Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Diện mạo mới của ngành đường sắt

Phóng viên - 06/02/2019 | 5:34 (GTM + 7)

VOVGT - Năm 2018, với quyết tâm thay đổi tư duy làm mới mình, ngành Đường sắt đã có cuộc 'nước rút' ấn tượng, góp phần thay đổi diện mạo của chính mình.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Đường sắt Việt Nam 2018 đã có cuộc 'nước rút' ấn tượng

Trở về Hà Nội sau chuyến đi Đà Nẵng thăm người thân cùng gia đình bằng tàu hỏa sau nhiều năm không đi tàu, ông Nguyễn Đức Trọng, ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mình đã chọn đi tàu “5 sao”, toa tàu mới tiện nghi, hiện đại, đặc biệt tình trạng xóc, lắc đã giảm nhiều so với những chuyến đi trước đây của ông.

Phản ánh này của ông Trọng cũng là nhận xét chung của rất nhiều khách đi tàu khác.

Ông Nguyễn Đức Trọng cho biết cảm nhận:

Từ nhiều năm trước, do kết cấu hạ tầng đường sắt hầu hết lạc hậu, chắp vá. Tình trạng nền đường yếu, nền đá sơ cứng, bình diện phức tạp, kiến trúc tầng trên đường sắt chưa đồng nhất nên gây ra tình trạng xóc, lắc mạnh khiến hành khách đi tàu mệt mỏi, khó chịu và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. 

Vì vậy ngành đường sắt đã xây dựng lộ trình chống xóc lắc lâu dài, bền vững để đảm bảo an toàn chạy tầu, nâng cao tốc độ và rút ngắn hành trình chạy tầu. Từ đó, nâng cao năng lực vận tải của các tuyến đường và tăng sức cạnh tranh với các loại phương tiện vận tải khác.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phụ trách Hội đồng Thành viên Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải cho biết, trong qua năm, đơn vị này đã triển khai nhiều biện pháp giảm xóc, lắc trên 4 tuyến đường sắt đầu mối từ Hà Nội đi các địa phương.

Bên cạnh đó, năm 2018 đã ghi dấu nhiều kết quả của ngành đường sắt trong nỗ lực cải thiện về chất lượng kết cấu hạ tầng, gỡ 'nút thắt' vận tải. Có thể thấy, đường sắt Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Cụ thể, đến nay, ngành đường sắt đã xóa bỏ gần 150 lối đi tự mở; thu hẹp 20 lối đi tự mở; cắm biển “Chú ý tàu hỏa” và xây dựng thêm 272 gờ giảm tốc.

Đường sắt Việt Nam đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt

Để tăng cường hiệu quả hơn nữa đối với tín hiệu cảnh báo cho người tham gia giao thông đường bộ trước khi đi qua điểm giao cắt với đường sắt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã tiến hành lắp đặt và đưa vào sử dụng thử nghiệm hai loại hình thiết bị cảnh báo hỗ trợ bảo đảm ATGT tại bốn vị trí giao cắt là lối đi tự mở thường hay xảy ra tai nạn.

Trong đó, loại hình thiết bị thứ nhất là sử dụng tín hiệu đèn vàng kết hợp tín hiệu chuông và phát loa lời cảnh báo: “Chú ý có tàu qua”, được điều khiển bật, tắt bởi nhân viên gác ghi tại các ga mỗi khi tàu đi qua; và loại thiết bị thứ hai sử dụng tín hiệu đèn vàng nhấp nháy liên tục 24 giờ trong ngày.

Sau một thời gian thử nghiệm, tại tất cả bốn vị trí lắp đặt thiết bị cảnh báo, kết quả đều bảo đảm tuyệt đối ATGT đường sắt. Trên cơ sở đó, ngành đường sắt đã và đang triển khai lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo tại 51 vị trí lối đi tự mở ở một số ga trên các tuyến đường sắt.

Nói về hiệu quả mà những thiết bị này mang lại trong việc giảm tai nạn giao thông đường sắt tại địa phương, ông Vũ Văn Tài, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội cho biết:

Trong công tác đảm bảo ATGT, ngành Đường sắt đã thí điểm lắp đặt camera giám sát tại các đường ngang có cảnh báo tự động. Với camera này, toàn bộ hoạt động tại đường ngang sẽ được ghi nhận.

Trường hợp phương tiện giao thông gây hư hỏng thiết bị thông tin tín hiệu (như đâm hỏng cột đèn, cột thông tin, cần chắn...), đơn vị quản lý đường sắt sẽ lấy dữ liệu hình ảnh, biển số xe và thông báo cho công an truy tìm đối tượng vi phạm.

Đa phần các vụ này khi có dữ liệu qua camera đều được xử lý kịp thời, người vi phạm tự nguyện khắc phục thiệt hại do mình gây ra.

Cùng với đó, ngành đường sắt cũng lắp đặt camera theo dõi hành trình chạy tàu trên đầu máy, giám sát hoạt động nghiệp vụ của ban lái máy từ điều khiển tốc độ, kéo còi, đến hô đáp giữa lái tàu và phụ lái để lưu ý khi sắp vào vị trí nguy hiểm như đường ngang, đường dân sinh… Camera đồng thời giám sát hoạt động của các thiết bị tín hiệu cũng như việc thực hiện quy trình quy phạm của nhân viên điều hành chạy tàu dọc đường để có thể ngăn ngừa từ xa các vụ việc đáng tiếc.

Ông Phạm Hải Anh, Xí nghiệp đầu máy Hà Nội cho biết về hiệu quả của biện pháp này.

Tuy nhiên, những giải pháp vừa nêu mới đang trong quá trình triển khai và hoàn thiện nên chưa thể mang lại những kết quả toàn diện và triệt để. Vì thế, thời gian tới, ngành đường sắt dự kiến sẽ lắp toàn bộ hệ thống thiết bị định vị GPS trên tất cả các đầu máy, một mặt kiểm soát quá trình vận hành của đầu máy đồng thời cũng sẽ giúp kiểm soát toàn bộ tất cả các đường ngang có gác chắn và có lắp camera để từ đó tích hợp lên trên đầu máy.

Khi đó người lái tàu cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát mức độ an toàn khi qua các đường ngang.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết về các giải pháp dài hạn sẽ được đơn vị này triển khai:

Thực tế hạ tầng đường sắt và những khó khăn về nguồn vốn đầu tư hiện nay cho thấy, ngành đường cần phải quan tâm đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có. Trong điều kiện khó khăn về vốn đầu tư, cần có giải pháp duy trì an toàn, tập trung khai thác tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể.

Cùng với đó là tổ chức, quản lý và thực hiện các dự án nâng cấp cải tạo các đường ngang, nhất là việc phối hợp với địa phương xây dựng các đường gom để đảm bảo an toàn chạy tàu. TS Phan Lê Bình, Giảng viên Kỹ thuật Hạ tầng, Đại học Việt Nhật cũng nêu đóng góp đối với việc cải thiện hạ tầng đường sắt trong thời gian tới:

Đổi mới không chỉ ở chất lượng các toa tàu, mà còn cả ở thái độ phục vụ của nhân viên

Nhiều hành khách có mặt tại ga Hà Nội cho biết, cảm giác khi đi tàu giờ đây khá dễ chịu, từ khâu soát vé đến lên tàu đều thuận lợi, các toa từ khoang 4 giường, khoang 6 giường, ngồi mềm điều hòa đều sạch sẽ, mát mẻ, không có cái mùi khó tả được gọi là “mùi tàu hỏa” từng ám ảnh người đi tàu.

Diện mạo mới dễ thấy nhất là sự thay đổi trên các toa xe được đóng bằng công nghệ và vật liệu cao cấp: Thành toa xe được làm bằng thép cường lực cao. Toa xe được chế tạo theo dạng module hóa. Toàn bộ các toa xe được lắp giá chuyển hướng lò xo không khí có khả năng chống rung lắc tốt. Toa xe giường nằm với kiểu dáng thanh lịch, sang trọng.

Mỗi vị trí hành khách được bố trí 1 đèn đọc sách được tích hợp sạc điện thoại bằng cổng USB. Toa xe ghế ngồi có độ ngả phù hợp, có thể điều chỉnh thiết bị để chân phía trước. Đặc biệt, trên mỗi toa xe ghế ngồi được trang bị một hệ thống gồm bốn ti vi hiện đại để phục vụ nhu cầu giải trí của hành khách đi tàu.

Anh Nguyễn Văn Thành, một người dân Thủ đô lựa chọn tàu hỏa cho chuyến công tác cuối năm cho biết:

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, đối với toa xe giường nằm, ngoài loại chỗ 4 giường/ khoang, và 6 giường/khoang như hiện nay, Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã cho ra đời sản phẩm mới: khoang 2 giường đặc biệt trên các toa xe giường nằm. Sản phẩm chất lượng cao này đã đem đến sự thoải mái, hài lòng cho hành khách.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, một hành khách vừa trải nghiệm dịch vụ "5 sao" của đường sắt chia sẻ cảm nhận:

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn cho biết, riêng trong năm 2018, đơn vị này đã tập trung đầu tư được 60 toa xe mới, nâng cấp, cải tạo 45 toa xe và chỉnh trang lại toàn bộ các toa xe đang được sử dụng. Trong thời gian tới, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn tiếp tục coi nhiệm vụ đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng phương tiện là công tác quan trọng hàng đầu để phục vụ hành khách tốt hơn:

Liên quan tới công tác hiện đại hóa phương tiện đường sắt, trao đổi cùng phóng viên kênh VOV Giao thông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã xây dựng 02 đề tài khoa học với nội dung ứng dụng đóng toa xe và ứng dụng đóng đầu máy nhằm mục tiêu liên ngành cơ khí bởi cơ khí đường sắt hiện còn mang tính chất thủ công, lạc hậu, hiệu quả thấp.

Có thể thấy, ngành đường sắt hiện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng phương tiện. Nhiều toa xe khách đã được đầu tư theo hướng hiện đại, giảm tự trọng toa xe, sử dụng năng lượng tái tạo, trang bị nội thất toa xe hiện đại... nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, qua đó nâng cao chất lượng vận tại đường sắt, thu hút nhiều hơn nữa hành khách đến với loại hình vận tải này.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng, phục vụ tốt nhất nhu cầu của hành khách đi tàu, ngành đường sắt đã triển khai nhiều dịch vụ tiện ích. Bằng việc ứng dụng công nghệ, đổi mới phương thức bán vé và không ngừng cải thiện chất lượng phục vụ, ngành đường sắt quyết tâm nâng cao tiêu chuẩn phục vụ trên tàu với việc cung cấp các dịch vụ đa dạng, hướng tới nhiều đối tượng khách hàng

Đường sắt Việt Nam lần đầu tiên có tàu "5 sao"

Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trước yêu cầu bức thiết phải đổi mới, ngành đường sắt đã triển khai nhiều việc làm cụ thể, trong đó cải thiện chất lượng dịch vụ là vấn đề được ưu tiên.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã thuê đơn vị cung ứng dịch vụ vệ sinh chuyên nghiệp tại các nhà ga còn tiếp viên chỉ tập trung vệ sinh trên hành trình. Quy trình vệ sinh được niêm yết, thực hiện chặt chẽ và bước đầu đã có sự cải thiện rõ rệt.

Cùng với đó, ngành đường sắt tổ chức đa dạng hóa dịch vụ bán vé giống như hàng không là bán vé sớm, bán vé có đổi và bán vé linh hoạt. Thời gian gần đây, ngành đường sắt cũng đang điều chỉnh điều độ chạy tàu phù hợp nhu cầu của hành khách, cùng đó tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mang lại sự hài lòng hơn cho khách hàng.

Nói về những thay đổi này, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Anh Minh cho biết:

Tập trung đổi mới dịch vụ cho các đoàn tàu, về mặt thái độ phục vụ của nhân viên đối với hành khách trên tàu, nhân viên phục vụ được ngành đường sắt phối hợp với các đơn vị chuyên nghiệp đào tạo và cập nhật theo tiêu chuẩn hàng không. Lấy giáo viên và các cơ sở đào tạo hàng không để đào tạo lại. Các dịch vụ trên tàu như suất ăn có sự thay đổi theo tiêu chuẩn hàng không.

Ông Đào Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần vận tải Đường sắt Sài Gòn thông tin về công tác này:

Từ những việc làm cụ thể này đã mang lại bước chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao chất lượng phục vụ mà mỗi hành khách khi đi tàu đề cảm nhận được. Một hành khách thường xuyên đi tàu Hà Nội - Vinh nhận thấy nhiều sự đổi mới từ đường sắt:

Đặc biệt, mới đây, lần đầu tiên, các hành khách đã được trải nghiệm giải pháp đặt mua, chọn loại chỗ, thanh toán và xuất vé tàu hỏa toàn diện trên thiết bị di động. Tất cả các khâu chọn chuyến đi, ngày đi, loại chỗ, thanh toán và xuất vé đều được số hoá. Người đi tàu chỉ cần sử dụng vé điện tử được lưu trong ứng dụng để bắt đầu cho chuyến đi.

Chị Nguyễn Thị Thảo, một hành khách đã đặt vé thành công qua thiết bị di động cho biết:

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải, không ngừng đáp ứng các nhu cầu của hành khách, ngành đường sắt thời gian qua đã ký kết với các hiệp hội du lịch, đơn vị lữ hành để đưa ra những tour du lịch bằng đường sắt hấp dẫn.

Những đoàn tàu được thiết kế hiện đại, sang trọng với tiêu chuẩn “5 sao” đã thực sự đem lại cho khách hàng sự tiện nghi, thoải mái. Đây chính là những bước đi cụ thể để vận tải đường sắt hướng tới kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch.

Theo các chương trình phối hợp giữa ngành đường sắt và các công ty du lịch thì, đường sắt sẽ cung cấp các dịch vụ như: chuẩn bị đầy đủ các toa xe, số chỗ theo yêu cầu, đảm bảo toa xe sạch sẽ, ăn uống đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cung cách phục vụ thân thiện... theo yêu cầu của khách hàng và khả năng đáp ứng tối đa của công ty.

Đồng thời, ngành đường sắt cung cấp giá vé theo từng thời điểm có tính cạnh tranh nhất với các phương tiện khác. Các công ty lữ hành tham gia chương trình kích cầu du lịch bằng tàu hỏa được hưởng các chính sách ưu đãi như: được hỗ trợ về giá, chỗ và các phát sinh khác theo đúng quy định của chương trình để phục vụ khách du lịch, được quảng cáo, giới thiệu tour du lịch khuyến mãi để thu hút khách hàng…

Theo ông Trần Minh Đức, Trường phòng Kinh doanh & Chăm sóc Khách hàng - Công ty cổ phần Vận tải đường sẳt Sài Gòn, việc kết nối giữa doanh nghiệp du lịch và ngành Đường sắt ngày càng có tín hiệu tích cực, bởi các chính sách kích cầu được hai bên triển khai đúng như cam kết và hành khách đi bằng đường sắt ngày càng gia tăng. Để có những dịch vụ tốt và giá rẻ nhất, công ty cổ phần Vận tải đường sẳt Sài Gòn sẵn sàng hợp tác với các đơn vị du lịch nhằm đáp ứng những tiêu chuẩn của ngành Du lịch. Hiện Công ty cổ phần đường sắt Sài Gòn đã áp dụng hình thức khuyến mãi, giảm giá từ 25 - 40% đối với các công ty lữ hành tham gia nhóm kích cầu du lịch, riêng đối với các đơn vị thanh toán phí trước một tháng, mức khuyến mãi lên đến 50%.

Đội ngũ nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản

Theo ông Trần Thế Dũng, Phó giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, một đơn vị đã phối hợp với ngành đường sắt tổ chức khảo sát và xây dựng các tour du lịch bằng đường sắt, nhờ vào chủ trương và chương trình phối hợp với ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành có thể xây dựng nhiều gói sản phẩm phù hợp để du khách có điều kiện tiếp cận tốt nhất, dễ dàng nhất.

Nhờ những giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành đường sắt đã chặn được đà sụt giảm, thu hút trở lại một số lượng lớn hành khách... Mặc dù đã có những kết quả bước đầu, nhưng ngành đường sắt cho biết sẽ tiếp tục đánh giá lại những đổi mới trong năm qua để thấy được những mặt đã làm được cũng như chưa làm được, qua đó rút kinh nghiệm, điều chỉnh và tiếp tục duy trì các giải pháp cũng như nâng cao chất lượng đoàn tàu với mục tiêu hướng tới khách hàng.

Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội chia sẻ:

Lãnh đạo ngành đường sắt cũng đánh giá, những đổi mới của đường sắt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Đây là những thách thức đối với công tác chỉ đạo, điều hành của ngành đường sắt trong năm 2019. Vì vậy, bước sang năm năm 2019, đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục tập trung cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao chất lượng phương tiện, dịch vụ để tạo thêm sức hấp dẫn với hành khách đi tàu.

Ngành đường sắt cũng xác định năm 2019 là năm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và là năm tập trung cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, hoạt động sản xuất của ngành đường sắt để làm sao ứng dụng được các công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện một cách tích cực nhiều mặt của ngành đường sắt.

Nói về hướng đi của ngành Đường sắt trong năm 2019, ông Đặng Sỹ Mạnh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết:

Với một loại hình vận tải có tuổi đời hàng trăm năm như đường sắt, việc đầu tư hạ tầng vô cùng tốn kém, thì những nỗ lực để đổi mới là không hề dễ.

Tuy vậy, vượt lên các khó khăn, xác định đảm bảo an toàn và nâng cao chất lượng phục vụ là trên hết, ngành đường sắt nước ta đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp từ đóng mới đoàn tàu, cung cấp suất ăn hàng không đến đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, và đang từng bước lấy lại được tin yêu của hành khách, với những chuyển biến tích cực về thị phần.

Là một trong những phương tiện giao thông lâu đời nhất nhưng cũng lạc hậu nhất, những đổi mới của ngành đường sắt Việt Nam trong thời gian qua đã cho thấy nỗ lực cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng năng lực thông qua để lấy lại hình ảnh trong mắt người dân. Hy vọng trong năm mới 2019, ngành đường sắt có thêm nhiều cải tiến, sáng tạo để mang lại nhiều tín hiệu tích cực, có thêm nhiều hành khách trở lại với phương tiện này.

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Đề xuất xây dựng 2 đập dâng trên sông Hồng: Có giúp hồi sinh các dòng sông “chết”?

Những năm gần đây, lòng sông Hồng bị xói mòn. Việc hạ thấp lòng dẫn vùng hạ du sông Hồng đang tác động rất lớn đến khả năng lấy nước của tất cả các hệ thống thủy lợi.

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền hỏa thần khuất mình trong phố

Đền Hỏa Thần là di tích đầu tiên tại Việt Nam thờ Thần Lửa. Cho đến ngày nay, nơi đây vẫn là địa điểm tâm linh đặc biệt thờ Thần Hỏa của người Hà Nội, cũng như du khách thập phương.

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Ngóng dự án chống ngập tại TP Thủ Đức về đích trước mùa mưa

Là tuyến đường huyết mạch đi qua địa bàn TP Thủ Đức (TPHCM), nhưng Võ Văn Ngân cũng được biết đến là “điểm nóng” ngập nước. Sau 3 năm thi công, dự án nâng cấp hệ thống thoát nước chống ngập ở đoạn đường dài 2,5km với tổng số vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng này vẫn chưa hoàn thành.

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Hệ luỵ của không kiếm soát được cảm xúc, có thể là nỗi đau khôn cùng

Một câu chuyện đang làm đau lòng cả cộng đồng: nam sinh bị nghi là do có xích mích với bạn mà bị người nhà bạn đánh tới chết não xảy ra tại Long Biên (Hà Nội). Kết luận cuối cùng vẫn phải chờ cơ quan công an, tuy nhiên, đây không phải chuyện nhỏ! Giải pháp nào để ngăn chặn sự việc tương tự?

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Sài Gòn sống và yêu: Người lưu giữ âm thanh cũ

Ở Sài Gòn – TP.HCM, hơn 4 thập kỷ qua, có một người phụ nữ đã tiếp thêm sức sống, gìn giữ “những chất âm ngày cũ” giữa Sài Gòn sôi động, hào hoa; bằng nghề mua bán và sửa chữa máy cassette.

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Quản lý nhà xe di động, không chỉ quy chuẩn kỹ thuật đơn thuần

Dù Bộ GTVT đã ban hành nhiều quy định đối với xe hoán cải, song với sự ra đời ngày càng nhiều xe nhà ở di động ngày càng đặt ra yêu cầu đối với cơ quan chức năng để quản lý riêng loại hình phương tiện này.

Bất an vì tỉnh lộ 927C xuống cấp

Bất an vì tỉnh lộ 927C xuống cấp

Ổ gà, ổ voi, bụi mịt mù khi có xe tải lưu thông qua, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện, … là những gì đang diễn ra tại một số đoạn thuộc tuyến tỉnh lộ 927C nối giữa thành phố Ngã Bảy với huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

// //