Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Ý thức 'nhường ghế' trong văn hóa giao thông

Phóng viên - 10/04/2017 | 10:38 (GTM + 7)

VOVGT – Ý thức nhường ghế và giúp đỡ nhau khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng là một nét đẹp trong văn hóa giao thông…

Nghe nội dung chi tiết chương trình tại đây: 

Ảnh minh họa

Mới đây, trên mạng xã hội facebook đã chia sẻ một câu chuyện mà khi nghe qua ai cũng thở dài và lắc đầu ngao ngán về sự thờ ơ của một bộ phận người tham gia giao thông hiện nay. Câu chuyện nhanh chóng được một số tờ báo đăng tải vào ngày 26/03/2017.

Theo anh T.H.T – người đã chia sẻ lên trang facebook cá nhân của mình thì sự việc xảy ra vào đêm 23/3/2017 trên chuyến xe từ Thanh Hoá về Hà Giang. Trên trang cá nhân của mình, anh kể: “Chuyến xe đêm về với bản làng yêu thương đang chạy thì có một đôi vợ chồng bế theo một cháu nhỏ vẫy xe ngang đường. Chắc có việc gấp phải đi, không đặt trước với nhà xe nên xe đã kín chỗ. Cháu bé và mẹ bé quá say xe nên phụ xe thương lượng với các vị khách nằm ở giường tầng 1 (vì xe giường nằm có hai tầng) cho hai mẹ con được nằm ở giường dưới nhưng không ai đồng ý. Có người thì từ chối thẳng, còn có người thì giả vờ ngủ”.

Ngay sau khi câu chuyện được chia sẻ trên mạng, cộng đồng mạng đã bày tỏ sự bức xúc trước thái độ vô cảm của một số hành khách cùng chuyến đi. Khoan đề cập đến việc tài xế rước khách dọc đường và hành khách không đặt vé trước, chúng ta nhìn thấy gì từ sau câu chuyện này, về ý thức nhường nhịn, chia sẻ, cảm thông và giúp đỡ nhau trên những chuyến xe như thế?

Dưới đây là ý kiến của một số người dân:

“Theo tôi thì hành động trên của người đàn ông thật đáng xấu hổ, mình là thanh niên thì mình nên nhường chỗ cho người phụ nữ, lại có con nhỏ. Thật ra nó cũng không có đáng, nhưng đó là ý thức và lịch sự”.

“Tôi thấy đó là một việc nên làm, khi mình giúp được ai đó thì mình thấy mình có niềm vui, mình là thanh niên khỏe mạnh thì không có gì để mình so đo, với trẻ em, phụ nữ thì người ta yếu hơn mình. Vậy nên mình nhường ghế cho người ta thôi”.

“Thi thoảng thì tui đi xe cũng thấy có một số ít người không nhường ghế, có thể là do họ mệt, họ say xe nên họ không nhường ghế. Những lúc như vậy thì mình nên nói với người bên cạnh để họ nhường ghế, chứ im lặng thì cũng không tốt”.

“Tôi đi xe bus thường xuyên, tui thấy các bạn trẻ cũng thường nhường ghế cho người già, phụ nữ mang thai, người khuyết tật. Tui thấy đang là một hành động rất văn hóa của những người có ý thức như vậy”.

Đó là ý kiến của một số người bày tỏ quan điểm cá nhân của mình sau khi lắng nghe câu chuyện về sự vô cảm của những hành khách trên chuyến xe đêm và ý thức nhường ghế, chia sẻ, giúp đỡ nhau khi đi lại bằng phương tiện xe khách hay xe bus công cộng. Dù biết rằng, những vị khách trong câu chuyện này đã bỏ ra một số tiền để được hưởng dịch vụ tốt nhất tương ứng với số tiền ấy, đó là điều hoàn toàn chính đáng. Thế nhưng trong hoàn cảnh có ai đó cần được giúp đỡ (mà trường hợp này là người phụ nữ và cháu bé đang bị say xe) thì lẽ ra với tinh thần nhân ái của mình, người ta sẵn sàng tương trợ. Việc nhường ghế là một việc tuy nhỏ nhưng thể hiện được ý thức văn hóa, tinh thần nhân ái, ứng xử có đạo đức của bản thân mỗi người.

Câu chuyện nhường ghế trên chuyến xe đêm từ Thanh Hoá về Hà Giang gây bức xúc cộng đồng mạng có lẽ không phải là câu chuyện mới và càng không phải là câu chuyện “có một không hai”. Hằng ngày đâu đó trên những chuyến xe đường dài, đặc biệt là trên những chuyến xe bus hiện đại ngay nội thành vẫn xuất hiện nhan nhãn những hình ảnh tương tự, chỉ có điều mức độ sự việc không quá nghiêm trọng.

Chúng tôi đã có một ngày dài ghi nhận trên các chuyến xe bus tại thành phố Hồ Chí Minh về thực trạng nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên như người già, phụ nữ mang thai, trẻ em và người tàn tật. Mặc dù trên tất cả các xe buýt đều có bảng nội quy ghi rõ: “Nhường ghế cho người tàn tật, người già, phụ nữ có thai và trẻ em”, thậm chí nhiều xe bus còn có cả ghế dành riêng cho các đối tượng này. Tuy nhiên vẫn còn một số người thản nhiên không chấp hành nội quy ấy, đáng buồn là trong đó có không ít các bạn trẻ.

Nhiều người có “thâm niên” đi xe buýt, nhất là giới học sinh, sinh viên, người lao động còn “truyền tai” nhau “bí quyết” đi xe buýt có ghế ngồi và không phải… nhường chỗ! Theo “bí quyết” này, cách tốt nhất để có chỗ ngồi thì phải lên xe ở ngay điểm đầu tiên và chọn chỗ càng cuối xe càng tốt, bởi nếu các đối tượng ưu tiên lên xe thường sẽ phải nhường ghế ngay ở những hàng đầu. “Bí quyết” tiếp theo là khi yên vị được trên xe thì tốt nhất lim dim mắt giả vờ ngủ, không nhìn thấy người lên xe là ai, bất kể họ có phải đối tượng ưu tiên hay không. Đó quả là câu chuyện đáng buồn về ý thức và văn hoá ứng xử của người tham gia giao thông.

Là một tài xế xe bus lâu năm trong nghề, anh Dương Tuấn Anh bày tỏ ý kiến của mình:

"Hành động này thì quá sai. Khi lên xe,  nhường ghế thì mình cảm thấy rất tự hào, nên làm. Già cả, trẻ em, mình nên nhường hết. Những hành động mà lơ đi, giả vờ ngủ là điều không tốt, chính những người hành động như vậy thì mình nên xấu hổ với hành động của mình".

Cùng quan điểm với anh Dương Tuấn Anh, đánh giá cao ý nghĩa nhân văn của việc nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên hoặc những người đang cần sự giúp đỡ, Ths xã hội học Lưu Thị Ánh Loan – Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và phát triển DRD cho biết:

"Tôi nghĩ việc nhường ghế cho người khuyết tật, người già, phụ nữ mang thai hoặc trẻ em thì rất cần thiết bởi vì đây là nhóm đối tượng mà mình quan tâm nhiều hơn, nó mang một ý nghĩa nhân văn hơn trong cộng đồng xã hội của mình, đặc biệt là các bạn thanh niên khi mình lên xe mà mình nhìn thấy những người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em, người khuyết tật thì mình cũng sẵn lòng mình nhường chỗ ngồi cho họ bởi vì họ đi lại cũng khó khăn. Những người đi xe, có những người đi xe bị say rất nhiều, họ cũng cần được nhường chỗ, có ai đó sẵn lòng thì đây là một hành động rất ý nghĩa, nhân văn".

Nhìn từ lăng kính văn hoá truyền thống của người Việt, TS Lê Thị Ngọc Điệp – Phó trưởng khoa Văn hoá học – ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM nhìn nhận:

"Truyền thống văn hoá Việt Nam mình thì trọng tính tôn ti, trọng tình cảm, tính cộng đồng cao nên tinh thần đoàn kết, tương trợ tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ lẫn nhau, cho nên việc mà mình lên bus hay các chuyến xe mà mình nhường ghế, nhường chỗ cho người cao tuổi, phụ nữ hay trẻ em thì nó có từ lâu đời rồi".

Như chia sẻ của TS Lê Thị Ngọc Điệp thì việc nhường ghế, nhường chỗ, chia sẻ và giúp đỡ nhau đã là truyền thống trong văn hoá ứng xử của người Việt lâu nay. Thế nhưng, vì sao hiện nay một số ít người trẻ lại dửng dưng với giá trị tốt đẹp này?

Đi tìm nguyên nhân lý giải cho thực trạng này, GS TS Vũ Gia Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Văn hoá – Du lịch phân tích:

"Gần như giới trẻ chỉ nghĩ tới mình, đây là một lối sống mà tôi nghĩ rằng nước ta chưa theo được, nhất là giới trẻ, chưa theo kịp văn minh đô thị, văn minh công chúng, văn minh xã hội. Đây là một biểu hiện của lối sống ích kỉ, mà lối sống ích kỉ này xuất hiện ở những nền nông nghiệp lạc hậu đi lên, tức là sản xuất nông nghiệp từ những vùng quê, cách trưởng thành từ vùng quê, không có tiếp cận được với công cộng xã hội, ít được giáo dục về trách nhiệm xã hội, cũng như ứng xử công cộng, do nền sản xuất của chúng ta đi chậm, vì vậy nên sự quan tâm đến người khác ít hơn. Giới trẻ được học trong trường nhưng mà giáo dục về lối sống, kỹ năng sống, đặc biệt là ứng xử với người khác thì chưa được giáo dục tốt. Một mặt nữa thì nói đến trách nhiệm của các đoàn thể, trách nhiệm của xã hội trong việc chưa quan tâm đến kỹ năng sống của giới trẻ, chúng ta quá chú trọng đến tư tưởng của giới trẻ mà chưa quan tâm đến kỹ năng. Đây là một mảng trống của trách nhiệm xã hội".

Không ít những hình ảnh chưa đẹp về việc nhường ghế và chia sẻ không gian cùng nhau, giúp đỡ nhau trên các chuyến xe buýt, xe khách, tàu hoả mà chúng ta vẫn đi lại hằng ngày, đây là những điểm tối về văn hoá ứng xử kém văn minh, thậm chí trên các phương tiện công cộng nhiều người còn ngang nhiên chiếm chỗ của nhóm đối tượng ưu tiên khiến dư luận kịch liệt phản đối.

Mỗi chuyến xe là một xã hội thu nhỏ nên trên chuyến xe ấy có đủ mọi lứa tuổi, ngành nghề, mỗi người có cách ứng xử khác nhau, không ai giống ai nhưng phải có ý thức tôn trọng, ý thức cộng đồng. Chuyện chia sẻ, tương trợ và nhường ghế cho những đối tượng ưu tiên hoặc những người cần sự giúp đỡ trên các chuyến xe là điều cần thiết, nên được khuyến khích thực hiện.

Trong khi nhiều người xem việc nhường ghế, giúp đỡ cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai và người khuyết tật là việc hết sức bình thường, là việc làm theo đạo đức, theo lương tâm, là hành động thể hiện sự kính trên nhường dưới, giúp đỡ những người yếu hơn. Hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, tạo ra một lối ứng xử văn minh. Thế nhưng, cần phải nhường ghế như thế nào để được gọi là “văn minh” cũng là một điều đáng bàn.

Có nhiều người cho rằng chỉ nhường ghế khi người muốn ngồi đích thân nhờ vả. Đây là một suy nghĩ thiếu chuẩn mực, bởi lẽ chuyện nhường ghế cho các đối tượng ưu tiên nên được thực hiện một cách chân thành, tự nguyện, xuất phát từ tâm mỗi người chứ không phải vì có ai nhắc nhở hoặc sợ bị chê trách thì mới làm.

Thực tế cho thấy khi nhiều người đứng lên nhường chiếc ghế của mình cho người khác thì lại ngó nghiêng xung quanh, rồi cảm thấy bất công, khó chịu, từ đó nảy sinh tâm lý không muốn nhường nữa vì nhiều người cũng như mình nhưng sao không chịu nhường. Khi làm điều thiện, xin đừng so đo tính toán thiệt hơn với những người khác trên một chuyến xe, đừng vô tâm, vô cảm với những người cần được giúp đỡ. Hãy hành động để lương tâm không bị áy náy, thế là đủ! Cũng phải nói thêm rằng, nhường chỗ là việc làm đáng quý, tuy nhiên, có nhiều trường hợp trong thực tế khó có thể thực hiện điều này. Việc di chuyển trên quãng đường ngắn như đi xe buýt thường không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe.

Tuy nhiên, đi tàu, ô tô hay máy bay với quãng đường dài rất dễ gây mệt mỏi. Mọi người đều bình đẳng, việc ưu tiên, nhường nhịn chỉ thực sự có nghĩa khi xuất phát từ tấm lòng và sự sẻ chia. Hành khách cân nhắc tình hình sức khỏe của bản thân hoặc có mang trẻ nhỏ theo hay không để mua chỗ phù hợp với mình trên những hành trình di chuyển.

Thời gian gần đây, việc tạo dựng văn hóa giao thông trên các phương tiện giao thông công cộng được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Các đơn vị, cá nhân liên quan đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao trách nhiệm, thái độ và chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, làm sao để xây dựng nên văn hóa ứng xử cho mọi người đi xe để chuyến xe không chỉ đơn thuần là một không gian đi lại với điểm đầu và điểm cuối mà hơn thế nó là một chuyến xe của sự thân thiện và gần gũi. Sắp tới đây, trong một tương lai rất gần, những tuyến xe điện metro đầu tiên sẽ xuất hiện tại thành phố Hồ Chí Minh với đầy đủ tiện nghi, sang trọng, hiện đại thì làm sao để ý thức, văn hoá ứng xử của hành khách nói chung hay cụ thể chỉ là việc nhường ghế, giúp đỡ nhau trên các chuyến xe ấy nói riêng tương xứng với giá trị của nó.

Có lẽ điều đầu tiên, ngay lúc này, chính là từng bước tạo nên những nhận thức mới trong văn hóa ứng xử tưởng như là đương nhiên ấy. Hãy tạo nên những đội sứ giả tình nguyện tuyên truyền về nét văn hóa ứng xử đối với các hành khách trên xe. Song song với hình thức này, ngành giáo dục cũng nên nghiên cứu và đưa vấn đề này vào giảng dạy cho học sinh, sinh viên nhằm xây dựng và nâng cao ý thức văn hoá, trách nhiệm của thanh niên đối với văn hoá, giao thông và các vấn đề khác của xã hội. Trong một tương lai không xa, khi xây dựng được một ý thức về văn hóa ứng xử khi đi xe là chúng ta đã góp phần xây dựng nên một nét văn hóa ứng xử có văn hóa của một xã hội phát triển văn minh và lịch sự.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //