Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Nhân viên đường sắt liên tiếp bị hành hung, lăng mạ

Phóng viên - 19/04/2017 | 18:11 (GTM + 7)

VOVGT – Thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc người tham gia giao thông chửi bới đe dọa, hành hung nhân viên ngành đường sắt…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Liên tiếp trong thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ việc người tham gia giao thông khi đi qua đường ngang không chấp hành luật, cố vượt, chửi bới đe dọa, hành hung công nhân làm nhiệm vụ. Những vụ việc này đã gióng lên hồi chuông báo động về ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông. Trong khi nhân viên đường sắt phải có nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông là số một thì hành động xâm phạm, hành hung nhân viên đường sắt của người đi đường là không thể chấp nhận.

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc nữ nhân viên gác chắn đường sắt đang mang thai bị một người điều khiển xe ô tô hành hung - Ảnh Thanh Niên

Ngày 11/4/2017, hai nữ công nhân gác chắn đường sắt trong đó có một người đang mang thai đã bị một lái xe ôtô hành hung chỉ vì đã làm đúng nhiệm vụ thao tác để đảm bảo an toàn đường ngang. Vụ việc này xảy ra tại đường ngang Định Công (Hà Nội), km 4+300 tuyến đường sắt Thống Nhất, thuộc đội chắn đường ngang Giáp Bát - Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải.

Theo các nhân chứng kể lại, khi chuông đèn đường bộ bật sáng, nhân viên đường sắt đứng cầm cờ thông báo cho người và các phương tiện dừng lại để ưu tiên cho tàu hỏa sắp tới, một người đàn ông vẫn cố tình điều khiển xe băng qua và vì phóng nhanh, chiếc xe va quệt với một xe máy nên phải dừng lại. Ngay sau đó, người đàn ông đã dừng xe ở ngoài đường Giải Phóng và quay lại chửi bới, lăng mạ, nhổ nước bọt vào mặt 2 nữ nhân viên gác chắn đường ngang đang làm nhiệm vụ.

Thậm chí, người đàn ông này còn xông vào đánh vào mặt 1 trong 2 nữ nhân viên, trong khi nữ nhân viên này đang mang bầu 6 tháng và khi 1 nữ nhân viên khác chạy tới can ngăn thì đã bị anh này chỉ mặt chửi bới và nói sẽ quay lại để trả thù. Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ việc người tham gia giao thông chửi bới, lăng mạ hoặc hành hung… công nhân gác chắn đường ngang trên các cung đường sắt, có người thậm chí còn phải vào viện cấp cứu sau khi bị một tài xế xe tải muốn băng qua đường ngang đánh tuýp sắt vào đầu.

Chị Đinh Thị Hòa, làm việc tại trạm chắn Đại Từ, thuộc đội chắn Giáp Bát, Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải chia sẻ về những áp lực mà bản thân và cùng những đồng nghiệp đã và đang phải đối mặt: "Tại đường ngang mặc dù đã có đèn tín hiệu để người dân biết được dừng lại khi tàu gần đến nhưng nhiều người dân ý thức chưa cao nên thường cố tình vượt qua đường ngang và trong lúc vội vã đó có thể họ va chạm vào mình hoặc chửi bởi mình bằng những lời lẽ không lịch sự. Đấy là những nỗi vất vả của chị em làm gác chắn ở đây".

Chị Đinh Thị Hòa nói:

Trước đó, ngày 31/1/2017 tại đường ngang Bổ Túc (km03+750) tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, một lái xe ôtô Biển kiểm soát 30E-46191 có biểu hiện uống rượu bia, không chấp hành tín hiệu chuông đèn đường bộ và sự điều hành của nhân viên gác chắn, đã đâm đổ giàn chắn bên trái lý trình đường sắt rồi xông vào đuổi đánh 2 nhân viên đang làm nhiệm vụ. Liên tiếp xảy ra những hành vi hành hung, lăng mạ nhân viên ngành đường sắt cho thấy một vấn đề đáng báo động là ý thức của người tham gia giao thông khi qua đường ngang, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề ai sẽ bảo vệ những nhân viên gác chắn - những người đang ngày đêm bảo vệ tính mạng của hàng trăm người tham gia giao thông khác.

Theo thông tin từ ngành đường sắt, số vụ việc công nhân gác chắn bị đe dọa, lăng mạ thậm chí hành hung không thể thống kê vì quá nhiều và cũng không có lực lượng chuyên trách nào hỗ trợ công nhân gác chắn. Hiện cũng chưa có chế tài, quy định nào để xử lý nghiêm những hành vi hành hung, lăng mạ nhân viên đường sắt mà phần lớn các vụ việc đều chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở, xử phạt hành chính. Trong khi đó, tai nạn đường sắt tại các điểm giao cắt ngày càng tăng và có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra có nguyên nhân từ việc các lái xe và người tham gia giao thông cố tình vượt đường ngang ngay khi tàu đang tới gần.

Chị Nguyễn Thị Huệ, công tác tại trạm chắn Nghĩa Trai, xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên cho biết về những trường hợp nguy hiểm cận kề với người tham gia giao thông khi qua đường ngang: "Có những khi tàu đến mọi người cố tình vượt qua, xong rồi đứng sững lại, không thể đi qua hẳn thì tôi phải chạy ra, thổi còi inh ỏi lên mà mọi người không biết tại sao vẫn cố tình vượt qua đường tàu bằng mọi cách. Gặp các trường hợp thế, chúng tôi phải chạy lại để kéo xe máy, xe đạp ra khỏi đường ray, rất là nguy hiểm; rào chắn rồi mà mọi người vẫn cứ phá ra để đi".

Chị Nguyễn Thị Huệ cho biết:

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, tình trạng hành hung, lăng mạ nhân viên ngành đường sắt đã uy hiếp nghiêm trọng trật tự an toàn giao thông đường sắt, an toàn chạy tàu gây ảnh hưởng tâm lý cho trên 4.000 nhân viên gác chắn đang ngày đêm giữ gìn an toàn tính mạng, gây tổn hại cho sức khỏe hàng triệu lượt người tham gia giao thông; sức khỏe của công nhân gác chắn đường ngang và thiệt hại về tài sản của Nhà nước và ngành đường sắt.

Nguyên nhân các vụ hành hung nhân viên đường ngang gác chắn, xuất phát từ việc người đi đường bức xúc trong việc cần phải đi ngay nhưng gác chắn đường sắt ngăn không cho họ đi và bắt buộc phải dừng lại để nhường đường cho tàu chạy nên đã đánh nhân viên gác chắn phải đi nhập viện. Hiện, ngành đường sắt có tới 4.000 nhân viên gác chắn tại gần 1.700 đường ngang trong đó có hơn 600 đường ngang có gác chắn ngày đêm. Đường ngang có gác vẫn tồn tại bởi chưa có điều kiện hiện đại hóa nên phải có người túc trực gác chắn tàu để đảm bảo an toàn giao thông.

Để bảo vệ công nhân viên người lao động đường sắt bị hành hung, đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, nhân viên phải có biện pháp đối phó, ứng xử, tránh trường hợp đối kháng giữa người tham gia giao thông và nhân viên gác chắn đường sắt; kịp thời có điện thoại khẩn cấp trong trường hợp xảy ra vi phạm này. Điển hình tại vụ gác chắn đường ngang Định Công, các nhân viên phối hợp với nhau để ngăn cản các hành động quá khích, giảm được nguy cơ gây thiệt hại sức khỏe cho người lao động.

Ngoài ra, các đơn vị quản lý có biện pháp phổ biến kinh nghiệm trong việc ứng xử, làm việc và khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra người lên ban đảm bảo tỉnh táo để làm việc. Tổng công ty Đường sắt với tư cách là người sử dụng lao động rất mong muốn các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sở tại nơi đường sắt hoạt động có quy chế phối hợp với lực lượng an ninh, chính quyền quản lý thật tốt hành lang an toàn giao thông đường sắt, an ninh trật tự địa bàn nơi có đường sắt đi qua.

Các nhân viên gác chắn đường ngang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm khi làm nhiệm vụ - Ảnh minh họa

Để ngăn chặn tình trạng này, Tổng Công ty đường sắt Việt Nam đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo các cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát giao thông các địa phương tăng cường phối hợp với ngành đường sắt trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các đường ngang qua đường sắt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các trường hợp chống người thi hành công vụ, hành hung nhân viên gác chắn đường ngang.

Từ phía những nhân viên phục vụ ngành đường sắt, đặc biệt là các nhân viên gác chắn, dù biết vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng vì sự an toàn của mọi người, các anh chị em đều sẵn sàng vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung, Trạm chắn Kim Liên A, Đội gác chắn đường ngang Hà Nội bày tỏ: "Những cái khó khăn, trở ngại, áp lực đối với chị em thì rất nhiều nhưng chị em ở đây vẫn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ, đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu rồi sau đó cùng động viên nhau vì đó là công việc mình đã lựa chọn, động viên nhau năm mới hoàn thành tốt công việc với mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông tuyệt đối".

Chị Nguyễn Thị Kim Dung nói:

Những nhân viên gác chắn ngành đường sắt cũng bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng có những biện pháp từ tuyên truyền tới xử lý răn đe những đối tượng cố tình vi phạm quy định an toàn đường sắt và xúc phạm, hành hung công nhân gác chắn để những vụ tai nạn thương tâm ở các đường ngang giảm dần và không còn nữa.

Bên cạnh mong muốn giảm thiểu và ngăn chặn những hành vi không đẹp với nhân viên ngành đường sắt, những người làm công việc này cũng mong ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, mọi người đều tôn trọng công việc đảm bảo an toàn của những nhân viên gác chắn, đồng thời cũng là để tự bảo vệ chính mình. Ngay sau đây là một số chia sẻ của những nhân viên gác chắn cùng VOV Giao thông: “Mong muốn là các xe qua lại cần chấp hành đúng quy định để đường ngang được an toàn. Khi chúng tôi đã đóng chắn thì mong muốn người tham gia giao thông không cố vượt qua để đảm bảo an toàn”. Một người khác chia sẻ: "Mong mỏi của chị em chúng tôi rất nhiều, mong mỏi mỗi người dân có ý thức hơn, mọi người thấy công việc của chúng tôi vất vả thì xin ý thức cao hơn để hỗ trợ cho công việc của chúng tôi".

Nghe các ý kiến tại đây:

Có thể thấy nghề gác chắn tàu đường sắt là một nghề nguy hiểm bởi mỗi khi kéo thanh barie chặn dòng xe qua lại, những nhân viên ở đây thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị xúc phạm, lăng mạ, thậm chí hành hung. Công việc gác chắn tưởng như đơn giản, nhưng ẩn đằng sau là những gian nan và trách nhiệm nặng nề, ngoài áp lực về thời gian, luôn luôn túc trực đón tiễn những chuyến tàu; áp lực về nội quy nghề nghiệp, những nhân viên trạm gác còn phải chịu áp lực từ việc coi thường vấn đề đảm bảo an toàn giao thông của một bộ phận người đi đường.

Biết là nhiều khi gặp thiệt thòi về mình, nhưng vì sự an toàn của mọi người, những nhân viên gác chắn đường ngang đều sẵn sàng vượt qua để bảo đảm bình yên cho mỗi chuyến tàu. Họ chỉ mong ý thức người tham gia giao thông được nâng cao, người đi đường mỗi lần qua các đường ngang tuyệt đối tuân thủ tín hiệu cảnh báo, luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn tính mạng của bản thân và mọi người cùng tham gia giao thông. Đối với an toàn giao thông giữa đường sắt và đường bộ thì mọi thiết bị cảnh báo trên các đường ngang, mọi cánh cửa ngăn không cho người dân đi qua đường sắt khi có tàu chạy, hay những nỗ lực của nhân viên gác chắn - tất cả sẽ là vô nghĩa nếu ý thức của người tham gia giao thông không được nâng cao.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //