Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Vì đâu cuộc chạy đua vào lớp 10 ở Hà Nội hỗn loạn?

Phóng viên - 07/07/2018 | 10:38 (GTM + 7)

Điểm trường ngoài công lập tăng như trên sàn chứng khoán, phụ huynh toát mồ hôi chạy khắp nơi rút- nộp hồ sơ, đòi lại lệ phí...

Phụ huynh Hà Nội quay cuồng trong đợt tuyển sinh vào lớp 10. (Ảnh minh họa, nguồn: KT)

Những ngày này, Hà Nội nắng nóng khủng khiếp, thế nhưng đợt tuyển sinh vào lớp 10 của thủ đô còn “nóng” hơn thế.

Để có một lá bài hộ mệnh, nhiều phụ huynh phải chấp nhận bỏ ra một khoản phí không hề nhỏ, có nơi lên đến gần chục triệu đồng để giữ chỗ tại các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, họ cũng phải chấp nhận những thỏa thuận có phần áp đặt như không được lấy lại tiền khi rút hồ sơ, thậm chí vô lý hơn như buộc phải cam kết cho con học cả 3 năm tại trường.

Sau khi Hà Nội công bố điểm chuẩn vào các trường công lập, mọi thứ như vỡ òa. Điểm chuẩn năm 2018 thấp hơn nhiều so với những năm trước. Phụ huynh Hà Nội lại quay cuồng trong việc rút, nộp hồ sơ.

Thế nhưng lúc này, nhiều trường ngoài công lập không trả lại mức phí ghi danh đã thu ban đầu, lại có tình trạng “kỳ kèo, bớt một thêm hai”, không trả toàn bộ số tiền đã thu, dù Sở GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo.

Nhưng đây không phải vấn đề bức bối nhất, đỉnh điểm nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh là khi trường THCS-THPT Tạ Quang Bửu tự ý tăng điểm chuẩn không khác nào trên sàn chứng khoán. Chỉ trong hơn 1 ngày, điểm chuẩn đã nhảy vọt 4,5 điểm. Ranh giới giữa đỗ và trượt chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ. Nhiều phụ huynh vật vã ở cổng trường, nài nỉ cho con được 1 tấm vé vào trường, nhiều người cuống cuồng tìm trường khác cho con.

Xét theo Luật giáo dục, các trường ngoài công lập được tự quyết những việc liên quan đến tuyển sinh, đội ngũ giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất. Điều này đồng nghĩa với việc họ được tự đưa ra mức điểm chuẩn và có quyền thay đổi, cũng như đưa ra những “luật riêng” về phí với học sinh, phụ huynh dựa trên thỏa thuận giữa hai bên.

Nhưng chả nhẽ, các trường mặc sức muốn làm gì thì làm, vai trò của cơ quan chủ quản giáo dục địa phương ở đâu khi nhà nào có con thi vào lớp 10 cũng quay cuồng, bấn loạn?

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, các trường được tự chủ, bao gồm cả việc quyết định điểm chuẩn, thậm chí được quyền nhận “con ông này ông kia nếu có tài trợ cho trường hay mối quan hệ quen thân” mà Sở không thể can thiệp.

Tuyển sinh lớp 10 TP Hồ Chí Minh vẫn bình yên?

Không phải chỉ ở Hà Nội mới có trường ngoài công lập. Thực tế, tại thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, cũng có một lượng rất lớn các trường ngoài công lập hoạt động song song với hệ thống trường công. Thế nhưng, những ngày qua, mùa tuyển sinh vào lớp 10 của TP HCM đâu có nóng và nhiều bức xúc như Hà Nội?

Năm 2018, toàn thành phố Hà Nội có hơn 94.000 thí sinh dự thi vào lớp 10 THPT, số lượng học sinh vào lớp 10 năm nay tăng đột biến, khoảng 20.000 em so với năm 2017. Chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là gần 65.000. Điều này đã khiến cuộc đua vào lớp 10 của các sỹ tử nóng ngay từ khi chưa bắt đầu.

Trong khi đó, TP HCM có 105.000 học sinh tốt nghiệp lớp 9, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là 70.000. Khoảng 35.000 học sinh sẽ không có tấm vé vào lớp 10 công lập. Như vậy, sức ép của kỳ thi lớp 10 tại đây cũng không hề kém so với Hà Nội.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh của địa phương này vẫn diễn ra nhẹ nhàng, không “sốc nhiệt” như Hà Nội.

Thực tế, xét về cách làm của 2 địa phương là hoàn toàn khác nhau.

Ngày 4/7, Sở GD-ĐT TP HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2018-2019.

Ngay sau khi vừa công bố điểm thi, TP HCM đã công bố phổ điểm từng môn. Dựa vào thông tin này, các phụ huynh có thể nhận thấy con em mình đang đứng ở vị trí nào trong số hơn 100.000 thí sinh.

Sở cũng để cho phụ huynh thời gian 3 tuần để nộp hồ sơ nhập học, đặc biệt không phân biệt việc nộp sớm hay sau. Từ đó, phụ huynh có thêm thời gian lựa chọn trường phù hợp cho con, cũng như giảm những áp lực căng thẳng trong việc chuẩn bị hồ sơ.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP HCM cũng tính toán, công bố mức điểm chuẩn của cả 3 nguyện vọng cùng lúc. Điểm chuẩn của các nguyện vọng sau cao hơn nguyện vọng trước. Như vậy, phụ huynh và thí sinh được chọn trường phù hợp.

Trong khi đó, học sinh và phụ huynh tại Hà Nội lại chỉ biết điểm thi của con. Dẫu biết điểm thi năm nay thấp chung, nhưng vẫn không ít người “đứng ngồi không yên” khi thấy kết quả thi của con thấp hơn nhiều so với dự tính.

Trong bối cảnh lượng thí sinh tăng đột biến, thiếu thông tin, các bậc cha mẹ không khỏi bất an, cuống cuồng tìm cho con một trường ngoài công lập như một đường lui an toàn trong ván cờ không rõ thắng thua.

Một vị Phó Hiệu trưởng một trường THPT đã thẳng thắn cho rằng, để xảy ra việc này, 1 phần do lỗi từ việc cung cấp thông tin của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Bởi, Sở hoàn toàn có thể công khai số lượng nguyện vọng đăng ký vào từng trường, chỉ tiêu xét tuyển, phổ điểm, số lượng điểm cao, thấp.

“Như vậy, phụ huynh có thể tự ước lượng được con mình đang top nào trong trường, từ đó họ yên tâm chờ đợi mà không phải chấp nhận mất 1 khoản tiền để giữ chỗ ở các trường ngoài công lập”, vị Phó Hiệu trưởng nêu ý kiến.

Rõ ràng, cách làm của Sở GD-ĐT Hà Nội đã đẩy phụ huynh và thí sinh vào thế bị động phải chạy theo mức điểm tăng giảm như chứng khoán, chấp nhận mất tiền ngay cả khi không học cho các trường ngoài công lập.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho rằng: “Đáng ra, ở cấp phổ thông, Nhà nước phải chăm lo đầy đủ về mặt vật chất, kỹ thuật, nếu không đáp ứng được, cho phép mở trường tư thì vẫn phải có sự giám sát, chặt chẽ. Các trường ngoài công lập được tự chủ hoàn toàn, trong đó có cả tự chủ về mặt tài chính. Nhưng tự chủ ở đây không có nghĩa là sân chơi của anh, anh thích làm gì cũng được. Đồng ý là thuận mua, vừa bán, nhưng giáo dục là loại hàng hóa đặc biệt, không thể áp dụng nguyên cơ chế thị trường”.

Trong câu chuyện này, GS Dong  chỉ rõ, Sở GD-ĐT có vai trò can thiệp, chấn chỉnh trong công tác tuyển sinh tại các trường THPT ngoài công lập. Nếu Sở không thể làm, Bộ GD-ĐT cần có trách nhiệm.

Tags:
Ý kiến của bạn
Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhà chờ xe buýt thành nơi buôn bán, tập kết rác

Nhiều nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nơi kinh doanh bán cà phê, các loại nước giải khát. Ngoài ra, có nơi tập kết ve chai, phế liệu... khiến việc đón xe buýt của hành khách gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

// //