Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Gia tăng TNGT liên quan đến xe đạp điện của học sinh

Phóng viên - 27/06/2017 | 6:24 (GTM + 7)

VOVGT – Nhiều học sinh vô tư vi phạm luật giao thông như: chở ba, dàn hàng ngang, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe…

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nhiều học sinh đi xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm - Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, các bệnh viện lớn liên tục tiếp nhận các ca cấp cứu tai nạn, thậm chí đa chấn thương do người điều khiển phương tiện không đảm bảo an toàn khi đi xe đạp điện, xe máy điện. Điều đáng nói ở chỗ, một bộ phận không nhỏ các trường hợp bị tai nạn là các thanh, thiếu niên đang ở lứa tuổi học đường. Thảm kịch giao thông xảy ra khi các em vô tư vi phạm luật giao thông khi điều khiển phương tiện như: chở ba, dàn hàng ngang, vượt, tránh, đổi hướng đột ngột không quan sát, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe.

Những ngày tháng 6 này, trong khi bạn bè đồng trang lứa bắt đầu bước vào kỳ nghỉ hè mới đầy sôi động thì một nữ sinh 15 tuổi người Thái Bình đang phải chống chọi lại những cơn đau đớn kinh hoàng do tai nạn giao thông gây ra. Điều đáng nói ở chỗ, theo lời kể của gia đình, nữ sinh này đi xe đạp điện với tốc độ quá nhanh đã đâm trực diện vào ô tô, gây ra các thương tích nặng nề. Mặc dù đã được mổ cấp cứu nhưng bệnh nhân vẫn trong tình trạng hết sức nguy kịch, có nguy cơ nhiễm trùng và phải phẫu thuật nhiều lần.

Tương tự, các y bác sỹ bệnh viện Việt Đức vừa thực hiện thuật cấp cứu cho một nam sinh 17 tuổi ở Hà Nội bị chấn thương nặng vùng đầu, gãy chân do đi xe đạp điện tốc độ cao và đánh võng gây mất lái, đâm trực diện vào một xe máy đi ngược chiều gây hậu quả nghiêm trọng.

Còn tại bệnh viện Bạch Mai, các bác sỹ vừa điều trị cho một nữ sinh được đưa vào cấp cứu ngoại trong tình trạng dập nát toàn bộ vùng mặt, gãy xương đùi do tai nạn liên quan đến xe đạp điện. Nguyên nhân được xác định là do trong lúc xuống dốc, xe của học sinh này bị mất phanh và tông thẳng vào cột trụ bê tông khiến nạn nhân bị văng xa, cày mặt xuống đường bất tỉnh.

Các bài học về tai nạn giao thông xảy ra rất nhiều như vậy, tuy nhiên, tại các đô thị lớn ở nước ta như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hình ảnh các em học sinh đi xe đạp điện, xe máy điện xuất hiện khá phổ biến. Vào giờ tan học, từng tốp học sinh không đội mũ bảo hiểm, thậm chí chở ba người một xe, phóng xe đạp điện như bay trên đường thật sự là một mối huy hiểm.

Phóng viên Kênh VOV giao thông quốc gia đã phỏng vấn ý kiến của nhiều chuyên gia và người tham gia giao thông, về ý thức điều khiển xe đạp điện và tham gia giao thông an toàn của các em học sinh.

Các ý kiến cho biết: “Những trẻ chưa đến tuổi có khả năng đi tắt ngang, vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, thậm chí tốc độ còn cao hơn cả xe máy, nói chung là rất nguy hiểm. Nếu gặp những trường hợp như vậy thì theo tôi cần đưa về nhà trường để giao dục phổ biến và nghiêm cấm. Nói chung phụ huynh để cho các cháu chưa đến tuổi đi xe đạp điện như thế là rất nguy hiểm, gây tai nạn rất nhiều”. Một ý kiến khác chia sẻ: “Khi các em điều khiển phương tiện xe đạp điện, xe máy điện ra ngoài giao thông, các em không có kỹ năng, hiểu biết về pháp luật an toàn giao thông, để tham gia một cách an toàn và đúng pháp luật”.

Nghe các ý kiến tại đây:

Như vậy, hiện tượng học sinh THCS, THPT, sinh viên đại học, cao đẳng đi học bằng xe đạp điện, xe máy điện diễn ra phổ biến. Dù có các lợi ích nhất định nhưng loại phương tiện này cũng là nguyên nhân làm gia tăng các vi phạm quy tắc giao thông trong các em.

Trong khi đó, nhiều y bác sỹ cảnh báo, số bệnh nhân cấp cứu tai nạn có liên quan đến xe đạp điện khá thường gặp và phần lớn là các bệnh nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên. Các chấn thương thường gặp là chấn thương đầu, chấn thương bụng, gãy chân, tay.

Bác sỹ Bùi Hồng Thiên Khanh, Khoa Chấn Thương chỉnh hình, Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Nói chung xe đạp điện cũng như một xe gắn máy. Xe đạp điện chạy nhanh, chấp hành giao thông cũng hạn chế, lạng lách gây tai nạn, khi tai nạn xảy ra đều có tỷ lệ chấn thương. Quan trọng nhất là khi đi xe đạp điện có đội nón bảo hiểm không. Nếu không đội nón bảo hiểm thì khi té sẽ bị chấn thương đầu, chấn thương tay, chân, hoặc đụng phương tiện lớn hơn thì gây đa chấn thương. Đi tốc độ càng nhanh thì khi gây tai nạn thì người chủ phương tiện và người bị đụng xe sẽ có sức va chạm lớn hơn, tổn thương chấn thương do tai nạn gây ra sẽ nặng hơn”.

Bác sỹ Bùi Hồng Thiên Khanh nói:

Cũng theo bác sỹ Khanh, tai nạn liên quan đến xe đạp điện có mức độ trầm trọng không thua kém gì tai nạn xe máy. Nguyên nhân bởi lẽ, xe đạp điện được thiết kế với tốc độ 30 - 40km/giờ (tốc độ tiêu chuẩn là 25km/h), tương đương với tốc độ xe máy. Tuy nhiên xe đạp lại khá nhẹ nên khi di chuyển nhanh khiến tai nạn xảy ra thì độ văng của xe cũng mạnh hơn rất nhiều.

Còn theo một bác sỹ của khoa Cấp cứu, bệnh viện Việt Đức, với các bệnh nhân bị tai nạn liên quan đến xe đạp điện, dù được điều trị tích cực nhưng họ cũng phải mất ít nhất từ 3 đến 6 tháng mới có thể học tập và lao động bình thường. Tuy vậy, phần xương gãy sẽ yếu hơn, thậm chí gây lệch chi, về lâu dài có thể tổn thương đến các chức năng của bộ phận cơ thể. Thêm vào đó, bệnh nhân còn phải chịu những sang chấn tâm lý nặng nề sau tai nạn, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sau này.

Đồng tình về vấn đề này, ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng cho biết, nước ta hiện có hàng triệu xe đạp điện, xe máy điện lưu hành và con số này vẫn đang ngày càng gia tăng. Điều này là một thách thức với cơ quan chức năng trong việc quản lý chất lượng phương tiện cũng như đảm bảo trật tự an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là khi những vi phạm luật lệ an toàn giao thông của các em khi điều khiển loại phương tiện này đang diễn ra khá phổ biến và nguy hiểm.

Ông Uông Việt Dũng nói: “Với độ linh hoạt của xe đạp điện, khả năng luồn lách, linh động trên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao. Tính chất của xe đạp điện là không có tiếng ồn, khả năng phát hiện lưu thông của xe đạp điện xung quanh các phương tiện khác là khó khăn. Thực tiễn chứng minh có nhiều vụ TNGT xảy ra, ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã có những vụ TNGT chết người. Đứng trước thực tiễn như vậy nên chúng ta đã nhận thức được rằng, vấn đề TNGT liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện không còn là nguy cơ tiềm ẩn nữa mà đã là thực tiễn”.

Ông Uông Việt Dũng nói:

Nhiều em học sinh vẫn chưa có ý thức chấp hành luật giao thông

Vì vậy, để giải quyết vấn đề này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đang tiếp tục phối hợp với Bộ GD&ĐT tăng cường các hoạt động ngoại khóa, các công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông với đối tượng học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc tuyên truyền, một giải pháp vô cùng quan trọng khác để chấn chỉnh vi phạm, đó là nâng cao tính răn đe của pháp luật. Thậm chí, cơ quan lập pháp cần tiến tới bổ sung và cụ thể hơn hành vi lưu thông trái luật, gây hậu quả nghiêm trọng của học sinh, sinh viên vào Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, giải pháp phạt lao động công ích đối với các em học sinh vi phạm cũng được một đại diện lực lượng CSGT đề xuất: “Trong công tác xử lý của chúng tôi cũng rất nhiều khó khăn. Một cái khó với lực lượng chức năng là mức tiền phạt không cao lắm. Gọi vào xử phạt hành vi vi phạm thì người ta không có tiền cũng rất khó cho cơ quan chức năng. Nên chăng, các cơ quan chức năng nên nghĩ đến việc nếu không có tiền nộp phạt thì cho lao động công ích, dọn vệ sinh chỗ nọ chỗ kia. Cái này nước ngoài đã làm rất nhiều nhưng ở Việt Nam chưa có”.

Một đại diện lực lượng CSGT đề xuất:

Tuy nhiên, trên tất cả, điều quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Các chuyên gia giao thông, chuyên gia giáo dục và các y bác sỹ đều cho rằng, những tai nạn liên quan xe đạp điện hoàn toàn có thể kiểm soát, phòng tránh được bằng cách người tham gia giao thông, cụ thể là các em học sinh, sinh viên tự nâng cao ý thức chấp hành luật cho chính bản thân mình. Các em cần có ý thức đội mũ bảo hiểm, tuân thủ đúng luật giao thông, đi với tốc độ vừa phải để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cũng không nên chủ quan, cho con trẻ điều khiển xe đạp điện khi còn quá nhỏ tuổi, bởi khi điều khiển một phương tiện có tốc độ nhanh như xe đạp điện thì bản thân các em cũng cần được trang bị những kỹ năng, kinh nghiệm lái xe một cách đầy đủ.

Cuối cùng, xe đạp điện cũng cần thường xuyên được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để phát hiện những hỏng hóc nếu có nhằm sửa chữa kịp thời. Tất cả những giải pháp này đều cần được cộng đồng xã hội quan tâm thực hiện, để hạn chế tối đa tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra đối với các em khi lưu thông bằng xe đạp điện, xe máy điện trong thời gian tới.

Tags:
Ý kiến của bạn
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tận dụng lợi thế sẵn có để tăng tốc

Hiện nay, trong bối cảnh Hà Nội đang đối mặt với tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí, nhiều người dân có xu hướng chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, trong đó có đường sắt đô thị.

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Dân Tứ Liên ngóng chờ cầu mới

Sau nhiều năm mong chờ, cầu Tứ Liên dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay. Đây có lẽ là cây cầu được người dân Hà Nội mong mỏi sớm triển khai nhất hiện nay để kết nối thuận lợi từ trung tâm thành phố Hà Nội với huyện Đông Anh và các tỉnh phía Bắc.

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

Phụ huynh cần cảnh giác với đồ ăn không rõ nguồn gốc ở cổng trường

TPHCM vừa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, thực hiện từ nay cho đến hết 15/5.

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Di dời nhà ven kênh rạch: Cần cơ chế đặc thù, đột phá

Kế hoạch di dời nhà trên và ven kênh rạch của TP.HCM được đặt ra từ rất sớm, thế nhưng 20 năm qua, việc thực hiện rất ì ạch, kéo theo nhiều hệ lụy. Điển hình là vụ cháy dãy nhà ven kênh Tàu Hủ vừa qua, là hồi chuông báo động về những bất cập vốn tiềm ẩn với khu nhà ven kênh rạch.

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV 'Going Home' quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ saxophone Kenny G ra mắt MV "Going Home" quảng bá du lịch Việt Nam

Nghệ sĩ Kenny G ra mắt MV “Going Home” - một sản phẩm âm nhạc đặc biệt quảng bá du lịch Việt Nam giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội như Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên.

Ngập giữa mùa khô

Ngập giữa mùa khô

TP.HCM đang trong vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến hơn 40 độ. Thế nhưng đối với người dân sinh sống tại tuyến đường Trần Xuân Soạn, quận 7 và một số tuyến trũng, thấp những ngày qua lại phải chìm trong biển nước...

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội kiểm tra việc chung cư tăng giá bất thường

Bộ Xây dựng vừa có công văn gửi UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản tại địa bàn.

// //