Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cần một 'Nghị định 100 cho xe dù bến cóc'

Phóng viên - 13/01/2020 | 11:04 (GTM + 7)

Phải chăng, vấn nạn “xe dù bến cóc” cần một đột phá như nội dung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm nồng độ cồn? Hay ở thế vỡ trận của thị trường, các “trọng tài” cũng buông còi để mặc “người chơi” trên bàn cờ vận tải khách?

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Ngăn “xe dù bến cóc”: Có phải bất khả thi?

9h sáng, vừa xuất bến Giáp Bát, rẽ vào Kim Đồng, mặc kệ các phương tiện phía sau bấm còi inh ỏi, xe khách tuyến Hà Nội – Ninh Bình biển kiểm soát 35B-01119 vẫn chậm rãi “bò” trên đường. Đến chỗ quay đầu hướng ra Giải Phóng, cửa xe bất ngờ bật mở. Từ lề phải đường, một phụ nữ cắp theo túi thoăn thoắt chui tọt lên.

xe dù bến cóc
Trong năm 2019, Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Ma đã xử lý 465 trường hợp đón trả khách sai quy định, nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Ảnh: Chu Đức

Hoạt động diễn ra chỉ trong khoảng vài giây, nhưng cả tài xế và hành khách đều không hay biết, đã lọt vào tầm ngắm của lực lượng chức năng. Chiếc xe chở theo 4 thanh tra viên Thanh tra giao thông lập tức rồ ga chặn đầu chiếc xe này. Trước khi xuống xe thực hiện các thủ tục, tài xế vẫn kịp dặn 2 hành khách trên xe rằng, “nhớ nói là vị khách vừa nãy tự ý lên xe, chứ nhà xe không có ý bắt khách”.

Theo quy định của Nghị định 100, tài xế Phạm Quốc Hà thuộc Công ty cổ phần vận tải ô tô Ninh Bình bị phạt 1,5 triệu đồng, tước bằng lái 2 tháng. Tài xế này thừa nhận, từng bị xử phạt 2 lần vì lỗi đón trả khách sai quy định. Khi được hỏi liệu sau này, có dám tái phạm nữa không, tài xế Hà cười gượng gạo, không trả lời.

“Nói thật là khó khăn. Tết nhất đến nơi trên xe có 3 người mà bọn em cũng bắt buộc phải về. Bằng thì tước 2 tháng. Qua Tết hết tháng 2 mới đi làm. Tết nhất bao nhiêu khoản phải chi”.

Ngoài xe khách biển Ninh Bình, một chiếc xe hợp đồng biển số 29B-02645 gần đó cũng đồng thời bị Thanh tra giao thông xử phạt 900 nghìn đồng do lỗi dừng đỗ sai quy định trên phố Kim Đồng.

Ông Ngô Quốc Cường, đội trưởng Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai cho biết, đúng là có tình trạng xe xuất bến chỉ chở 1-2 khách, nên lái xe cố tình vi phạm để đảm bảo doanh thu. Trong năm 2019, Đội đã xử lý 465 trường hợp đón trả khách sai quy định, nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Một phần nguyên nhân từ việc sắp xếp “lốt” xe chưa phù hợp, nhận thức của lái xe, doanh nghiệp chưa tốt. Đơn vị đã bàn biện pháp với CSGT, bến xe Nước Ngầm, bến xe Giáp Bát, Công an quận Hoàng Mai, công an Phường Giáp Bát.

“Chúng tôi đã kiến nghị Sở GTVT, yêu cầu kiểm tra lại các ‘lốt’ trong bến xe có thừa thiếu không. Nếu thừa thì yêu cầu bến xe giảm bớt số ‘lốt’ chạy trong ngày để giảm tình trạng đón trả khách trên đường Kim Đồng. Đối với các doanh nghiệp mà có xe vi phạm thì bến xe phối hợp đình tài, cắt ‘lốt’. Song song phải có camera giám sát phạt nguội”.

Được biết, tại khu vực Kim Đồng – Giải Phóng, có 1 thành viên tổ tự quản phường Giáp Bát và 1 chiến sĩ CSGT-Trật tự Công an quận Hoàng Mai được bố trí ứng trực hàng ngày để đẩy đuổi, xử lý vi phạm xe “rùa bò”, dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. Bên cạnh đó, có hệ thống camera phục vụ việc phạt nguội. Ông Phạm Ngọc Sử - Tổ tự quản phường Giáp Bát nhấn mạnh:

“Vẫn có trường hợp bắt khách nhưng anh em ra xử lý luôn.  Cứ xe nào dừng đỗ, xử phạt rất nhiều rồi nhưng cố tình dừng đỗ thì vẫn tiếp tục xử phạt nữa”.

Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Tất Thành – Giám đốc bến xe Giáp Bát để làm rõ về nguyên nhân xảy ra nhiều vi phạm của các nhà xe, đặc biệt là các xe Ninh Bình.

“Tuyến Ninh Bình thì bến xe Giáp Bát trước kia khoảng trên dưới 100 lượt xe/ngày. Tuy nhiên khi thành phố điều chỉnh lượt xe từ Mỹ Đình về thì tăng lên khoảng gần 200 lượt xe. Cung cầu bất cân đối, ảnh hưởng hoạt động của các đơn vị hoạt động trên tuyến Ninh Bình – Hà Nội. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra xử lý nghiêm vi phạm của các xe cố tình. Vừa rồi một số xe cũng bị từ chối phục vụ 1 tháng , đây là bài học răn đe cho các nhà xe”.

Trong năm 2019, bến xe Giáp Bát đã từ chối phục vụ gần 200 lượt các lỗi vi phạm của các đơn vị vận tải có hành vi vòng vo, đón trả khách sai quy định mà hệ thống camera ghi nhận.

xe dù bến cóc
Theo cơ quan chức năng, các chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, các quy định chưa chi tiết và kín kẽ đối với vi phạm của các nhà xe và đặc biệt là xe hợp đồng. Ảnh: Chu Đức

Ngược về phía Bắc Hà Nội, khu vực dọc vành đai 3 được cho là “thủ phủ” về nạn “xe dù bến cóc”. Khảo sát của phóng viên vào chiều 8/1/2020, tình trạng các xe cố tình đi sai hành trình, đi lòng vòng, “rùa bò” để mời chào khách vẫn xảy ra. Điển hình như xe Đức Mỡi biển số 18B-01123 tuyến Nam Định -Nghĩa Hưng; xe Xuân Hồng 19B-00476, Việt Trì-Mỹ Đình.

Trung tá Đỗ Trọng Tuân, Đội phó Đội CSGT số 14 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) cho biết, từ 1/12/2019 đến nay, đơn vị đã xử lý dừng đỗ sai quy định 56 trường hợp, mở cửa xe đu bám 5 trường hợp, chở quá số người quy định 1 trường hợp, đón trả khách sai quy định 2 trường hợp.

Theo Trung tá Đỗ Trọng Tuân, các chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, các quy định chưa chi tiết và kín kẽ đối với vi phạm của các nhà xe và đặc biệt là xe hợp đồng, dẫn đến khó khăn xử lý, và cả tình trạng vì doanh thu mà các nhà xe cố tình vi phạm.

“Các nhà xe thường xuyên có người theo dõi. Nhiều lúc họ có tính chộp giật. Vắng bóng lực lượng là họ dừng rồi thả người xuống luôn rồi đi ngay, nên rất khó xử lý. Tuy có lực lượng tuần tra nhưng cũng không thể xử lý hết được”

Ông Phan Anh Tuấn – Đội trưởng đội Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy cho biết, dù chỉ quản lý một phần địa bàn ở khu vực này, nhưng trong năm 2019, đơn vị đã xử phạt hơn 320 xe khách tuyến cố định và xe hợp đồng về hành vi dừng đỗ đón trả khách sai quy định, phạt gần 1 tỷ đồng. Trong đó, đi sai hành trình bị tước phù hiệu là 35 xe.

Theo ông Phan Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân: hành khách chưa có thói quen vào bến lên xe; các doanh nghiệp, tài xế cố tình vi phạm, thậm chí, khi bị xử lý, có thể đọc ra ngay được lỗi đó mức phạt là gì. Ngoài ra, lực lượng chức năng rất mỏng, đang xử lý vi phạm, có xe vi phạm ở phía trên cũng không thể “phân thân” để ghi hình làm căn cứ xử phạt.

Dù vậy, chỉ huy Thanh tra GTVT quận Cầu Giấy khẳng định, việc xử lý dứt điểm “xe dù bến cóc” là hoàn toàn khả thi:

“Quan điểm của tôi là chúng ta cần hoàn thiện cơ chế khung pháp luật xử lý kín kẽ các hành vi vi phạm, thứ hai là sự quyết liệt, vào cuộc đồng bộ của lực lượng chức năng. Vì cứ vi phạm là bị xử lý, nếu cố tình chăng nữa thì cũng bị cơ chế phạt nguội, các biện pháp nghiệp vụ khác để xử lý nghiêm khắc. Và khi nhân dân vào bến đón xe thì lúc đó các xe cũng không cần phải vi phạm nữa”

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, vấn nạn “xe dù bến cóc” đã tồn tại dai dẳng nhiều năm nay, từ khi có hoạt động của vận tải hành khách tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch. Bên cạnh công tác xử lý vi phạm chưa triệt để, việc quản lý xe hợp đồng hiện nay cũng còn nhiều bất cập, và gần như bị thả nổi.

“Tôi hi vọng rằng tới đây, khi xây dựng lại Luật giao thông đường bộ, ta nhìn thẳng vào sự thật này. Tôi không muốn nói là hợp thức hóa những loại này mà phải có những quy định pháp luật để quản lý được nó, tạo sân chơi bình đẳng cho tất cả loại hình giao thông vận tải”.

Nêu quan điểm, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, về chính sách dài hạn, thì nên chăng xem xét việc quản lý đối với xe khách liên tỉnh, nhìn nhận loại xe 7 chỗ, 9 chỗ, 16 chỗ cũng tham gia vào thị trường vận tải hành khách liên tỉnh. Cần có thêm các bến đỗ, chỗ dừng đỗ riêng, không ảnh hưởng tới lưu thông các phương tiện khác. Còn giải pháp trước mắt, vẫn là phải xử lý kiên quyết, nếu không chỉ là “bắt cóc bỏ dĩa”

“Cơ quan quản lý nhà nước có thể đi tuần tra, kiểm tra, bắt vài trường hợp thì cũng chỉ vài trong hàng trăm trường hợp thôi. Biết là khó khăn như vậy nhưng nếu lực lượng thanh tra giao thông, CSGT có những đối sách quyết liệt, tuần tra với thời gian dài, nhiều lần trong một thời gian thì sẽ phần nào dẹp được”.

“Xe dù bến cóc” nở rộ trong thế cờ tàn

Nhà xe Út Bờm có bến cóc ở đường Trần Thủ Độ (Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) luôn có hàng chục xe đón khách đi Thanh Hóa
Nhà xe Út Bờm có bến cóc ở đường Trần Thủ Độ (Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) luôn có hàng chục xe đón khách đi Thanh Hóa. Ảnh: Tạp chí Giao thông

Cách đây chưa lâu, một lãnh đạo Hiệp hội vận tải Hà Nội từng cảm thán, hoạt động vận tải khách trên địa bàn Thủ đô đang ở thời kỳ ảm đạm, sát bờ vực “vỡ trận”. Việc nắn luồng tuyến, quy hoạch các bến bãi đỗ xe ra khỏi trung tâm, cộng với sự phát triển của xe hợp đồng trá hình được cho là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này.

Những bến bãi vắng người, những chiếc xe xuất bến vỏn vẹn vài vị khách đã là hình ảnh quen thuộc. Doanh nghiệp buộc phải chạy cầm chừng để giữ “lốt”, còn lái xe được thả nổi, cố tình chạy sai lộ trình, luồng tuyến, đi lòng vòng rùa bò, “bắt” khách dọc đường.

Đại diện một bến xe lớn ở Hà Nội thừa nhận, trong thế cờ tàn của xe khách tuyến cố định, các biện pháp chấn chỉnh từ phía bến xe không còn “uy lực” như xưa. Ngược lại, bến xe cũng đau đầu để thu hút thêm các doanh nghiệp gia nhập, nhằm đảo chiều doanh thu đang có xu hướng lao dốc.

Trong bối cảnh đó, tận dụng tình hình chưa có quy định mới siết chặt hoạt động, xe hợp đồng chạy trá hình như tuyến cố định đã chiếm thế thượng phong trên thị trường. Chúng gia tăng rất nhanh số lượng, dừng đỗ vô tội vạ, thậm chí lập bến trên đường, gây hỗn loạn giao thông.

Xe khách tuyến cố định bất cần, còn xe hợp đồng trá hình thì lộng hành. “Xe dù bến cóc” nở rộ từ đó mà ra. Vậy bàn tay quản lý, giám sát của cơ quan chức năng ở đâu?

Năm 2019, báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, lực lượng thanh tra giao thông phạt hơn 21 nghìn trường hợp vận tải khách, phạt tiền trên 52 tỷ đồng, tạm giữ hơn 320 phương tiện, tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hơn 2.100 trường hợp, tước phù hiệu vận tải khách có thời hạn 178 trường hợp. Chưa kể thống kê từ lực lượng CSGT, các xử phạt nội bộ trong doanh nghiệp, bến xe.

Tất nhiên, lập luận của các đơn vị về việc “căng mình” xử lý “xe dù bến cóc” là có cơ sở. Song hiệu quả đến đâu, ai cũng có thể nhận thấy.

Một câu hỏi người viết thường đặt ra cho các cơ quan chức năng: “Xử lý xe dù bến cóc có phải bất khả thi?” 100% câu trả lời là “khả thi” với một điều kiện: xử lý nghiêm, kiên quyết, thường xuyên. Và thực tế, sau phản ánh của dư luận, liên tiếp những bãi xe “dù” đã bị giải tỏa, những “bến cóc” nhanh chóng biến mất khi có sự hiện diện của lực lượng liên ngành.

Phải chăng, vấn nạn “xe dù bến cóc” cần một đột phá như nội dung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm nồng độ cồn? Hay ở thế cờ tàn của thị trường, các “trọng tài” cũng buông còi để mặc “người chơi” trên bàn cờ vận tải khách?

Nói cách khác, điều kiện tiên quyết nằm ở năng lực xử lý hay quyết tâm xử lý, người viết vẫn nghiêng về vế thứ hai. Bàn cờ càng hỗn loạn, luật chơi bị xem nhẹ, thì càng cần một trọng tài nghiêm khắc, công minh./

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, trên Đèo Cả những ngày qua đã khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị đình trệ. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt huyết mạch này.Đến nay công tác khắc phục sự sự cố lở đá được thực hiện đến đâu?

Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?

Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?

Vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum làm 15 cán bộ Quản lý thị trường TP.HCM bị thương đã được chuyển về BV Chợ rẫy điều trị. Hiện 9 bệnh nhân được điều trị tích cực, trong đó có một bệnh nhân hôn mê, xuất huyết não rất nặng.

Sở Y tế TP.HCM liên kết khám chữa bệnh trước, trả tiền sau

Sở Y tế TP.HCM liên kết khám chữa bệnh trước, trả tiền sau

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành khuyến cáo triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Thu phí gửi xe không tiền mặt: Người ủng hộ, kẻ làu bàu 'công nghệ phập phù'

Thu phí gửi xe không tiền mặt: Người ủng hộ, kẻ làu bàu "công nghệ phập phù"

Hôm qua (15/4) là ngày đầu tiên quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai giải pháp thu phí gửi xe không dùng tiền mặt ở 16 điểm đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường đã được cấp phép. Người dân, nhân viên trông xe đón nhận hình thức mới này như thế nào?

// //