Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hiểm họa khôn lường khi tài xế không làm chủ tốc độ

Phóng viên - 12/06/2017 | 5:53 (GTM + 7)

VOVGT – Khi vi phạm tốc độ kết hợp cùng với những vi phạm khác thì nguy cơ xảy TNGT là rất lớn…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hiện trường vụ tai nạn thảm khốc hôm 7/5 tại tỉnh Gia Lai khiến 13 người tử vong, và làm 32 người bị thương nặng - Ảnh Pháp luật Tp.HCM

Tốc độ càng cao thì mức độ chấn thương càng nghiêm trọng, đó là cảnh báo của những chuyên gia về ATGT. Thực tế, khi vi phạm tốc độ kết hợp cùng với những vi phạm khác thì nguy cơ xảy TNGT là rất lớn, chấn thương và hậu quả cũng vì vậy mà trầm trọng hơn.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với lỗi vi phạm này nhưng trên thực tế, tình trạng lái xe vi phạm về tốc độ vẫn còn khá phổ biến, nhất là trên những đoạn đường và ở những thời điểm không có mặt lực lượng giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Đáng chú ý, trong hầu hết các vụ tai nạn này, lỗi vi phạm về tốc độ là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn thương tâm. Thương tâm nhất là vụ tai nạn xảy ra khoảng 4h30 phút ngày 7/5 vừa qua, xe tải do Võ Ngọc Quý điều khiển chở khoảng 20 tấn phân bón, lưu thông trên quốc lộ 14 hướng Gia Lai - Đắk Lắk chạy với tốc độ cao, tông gãy barie trạm thu phí Đức Long mà không dừng lại mua vé theo quy định.

Chiếc xe có biểu hiện bất thường, liên tục bóp còi, đá đèn, lạng lách trên đường. Khi đến Km1632 - 200m (đường Hùng Vương, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, Gia Lai) thì chạy vào đường ngược chiều rồi tông trực diện với xe khách chạy tuyến Bình Phước - Nam Định. Vụ tai nạn khiến 13 người tử vong, trong đó có 2 tài xế xe khách và làm 32 người bị thương nặng.

Từ nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông cho thấy, lưu thông với tốc độ cao và không làm chủ tốc độ là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo tính toán của các chuyên gia, với tốc độ 70km/h sự va đập sẽ tăng gấp 2 lần so với tốc độ 50km/h; tốc độ 87km/h sự va đập tăng lên gấp 3 lần so với tốc độ 50km/h; tốc độ 100km/h sự va chạm tăng lên gấp 4 lần so với tốc độ 50km/h. Khi tăng tốc độ trung bình 5% thì TNGT tăng 10% và tai nạn chết người tăng 20%. Những nghiên cứu này lý giải vì sao đối với những vụ TNGT có nguyên nhân do tốc độ, đa phần nạn nhân TNGT thường phải gánh chịu mất mát to lớn hoặc bị đa chấn thương, với việc điều trị hết sức khó khăn.

TS Doãn Minh Tâm, chuyên gia giao thông đường bộ thông tin về vấn đề này: "Tốc độ là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn, xe càng chạy tốc độ cao thì nguy cơ, xác suất xảy ra tai nạn càng lớn, vì thế cần có các biện pháp làm giảm TNGT. Như tại các đô thị ở nước ngoài, họ giới hạn tốc độ trong khu vực đông dân cư, bao gồm cả vùng là 30km/h, trong những khu vực đấy, phương tiện phải di chuyển rất chậm. Tôi cho rằng chúng ta phải sử dụng biển báo để điều tiết một cách khoa học tốc độ phương tiện xe chạy; còn đối với những khu vực không cắm biển báo thì người lái xe phải căn cứ theo quy định, theo tình hình giao thông thực tế để di chuyển với tốc độ phù hợp, đảm bảo an toàn".

TS Doãn Minh Tâm nói:

Có rất nhiều lý do chạy xe quá tốc độ cho phép mà người điều khiển phương tiện giao thông đưa ra nếu chẳng may bị lực lượng chức năng phát hiện. Tuy nhiên, dù với bất cứ lý do gì, thì việc phóng nhanh vẫn tiềm ẩn một mối hiểm họa khôn lường. Phóng nhanh sẽ dẫn đến không làm chủ tay lái và sẽ gây ra TNGT, hậu quả là người vi phạm không chỉ gây hại cho mình, mà còn gây nguy hiểm cho cả những người cùng tham gia giao thông.

Để kiềm chế TNGT do vi phạm tốc độ gây ra, trước hết, người điều khiển các phương tiện giao thông trên bất kỳ tuyến đường nào cũng cần thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định, đặc biệt, cần chú ý quan sát, tuyệt đối không phóng nhanh, vượt ẩu. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát giao thông ở tất cả các tuyến đường, nhất là các tuyến đường trọng điểm, các khu vực thường xảy ra TNGT, để hạn chế tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu...

Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và các quy định về ATGT đến tận các địa bàn dân cư, nhằm từng bước nâng cao ý thức tự giác chấp hành các qui định của pháp luật về trật tự ATGT của mọi người. Qua đó, góp phần kềm chế và kéo giảm số vụ TNGT. 

TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy Ban ATGT quốc gia nêu giải pháp cho vấn đề này: "Ủy ban ATGT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính. Thứ nhất là hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, các quy định về giới hạn tốc độ cho các phương tiện. Đề nghị các cơ quan liên quan rà soát lại các văn bản xem các quy định xem có phù hợp hay không. Thứ hai là tăng cường một đợt cao điểm về tuyên truyền để người dân nhận thức về mức độ nguy hiểm của việc chạy quá tốc độ. Thứ 3 là hoàn thiện về mặt kết cấu hạ tầng. Đặc biệt rà soát về điều kiện cơ sở hạ tầng và các biển báo tốc độ đã phù hợp hay chưa. Đặc biệt tại các điểm đen thì vẫn duy trì các biển báo. Thứ 4 là tuần tra và xử lý vi phạm”.

TS Trần Hữu Minh cho biết:

Ảnh minh họa – Báo Tuổi Trẻ

Mặt khác, từ việc xác định nguyên nhân gây TNGT do vi phạm tốc độ chiếm tỷ lệ lớn, các chuyên gia cho rằng, trong một số trường hợp đặc biệt như tại các điểm đen, điểm phức tạp về trật tự an toàn giao thông hay tai nạn giao thông thì căn cứ vào kết quả khảo sát và thống nhất của các ngành chức năng, có thể đặt biển hạn chế tốc độ thấp hơn 50km/h. Đặc biệt, việc quy định tốc độ tối đa phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong để quy định cho phù hợp. Có như vậy mới có thể kiềm chế tai nạn giao thông, giảm tính chất nghiêm trọng, giảm thiệt hại về người, tài sản khi tham gia giao thông.

Tiến sỹ Khương Kim Tạo, chuyên gia giao thông nêu ý kiến: "Một trong những vấn đề tiên quyết là việc tổ chức giao thông, biển báo hướng dẫn giao thông để người tham gia giao thông chấp hành tốt quy định. Phải xem hệ thống biển báo đã rõ ràng chưa. Ở đó có dải phân cách giữa, đường xuống phải rõ ràng, xem xem có thể nhầm lẫn không. Với những người cố tình vi phạm, cố tình đi vào đường ngược chiều, cần coi trọng vấn đề giáo dục con người, giáo dục đạo đức".

Tiến sỹ Khương Kim Tạo nói:

tế công tác xử lý vi phạm giao thông hiện nay cũng cho thấy, người tham gia giao thông chỉ chấp hành đúng quy định về tốc độ khi di chuyển trên những đoạn đường có sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; sau đó, người điều khiển phương tiện có thể tăng tốc để bù lại thời gian ở những đoạn đường bị khống chế về tốc độ. Điều này có thể nhận thấy rõ nhất là đối với xe khách và xe tải chạy vào ban đêm. Vì thế, để kiềm chế tai nạn giao thông do phóng nhanh vượt ẩu, không làm chủ tốc độ gây ra, bên cạnh việc xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, điều quan trọng là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông nâng cao ý thức, thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ, chạy đúng tốc độ quy định, đặc biệt phải làm chủ tốc độ kết hợp với việc chú ý quan sát để xử lý kịp thời tình huống bất ngờ có thể xảy ra.

Có đến khoảng 80% các vụ tai nạn nghiêm trọng đều có nguyên nhân từ việc chạy quá tốc độ, không làm chủ tốc độ. Vì thế, việc làm chủ tốc độ có ý nghĩa vô cùng quan trọng, điều đó không chỉ giúp cho người điều khiển phương tiện dễ xử lý tình huống bất ngờ và việc làm chủ tốc độ cũng sẽ hạn chế được tai nạn nghiêm trọng.

Phóng viên kênh VOV Giao thông Quốc gia đã ghi nhận một số ý kiến đóng góp về giải pháp hạn chế tình trạng phương tiện chạy quá tốc độ gây tai nạn giao thông: "Theo tôi lỗi này cần phải phạt nặng hơn nữa. Các trạm chốt cần kiểm tra thường xuyên, tăng cường phạt nguội càng cao lên càng tốt. Khi mà người ta nhận được phạt nguội, người ta sẽ hoàn thiện bản thân và quan sát nó tốt hơn, người ta chấp hành luật lệ giao thông được chu đáo hơn". Một người khác chia sẻ: "Để tăng cường đảm bảo an toàn giao thông, cần tăng cường đưa ra các cảnh báo đối với lái xe về mức độ nguy hiểm của hành vi chạy quá tốc độ, đồng thời đưa cả những thông tin vi phạm tới lực lượng CSGT, lực lượng tuần tra, kiểm soát trên đường để có phương án chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, phòng tránh tai nạn xảy ra".

Nghe các ý kiến tại đây:

Tuân thủ đúng quy định về tốc độ cho phép và tốc độ an toàn từ điều kiện lưu thông thực tế sẽ giúp hạn chế được các tình huống nguy hiểm có thể phát sinh TNGT, giảm nhẹ chấn thương do va đập. Vì vậy, xử lý tốc độ luôn là một trong những chuyên đề trọng tâm của các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì vẫn chưa đủ, quan trọng nhất vẫn là ý thức của người tham gia giao thông khi điều khiển xe. “Nhanh một phút, chậm một đời”, đó cũng là thông điệp mà Ủy ban ATGT Quốc gia muốn gửi đến người tham gia giao thông, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của việc tuân thủ tốc độ đối với công tác bảo đảm TT ATGT.

Tags:
Ý kiến của bạn
Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Sống leo lắt trong ánh đèn dầu ở Thủ đô

Không trường học, không nhà văn hóa cũng không có tổ dân phố thậm chí không có điện lưới để dùng… Nếu chỉ nói đến đây, nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến hình ảnh làng quê của hàng chục năm về trước.

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Công an Hà Nội thông tin về vụ việc học sinh lớp 8 bị đánh chết não

Đại diện Công an TP. Hà Nội cho biết hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam đối với T.V.M (SN 2008, trú tại Long Biên, Hà Nội) để điều tra về hành vi cố ý gây thương tích.

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Vướng mặt bằng, nhà thầu cao tốc sốt ruột vì thiệt hại

Hiện tại vẫn còn một số vướng mắc mặt bằng và mỏ vật liệu, nhưng các nhà thầu cao tốc Vân Phong – Nha Trang vẫn đang bố trí hàng nghìn nhân lực, hàng trăm máy móc thiết bị. Tuy nhiên, do mặt bằng "xôi đỗ", có nơi máy móc, nhân sự vẫn phải chờ mặt bằng và vật liệu, gây lãng phí nguồn lực.

Quản lý ô nhiễm không khí, 'loay hoay' đến bao giờ?

Quản lý ô nhiễm không khí, "loay hoay" đến bao giờ?

Những ngày đầu tháng 3, Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI luôn ở mức nguy hại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có tới 29/30 quận, huyện, thị xã có nồng độ bụi PM 2.5 trung bình năm vượt quy chuẩn quốc gia.

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Cao tốc chờ trạm sạc, trạm sạc chờ quy chuẩn

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng hơn 22.000 ô tô điện và con số này gia tăng nhanh chóng theo từng năm. Cùng với đó, chiều dài cao tốc của cả nước hiện lên gần 1.900km và gần 1.700km đang thi công, dự kiến năm 2025, cả nước có 3.000km và 2030 có trên 5.000km cao tốc.

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Vì sao đường Lương Định Của làm gần 10 năm vẫn chưa xong?

Dự án nâng cấp đường Lương Định Của (thuộc địa bàn TP. Thủ Đức, TP.HCM) dài gần 2,5 km được khởi công từ năm 2015, dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, đến nay đã gần 10 năm, dự án này vẫn đang còn dang dở gây ảnh hưởng đến đi lại và đời sống người dân.

// //