Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Mất an toàn giao thông từ hành vi chở hàng hóa cồng kềnh dịp cuối năm

Phóng viên - 17/01/2017 | 10:04 (GTM + 7)

VOVGT - Tình trạng xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông vẫn đang là vấn đề “nhức nhối” của nhiều đô thị.

Tình trạng các phương tiện xe thô sơ chở hàng hóa cồng kềnh vượt quá mức quy định khi tham gia giao thông vẫn đang là vấn đề “nhức nhối” của nhiều đô thị. Hành vi này không chỉ là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông mà còn rất gây nguy hiểm đối với những người tham gia giao thông khác. Đặc biệt, trong những ngày giáp Tết Nguyên Đán, do nhu cầu kinh doanh, buôn bán của người dân tăng cao, tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, người điều khiển các phương tiện loại này lại chưa có ý thức tuân thủ các quy định về trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.

Vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh diễn ra tràn lan dịp cuối năm

Vi phạm chở hàng hóa cồng kềnh diễn ra tràn lan dịp cuối năm (Ảnh minh họa)

Những năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt các khu nhà cao tầng khu vực nội đô khiến cho dân số tại khu vực trung tâm gia tăng đáng kể. Để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm, rau củ quả trong khu vực trung tâm, người dân tại các quận huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận hàng ngày vận chuyển một lượng lớn hàng hóa vào nội thành. Điều này dẫn đến tình trạng vào buổi sáng sớm, có hàng trăm phương tiện thô sơ chở hàng hóa lao vun vút trên những trục đường cửa ngõ thủ đô như đường Nguyễn Trãi, đường Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, đường Giải Phóng, cầu Thăng Long…vào trung tâm thành phố.

Anh Bùi Công Luận, công tác tại Tập đoàn điện lực Việt Nam phản ánh: "Buổi sáng sớm, tôi thấy nhiều phương tiện lưu thông từ ngoại thành đi vào, đặc biệt là khi tôi đi lên sân bay qua cầu Thăng Long, tôi thấy rất nhiều xe gắn máy chở rau, củ quả đi từ ngoại thành bên phía Đông Anh, Sóc Sơn qua cầu Thăng Long . Mặc dù tôi biết các phương tiện xe máy không được lưu thông nhưng tầm 5-6 giờ có rất nhiều phương tiện lưu thông. Đây cũng là một hiện tượng rất nguy hiểm đối với người tham gia giao thông".

Nhiều người tham gia giao thông phản ánh, đa phần các phương tiện loại này thường chở hàng hóa cồng kềnh hoặc chở một lượng lớn thực phẩm, rau củ quả rất nặng. Bản thân người điều khiển phương tiện phải ngồi trong điều kiện rất chật hẹp, phải ngồi sát về phía tay lái hoặc ngồi chênh vênh trên đống hàng nên gặp khó khăn trong việc điều chỉnh tay lái. Trong khi đó, những loại phương tiện này chủ yếu là những phương tiện xe máy, xe thô sơ đã cũ kỹ, thậm chí quá thời gian sử dụng. Một số phương tiện thậm chí không có cả thiết bị chiếu sáng hoặc còi nên tham gia giao thông trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo, rất nguy hiểm.

Trong những tuần cuối năm, giáp Tết Nguyên Đán, tình trạng chở hàng hóa cồng kềnh ngày càng phổ biến. Không chỉ trên các tuyến đường vành đai, mà ngay cả trong tuyến đường nội đô, hình ảnh các phương tiện chở hàng hóa, đào, quất len lỏi giữa các dòng phương tiện đông đúc ngày càng nhiều.

Bác Nguyễn Hồng Sơn, trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh cho rằng, mỗi một phương tiện đều có giới hạn về số lượng ki-lô-gam hàng hóa được phép chở. Việc chở hàng hóa nặng và có kích thước vượt quá quy định khi tham gia giao thông có thể khiến người điều khiển phương tiện gặp khó khăn trong việc điều khiển xe. Trong khi đó, nếu lượng hàng hóa có kích thước vượt quá quy định có thể gây cản trở tầm nhìn và tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn giao thông cho bản thân người điều khiển phương tiện và những người tham gia giao thông khác.

"Càng cuối năm, lượng chở hàng cồng kềnh ngày càng nhiều hơn. Ví dụ, người chở đào, người chở quất đi chợ để bán để mua nhiều lắm. Bình thường thì giao thông ở mình đã rất là đông đúc, gặp những người chở hàng cồng kềnh rất là nguy hiểm. Khi gặp trở ngại trên giao thông, người ta phanh lại thì cả hàng đằng sau đổ lên hoặc là muốn tránh một người cồng kềnh đi lên, phải va chạm những người khác. Cho nên gặp những người chở hàng cồng kềnh là tai nạn giao thông rất dễ xảy ra", Bác Nguyễn Hồng Sơn cho biết.

Theo quy luật cung- cầu của thị trường,vào dịp cuối năm, lượng hàng hóa từ các tỉnh lân cận được chở về Hà Nội để phục vụ nhu cầu người dân ngày một tăng. Bên cạnh những công ty, doanh nghiệp lớn có phương tiện vận tải chuyên biệt, thì việc vận chuyển hàng hóa bằng xe thô sơ hiện vẫn đang được nhiều người dân lựa chọn do có chi phí rẻ và thuận tiện trong điều kiện giao thông hiện nay. Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật giao thông của những người điều khiển phương tiện chở hàng hóa này vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn. Chúng tôi đề cập đến vấn đề này trong phần tiếp theo của chương trình.

Tăng cường xử lí vi phạm chở hàng cồng kềnh

5h30 sáng ngày 8/1/2017, trực tiếp khảo sát đường Quang Trung, Hà Đông và đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục phương tiện xe máy chất đầy rau củ quả, thịt cá, hàng hóa… hối hả lao về phía khu vực trung tâm thành phố. Mặc dù trời vẫn còn tối, song các phương tiện này không chỉ chạy với tốc độ cao, mà còn lạng lách, tranh giành nhau từng mét đường. Khi gặp đèn đỏ, các phương tiện này không giảm tốc độ mà vẫn cho xe chạy qua, thậm chí không nhường đường cho các phương tiện đi đúng luật.

Anh Đoàn Văn Hải, một người dân sinh trên tuyến đường Nguyễn Trãi cho biết, các phương tiện chở hàng hóa từ ngoại thành vào thành phố thường chạy rất ẩu, thường hay đi lấn làn của nhau, thậm chí đi vào cả làn của xe ô tô. Đã có không ít vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến đường Nguyễn Trãi có liên quan đến các phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh của người dân.

"Sở dĩ có những tai nạn giao thông xảy ra thì phần lớn nguyên nhân là do ý thức người tham gia giao thông. Những người tham gia giao thông từ ngoại thành vào nội đô cần được nâng cao nhận thức về Luật giao thông đường bộ. Và khi tham gia giao thông cũng tránh việc phóng nhanh vượt ẩu để giảm thiểu TNGT, trong dịp Tết này", anh Hải nói.

Lý giải về tình trạng người tham gia giao thông thường xuyên vi phạm về chở hàng hóa cồng kềnh, các chuyên gia xã hội học cho rằng, đa phần những người chở hàng hóa vào nội thành là những người nông dân nghèo khu vực ngoại thành có trình độ nhận thức chưa cao, họ chưa nắm bắt được các quy định của pháp luật về an toàn giao thông nên còn tham gia giao thông một cách tùy tiện. Trong khi đó, một số người tham gia giao thông mặc dù nắm được các quy định của pháp luật nhưng lại lợi dụng thời điểm lực lượng chức năng không có mặt để vi phạm.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Trưởng phòng CSGT- Công an thành phố Hà Nội cho biết, trong những ngày cuối năm, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến phố gia tăng, đặc biệt là các tuyến phố có nhu cầu về hàng hóa bày bán các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên Đán. Trong đó, có không ít các trường hợp xe mô tô, xe ba bánh tự chế hay những phương tiện xe thô sở chở hàng hóa cồng kềnh vi phạm giao thông. Mặc dù, lực lượng CSGT đã có bố trí lực lượng để xử lí các trường hợp vi phạm tuy nhiên số lượng trường hợp vi phạm khá đông, tại thời điểm lưu lượng giao thông cao nên trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng CSGT còn gặp một số khó khăn nhất định.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Quá trình chúng tôi xử lí vi phạm cũng có nhiều các tình huống đó là sự hợp tác của cá nhân người điều khiển phương tiện chở hàng hóa cồng kềnh vi phạm. Khi bị lực lượng công an kiểm tra, thường có thái độ không hợp tác. Thứ hai trong quá trình xử lý, do vào giờ cao điểm, lưu lượng phương tiện tăng, để xử lí một trường hợp có thể gây ách tắc cục bộ hoặc phương tiện để cưỡng chế buộc phải tháo dỡ hàng hóa còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển hàng quá khổ quá tải, cồng kềnh".

Qua trao đổi với một người lái xe ôm ở khu vực vườn đào Nhật Tân, vào dịp giáp Tết, nhiều người dân có nhu cầu mua đào quất về chơi tết. Ngoại trừ một số trường hợp cây quá to, phải sử dụng ô tô để chuyên chở thì đa phần người dân thường thuê xe ôm để chở đào, quất do có giá thành rẻ, lại dễ di chuyển trong thành phố. Mặc dù biết việc chở hàng cồng kềnh là vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông, nhưng vì đây là một công việc có nguồn thu nhập lớn, cao hơn rất nhiều so với mức tiền phạt nếu không may bị xử phạt, nên nhiều người lái xe ôm vẫn “ nhắm mắt làm ngơ”.

Theo Điều 8, Nghị định 46 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ xếp hàng vượt quá giới hạn quy định, không đảm bảo an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển sẽ bị phạt cảnh báo từ 60-80.000 đồng.

Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhận thức được tính chất nguy hiểm của hành vi chở hàng hóa cồng kềnh, Phòng CSGT Hà Nội đã xây dựng những chuyên đề kế hoạch và bố trí thêm nhiều lực lượng chốt chặn tại nhiều tuyến đường để tuyên truyên và xử lí nghiêm tình trạng này.

"Một là tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong việc vận chuyển hàng hóa lưu thông trên tuyến quốc lộ. Hai là xử lý nghiêm những trường hợp chở hàng hóa vượt quá mức giới hạn cho phép để nhằm đảm bảo TTATGT thông suốt cho toàn thể người dân đang đi lại trên các tuyến phố, tuyến đường của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với lực lượng công an cơ sở, công an phường hay những lực lượng công an của các quận huyện, triển khai bố trí lực lượng khép kín địa bàn để cho những người vi phạm cần phải được tuyên truyền và xử lí vi phạm ban đầu", Thiếu tá Nguyễn Mạnh hùng cho biết thêm.

Hành vi chở hàng hóa cồng kềnh trong quá trình tham gia giao thông bằng các phương tiện giao thông không chỉ mất mỹ quan cho đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trước đó, đã có một số vụ tai nạn đáng tiếc từ hành vi chở hàng hóa cồng kềnh xảy ra trên địa bàn thành phố. Để hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc từ hành vi chở hàng hóa cồng kềnh, theo các chuyên gia cần tăng nặng thêm các chế tài xử phạt về hành vi này, đồng thời cần sự vào cuộc của mạnh mẽ quyết liệt từ lực lượng cảnh sát giao thông, chính quyền địa phương và ý thức tự giác của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định của pháp luật.

Tags:
Ý kiến của bạn
Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Phải trả tiền để “mua gió hồ Tây”

Hồ Tây, một địa điểm không còn xa lạ với người dân thủ đô và khách du lịch mỗi khi đến với Hà Nội. Những cuộc “hẹn hò hóng gió hồ Tây” cũng được diễn ra thường xuyên hơi đối với các bạn trẻ nhất là vào thời điềm giao mùa, không khí mát mẻ như hiện tại.

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

TP.HCM: Xe điện phục vụ du lịch nội đô, nhất cử lưỡng tiện

Mới đây TP.HCM đã chính thức khai trương đưa vào sử dụng hệ thống xe điện 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu nội đô thành phố. Điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Điều tra dân số trực tiếp: VNeID ở đâu?

Từ 1/4, cơ quan thống kê cả nước bắt đầu tiến hành điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, trong đó thu thập các thông tin như: Thông tin về nhân khẩu học; về di cư; về giáo dục; hôn nhân; về nhà ở và điều kiện sống của hộ...

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Địa chất phức tạp, cản trở tiến độ khắc phục sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Vụ sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió, trên Đèo Cả những ngày qua đã khiến cho tuyến đường sắt Bắc Nam bị đình trệ. Điều này tiếp tục gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp nghiêm trọng tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt huyết mạch này.Đến nay công tác khắc phục sự sự cố lở đá được thực hiện đến đâu?

Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?

Đoàn Quản lý thị trường TP.HCM gặp tại nạn giao thông ở Kon Tum giờ ra sao ?

Vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum làm 15 cán bộ Quản lý thị trường TP.HCM bị thương đã được chuyển về BV Chợ rẫy điều trị. Hiện 9 bệnh nhân được điều trị tích cực, trong đó có một bệnh nhân hôn mê, xuất huyết não rất nặng.

Sở Y tế TP.HCM liên kết khám chữa bệnh trước, trả tiền sau

Sở Y tế TP.HCM liên kết khám chữa bệnh trước, trả tiền sau

Sở Y tế TPHCM vừa ban hành khuyến cáo triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân tại các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.

Thu phí gửi xe không tiền mặt: Người ủng hộ, kẻ làu bàu 'công nghệ phập phù'

Thu phí gửi xe không tiền mặt: Người ủng hộ, kẻ làu bàu "công nghệ phập phù"

Hôm qua (15/4) là ngày đầu tiên quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) triển khai giải pháp thu phí gửi xe không dùng tiền mặt ở 16 điểm đỗ xe trên vỉa hè, dưới lòng đường đã được cấp phép. Người dân, nhân viên trông xe đón nhận hình thức mới này như thế nào?

// //