Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Hà Nội với kế hoạch số hóa hạ tầng, phương tiện giao thông

Phóng viên - 06/02/2019 | 0:00 (GTM + 7)

VOVGT - Thông qua bản đồ số về giao thông, cơ quan quản lý có thể nắm bắt chính xác, điều khiển giao thông một cách tức thời, hiệu quả.

Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh minh họa: Internet

Chỉ cần một thiết bị số như điện thoại di động, người dân ở bất cứ đâu cũng có thể kiểm tra hiện trạng giao thông từng tuyến đường, qua đó thiết kế chuyến đi một cách nhanh nhất- Đó là tiện ích cơ bản nhất đối với người dân khi việc số hóa hạ tầng, phương tiện giao thông do Sở GTVT Hà Nội thực hiện hoàn thành.

Còn với cơ quan quản lý, thông qua bản đồ số về giao thông có thể nắm bắt chính xác luồng giao thông thực để đưa ra những khuyến cáo hoặc thực thi điều khiển giao thông một cách tức thời, hiệu quả.

Số hóa dữ liệu về hạ tầng và phương tiện giao thông được hiểu là toàn bộ dữ liệu về đường xá, phương tiện tham gia giao thông tại một khu vực nhất định đều được chuyển thành thông tin kỹ thuật số và được tích hợp lại tại cơ sở quan lý, tại các trung tâm điều hành.

Từ những thông tin về nền tảng này, bằng những phần mềm ứng dụng, người ta có thể khai thác một cách nhanh nhất, chính xác nhất để cung ứng thành sản phẩm cho cơ quan quản lý, cho đơn vị vận hành và cho người tham gia giao thông.

Chẳng hạn khi chưa có cơ sở dữ liệu đã được số hóa thì các dữ liệu về hệ thống thông tin đường xá, biển báo được lưu trữ toàn bộ trên trên máy tính, trên sổ sách, và khi sử dụng lại phải tìm kiếm, đòi hỏi sức người rất lớn. Sau đó, việc tính toàn để đưa ra dự báo, lập kế hoạch và điều hành trực tiếp đều thông qua xử lý bằng con người, tốn nhiều chi phí, nguồn lực.

Nhưng khi cơ sở dữ liệu đã được, cùng với những công cụ, phần mềm hỗ trợ, các dữ liệu được số hóa sẽ được phân tích tự động, phục vụ công tác quản lý hiệu quả hơn rất nhiều.

Phân tích cụ thể về điều này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội - đơn vị được Thành phố giao làm đầu mối thực hiện việc số hóa dữ liệu làm nền tảng cho việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh của Hà Nội cho biết, trước đây, khi chưa thực hiện số hóa, việc quản lý hoạt động của mạng lưới xe buýt hoàn toàn do con người đảm nhiệm.

Để đánh giá xe buýt có chạy đúng tuyến lượt, đúng lộ trình, có đảm bảo tốc độ không, có dừng đỗ đúng điểm dừng không thì hoàn toàn phải dùng sức người. Với mạng lưới xe buýt hiện nay, để kiểm soát đầy đủ thì con người không thể làm được.

Nhưng bằng việc số hóa dữ liệu về toàn bộ mạng lưới, hệ thống tuyến, phương tiện vận hành, toàn bộ dữ liệu được kiểm soát qua các trung tâm điều hành. Như vậy, tiện ích lớn nhất với cơ quan quản lý do hệ thống này mang lại là quản lý dịch vụ vận tải hành khách công cộng một cách, minh bạch, giảm chi phí về người, về thời gian.

Bên cạnh đó, từ những dữ liệu thu thập được thông qua hệ thống, cơ quan quản lý dễ dàng tổng hợp những diễn biến về khách, về chuyến lượt để có điều chỉnh cho phù hợp. Chẳng hạn các luồng tuyến thường xuyên ùn tắc, giảm chất lượng dịch vụ để có điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Còn với hành khách, rõ ràng là cũng được rất nhiều tiện lợi, nhất là việc làm chủ chuyến đi tốt hơn: "Ví dụ chúng ta tham gia giao thông, có bản đồ giao thông trực tuyến hoặc thông qua những bảng giao thông chúng ta có thể biết được rằng khu vực nào chúng ta đang đến, khu vực nào ùn tắc để chúng ta lựa chọn hành trình cho phù hợp".

Hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ được cung cấp tức thì cho CSGT ngoài hiện trường - Ảnh: ATGT.VN

Dẫn chứng cụ thể hơn về tiện ích khi dữ liệu được số hóa Nguyễn Minh Tuấn, trưởng trung tâm điều hành xe buýt của tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết, Trung tâm hiện có chưa đến 10 người, song toàn bộ hoạt động của hơn 1.200 xe buýt tại 76 tuyến và mạng lưới tuyến đang vận hành đều được giám sát một cách chặt chẽ.

Thông qua hệ thống giám sát hành trình lắp đặt trên từng phương tiện xe buýt, toàn bộ dữ liệu phương tiện đang chạy trên toàn mạng lưới sẽ được cập nhật tức thời về trung tâm.

Như vậy, sản phẩm của việc số hóa thông tin mạng lưới vận tải hành khách công cộng chính là những thông tin chính xác và toàn bộ hoạt động của mạng lưới xe buýt trên toàn thành phố, từ đó giúp cơ quan quản lý điều hành một cách hiệu quả.

Ông Tuấn chia sẻ: "Với việc theo dõi được vị trí chính xác của các xe và với những công cụ hỗ trợ thêm thông qua hệ thống phần mềm GPS thì chúng tôi cũng đưa ra được những phương án điều hành, phương án điều chỉnh làm sao cho hợp lý nhất để đem lại dịch vụ tốt nhất cho hành khách".

Ông Nguyễn Minh Tuấn cũng cho biết, trước đây, khi chưa số hóa dữ liệu từ các phương tiện thì việc kiểm soát hoạt động của các phương tiện và lái xe phải thông qua nhân lực tại vị trí chốt chặn trên tuyến, chốt chặn đầu cuối. Đồng thời, để chuyển tải được phương án điều hành đến lực lượng công nhân, lái xe, bán vé cũng phải thông qua các nhân viên trực tại vị trí điều hành để thông tin đến lái xe và nhân viên bán vé.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện số hóa dữ liệu, từ hành trình, điểm đến, thực tế lưu thông trên tuyến đều được kiểm soát chặt chẽ thông qua hệ thống giám sát hành trình, giảm thiểu số lượng người phải cắm chốt.

Đồng thời, thông qua vị trí xe, các điều kiện vận hành của xe, cán bộ trung tâm dễ dàng nắm bắt tình trạng ùn tắc hay những sự cố trên tuyến để điều chỉnh phương tiện sang hướng khác, giảm thiểu việc đưa thêm xe vào khu vực ùn tắc. Ngoài ra, việc điều chỉnh này cũng tránh làm cho hành khách phải ngồi chờ quá lâu trên xe, giúp hành khách đến điểm mình cần đến một cách thuận lợi hơn.

Đặc biệt, thông qua việc số hóa phương tiện, điểm dừng đỗ, Tổng công ty vận tải Hà Nội cũng xây dựng hệ thống phần mềm timbuyt.com (tìm buýt.com) để phục vụ hành khách tìm xe một cách dễ dàng.

CSGT đang chăm chú quan sát để điều khiển giao thông với các đội CSGT địa bàn

Là một người thường xuyên sử dụng dịch vụ xe buýt, ông Kiều Cao Trinh, Phó phòng công tác Chính trị- Tư tưởng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, từ khi có dịch vụ tìm buýt, ông thường sử dụng dịch vụ xe buýt thay cho phương tiện cá nhân: "Bằng phần mềm tìm buyt, tôi muốn từ đây đi đến các cơ quan khác thì có thể ngồi ở đây tìm xem điểm buýt gần nhất ở đây là điểm nào, đi xe bao nhiêu thì rất thuận lợi thì đi đến các điểm khác mình vẫn đi xe buýt như bình thường".

Cũng là sản phẩm của việc số hóa dữ liệu, dịch vụ trông giữ xe bằng điện thoại thông minh - Iparking đến thời điểm này đã được quản lý một cách chặt chẽ. Toàn bộ dữ liệu về hiện trạng các điểm đỗ đều được cập nhật vào phần mềm, giúp khách hàng, chủ xe dễ dàng trong việc tìm chỗ đỗ, bởi phần mềm này hiển thị đầy đủ các chỗ còn trống để lái xe nhận biết.

Chia sẻ về điều này, tài xế Bùi Hồng Lĩnh cho biết: "Tôi mới sử dụng dịch vụ này thì thấy rất tiện lợi vì chỉ cần vào truy cập vào phần mềm là biết địa điểm nào còn trống, có thể đỗ xe được. Như vậy không phải đi lòng vòng tìm chỗ đỗ như trước đây".

Ông Phạm Văn Đức, Phó Giám đốc công ty Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội - đơn vị được giao triển khai dịch vụ Iparking cho biết, qua hệ thống máy tính, cán bộ công ty hoàn toàn có thể nắm bắt từng hiện trạng của vị trí đã có phương tiện nào đang đỗ, chỗ nào còn trống, qua đó minh bạch hóa việc quản lý phí trông giữ phương tiện: "Mục tiêu của dự án là giúp người chủ phương tiện, minh bạch việc thu phí và tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việ quản lý điểm đỗ xe bước đầu đạt được những hiệu quả, đặc biệt với đối tượng khách hàng trẻ, trung niên thường xuyên sử dụng công nghệ hiện đại thì rất tiện lợi".

Đó là 2 trong số rất nhiều sản phẩm có được từ việc số hóa các dữ liệu về hạ tầng, phương tiện giao thông đang được Sở GTVT Hà Nội thực hiện. Ngoài ra, việc quản lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông, thẻ vé điện tử cũng là những bước đầu trong việc thực hiện số hóa dữ liệu về hạ tầng, phương tiện đang được Sở GTVT Hà Nội thực hiện.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc phân ngành giao thông thông minh FPT - đơn vị phối hợp với Sở GTVT Hà Nội thực hiện số hóa hạ tầng, phương tiện giao thông cho biết, từ việc số hóa các dữ liệu này, hiện đơn vị đã xây dựng thành bản đồ giao thông thông minh. Trong đó, phần giao thông công cộng của Thành phố cơ bản đã hoàn tất. Khi hành khách bấm vào từng tuyến đều có danh sách các trạm dừng đỗ và khi vào một nhà trạm trên bản đồ sẽ biết tuyến nào đi qua điểm dừng này để lựa chọn lộ trình hợp lý nhất.

Bên cạnh đó, các dữ liệu về toàn bộ 939 tuyến trên địa bàn Thành phố, từ bề rộng mặt đường, hệ thống cột, chỉ giới quy hoạch, hệ thống biển báo, biểm cấm chỗ nào cấm đỗ, cấm dừng, đường một chiều... đều đang được cập nhật. Khi việc cập nhật được hoàn thành, người dân hoàn toàn có thể truy cập để nắm rõ hiện trạng các tuyến đường mình định đi qua: "Khi đưa vào vận hành, tất cả những tuyến đường có sự kiện hoặc cần hạn chế lưu thông, cơ quan quản lý có thể dễ dàng đưa ra những khuyến cáo cho những xe đang đi vào tuyến cấm, tuyến cần hạn chế sẽ được điều hướng để các phương tiện đi theo hướng khác".

Yêu cầu xây dựng hệ thống giao thông thông minh không chỉ dừng ở việc số hóa hệ thống hạ tầng, mà quan trọng nhất là việc cập nhật dữ liệu thực về hiện trạng các phương tiện đang lưu thông trên đường. Điều này hoàn toàn có thể thực hiện được thông qua hệ thống hàng vạn chiếc camera sẵn có của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố, trong đó lực lượng CCSGT Hà Nội chiếm đa số. Mở sẵn một camera đã được thiết kế mẫu, các dữ liệu phương tiện được thiết kế theo màu sắc: đỏ là tắc, to vàng là đường đang ùn, xanh là thông suốt.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết: "Chỉ cần 1 camera, bằng phần mềm phân tích sử lý hình ảnh cộng thêm phần máy học thì đọc được, phân biệt được lưu lượng xe máy, ô tô con, xe buýt, xe tải đang đi qua nút. Ở đây cũng phát hiện bao nhiêu xe đi theo từng hướng. Như vậy, chỉ cần một camera là có thể xác định được dòng phương tiện, chiều dài hàng đợi, các phương tiện đi theo hướng nào, vận tốc bao nhiêu... Nếu chúng ta sử dụng được tất cả camera đưa về đây thì sẽ tích hợp được toàn bộ dữ liệu về phương tiện đang lưu thông trên từng tuyến đường".

Sớm hình thành hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp người dân nắm bắt hiện trạng giao thông trên từng tuyến đường, từ đó có lựa chọn hợp lý cho chuyến đi của mình - Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng cho biết, khi việc tích hợp dữ liệu hình ảnh phương tiện đang thm gia giao thông trên đường, người dân có thể xem, nắm bắt hình ảnh thực trạng giao thông trên tuyến, qua đó sẽ có lựa chọn có tham gia giao thông vào thời điểm đó hay không. Đồng thời, khi bản đồ giao thông vận hành, người dân có thể gửi yêu cầu lộ trình đường đi để được nhận những bản tin thông báo về hiện trạng tuyến đường. Về phía đơn vị quản lý, điều hành, khi nắm được tình trạng giao thông thực tế dễ dàng phối hợp giữa trung tâm điều hành với các bộ phận thực thi như điều khiển đèn tín hiệu giao thông hoặc tổ chức phân luồng.

Bên cạnh đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đang phối hợp với FPT để mở rộng tiện ích của Bản đồ giao thông thông minh. Theo đó, những thông tin về mạng lưới trạm xăng, trung tâm cấp cứu trên toàn Thành phố, điều kiện môi trường cũng được cập nhật nhằm đa dạng hóa thông tin, phục vụ người dùng.

Tuy vậy, hiện việc chia sẻ, liên kết dữ liệu từ hàng vạn camera sẵn có vẫn chưa thể thực hiện được. Trao đổi với phóng viên, đại diện Phòng CSGT, Công an TP. Hà Nội không đề cập việc tích hợp dữ liệu vào hệ thống chung của Thành phố. Vị đại diện này cũng cho biết, đơn vị đang quản lý gần 600 camera các loại. Hiện Công an Thành phố cũng đang thử nghiệm việc số hóa với hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Trong đó chủ yếu là ứng dụng công nghệ thông tin vào trung tâm chỉ huy để điều hành từ cán bộ chiến sĩ, từ vị trí các phương tiện sao cho nhịp nhàng.

Chuyên gia giao thông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức cũng cho rằng, kinh nghiệm tổ chức hệ thống giao thông thông minh tại TP. HCM gần đây cho thấy, để hình thành hệ thống giao thông thông minh, phải tích hợp về mặt chức năng, tích hợp về mặt kỹ thuật, và tích hợp về mặt thể chế. Đó là 3 vấn đề luôn luôn phải tích hợp trong giao thông thông minh để có thể hướng đến một hệ thống hoàn thiện. Nếu việc chia sẻ dữ liệu giữa các đơn vị không thực hiện được thì không chỉ lãng phí, mà hệ thống giao thông thông minh cũng không phát huy được hiệu quả: "Để tích hợp 3 yếu tố đó cần khung kiến trúc tổng thể cho giao thông thông minh ở tầm quốc gia và tầm vùng, khu vực cũng như tầm thành phố. 2 cấp độ đó cần cái khung, trong khung đó có tất cả những yêu cầu về tích hợp, trong đó có một đơn vị đầu mối quản lý nhà nước. Nó phải kết nối giữa Sở và Bộ, Công an là một modul trong đó".

Ở góc độ khác, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng UBATGT quốc gia cũng cho rằng, chính sự bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, mà cụ thể là sự kết nối và chia sẻ giữa các cơ quan chức năng chưa đạt hiệu quả cao, đã góp phần khiến các dự án giao thông thông minh khó thực hiện: "Tôi cho rằng để giải quyết vấn đề như vậy thì chúng ta cần có kế hoạch tổng thể cũng như có một nhạc trưởng để chỉ huy vấn đề kết nối, phối hợp chia sẻ với các cơ quan chức năng. Có như vậy, các dự án triển khai về giao thông thông minh mới đạt hiệu quả".

Về phía người dân, rất nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn sớm hình thành hệ thống giao thông thông minh, qua đó giúp họ nắm bắt hiện trạng giao thông trên từng tuyến đường, từ đó người dân sẽ có lựa chọn hợp lý cho chuyến đi của mình:

"Thời gian qua chúng tôi được biết đến chương trình số hóa cũng như việc tham gia giao thông để có những điểm ùn tắc để chúng tôi giảm được thời gian, thậm chí là tránh các tuyến đường bị ùn tắc như vậy. Thế thì chúng tôi rất mong muốn việc số hóa được đẩy nhanh tiến độ lên, để chúng tôi được thuận tiện khi lưu thông".

"Tôi rất mong muốn các cơ quan nhà nước sẽ sớm cho ra đời bản đồ thông minh để khi tất cả lộ trình người ta có thể dùng trên các phần mềm ứng dụng để biết được cung đường nào đang tắc, cung đường nào đang thông thoáng, để cho tất cả những người tham gia giao thông biết trước được những đoạn nào ùn, tắc".

Việc tổ chức, điều hành giao thông thông minh là xu thế tất yếu của các đô thị trên thế giới. Điều này chỉ có được khi sự liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan được thực thi.

Đó cũng là trách nhiệm xã hội của các đơn vị khi chia sẻ dữ liệu phục vụ mụ đích chung của Thành phố, qua đó hình thành bức tranh tổng thể về giao thông của Thủ đô, góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước một cách hiệu quả.

Với mỗi người dân, từ việc các thông tin cơ bản về hiện trạng giao thông được số hóa, hệ thống giao thông thông minh sẽ giúp họ thực hiện chuyến đi một cách hợp lý, thông suốt và an toàn.

Tags:
Ý kiến của bạn
Nếu “khai tử” BRT...

Nếu “khai tử” BRT...

Sau 7 năm hoạt động, tuyến buýt nhanh BRT Yên Nghĩa - Kim Mã với tổng chiều dài 15km này vẫn là tuyến buýt nhanh duy nhất của Hà Nội. Và nó đang có nguy cơ bị “khai tử”, khi chính Hà Nội dự định thay thế bằng đường sắt đô thị.

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Cần lắm những lớp học vui vẻ trong viện nhi để xua tan nỗi đau bệnh tật

Những bệnh nhi tuổi ăn tuổi học cần được được học hành vui chơi là điều hiển nhiên, song không phải mầm non nào cũng khỏe mạnh để đến trường. Vì vậy, những lớp học giữa bệnh viện nhi đồng là nơi để các bé vui chơi, ôn tập kiến thức, an ủi mỗi khi phải gián đoạn việc học...

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Nghỉ lễ 30/4 – 01/5: Cảng hàng không Nội Bài có ùn tắc?

Dịp nghỉ lễ 30/4 năm nay, lượng hành khách đi du lịch tăng cao. Tình trạng ùn tắc khu vực sân đỗ, nhà ga cảng hàng không Nội Bài liệu có xảy ra?

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Thương binh, xã hội tạo điều kiện chứ không phải dung túng

Trong quá trình tham gia giao thông, ắt hẳn trong chúng ta đã từng thấy những chiếc xe ba gác chở hàng trên phố. Những tài xế lái xe này thường là người lớn tuổi và trên xe có dán những dòng chữ thể hiện họ là cựu chiến binh, thương binh…

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản ảo: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Ngày 24/4, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học Góp ý Xây dựng Khung pháp lý Quản lý Tài sản ảo (VA, VASP).

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Liên kết du lịch và văn hóa, làm sao để hiệu quả?

Điều quan trọng là các địa phương cần tính toán việc giữ chân khách để không chỉ đến một lần mà phải quay lại nhiều lần nữa. Chính vì vậy việc liên kết các địa phương, các sản phẩm du lịch, với văn hóa bản địa được xem là vấn đề sống còn đối với du lịch vùng.

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Gần 8% số vụ TNGT xảy ra với học sinh vì cha mẹ dễ dãi giao xe

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2023, 7,8% số vụ TNGT xảy ra với trẻ em. Quý 1/2024, TNGT với trẻ em cũng diễn biến phức tạp và chưa có chiều hướng giảm. Đáng chú ý, không ít vụ TNGT xảy ra khi các em điều khiển phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi.

// //