Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Đừng để lại rác khi đến làng nghề

Phóng viên - 27/01/2020 | 15:22 (GTM + 7)

Cho tới hôm nay, ngôi làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những đặc trưng đậm nét làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu. Đặc biệt đi trên đường làng gần như không có bóng dáng rác thải nhựa, túi nilon.

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những đặc trưng đậm nét làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu.
Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được những đặc trưng đậm nét làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm – thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua của Thủ đô, bởi những giá trị độc đáo về lịch sử và kiến trúc, văn hóa.

Đây cũng là ngôi làng duy nhất trong lịch sử dân tộc bởi “một ấp hai vua”- nơi sinh của vua Phùng Hưng và vua Ngô Quyền khiến du khách ai cũng một lần muốn ghé qua.

Cho tới hôm nay, ngôi làng vẫn giữ được những đặc trưng đậm nét làng quê Bắc Bộ với cây đa, bến nước, sân đình, chùa miếu. Đặc biệt đi trên đường làng gần như không có bóng dáng rác thải nhựa, túi nilon.

Có được điều đó là do người dân cũng như du khách đang góp phần chung tay bảo vệ môi trường và cũng là cách bảo vệ di tích một cách bền vững.

Làng cổ Đường Lâm hiện có 97 ngôi nhà cổ các loại, trong đó có 10 ngôi nhà cổ đã được Nhà nước xếp hạng, ngoài ra còn có 50 di tích đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ… tạo nên một di sản văn hóa quý báu. 

Điểm tới thăm đầu tiên của chúng tôi là ngôi nhà cổ được coi là lâu đời nhất còn sót lại ở Đường Lâm của ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Mông Phụ). Phía sau chiếc cổng hẹp cổ kính được xây bằng chất liệu đất đá ong đặc trưng của Đường Lâm cùng giàn hoa rủ lãng mạn, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc độc đáo với 5 gian nhà dựng trên 5 hàng chân cột, ở giữa là khoảng sân rộng, tường bao xây bằng đá ong qua mưa nắng thời gian đã ngả mầu màu nâu xám.

Ông Hùng cho biết, ngôi nhà đã trải qua 12 đời.Cũng bởi những nét cổ kính nguyên sơ còn được giữ gìn, mà ngôi nhà này là địa chỉ thường xuyên lui tới của hàng trăm du khách trong và ngoài nước tới thăm mỗi ngày. Theo ông Hùng, để gìn giữ, bảo tồn nhà cổ và phát triển du lịch bền vững, việc bảo vệ môi trường cũng được những người trong gia đình hết sứcchú trọng, từ thu gom rác đúng cách đến việc không tổ chức hoạt động lưu trú để hạn chế các hoạt động phát sinh rác thải:

"Trong những năm làng cổ Đường Lâm bước vào làm du lịch thì bên vệ sinh môi trường họ làm rất tốt, buổi sáng có một đội chuyên đi thu gom rác thải, nhà nào có rác thải thì đặt ngoài cổng cho nên là ngày nào cũng thu gom như thế nên nó cũng sạch hơn".

Đi trên đường làng gần như không có bóng dáng rác thải nhựa, túi nilon. 
Đi trên đường làng gần như không có bóng dáng rác thải nhựa, túi nilon

Trong ngôi nhà cổ gần 400 năm tuổi của bà Dương Thị Lan, du khách cũng tấp nập tham quan. Đây là ngôi nhà của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính xây dựng, thiết kế 3 gian 2 chái, hiện đã được xếp hạng nhà cổ loại I. Bậc cửa cao thể hiện địa vị của quan Đốc học Đỗ Doãn Chính, khiến du khách ghé thăm đều kính cẩn.

Hàng ngày, cùng với việc trông nom, vợ chồng bà Lan vẫn mở cửa đón khoảng 50-60 lượt du khách trong và ngoài nước tới ngắm ngôi nhà, từ học sinh, sinh viên tới khách quốc tế. Rất nhiều du khách thích thú khi được ở lại qua đêm để trải nghiệm công việc làng quê. Thế nhưng trong căn nhà, tịnh không thấy một bóng rác thải. Bà Lan cho biết, cùng với việc hướng dẫn khách tham quan nhà cổ, những phụ nữ trong Hội Phụ nữ xã thường xuyên quét dọn, gom rác về tập kết đúng nơi quy định:

"Cái công việc đầu tiên là về môi trường, thì chúng tôi đi hàng đầu để tuyên truyền, về không dùng túi nilon và đến bây giờ thì đặc biệt là nói không với rác thải nhựa rồi. Đối với khách thì khách họ cũng rất ý thức, họ không có chuyện bỏ bừa ra đâu, họ rất có ý thức trong việc bảo vệ môi trường và cảnh quan chung của làng cổ Đường Lâm chúng tôi".

Nỗ lực bảo vệ môi trường làng cổ Đường Lâm còn được chung tay của những người làm hướng dẫn viên du lịch. Cùng với công việc hướng dẫn viên, chị Hà Thị Thu Hương – một người con của làng cổ Đường Lâm cũng luôn khuyến cáo du khách bỏ rác đúng nơi quy định. Nhờ vậy,không gian những địa danh thu hút rất đông du khách như đình Phùng Hưng, đền Ngô Quyền, chùa Mía… đều rất sạch sẽ, thanh tịnh

"Khi du khách đến với làng cổ Đường Lâm thì họ cũng cảm thấy rất trầm trồ trước một ngôi làng quê rất cố kính và gìn giữ được rất nhiều nét phong tục, kiến trúc, văn hóa ở làng quê Đường Lâm".

PV: Trong quá trình làm công tác hướng dẫn viên thì Hương có hướng dẫn hoặc định hướng du khách hạn chế các hoạt động phát thải rác thải như thế nào?

"Khi du khách đến với làng cổ Đường Lâm thì cũng luôn nhắc nhở du khách họ sử dụng các sản phẩm của Đường Lâm thì sau khi dùng xong chúng ta sẽ để rác vào đúng nơi quy định để đảm bảo cho môi trường của làng cổ Đường Lâm lúc nào cũng giữ được vẻ xanh, sạch, đẹp".

Giống như làng cổ Đường Lâm, tại làng gốm Bát Tràng ven sông Hồng, việc bảo vệ môi trường cũng được người dân đặc biệt quan tâm. Những ai từng đến Bát Tràng cách đây nhiều năm khi quay trở lại đều ngạc nhiên vì sự thay đổi của môi trường nơi đây. Đường làng ngõ xóm Bát Tràng ngày nay không còn bụi mù vì khói lò nung, không còn đen sì vì bụi than như trước. Vì thế, du khách đến tham quan và mua sắm ở Bát Tràng cũng không còn phải khẩu trang kín mít như trước kia.

Theo anh Bùi Văn Kiểm, một người thợ có hơn 20 năm trong nghề làm gốm, đơn giản nhất trong việc hạn chế phát sinh bụi là từ việc gọt, tiện khi sản phẩm còn ẩm:

"Mình cứ phải vệ sinh sạch sẽ, quét hàng ngày, xịt nước rồi quét thì nó đỡ chứ đã dính sản phẩm đất thì nó sạch sẽ do ở con người, mỗi người vệ sinh chung một ít thì nó sạch sẽ".

PV: Thường thường những khâu tiện, đánh giấy dáp thì hay phát sinh bụi, vậy để hạn chế cái đó mình có giải pháp nào không?

"Nói chung là hạn chế thì mình cạo ra mình hót đi thôi".

Đặc biệt, công tác bảo vệ môi trường làng nghề Bát Tràng có chuyển biến đáng kể là khi doanh nghiệp và người dân chuyển đổi công nghệ nung gốm từ các lò than sang lò gas hiện đại.

Làng cổ Đường Lâm hiện có 97 ngôi nhà cổ các loại, trong đó có 10 ngôi nhà cổ đã được Nhà nước xếp hạng, ngoài ra còn có 50 di tích đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ… tạo nên một di sản văn hóa quý báu
Làng cổ Đường Lâm hiện có 97 ngôi nhà cổ các loại, trong đó có 10 ngôi nhà cổ đã được Nhà nước xếp hạng, ngoài ra còn có 50 di tích đình, đền, chùa, miếu, giếng cổ… tạo nên một di sản văn hóa quý báu

Ngược dòng thời gian trước năm 1997, với khoảng 1.000 lò hộp đốt than, mỗi năm Bát Tràng tiêu thụ khoảng 70.000 tấn than và 100.000 tấn vật liệu để sản xuất các sản phẩm gốm sứ. Quá trình sản xuất này đã thải ra môi trường hàng chục nghìn tấn bụi và tro xỉ khiến không khí làng nghề bị ô nhiễm nặng nề. Đến nay, toàn bộ lò nung gốm đã chuyển sang nung bằng khí gas và điện.

Chỉ vào hệ thống lò nung liên hoàn mới đưa vào sử dụng với hàng chục bình gas loại lớn xếp ngay ngắn trước cửa lò,nghệ nhân trẻ Phạm Tuấn Đạt, giám đốc công ty gốm sứ Hải Long, xã Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội cho biết, chỉ với hệ thống lò nung này, mỗi ngày có thể cho ra lò hàng vạn sản phẩm, từ gạch ngói, nồi hầm…

"Đầu tư một lò nung đốt tương đối hiện đại, tức là nó không phải là lò nung gián đoạn, đun lên xong xong lại tắt lửa, thu hồi xuống, xong mấy hôm sau lại đun lên. Như vậy nó rất tốn nhiên liệu. Thì mình thiết kế một hệ thống lò nung liên hoàn hiện đại đầu tiên và duy nhất ở Bát Tràng hiện tại có khả năng tiết kiệm năng lượng được tương đối cao, theo tính toán tiết kiệm gas được tầm từ khoảng 25-30%".

PV: Như ban nãy anh có nói sẽ thu hồi được nhiệt lượng thừa để sấy sản phẩm?

"Vào sấy, cho nên sẽ tối ưu được về mặt chi phí và không thất thoát được nhiệt lượng".

Không chỉ có tinh thần trách nhiệm và sự tự giác của mỗi người dân, mà việc giữ gìn môi trường ở nhiều làng nghề du lịch đang nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương.Ông Phạm Huy Khôi, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội cho biết, Bát Tràng hiện có trên 1.000 hộ trực tiếp sản xuất gốm sứ và khoảng 200 doanh nghiệp kinh doanh gốm sứ với tổng giá trị sản phẩm năm 2019 ước đạt gần 2.000 tỷ đồng, gấp từ 3-5 lần so với 5 năm trước.

Cùng với việc phát triển sản phầm gốm sứ, chính quyền xã Bát Tràng cũng tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch một cách bền vững, sau khi làng nghề được công nhận là điểm đến du lịch vào năm 2019:

"UBND cũng đã xây dựng kế hoạch thứ nhất là tuyên truyền vận động các hộ sản xuất một là áp dụng các công nghệ mới như lò đốt gas, lò đốt điện và loại bỏ hoàn toàn lò đun than. Thứ 2 là xử lý bụi trong quá trình sản xuất, bây giờ nhiều gia đình đã áp dụng các công nghệ như thu hồi bụi trong quá trình lao động sản xuất; thứ 3 là lượng nước cặn, trước khi đổ ra hệ thống thải chung của địa phương là gia đình phải có hố gas để xử lý cặn trong quá trình sản xuất".

Đối với làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, ông Nguyễn Trọng An, Phó trưởng Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm cho biết, mỗi năm, làng cổ này đón khoảng 5 vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đối với hoạt động du lịch, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân có cam kết bảo vệ môi trường, thu gom tập kết rác đúng nơi quy định.

Các hộ kinh doanh có nhiều rác đều phải thực hiện thu om đúng nơi quy định, đúng giờ, chủ yếu thu gom vào ban đêm để không ảnh hưởng đến hoạt động du lịch:

"Chúng tôi cũng nói với bà con là chúng ta giữ môi trường trước tiên là giữ cho cuộc sống của mình đã, không phải giữ cho khách du lịch, không phải giữ cho Nhà nước hoặc cho cơ quan nào cả, mà giữ cho chính bản thân của mình, cho môi trường thật sạch sẽ, trong lành, tạo ấn tượng cho du khách".

Công tác bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, làng nghề cũng ngày càng được nhiều doanh nghiệp lữ hành quan tâm hơn. Ông Phạm Tuấn Đạt, Giám đốc doanh nghiệp lữ hành AZA cho biết, một trong những nhiệm vụ của hướng dẫn viên trước chuyến đi là thực hiện văn minh du lịch, hướng dẫn du khách không xả rác bừa bãi. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ cốt lõi của doanh nghiệp du lịch nhằm chung tay bảo vệ di tích cũng như để phát triển du lịch bền vững:

"Khi mình về những nơi mang tính thiên nhiên hoặc di tích như ở Đường Lâm chẳng hạn thì cái này lại càng phải thực hiện nghiêm. Ví dụ chuyện ở trong làng thì một trong những cái tạo nên vẻ đẹp của làng ngoài việc cổ kính thì đó là ngôi làng sạch đẹp, nếu du khách vi phạm thì tự nhiên từ đầu làng đến cuối làng một ngôi làng nhỏ xinh xinh lại đầy rác".

Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, Thành phố đã có nhiều chính sách thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch; lựa chọn 17 làng nghề thuộc danh mục phát triển du lịch; trong đó hai cơ sở tiên phong là làng nghề Vạn Phúc và Bát Tràng.

Nhiều đơn vị đã chú trọng quan tâm đầu tư cho bảo vệ môi trường như: bố trí các điểm đặt thùng rác;bổ sung các công trình vệ sinh công cộng; hạn chế phát thải rác gây ô nhiễm môi trường; Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịchđều đã tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng ống hút, cốc,... bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần: 

"Có thể nhận thấy rõ ràng ở các điểm du lịch tiêu biểu như: các điểm di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích nhà tù Hỏa Lò, hệ thống bảo tàng, các khu du lịch sinh thái... Ý thức cộng đồng nhân dân trong các làng nghề du lịch cũng được nâng cao như tại làng nghề gốm sứ Bát Tráng, làng cổ Đường Lâm, làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân..."

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng cho biết, nhiều năm qua, việc bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, du lịch làng nghề đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặc biệt quan tâm.

Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, chất lượng môi trường tại các làng nghề, điểm du lịch đã tạo ấn tượng tốt với du khách
Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, chất lượng môi trường tại các làng nghề, điểm du lịch đã tạo ấn tượng tốt với du khách

Nổi bật là Bộ đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức, tham gia vào hoạt động du lịch, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, cơ sở dịch vụ, nơi quản lý điểm đến, hướng dẫn viên và du khách.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành cũng đã tổ chức nhiều chiến dịch bảo vệ môi trường gắn với hoạt động du lịch:

"Các doanh nghiệp cũng đề xuất ra nhiều chương trình, ví dụ như đi du lịch vớt rác ví du như Hạ Long và một số điểm, rồi lớn hơn vừa rồi Viettravel có đề xuất một chương trình Go Green, trên cơ sở đề xuất của Viettravel thì trong năm 2020 và tới đây Tổng cục Du lịch sẽ triển khai một đề án rộng khắp về việc bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch. Vấn đề ở đây là trong nhận thức và trong hành động và chỉ đạo chung của ngành du lịch chúng tôi đều thấy rằng việc bảo đảm môi trường sống cho người dân địa phương cũng là việc sống còn để chúng ta tiếp tục tăng trưởng bền vững về du lịch".

Nhờ những nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, chất lượng môi trường tại các làng nghề, điểm du lịch đã tạo ấn tượng tốt với du khách:

"Nói chung là Bát Tràng bây giờ đổi theo mô hình nung bằng lò gas thì ô nhiễm bớt đi rất nhiều".

PV: Và đến tham quan thì anh thấy đỡ nhiều?

"Vâng, cũng đỡ đi nhiều".

PV: Ngoài sản phẩm gốm sứ để thờ cúng thì anh đã ưng bộ nào để mua về làm kỷ niệm chưa?

"Có rồi đấy, cũng đã lựa chọn các sản phẩm ở đây để mua về".

"Ở đây thì em thấy không có rác thải nhựa hay gì, đều là những cái gì thân thiện với môi trường thôi ạ. Em cảm thấy như kiểu lạc vào một thế giới khác, đang thành phố rất nhộn nhịp, về đây không khí trong lành, rất bình yên".

PV: Điều đó tạo cho em cảm giác thế nào?

"Nó vừa sạch sẽ và rất an toàn".

"Một trong những lý do em muốn tham quan là những không gian thành phố, đô thị bây giờ quá nhiều rồi. Nên những cái cổ xưa, cố kính mang đậm chất Việt Nam như thế này nó lại cho tụi em hứng thú nhiều hơn. Cái cảm nhận của em bây giờ thành thị quá ô nhiễm, khi về tới làng thì không khí nó bình yên".

Không chỉ khách trong nước, mà khách quốc tế khi đến thăm các làng nghề, điểm du lịch cũng tỏ ra khá hài lòng:

"Các sản phẩm ở đây và làng nghề rất hấp dẫn và đó là lý do khiến tôi và bạn đến đây thăm. Từ Hà Nội xuống đây vùng nông thôn rất trong lành và vấn đề vệ sinh cũng rất tốt, tốt hơn nhiều so với những gì được chứng kiến ở Thành phố".

"Được đến thăm ngôi làng rất truyền thống, toát lên những yếu tố về lịch sử, kiến trúc cũng rất đặc biệt và cũng toát lên truyền thống hiếu học của địa phương. Ngoài ra làng cũng rất sạch".

Tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường không còn chuyện xa xôi, mà đang dịch chuyển rất rõ nét bằng những sự thay đổi ở các làng nghề, các điểm du lịch, từ sự thay đổi của mỗi người dân, của những người có trách nhiệm ở địa phương, và của các đơn vị du lịch, lữ hành, bằng sự bền bỉ, kiên trì và nhiều cách làm sáng tạo. 

Và tất nhiên, sẽ không thể thiếu sự tham gia rất quan trọng từ chính chúng ta, khi đến tham quan mua sắm ở làng nghề, phải không các bạn? Bắt đầu từ việc rất nhỏ thôi mà ai ai cũng có thể làm được ngay, đó là: đừng để lại rác khi đến làng nghề!/.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

CSGT không công khai “kế hoạch, chuyên đề”, người dân vẫn có quyền giám sát

"Quyền giám sát các lực lượng thực thi pháp luật là quyền của người dân. Việc giám sát theo kế hoạch chuyên ngành là câu chuyện giám sát trong các báo cáo. Còn trong hoạt động thường ngày, với mỗi sự kiện chúng ta đều có thể giám sát theo quy định".

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Chưa thanh toán, cắt điện: Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây mất an toàn

Tối 12/4, nhiều tài xế phản ánh đến đường dây nóng của VOV Giao thông về việc một số nút giao lớn trên cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây tối om, khiến tầm nhìn bị sụt giảm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc tham gia lưu thông trên tuyến này.

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Lùng bùng chuyện quản lý lộ trình xe khách

Trong khi lộ trình tuyến cố định được giao cho Sở GTVT hai đầu tuyến chấp thuận, trên cơ sở khảo sát, đề xuất của doanh nghiệp vận tải, thì việc thay đổi lộ trình tuyến lại phải chờ quyết định của Bộ GTVT, khiến hiệu quả khai thác bị ảnh hưởng.

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Nuôi con gì? Ăn con gì?

Với người Việt, việc ăn thịt chó mèo hay nuôi chó mèo để giết thịt là chuyện hết sức bình thường từ xưa tới nay, và có thể nói rằng với lịch sử ẩm thực của người Việt, thịt chó mèo như một phần nét văn hóa ẩm thực… Nhưng rồi thói quen nào cũng sẽ thay đổi cùng với thời gian và nhận thức.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Hà Nội sống và yêu: Quang gánh cuộc đời

Những đôi quang gánh tô điểm cho cái hồn phố thị, thu hút sự chú ý của khách du lịch bao năm qua. Không thể đếm nỗi những vất vả, những câu chuyện đằng sau đôi quang gánh của các bà các chị trên khắp các con phố Hà Nội.

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Hàng trăm tấm đan mương thoát nước trên QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp tiếp tục bị đập phá

Sau khi được lắp đặt lại, hàng trăm tấm loạt tấm đan bê tông mương thoát nước trên tuyến QL 1 và đường Võ Nguyên Giáp, đoạn qua TP. Thủ Đức (TP.HCM) lại tiếp tục bị phá hoại, gây mất an toàn, ảnh hưởng đến trật tự và mỹ quan đô thị.

// //