Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Những lễ hội tháng Giêng gần Hà Nội không thể bỏ qua

Phóng viên - 07/02/2019 | 8:50 (GTM + 7)

VOVGT - “Tháng giêng là tháng ăn chơi” - Tháng Giêng là khoảng thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng là lúc người dân đi lễ hội đầu năm rất đông.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Tháng Giêng là khoảng thời gian có nhiều lễ hội nhất trong năm và cũng là lúc người dân đi lễ hội đầu năm rất đông. Chẳng thế mà ông cha ta có câu “Tháng giêng là tháng ăn chơi”.

Những lễ hội quanh Hà Nội với sự giao thoa của văn hóa Thăng Long - Kinh Bắc vẫn còn vẹn nguyên giá trị và giữa không khí náo nức khai Xuân, những lễ hội tâm linh ấy càng trở nên độc đáo khi được gìn giữ qua nhiều thế hệ. 

Những lễ hội tháng giêng đặc sắc gần Hà Nội

Hội gò Đống Đa. ảnh: VOV

Hội gò Đống Đa là lễ hội đầu tiên mở màn của năm mới mỗi dịp Tết đến Xuân về. Hội gò Đống Đa diễn ra vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. Gần 12 giờ trưa, đám rước trong sắc màu rực rỡ sẽ diễu hành chậm rãi, trật tự để cho dân chúng có thể chiêm ngưỡng tỉ mỉ bức tượng hoành tráng của lễ hội bắt đâu từ đình làng Khương Thượng đến gò Đống Đa.

Ngày xưa lễ hội gò Đống Đa thu hút rất đông người dân đến tham dự. Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa đã được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ. Vì thế mà đến nay, việc di dự hội gò Đống Đa vào mùng 5 Tết Nguyên đán dường như là một nét văn hóa không thể thiếu của người dân trong những ngày đầu xuân.

“Tôi năm nào cũng đến hội gò Đống Đa. Cả gia đình cùng đi, như một truyền thống rồi. Tôi thấy hội càng ngày càng tổ chức quy mô, nhiều hoạt động thú vị hơn”.

“Hàng năm, các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta đều tới dự và chủ trì mọi nghi thức của lễ hội. Nói chung là rất long trọng. Ngoài phần lễ thì phần hội cũng phong phú lắm, có các trò diễn dân gian, hay cả tiết mục biểu diễn thái cực quyền của người già… Rất có ý nghĩa”.

Theo các chuyên gia về văn hóa, sở dĩ các lễ hội thường tập trung vào dịp đầu năm là bởi trong lịch sử đầu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta thì những sự kiện lịch sử quan trọng thường xảy ra vào dịp đầu năm như hội gò Đống Đa. Một lý do nữa là với văn hóa nông nghiệp thì tháng giêng là thời điểm nông nhàn, do đó đây là lúc mà bà con nông dân tổ chức các lễ hội. dân gian, ví dụ như ở Sóc Sơn có lễ hội cướp hoa tre.

Suối Yến ở chùa Hương. Ảnh: An ninh thủ đô

Bên cạnh đó, vào dịp đầu xuân năm mới, người người nhà nhà còn nô nức đi hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng 6 tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Cao điểm của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng hai âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Đến nay nghi lễ "mở cửa rừng" hàm chứa ý nghĩa mới - mở cửa chùa.

Không giống bất kỳ nơi nào, Chùa Hương là một tập hợp nhiều đền chùa hang động gắn liền với núi rừng, và trở thành một quần thể thắng cảnh rộng lớn, với một kiến trúc hài hòa giữa thiên nhiên và nhân tạo. 

Ngoài cảnh quan tuyệt đẹp, du khách còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa dân tộc độc đáo khác bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn. Đặc biệt, trong những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm con thuyền. Được ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật luôn đem lại trải nghiệm bình yên. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò, nghĩ đến văn hóa chèo thuyền của cư dân Việt từ thuở xa xưa.

Để hiểu rõ hơn về lễ hội được xem là thu hút đông du khách thập phương nhất vào dịp năm mới, chúng ta sẽ cùng nghe chia sẻ TS.Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội ngay sau đây:

“Chùa Hương có lẽ là lễ hội đặc sắc nhất của đất nước, trong khu vực và thế giới, không có lễ hội nào kéo dài như lễ hội chùa Hương. Mà nó không đơn giản chỉ là đi vào một cái chùa, mà đấy là cả một quần thể di tích, di sản mà nó lại có sơn thủy hữu tình. Đây là một lễ hội rất thú vị, rất tuyệt vời, là nơi mà Chúa Trịnh Sâm cũng phải ghi là “Nam thiên độ nhất động”, không có cái động nào đẹp hơn cái động này ở nước Nam cả. Đây là một lễ hội vừa có ý nghĩa tôn giáo, đồng thời là nơi để du ngoạn, du xuân rất hay”.

Trong dịp đầu xuân năm mới, nếu bạn muốn tìm đến một nơi an yên, chìm đắm trong không gian phật giáo giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì hãy đến với Lễ hội Yên Tử được tổ chức từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch và kéo dài trong 3 tháng mùa xuân tại vùng núi Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, Thị xã Uông Bí, Quảng Ninh. Yên Tử là trung tâm Phật giáo của nước Đại Việt thuở trước, nơi phát tích của Thiền Viện Trúc Lâm.

Rải đều trên các cung bậc của hành trình Hội xuân Yên Tử là những cụm kiến trúc chùa, bia, am, tháp...Lúc náu mình trong rừng cổ nguyên sinh, khi phô bày giữa không gian thoáng đãng, nhiều lúc ẩn hiện trong mây, huyền ảo như trong chuyện cổ tích.

Hội Lim

Mùa xuân là mùa của lễ hội, vì thế mà sẽ thật thiếu sót nếu bạn không ghé qua Hội Lim, một lễ hội lớn đầu xuân vùng Kinh Bắc được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ngày hội chính diễn ra vào 13/1 Âm lịch.

Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục ngày xưa, sặc sỡ sắc màu và cũng vô cùng cầu kì, đẹp mắt kéo dài tới cả gần km.

Cũng trong những ngày lễ, nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm được tổ chức. Đặc sắc hơn cả là phần hát hội và là phần căn bản và đặc trưng nhất của hội Lim. Từ hát mời trầu, hát gọi đò đến con sáo sang sông, con nhện giăng mùng. Hội thi hát diễn ra khoảng gần trưa, được tổ chức theo hình thức du thuyền hát quan họ.

Nếu đã có dịp đến thăm mảnh đất Kinh Bắc để trảy hội Lim, đắm chìm trong làn điệu dân ca quan họ, thì các bạn cũng đừng bỏ lỡ cơ hội được khám phá ẩm thực nơi đây với nhiều món bánh dân dã, đặc trưng và cuốn hút.

Bà Hoàng Thị Oanh (một người sinh ra và lớn lên ở Từ Sơn, Bắc Ninh) sẽ chia sẻ với chúng ta một số thứ quà được coi là đặc sản của Bắc Ninh mà bạn nhất định phải thử một lần.

“Đến Bắc Ninh, các bạn nên thử ăn bánh khúc làng Diềm (Yên Phong). Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và mùi thơm của hạt tiêu. Với bánh khúc nhân hành, hành được dùng nhất thiết phải là hành khô, cộng thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau. Ngoài ra, các bạn cũng nên mua về làm quà món bánh phu thê Đình Bảng. Bánh được gói bằng lá dong, vỏ bánh trong suốt có rắc hạt vừng đen. Nhân bánh ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị. Bắc Ninh còn nổi tiếng với món nem làng Bùi với hương vị vừa thơm ngon. Các bạn có thể tìm mua nem Bùi ở dọc trên con đường quốc lộ chạy từ Cầu Hồ - Thuận Thành đi Hải Dương”.

Đi lễ hội vào dịp đầu xuân năm mới được xem là một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam. Thế nhưng, hiện có một phận nhỏ người dân có một số hành động chưa đẹp như đốt hương, đốt vàng mã tràn lan, mê tín dị đoan hay tranh cướp lộc… làm mất đi ý nghĩa vốn có của lễ hội xưa, tạo hình ảnh phản cảm tại các địa phương.

Hãy cùng nghe góc nhìn của TS.Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội về việc trảy hội đầu xuân ngày nay.

“Tôi muốn nhắn nhủ đến tất cả các chàng trai, cô gái, những người đến với lễ hội thì hãy đến với lễ hội với một tâm hồn trong sáng, với một tình cảm tốt đẹp, đừng bao giờ để trong lòng mình có suy nghĩ về sự hơn thiệt, đừng suy nghĩ rằng, cướp cái gì đó để có lộc. Không phải như vậy. Tâm hồn mình trong sáng, mọi điều mình tâm thành thì chắc chắn mình sẽ có lộc. Lộc là bởi sự tâm thành, lộc là bởi sự say sưa với cuộc đời này, yêu cuộc sống và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Độc đáo lễ hội "rước ông lợn" ở làng La Phù

Năm 2019 theo âm lịch là năm Kỷ Hợi. Liên quan đến hình ảnh lợn, không thể không nhắc đến một lễ hội đặc sắc ở một làng quê ngoại thành Hà Nội, lễ hội “rước ông lợn” ở làng La Phù, huyện Hoài Đức. Lễ hội này diễn ra chính hội nhằm ngày 13 tháng Giêng, thu hút rất đông khách thập phương về dự, tạo bầu không khí hết sức tuyệt vời ở La Phù.

Lễ hội "rước ông lợn” thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: healthplus

Đến La Phù những ngày trước hội “Rước ông lợn”, không khó để nhận ra bầu không khí rộn ràng, háo hức của cư dân nơi đây. Đặc biệt, lễ hội năm nay của làng thu hút sự chú ý lớn vì diễn ra vào năm Hợi. Công tác chuẩn bị nhân sự, các tiểu ban lễ hội diễn ra cách chính hội hàng tháng trời, còn việc chuẩn bị các nuôi lợn ở nhà các “Cai đám” (tức người nuôi lợn để tế) diễn ra ngay từ đầu năm.

Chị Trần Thị Ngọc Châu, cư dân làng La Phù, hào hứng chia sẻ:

“Năm nay là năm lợn, làng La Phù thì có hội rước lợn. Người dân thì lúc nào cũng mong ngóng đến ngày hội, để dự lễ hội, tham gia các trò chơi mà không ở đâu có, như đánh cờ, bắt lợn. Nó có ý nghĩa, để người dân ý thức hơn, phải tu tâm, dưỡng tính để hàng năm đến 13 tháng Giêng, làm lễ tôn nghiêm, dâng lên đức thành hàng năm. Em mong mọi người nên đến lễ hội để biết nhiều hơn về làng La Phù”.

Lễ hội rước “ông lợn" là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù, đây là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi. Trước mỗi khi lên đường đi đánh giặc, ông lại mổ lợn, thổi xôi khao quân. Người dân trong làng thường mang lợn đến dâng và tôn ông là Thành Hoàng Làng.

Trong ngày 13 tháng Giêng âm lịch, mỗi xóm trong làng lại mang lợn ra đình dâng tế Thành Hoàng. Lợn được dâng tế đều được tuyển chọn kỹ càng, nuôi dưỡng cẩn thận, chu đáo từ các năm trước. Sau đó, những con lợn này sẽ được làm thịt, trang trí đẹp mắt và lên kiệu chờ giờ đẹp để làm lễ dâng tế.

Cụ Nguyễn Thị Thành (94 tuổi) cho biết, gia đình cụ từng hai lần có người được chọn làm “Cai đám”. Cụ cho biết, năm nay, lễ hội rước lợn có tới 17 thôn tham gia, nhiều nhất từ trước tới nay.

“Lễ hội có lâu rồi, mấy chục đời rồi. 12 tháng Giêng rước xôi, 13 tháng Giêng rước lợn. Ngày xưa thì hội chỉ có 6 ông lợn thôi, còn bây giờ thì mỗi thôn, xóm là một ông. Việc nuôi lợn cũng không dễ, phải nuôi kỹ lắm. Nếu mưa phùn gió bấc là phải sưởi, cho ăn ngon, ăn sạch. Sáng cần rước đi phải cho ông lợn ăn sạch nhất, cái gì cũng phải sạch”.

Sở dĩ người dân ngày xưa chọn dâng lợn lên Thành Hoàng Làng là do con lợn tượng trưng cho chuyện làm ăn phát triển, mọi sự may mắn. Dân gian cũng có câu “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, cũng ý nói đến việc làm ăn phát đạt.

Lợn được trang trí đẹp mắt, chờ giờ đẹp làm lễ dâng tế. Ảnh: Vietnammoi

Theo nghi thức lễ hội “Rước ông lợn”, trưa 13 tháng Giêng, các “Ông lợn” được người dân trong xóm hộ tống đến các địa điểm để tiến hành mổ, chuẩn bị cho lễ hội. Việc quan trọng nhất là mặc áo choàng cho “ Ông lợn”. Điều đặc biệt là lớp áo choàng chính là lớp mỡ được bóc ra từ “Ông lợn”.

Đúng 18h, các “ông lợn” và lễ vật được rước qua các làng, ngõ trong xóm trong tiếng trống rộn ràng sau đó về đình để chuẩn bị cho lễ tế. Từng thôn làng lại có từng phong cách rước khác nhau, có làng hát quan họ, có làng rước cùng điệu múa sinh tiền. Mỗi đám rước gồm 3 kiệu chính: bàn lộc, mâm xôi và “Ông lợn”.

21h ngày 13 tháng Giêng, các “ông lợn” lần lượt được rước vào đình dưới sự hướng dẫn của ban tổ chức và các bậc cao niên. 12h đêm, các cụ cao tuổi bắt đầu làm lễ tế kéo dài đến 1,2h sáng hôm sau. Sau khi làm lễ xong, các xóm làng sẽ rước các “ông lợn” trở lại nhà và chia lợn phát lộc cho các hộ gia đình.

Hàng năm, cứ vào dịp hội, La Phù lại tiếp đón hàng nghìn khách thập phương về chơi hội. Do đó, công tác tổ chức được tiến hành ngày càng quy củ và kỹ lưỡng.

Phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phan Đích, đại diện ban tổ chức trước ngày Lễ hội diễn ra.

PV: Thưa quý vị và các bạn, chỉ còn một thời gian ngắn nữa, một lễ hội độc đáo sẽ diễn ra tại làng La Phù, đó là Lễ hội rước ông lợn. Để tìm hiểu hơn về công tác chuẩn bị cho lễ hội, tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phan Đích – Trưởng ban khánh tiết, Phó trưởng ban tổ chức lễ hội “Rước ông lợn” làng La Phù. Xin chào ông!

Ông Nguyễn Phan Đích: Xin chào quý nhà đài, xin chào thính giả. Cho phép chúng tôi thay mặt các cụ trong ban khánh tiết kính chúc toàn nhân dân một năm mới có một sức khỏe dồi dào, an khang, thành đạt.

PV: Ông có thể chia sẻ việc chuẩn bị cho Lễ hội rước ông lợn năm nay đến đâu rồi?

Ông Nguyễn Phan Đích: Để chuẩn bị cho năm nay, đặc biệt là năm Kỷ Hợi, nếu nói riêng về Lễ ông lợn thì chúng tôi đã chuẩn bị ngay từ đầu năm 2018. Đến thời điểm này, chúng tôi đã xong 90%, 10% còn lại là chỉ chờ thời gian đến ngày chính hội là 13 tháng Giêng thôi. Trong lễ hội chúng tôi, có sự khác biệt với mọi lễ hội ở các địa phương khác. Đó là lễ hội tâm linh, không ăn uống, rượu chè, cờ bạc, không có bất cứ mê tín dị đoan gì xảy ra. Do diễn ra vào ban đêm nên Đảng ủy UBND, an ninh huyện, xã rất vất vả trong việc trông nom, bảo vệ cho lễ hội diễn ra suôn sẻ, tốt đẹp.

PV: So với trước đây, thì việc tổ chức Lễ hội Rước ông lợn có cải tiến nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Phan Đích: Nếu so với thế hệ trước, thì ngày lễ của quê hương chúng tôi mỗi năm lại văn minh, tố hảo hơn, đẹp đẽ hơn. Lý do, ngày trước, ông cha chúng tôi có điều kiện rất eo hẹp, nếu tu lễ thì chỉ có 6 ông lợn thôi, chỉ khoảng 60kg. Bấy giờ đã khá lắm rồi. Nhưng đến thế hệ chúng tôi có 17 lễ, mỗi lễ lợn bây giờ nhỏ nhất là 200kg móc hàm, lớn nhất là 300 kg móc hàm. Đấy là điểm rất khác.

Thứ hai, trước kia, các cụ làm lễ thì chỉ nhà giàu mới làm được. Còn bây giờ, tất cả đồng dân chúng tôi ai ai cũng làm được. Ai cũng có điều tín, Đức Thành Hoàng Bàn Thổ phù trợ đồng dân chúng tôi rất mạnh khỏe, học hành, làm ăn rất phát đạt.

PV: Rất đông du khách thập phương đổ về La Phù vào chính hội sắp tới. Ông có thông điệp gì muốn chia sẻ?

Ông Nguyễn Phan Đích: Hàng năm chúng tôi đều chuẩn bị, năm nay là năm Hợi lại càng kỹ hơn. Chúng tôi phối hợp với Đảng ủy, UBND xã đều cắt cử nhân sự đầy đủ để đáp ứng tất cả du khách thập phương đến, nếu du khách muốn giới thiệu, hướng dẫn tham dự lễ, tìm hiểu lễ hội, quê hương chúng tôi luôn có người để tiếp đón.

PV: Xin cảm ơn ông đã chia sẻ. Chúc ông và người dân La Phù sẽ có một lễ hội thành công tốt đẹp!

Tags:
Ý kiến của bạn
Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

// //