các ứng dụng gọi xe như Grab, số lượng taxi truyền thống ở Singapore đang ngày một ít đi. Điều này gây ra không ít khó khăn với những người không có thói quen sử dụng ứng dụng, nhất là người cao tuổi.

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Nâng cao chuyên môn trong chẩn đoán và điều trị bệnh tim mạch

Ngày 20/4, tại TP.HCM, Bệnh viện FV đã tổ chức buổi hội nghị Tim Mạch thường niên lần 2 với chủ đề “Điều trị Bệnh Tim Mạch: Hiện tại và tương lai” với nhiều chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế tham dự nhằm chia sẻ những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán, điều trị.

// //