Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Một ngày ở nơi giá rẻ nhất nước

Phóng viên - 18/04/2018 | 8:03 (GTM + 7)

VOVGT-Ở nước ta, có một địa phương giá cả hầu như vẫn giữ nguyên trong hàng thập kỷ qua. Đây là địa điểm thú vị, thân thiện cho những ai muốn trải nghiệm...

Khám phá chợ nổi là một nét đặc trưng của văn hoá miền Tây sông nước

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực có tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng giá trị lịch sử và tinh hoa văn hóa đặc sắc của cộng đồng 4 dân tộc anh em (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm). Những điểm du lịch mới và hấp dẫn của khu vực này sẽ được chúng tôi gửi đến quý vị ngay sau đây trong mục OneDayTour.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Dẫn đầu danh sách gợi ý của chúng tôi là TP.Cần Thơ với 2 điểm du lịch nổi bật: chợ nổi Cái Răng và Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam. Chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng) là một trong những chợ trên sông nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ, chuyên mua bán các loại trái cây, nông sản của vùng.

Từ mờ sáng đến khoảng 8, 9h hàng ngày, hàng trăm chiếc thuyền lớn bé buôn bán tấp nập, ngược xuôi trên lòng sông. Các loại sản vật bán được treo lên cây sào (cây bẹo) ở phía trước mũi thuyền.

Hòa mình vào không khí nhộn nhịp của buổi chợ, du khách còn có dịp quan sát, tìm hiểu sinh hoạt của những thế hệ gia đình thương hồ cùng chung sống trên ghe. Có những chiếc ghe như “căn nhà di động” trên sông nước với đầy đủ tiện nghi.

Lầu chuông Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam

Trong khi đó, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) là một trong những ngôi chùa lớn nhất miền Tây Nam bộ với diện tích 4ha. Chùa được xây dựng theo kiến trúc Phật giáo thời Lý - Trần, bao gồm các hạng mục công trình chính là chính điện, tổ điện, lầu trống và gác chuông, thu hút rất đông khách thập phương về vãn cảnh.

Còn tại Bạc Liêu cũng có tới 3 điểm du lịch hấp dẫn. Đầu tiên là khu biển nhân tạo thuộc khu du lịch Nhà Mát – bãi tắm nhân tạo lớn nhất ĐBSCL hiện nay với hệ thống tạo sóng biển hiện đại, các cầu trượt có độ cao gần 30m.

Nguồn nước biển được lấy cách bờ hơn 3km. Khu vực biển nhân tạo được chia thành 3 tiểu khu dành cho thiếu nhi, người lớn và khu trò chơi cảm giác mạnh. Bên cạnh bãi tắm còn có dãy núi nhân tạo với nhiều hang động độc đáo, trên ngọn núi cao nhất có gắn chiếc đàn kìm tượng trưng cho vùng đất đờn ca tài tử Bạc Liêu.

Nơi đây còn có sân khấu với sức chứa gần 2.000 chỗ ngồi; hệ thống cây xanh được tạo hình theo các loài động vật ngộ nghĩnh...

Nằm nổi bật giữa quảng trường là tượng đài cây đờn kìm vươn lên từ những cánh sen

Được đánh giá là quảng trường đẹp nhất ĐBSCL, quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP. Bạc Liêu) có diện tích 4ha, bao gồm các công trình, kiến trúc được bố trí thành một quần thể hài hòa, có tính thẩm mỹ cao và độc đáo như: Trung tâm Triển lãm VH-NT và nhà hát Cao Văn Lầu; biểu tượng cây đờn kìm cách điệu; biểu tượng 3 dân tộc Kinh - Khmer – Hoa; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; tượng đài sự kiện Mậu Thân; biểu tượng kết nghĩa Bạc Liêu – Ninh Bình; đài phun nước âm sàn cùng hệ thống cây xanh.

Nằm gần bờ sông Bạc Liêu, khu nhà Công tử Bạc Liêu (số 13 Điện Biên Phủ, phường 3, TP. Bạc Liêu) không chỉ là khách sạn đông khách nhất thành phố mà còn một thời là chốn ăn chơi gắn liền với tên tuổi của công tử Bạc Liêu - công tử nổi danh nhất xứ Nam Kỳ đầu thế kỷ 20.

Được xây dựng năm 1919 do kỹ sư người Pháp thiết kế, khu nhà công tử Bạc Liêu nổi bật bởi kiến trúc lộng lẫy, bề thế với màu trắng sang trọng. Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất trong nhà còn quy tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý hiếm. Ngày nay, phần chính của căn biệt thự vẫn được giữ nguyên vẹn để phục vụ khách tham quan.

Sếu đầu đỏ trong vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)

Tiếp theo là vùng đất Đồng Tháp với điểm du lịch đặc sắc vườn quốc gia Tràm Chim. Với diện tích trên 7.500 ha, vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông) là một Ðồng Tháp Mười thu nhỏ, nơi sinh sống của nhiều loài thực vật cùng gần 200 loài chim nước, chiếm khoảng 1/4 tổng số loài chim ở Việt Nam, trong đó có nhiều loài quý hiếm trên thế giới như sếu đầu đỏ.

Nơi giá rẻ nhất nước

Tôi trở lại Hậu Giang vào những ngày đầu tháng 4 nắng như đổ lửa. Đoạn từ thị xã Ngã Năm qua thị xã Long Mỹ, TP Vị Thanh tuy không dài lắm nhưng mặt đường hẹp nên phải đi chậm. Qua rất nhiều cánh đồng lúa nhà cửa lưa thưa, cuối cùng khu dân cư sầm uất cũng hiện ra trước mặt. Nhìn từ xa, tôi đoán được đó là trung tâm thị xã Long Mỹ.

Trước khi đến đây, tôi đã xem qua số liệu của Tổng cục Thống kê công bố chỉ số giá sinh hoạt theo không gian phản ánh xu hướng và mức độ biến động sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong cả nước. Theo đó, ĐBSCL có chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước, Hậu Giang là tỉnh có chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất ĐBSCL.

Mặc dù vậy, tôi cũng không khỏi bất ngờ và không tin vào mắt mình với hàng loạt quán ăn niêm yết giá: Hủ tiếu - mì 10.000 đồng, bún thịt nướng 10.000-12.000 đồng, cơm tấm 12.000 đồng, cơm phần 15.000 đồng.

Dịch vụ ăn uống ở tỉnh Hậu Giang có giá rất rẻ

Chưa biết chất lượng ra sao nhưng với giá cả đó chắc chắn chỉ bằng 1/2 so với các thị xã, TP trong vùng. Ngoại trừ ở khu vực nhà máy, xí nghiệp hay các trường đại học ở Cần Thơ có thể bắt gặp được một vài chỗ bán với giá đó cho công nhân và sinh viên, tuyệt nhiên khó thể tìm thấy ở nơi nào, kể cả vùng nông thôn hẻo lánh.

Đã thấm mệt vì vượt đoạn đường dài trong cái nắng oi ả, tôi định ghé vào một quán nước ven đường nghỉ chân nhưng suy nghĩ lại, quyết định tìm một trong những quán sang nhất thị xã để xem giá cả thế nào. Tôi ghé vào một quán cà phê trên đường 3 Tháng 2, đường trung tâm của thị xã. Quán được đầu tư khá lớn, rộng hàng ngàn mét vuông, một trệt một lầu và có WiFi, máy lạnh. Sau khi gọi ly cà phê thương hiệu Trung Nguyên, nhìn vào bảng giá tôi lại càng bất ngờ vì chỉ… 8.000 đồng.

Tôi hỏi người chủ quán tên Thành bán vậy biết bao giờ thu hồi vốn? Anh cười xòa, bảo: Ở đây ai cũng bán vậy, ngoài lề đường thậm chí có 5.000 đồng một ly cà phê, mình nâng giá thì ế chết.

Rời thị xã Long Mỹ, tôi đi thêm hơn 21 km nữa theo Quốc lộ 61B là đến TP Vị Thanh. Tôi như không còn nhận ra một thị xã Vị Thanh nghèo nàn, lạc hậu như thuở mới tách ra từ Cần Thơ hơn 10 năm trước. TP trẻ này hiện có cơ sở hạ tầng thuộc hàng nhất nhì ĐBSCL. Đường nào cũng rộng và đẹp. Đặc biệt, so với các TP lớn trong vùng, ở đó không thiếu bất cứ khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm lớn nào, thậm chí còn vượt trội hơn. Dù đang có tốc độ phát triển nhanh như gió nhưng TP này lại có nhịp sống chậm rãi và yên bình.

Chạy dọc trung tâm TP là kênh Xà No, từng được mang danh là "con đường lúa gạo" của vùng Tây sông Hậu, nay đã được cải tạo, bờ được kè bê-tông; hai bên là hai đường phố rộng rãi mang tên Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ cùng những hoa viên thoáng mát. Trong TP có nhiều tuyến đường rộng rãi, với những cụm công trình công sở, khu dân cư, khu thương mại, quảng trường... Thi thoảng lại có những cây cầu to, dài và đẹp với dáng cong vắt qua 2 trục đường và con kênh để nối 2 phân khu của TP với nhau…

Bảng giá thức uống ở một quán cà phê

Lướt qua vài nhà nghỉ, khách sạn trên đường dẫn vào trung tâm TP, tôi phải dừng lại trước một nhà nghỉ bởi cái bảng giá ghi con số màu đỏ to: "Phòng máy lạnh: 50.000 đồng/đêm".

Trước khi tìm chỗ ăn uống và nghỉ ngơi, tôi quyết định ghé vào một quán nước ven đường gọi ly cà phê và bảo chủ quán tính tiền luôn. Tôi phải hỏi lại tới 3 lần mới chắc chắn chủ quán tính ly cà phê đá đúng 5.000 đồng!

Có lẽ do giá rẻ vậy mà có rất nhiều người lao động nghèo ở các tỉnh lân cận đến đây mưu sinh. Nhiều nhất vẫn là những người bán vé số dạo.

Ngồi uống nước chỉ khoảng 15 phút mà có đến cả chục người đến mời mua vé số, cuối cùng tôi đồng ý mua của một người đàn bà trông hiền lành và khắc khổ. Chị tên Nguyễn Thị Út, quê thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Chị cho biết một lần nghe đồng nghiệp nói qua Hậu Giang dễ bán vé số và chi phí sinh hoạt thấp nên chị đi thử một chuyến rồi quyết định thuê phòng trọ ở đây bán vé số được gần 1 năm.

Chị chủ quán cà phê tên Thủy thổ lộ, chị đã đến nhà người thân ở các TP khác trong vùng và cảm nhận chưa nơi nào dễ sống như TP quê hương. Chị bán cà phê giá rẻ lời không bao nhiêu nhưng sáng chỉ cần cầm 50.000 đồng ra chợ là đủ mua rau, cá cho gia đình dùng cả ngày.

Tôi quyết định làm thêm một phép thử là vào một quán cà phê có thương hiệu ở TP này gọi đồ uống. Khi tính tiền cũng chỉ có... 8.000 đồng/ly. Đến đây thì tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi chi phí sinh hoạt và quyết định tìm chỗ ăn uống, nghỉ ngơi. Ghé vào một quán cơm mới mở chưa lâu, bàn ghế sạch sẽ, không gian rộng rãi. Vào quán, tôi gọi phần cơm với cá lóc đồng kho tộ và canh chua. Sau bữa ăn khá ngon miệng, tôi chỉ phải trả 15.000 đồng. Trong khi ở các tỉnh khác, thấp nhất cũng phải 30.000 đồng.

Ngay cả khách sạn tương đối tiện nghi với đầy đủ máy lạnh, tivi, tủ lạnh, máy nước nóng... cũng chỉ mất 150.000 đồng/ngày cho một phòng đơn.

Đêm xuống, tôi dạo bước dọc theo bờ kênh Xà No soi bóng cả một góc phố lung linh, rồi tình cờ gặp nhóm người quen từ Hà Nội về Hậu Giang công tác kết hợp tham quan. Chúng tôi vào một nhà hàng khá đẹp gọi vài món đặc sản của địa phương, như: Chả cá thát lát tươi, cá thát lát tẩm gia vị, khóm, lươn nấu mẻ… Đến khi tính tiền, ai cũng bất ngờ và thú vị với cái hóa đơn. Còn với tôi thì chuyện giá cả ở đây không còn bất ngờ nữa...

Tags:
Ý kiến của bạn
Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Từ đề xuất tàu điện không ray ở Hà Nội: Không khác gì BRT, phải có làn riêng

Mới đây, đã có đề xuất nghiên cứu xây dựng 3 tuyến tàu điện không ray chạy trên vành đai 3 và đại lộ Thăng Long để giải quyết ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của loại phương tiện này.

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Sài Gòn sống và yêu: Giai thoại một thời Chợ Cầu Ông Lãnh

Cầu Ông Lãnh bắc ngang kênh Bến Nghé nối liền quận nhất và quận tư đã quá quen thuộc với người dân TP.HCM. Cây cầu này được xây dựng lại nhiều lần nhưng không đổi tên. Cầu Ông Lãnh cũng là tên khu chợ đầu mối lớn nhất Sài Gòn từng tồn tại hơn một thế kỷ và đã bị xóa sổ.

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Có nên truy đuổi để ngăn chặn vi phạm giao thông?

Một trong những nội dung đáng chú ý của dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là việc quy định lực lượng chức năng có thể được thực hiện quyền truy đuổi để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm.

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Ngã tư Minh Khai - Bạch Mai: Có đèn tín hiệu, giao thông vẫn xung đột và hỗn loạn

Một ngã tư giữa lòng thủ đô, mặt đường đẹp, rộng rãi, hệ thống đèn tín hiệu hoạt động bình thường, tuy nhiên thường xuyên xung đột, hỗn loạn, thậm chí trở thành nỗi ám ảnh với không ít người mỗi khi đi qua.

Dự án mì gõ 0 đồng

Dự án mì gõ 0 đồng

Một quán mì gõ ở TPHCM, chỉ mở từ 19h vào hai ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần. Điều đáng nói ở đây là quán luôn đông nghịt thực khách ghé thăm, bởi chi phí một tô mì gõ chỉ có giá 0 đồng.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

// //