Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Để Phú Quốc không khốn đốn vì ngập: Phải quản lý chặt công tác quy hoạch và xây dựng

Phóng viên - 12/08/2019 | 10:33 (GTM + 7)

Câu chuyện người dân sinh sống tại huyện Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phải gồng mình ứng phó với tình trạng ngập lụt lại đặt ra một câu hỏi nhức nhối là tại sao một hòn đảo lại có thể bị ngập như vậy?

Liệu tốc độ phát triển nhanh các công trình, quá tải đô thị… có liên quan gì đến trận ngập lụt có thể nói là “lịch sử” ở nơi đây? 

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Vừa qua, Ban Chỉ đạo TW về phòng chống thiên tai đã có báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ trên địa bàn cả nước. Trong đó, riêng Tây Nguyên và Nam bộ đã có 10 người tử vong, 1 người mất tích và 5 người bị thương, ước tính thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng. 

Riêng tại khu vực ĐBSCL, có thể nói thực trạng sạt lở và ngập lụt trong những ngày vừa qua đã một lần nữa cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng mà thiên tai gây ra cho vùng đất vốn được xem là thiên nhiên ưu đãi này. 

Đáng lưu ý, câu chuyện người dân sinh sống tại huyện Đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang phải gồng mình ứng phó với tình trạng ngập lụt lại đặt ra một câu hỏi nhức nhối khác cho chúng ta, đó chính là tại sao một hòn đảo lại có thể bị ngập như vậy? 

Liệu rằng chúng ta có nên chỉ đỗ lỗi cho thiên tai? Tốc độ phát triển nhanh các công trình, quá tải đô thị… có liên quan gì đến trận ngập lụt có thể nói là “lịch sử” ở nơi đây? 

Tính đến ngày 11/8, trên địa bàn huyện Phú Quốc nước lũ đã rút gần hết, tình trạng ngập nước chỉ còn xảy ra cục bộ tại một số khu vực trũng thấp, tuy nhiên độ ngập không sâu. Sau cơn bàng hoàng vì phải di tản nhiều ngày liền, dưới sự hỗ trợ của các lực lượng thực hiện công tác ứng phó, người dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ, trở lại ổn định với cuộc sống thường nhật. 

Nhiều đơn vị vũ trang, trong đó có gần 100 cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên thanh niên Công an huyện Phú Quốc đã chia thành nhiều nhóm đến từng địa phương để khơi thông dòng chảy, nạo vét bùn, đất tại các tuyến đường dân sinh cũng như dọn dẹp nhà cửa, những vật dụng sinh hoạt bị bùn đất vùi lấp sau trận ngập được xem là lịch sử trong nhiều năm trở lại đây. 

Cùng chung hoàn cảnh như nhiều bà con khác trên đảo, sau gần 1 tuần phải sống tạm nơi khác, đến nay, ông Dương Minh Luân 66 tuổi ngụ tại tổ 13, ấp Bến Tràm xã Cửa Dương đã trở về nhà. Ông cho biết, dù đã sống trên đảo này nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên ông thấy Phú Quốc bị ngập lụt nặng như vậy. Sống một mình, tuổi lại cao, nếu không có sự giúp đỡ để chùi rửa lại bàn, ghế, dọn dẹp lại nhà cửa thì ông Luân khó mà xoay xở:

“Qua cơn lũ thì các cơ quan, bộ đội, công an có tới hỗ trợ dọn dẹp nhà cửa, cuộc sống ổn định”.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của UBND Huyện, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có 63 km bị ngập với độ ngập sâu trung bình từ 0,7m đến 2m; hơn 8.400 căn nhà bị ngập trong nước khiến các vật dụng và tài sản trong nhà bị hư hỏng; 23 căn bị tốc mái, sập, sụp nứt v.v… 

Ước tổng giá trị thiệt hại trong đợt mưa lũ này hơn 107 tỷ đồng. Chủ động trong công tác ứng phó với thiên tai, địa phương đã sơ tán gần 2 ngàn người đến nơi tránh trú an toàn. UBMTTQ Huyện cũng đã nấu hơn 3 ngàn suất cơm miễn phí cho người dân, tiếp nhận viện trợ từ các mạnh thường quân gần 40 tấn gạo, khoảng 4 ngàn thùng mì, rất nhiều suất ăn và nhu yếu phẩm khác. 

Đồng thời, Trung tâm Y tế đã tổ chức các điểm lưu động nhằm khám chữa bệnh và cung cấp thuốc men cho người dân tại nơi sơ tán. Cán bộ chiến sĩ hải quân vùng V Hải quân cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang trên địa bàn sơ tán người dân đến những điểm trú tránh an toàn, Thượng úy Nguyễn Văn Định - Phòng Chính trị, Lữ đoàn 127 đang công tác tại Phú Quốc – Kiên Giang cho biết:

“Riêng đối với vùng V Hải quân, đã phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang trên địa bàn, điều động 350 cán bộ, chiến sĩ, 9 xe ô tô, 1 xe cẩu, 2 xuồng ST650 và 65 phao bè nhanh chóng cơ động vào các vùng ngập lụt, bị cô lập để đưa người dân ra khỏi nơi nguy hiểm”.

Tình trạng sông rạch, ao hồ tự nhiên bị lấn chiếm, san lấp khiến nước không còn đường thoát - ngập lụt nghiêm trọng hơn. 

Theo nhiều người dân địa phương, chưa bao giờ trong suy nghĩ của họ lại tưởng tưởng ra cảnh Đảo ngọc bị “chìm” trong nước như vậy. Có những nơi nước ngập sâu đến 2m, đường sá bỗng chốc hóa thành sông, nước tràn vào nhà cuốn trôi nhiều vật dụng, mọi hoạt động đi lại, sinh hoạt, mua bán đều gần như bị đảo lộn. 

Và không chỉ người dân địa phương rơi vào hoàn cảnh khốn đốn mà không ít du khách khi tham quan, nghỉ dưỡng tại Đảo Ngọc cũng hoàn toàn bất lực trong việc đi lại, thậm chí các chuyến bay trở về với đất liền cũng bị gián đoạn. Trao đổi với chúng tôi trong những ngày mưa nặng hạt tại Phú Quốc, anh Cung - một du khách đến với Phú Quốc lo lắng:

“Đường về khu khách sạn xã Dương Tơ ở khách sạn xe không thể nào về được nên buộc chúng tôi phải đặt khách sạn ở Dương Đông”.

Nhận định về nguyên nhân gây ra trận ngập lịch sử này, ông Mai Văn Huỳnh- Bí Thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cũng đã chỉ đạo kiểm tra nhanh chóng nguyên nhân gây ngập cục bộ các khu vực này. Ông Mai Văn Huỳnh cho biết:

“Trước mắt mở thông dòng chày các tuyến bị nghẹt như khúc hẹp của sông Dương Đông. Cái chính là vừa tác động của cơ sở hạ tầng quá tải, hai là triều cường lên nhanh quá, nước biển rút chậm nên gây ngập úng cộng hưởng. Về lâu dài chỉ đạo cho các ngành rà soát đánh giá nguyên nhân chính để có hướng khắc phục.  

Một là rà soát lại tổng thể hạ tầng thị trấn Dương Đông để có giải pháp đồng bộ hiệu quả để trên cơ sở đó xin vốn đầu tư, cải tạo hệ thống thoát nước, tăng cường chỉ đạo kiểm tra trật tự đô thị các hộ xây dựng lấn chiếm lòng sông, lòng suối, lòng rạch để tháo gỡ, xử lý nghiêm minh các công trình vi phạm”.

Phú Quốc hiện là huyện đảo lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích hơn 589 km2, có khoảng 145.000 người sinh sống. Hơn 10 năm qua, Phú Quốc phát triển rất mạnh, tốc độ đô thị hoá nhanh, hệ thống hạ tầng về thoát nước đã quá tải. Ngoài ra, tình trạng sông rạch, ao hồ tự nhiên bị lấn chiếm, san lấp khiến nước không còn đường thoát - ngập lụt nghiêm trọng hơn. 

Cũng theo thông tin được cung cấp từ lãnh đạo UBND Huyện, việc các tổ chức, cá nhân vi phạm xây dựng theo kiểu bêtông hóa lấn chiếm sông, suối, rạch, những đường thoát nước tự nhiên trên đảo thời gian qua vẫn xảy ra. Địa phương đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và đã có những hình thức xử phạt, răn đe, không để tình trạng này tiếp tục tái diễn.

Như vậy có thể thấy mặc dù lượng mưa những ngày qua ở Phú Quốc là quá lớn, chưa từng thấy từ xưa tới nay trên hòn đảo này, kể cả trận mưa lịch sử từng ghi nhận vào năm 1997 khi cơn bão số 5 đổ bộ vào đất liền vùng ven biển Tây Nam, được xem là nhân tố gây ra tình trạng ngập lụt, tuy nhiên rõ ràng bên cạnh thiên tai thì còn có nhân tai. 

Phú Quốc ngập sâu trong mấy ngày qua chính là cái giá phải trả cho sự phát triển quá nóng của Phú Quốc trong một thời gian dài, trong đó có công tác quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng của huyện đảo bị buông lỏng trong một thời gian dài

Trong những năm qua, hòn đảo nổi tiếng thế giới này đã có tốc độ phát triển nhanh chóng dẫn đến việc quá tải đô thị. Điển hình tại thị trấn Dương Đông, trước đây dân số khoảng trên 10.000 người, nay đã trên 50.000 người. Nhu cầu về nhà ở, mật độ xây dựng tăng chóng mặt. Đó là chưa kể việc bùng nổ phát triển du lịch cũng tạo thêm áp lực xây dựng rất lớn khi hiện tại, mỗi năm Phú Quốc đón gần 3 triệu lượt du khách. 

Trong khi đó, hệ thống thoát nước mặt dọc theo các trục đường đã không còn phù hợp với quy mô dân cư và tốc độ đô thị hóa hiện nay. Vậy trước thực trạng này, cần làm gì để Đảo Ngọc không một lần nữa rơi vào hoàn cảnh “đảo chìm”

Phải quản lý chặt công tác quy hoạch và xây dựng(Bình luận của Nhà báo Bùi Trọng Điển – Phó Giám đốc Kênh VOV Giao thông)

Đối với những ai yêu mến đảo ngọc Phú Quốc, những ngày vừa qua không khỏi bàng hoàng, xót xa khi thấy hình ảnh người dân huyện đảo vật vã trong dòng nước chảy xiết; bơ phờ trong cơn “đại hồng thủy”; thiệt hại về của cải, tài sản chắc chắn sẽ rất lớn. 

Có thể do biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan khiến mưa rất to kéo dài làm cho nhiều nơi trong huyện đảo bị nhấn chìm; song điều này cũng chỉ là một phần nguyên nhân. Với những người dân ở huyện đảo này, hàng chục năm trước đều chứng kiến cảnh hiện tượng mưa núi ở đây. Mưa tối ngày sáng đêm, kéo từ ngày này qua ngày khác,lượng mưa cũng cực lớn nhưng Phú Quốc gần như không bị ngập. 

Trước hết về cấu tạo địa hình, Phú Quốc có đặc trưng cơ bản là cao ở phía Bắc, thấp dần về phía Nam. Ở Phía Đông của đảo đa phần là các dãy núi cao sừn sững bao chắn nên phía Tây cũng thấp dần và đây cũng chính là hướng chính phát triển của huyện đảo để hướng ra biển. 

Do vậy, lượng mưa dù có lớn đến đâu, nước từ trên núi đổ xuống mạnh thế nào cũng có cây rừng che chắn, giảm cường độ. Nước mưa có ào ạt rồi cũng theo các con sông chính như Dương Đông, Dương Tơ, Cửa Cạn và các con suối có khắp quanh đảo chảy xuôi dần về tây rồi đổ ra biển. Vậy nên dọc nhiều bãi biển ở phía Tây thuộc thị trấn Dương Đông thỉnh thoảng vẫn bắt gặp những con suối chảy ra biển suốt ngày đêm. 

Thế nhưng nhiều năm trở lại đây do tốc độ đô thị hóa quá nhanh; toàn bộ các bãi biển là resort, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch với các công trình xây dựng đồ sộ mọc lên như nấm. Toàn bộ các con suối thoást ra biển gần như bị tắc nghẽn bởi hệ thống tường bao kiên cố. Các con sông chính cũng bị lấn chiếm, nhà cửa mọc lên san sát. 

Ở các xã như Dương Tơ, Bãi Thơm, Cửa Dương, An Thới...các con suối cũng bị bao chiếm, lấn dòng. Diện tích cây rừng thì các ngày suy giảm; trong khi hệ thống cống thoát nước thì cũ kỹ, lạc hậu, có nơi thì tắc nghẽn bởi rác thải, cát thải. Khiến cho Phú Quốc ngày càng trở nên ngột ngạt; đô thị phát triển trong điều kiện thiếu thốn trăm bề, nhất là hệ thống đấu nối cấp, thoát nước. 

Thực trạng Phú Quốc ngập sâu trong mấy ngày qua chính là cái giá phải trả cho sự phát triển quá nóng của Phú Quốc trong một thời gian dài, trong đó có công tác quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng của huyện đảo bị buông lỏng trong một thời gian dài. 

Do vậy ngay lúc này, Phú Quốc cần có tầm nhìn về quy hoạch chiến lược, lâu dài, không thể phát triển bất chấp đến các tác động của môi trường sinh thái của huyện đảo, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động khôn lường như hiện nay. 

Trước tiên, điều cốt tử là Phú Quốc phải giữ được càng nhiều diện tích rừng càng tốt vì với một huyện đảo rộng lớn, bốn bên là biển thì nguy cơ thiếu nước ngọt có thể xảy bất cứ lúc nào. Rừng cũng vừa gióp phần giữ nước đồng thời cũng giúp điều tiết nước khi có mưa lớn, để không có lũ như vừa qua. 

Tình trạng bao chiếm bờ sông, con suối phải bị xử lý nghiêm và chấm dứt. Các công trình như resort, khách sạn, nhà hàng, dọc các bãi biển khi xây dựng phải đấu nối với hệ thống thoát nước ở khu vực; không xây dựng tường thành chống xói lở, mà bít bùng các con suối tự nhiên đã hình thành từ khi có đảo.

Đó là chưa kể, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay, dân số tăng gấp nhiều lần, việc hình thành một đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ từ cấp thoát nước đến giao thông kết nối phải được thực hiện căn cơ và khoa học. Việc quản lý xây dựng phải được thực hiện chặt chẽ, rốt ráo; xử lý bất cứ cá nhân tổ chức nào vi phạm. 

Phú Quốc rất cần các nguồn lực đầu tư để phát triển nhưng thu hút nguồn vốn bằng bất cứ giá nào nếu không tính đến sự bền vững, an ninh, an toàn của huyện đảo đều phải trả giá, nên nhà quản lý các cấp phải sẵn sàng từ chối các nhà đầu tư ”tham lam”; chỉ chăm chăm lợi nhuận, lợi ích cá nhân.

Rõ ràng, Phú Quốc ngày nay muốn trở thành thiên đường nghỉ dưỡng, trở thành hòn đảo ngọc thực sự thì cần rất nhiều việc phải làm, trong đó đặc biệt là tầm nhìn trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, trong đó việc xây dựng các công trình to nhỏ trên huyện đảo phải được giám sát thường xuyên, liên tục. 

Đồng thời theo đó là những cơ chế chính sách dài hạn, không chạy theo các hấp lực phát triển trước mắt mà đánh đổi. Phú Quốc dù phát triển và hiện đại thế nào cũng không được phá vỡ vẻ bình yên, sinh thái bền vững  vốn có của huyện đảo đã được hình thành hàng trăm năm nay.
 

Tags:
Ý kiến của bạn
Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ, nơi lưu giữ những trang sử hào hùng

Giữa lòng Sài Gòn, có một quán cà phê nho nhỏ ẩn mình giữa những xô bồ phố thị nơi du khách thập phương có thể ghé lại nhâm nhi tách cà phê và sống lại giữa những không khí hào hùng của dân tộc. Quán cà phê vẫn gọi với cái tên thân thương “biệt động Sài Gòn”,

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Xe ôm công nghệ ủng hộ xử phạt đồng nghiệp vi phạm luật giao thông

Mặc dù đã tuyên truyền liên tục, song hình ảnh các tài xế xe ôm công nghệ vi phạm luật giao thông đường bộ vẫn khá phổ biến trên đường phố Hà Nội. Trước tình hình này, cảnh sát giao thông Thủ đô dự kiến sẽ tăng cường xử lý nghiêm đối với lực lượng tài xế đặc thù này.

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Cảnh giác với tội phạm ma túy trên biển

Trong thời gian gần đây, nhiều địa phương tiếp giáp biển như Bình Thuận, Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Tiền Giang và mới đây nhất là Bến Tre đã liên tục phát hiện số lượng rất lớn ma túy trôi dạt vào bờ.

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Nét bút xanh, viết tiếp cho đời những ước mơ

Từng chiến đấu với căn bệnh ung thư nên anh Trương Văn Vũ-Chủ nhiệm CLB Nét bút xanh hiểu được sự cùng cực của những người rơi vào những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi khỏi bệnh, anh đã viết tiếp những giấc mơ dang dở cho học sinh khó khăn ở ĐBSCL nói chung, con em người Việt ở Campuchia nói riêng.

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Lương tăng và nỗi lo giá cả hàng hóa “leo thang”

Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH, thống nhất với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2024. Nhưng bên cạnh niềm vui cũng là nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.

// //