Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Chợ Kẻ Bưởi: Dấu ấn phiên chợ xưa

Phóng viên - 19/07/2018 | 3:37 (GTM + 7)

VOVGT - Chợ Bưởi là một trong số ít các chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội.

Nghe nội dung chi tiết tại đây: 

Chợ Bưởi

Hà Nội tấp nập, ồn ào, vội vã là vậy, những tưởng những nét đẹp cổ kính đã dần bị thay thế bởi vẻ đẹp hiện đại, thế nhưng ở nhiều nơi trong thành phố vẫn còn lưu giữ được nguyên nét đẹp xưa vốn có. Và chẳng biết tự bao giờ, chợ Bưởi luôn được người dân của đất Kinh kỳ nhắc đến với sự gần gũi, thân thương đến kỳ lạ. Ca dao xưa có câu:

“Chợ Bưởi một tháng sáu phiên.

Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng“.

Chợ Bưởi cùng với chợ Mơ là một trong số ít các chợ còn duy trì hình thức họp chợ phiên ở nội thành Hà Nội và cứ tới các ngày 4, 9, 14, 19, 24, 29 âm lịch, dân các khu vực lân cận lại kéo về chợ Bưởi bán cây, con giống, vật dụng nông nghiệp, sản vật làng nghề...

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến chia sẻ về những lát cắt lịch sử đáng nhớ và nét đẹp truyền thống của chợ Bưởi xưa và nay:

"Cho đến nay, trong các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất được chợ Bưởi ra đời từ bao giờ. Một số người cho rằng có từ thời Lý nhưng bị đứt đoạn, số khác thì cho rằng ra đời từ giữa thế kỷ 19. Chợ Bưởi là 1 trong những chợ cổ của Thăng Long và họp theo phiên. Cho đến ngày hôm nay vẫn họp theo phiên, chủ yếu bán các sản vật trong vùng như lĩnh của Bái Ân, Trích Sài, keọ mạch nha của Nghĩa Đô, dân Quảng Bá Nhật Tân thì bán cây bán hoa, nông cụ của các vùng Xuân La, Xuân Đỉnh và trở thành cái chợ rất nổi tiếng ở kinh thành.

Gọi là chợ ngoại thành nhưng chợ rất lớn, khi người Pháp chiếm Hà Nội vào cuối thế kỷ 19 thì người Pháp cho xây dựng lại cái chợ này, lợp mái và có cầu nhà, chợ vẫn bán mặt hàng truyền thống và trở thành 1 trong những điểm du lịch đầu tiên của Thăng Long - Hà Nội.

Cứ vào Chủ nhật, người Pháp sống ở Hà Nội đều đi lên chợ này để chơi, thăm thú. Cho đến năm 1954, ở chợ này vẫn còn tục cứ đến 29 tết thì người ta giết trâu tại chợ và bán cho những người đi chợ mua về ăn tết nhưng rất tiếc là sau năm 1954 tục này không còn do chính quyền mới quan niệm trâu bò là sức kéo nên không được giết trâu bò và cái tục bán thịt trâu ngày 29 tết chấm dứt

Trong thời bao cấp, các vùng Bưởi, Xuân Đỉnh, Xuân La vẫn là vùng đất nông nghiệp và chợ Bưởi trở thành chợ bán khoai tây giống, không phải do quanh vùng làm ra mà do những người dân chuyên trồng khoai ở vùng Thường Tín mang lên. Những năm tháng bao cấp, chợ Bưởi rất vắng vì hàng hóa không có nhiều, chợ vẫn họp theo phiên nhưng hàng hóa không còn phong phú như trước nữa vì đã có các hợp tác xã bán rồi.

Tuy nhiên, đến ngày nay, rất may là Tp.Hà Nội muốn khôi phục lại chợ Bưởi và giữ lại nếp truyền thống của chợ này nên đã xây lại chợ khang trang hơn. Trong chợ vẫn còn 1 gia đình cố gắng đeo đuổi bán nông cụ gồm có cuốc, dao, xẻng và những thứ cần thiết cho người làm nông nghiệp, khoảng 6,7 hộ gia đìnhh hiện nay vẫn còn bán các giống cây…Cho đến ngày hôm nay chợ Bưởi vào ngày Chủ nhật vẫn rất đông đúc.

Người ta đến đó không phải chỉ để mua 1 vài giống cây, giống hoa,con chó, con mèo… và đặc biệt là vào đúng phiên chợ, kể cả vào những ngày phải đi làm thì phiên chợ cũng rất đông. Có nhiều tour khách nước ngoài được đưa đến đây để biết 1 khu chợ truyền thống của Hà Nội là như thế nào."

Giống như nhiều chợ cổ của Hà Nội , chợ Bưởi nằm bên vị trí hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch, thuận lợi về mặt giao thương trên bến dưới thuyền. Trước đây, chợ Bưởi chỉ có những dãy lán bằng phên nứa tuyềnh toàng và chỉ có 1 – 2 dãy nhà gỗ mà người mua kẻ bán ở đây quen gọi là cầu chợ. Trước những năm 30 của thế kỷ trước, người Pháp cho xây dựng hai cầu chợ bằng bê tông kiên cố che mưa nắng.

Xung quanh khu vực chợ Bưởi, hoạt động sản xuất thủ công tương đối phát triển, chợ Bưởi theo đó cũng sôi động vào các phiên chợ, người mua bán tấp nập. Nơi này cũng là chỗ để người dân lân cận mang cây con giống đến bán từ mớ rau thơm, bó cải giống đến chó mèo, lợn gà, thỏ, chim…

Người dân các làng ven Hồ Tây vẫn mang các đặc sản làm được tới phiên chợ Bưởi để bán như người làng Tây Tựu, Cổ Nhuế, Xuân La, Xuân Đỉnh với mặt hàng rau giống, hạt giống, công cụ nông nghiệp; dân vùng Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá với các loại cây cảnh, hoa cảnh.

Những người đã gắn bó lâu năm với chợ Bưởi đều cho rằng chợ Bưởi ngày nay đã không còn giữ được nhiều nét đẹp của phiên chợ quê xưa. Dẫu vậy, như một thói quen, Ông Huy, người làng Hồ Khẩu,cán bộ về hưu vẫn đến chợ vào những ngày phiên, nhiều khi không chỉ là để mua cây, mua giống mà để ngắm, để thưởng thức và nhớ lại không khí của phiên chợ xưa.

"Chợ Bưởi ngày xưa đông vui lắm từ hồi tôi bé tí đã có rồi nhưng bây giờ nhà cao tầng chật chội nó không như ngày xưa. Ngày xưa gọi là chợ quê, khu bán gà, khu bán vịt, khu nọ khu kia bán chó bán mèo các kiểu, cứ đến phiên chợ ai có nhu cầu là lên. Nó là chợ trung gian chứ không phải chợ tạm như các xóm. Chính gốc của nó là ở làng này, ba làng là làng Đông, làng Hồ, làng Thọ, bây giờ nó lung tung lắm chẳng biết đường nào mà mua bán. Thiếu cái gì, có nhu cầu cứ lên chợ Bưởi là có."

Khác với ông Huy, cụ Lãm mặc dù nhà ngay cạnh chợ hoa Quảng Bá nổi tiếng xong nay đã ngoài 80 tuổi cụ Lãm vẫn thường xuyên đi chợ Bưởi bởi nó gợi lại cho cụ nhiều thanh âm của kỷ niệm:

"Chợ Bưởi ngày xưa thích hơn bây giờ. Chợ ngày xưa chỉ có một tầng dân dã thôi, còn bán trâu bò lợn gà chứ bây giờ người ta chỉ bán lợn thịt, bán gà con thì có chứ trâu bò không còn nữa. Tiếng tàu điện leng keng của bến xe Bưởi nó đã mất từ lâu. Bây giờ, cái nhà 2 tầng trên đấy những người đi chợ thì ít lên đó và người ta cũng chỉ loanh quanh bên dưới chợ. Và đã đi chợ thì người ta chỉ mua những thứ phục vụ trong ăn uống gia đình, chứ không phải vào siêu thị cho nên người ta không muốn lên trên trên tầng. Bây giờ, chợ xây thành 2 tầng lên trông thì khang trang thật nhưng tính chất của nó bị biến đổi, mất cái chợ xưa, nhưng mà cái gì thì cũng thế thôi, biến đổi bể dâu thì phải chấp nhận chứ."

Người Hà Nội muốn mua bất cứ thứ gì mang tính dân dã, đến chợ Bưởi là sẽ tìm thấy. Vậy nên, chợ Bưởi cũng trở thành nơi thăm thú của nhiều người rảnh rỗi, yêu chim thú, hoa cây cảnh ở khắp các nơi trong Hà Nội. Đặc biệt, những năm xa xưa, cứ đến ngày 29 Tết, chợ Bưởi còn có thêm một nếp là mổ trâu bò và dân các làng vùng Bưởi cùng nhau mua trâu bò rồi giết mổ tại chợ, chia nhau ăn Tết... Ngày nay, với sự phát triển không ngừng của xã hội, nét đẹp của phiên chợ Bưởi đã ít nhiều bị mai một. Nhưng chừng nào còn có những người biết thưởng thức và có thú chơi sinh vật cảnh, chợ Bưởi có lẽ vẫn còn tồn tại như một nét văn hóa chợ nói riêng và văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội nói chung.

Chợ Bưởi - với “sản phẩm” rất đặc trưng là cây cảnh và vật nuôi - nằm ở nơi giao nhau giữa đường Hoàng Hoa Thám và đường Bưởi. Tuy đã bị mai một dần những nét bình dị, mộc mạc của phiên chợ xưa, nhưng đây là một trong những chợ phiên lâu đời hiếm hoi còn được duy trì cho đến nay giữa lòng Hà Nội.

Phiên chợ Bưởi xưa

Điểm đặc biệt thu hút khách đến với chợ là các sản phẩm được đem đến đây bán đều do chính người bán trực tiếp làm ra. Cũng bởi do người bán trực tiếp bỏ công chăm sóc nên hàng mua được thường rất “thật”. Ví như những cây cảnh mang đến chợ thường là những loại cây dễ trồng và dễ nở hoa. Cây của họ mộc mạc chứ không cấy ghép hay nối cành. Còn đối với những giống nuôi, người bán cũng tư vấn hết sức tỉ mỉ cho khách.

Tại chợ Bưởi xưa, hầu như không có chuyện nói thách hay bắt chẹt khách, mà thuận mua vừa bán. Chợ vừa mang cái thanh lịch của vùng đất kinh đô cổ, vừa mang cái bình dị, mộc mạc, dân dã của phiên chợ quê. Đó chính là nét độc đáo hiếm thấy của chợ phiên này.

Chợ Bưởi nay đã được xây dựng lại khang trang và hiện đại hơn rất nhiều, trở thành một trung tâm thương mại với các mặt hàng rất đa dạng, phong phú. Ngoài ra, như để duy trì và níu giữ nét đẹp của chợ Bưởi xưa, phía sau khu chợ vẫn để lại một mảnh đất nhỏ, làm nơi để buôn bán con giống, cây cảnh.

Hiện nay, hàng ngày các cửa hàng trên dọc đường Hoàng Hoa Thám vẫn bày bán sinh vật cảnh, nhưng nếu vào đúng ngày phiên thì chợ vẫn nhộn nhịp hơn hẳn, người dân từ nhiều nơi mang cây cảnh và vật nuôi đến chợ phiên bán, cả trong khu chợ cũng như dọc đoạn đường đều tấp nập người. Chợ thường họp từ rất sớm, khi trời tờ mờ sáng cho đến đầu giờ chiều mới kết thúc.

Điều đặc biệt khác tại đây, thái độ ứng xử của nhân viên quản lý, bảo vệ đến người bán hàng rất nhã nhặn, lịch sự. Vào những ngày chợ chính phiên rất đông, nhưng ít xảy ra va chạm, khách hàng quên đồ là chuyện không hiếm nhưng bao giờ các tư thương cũng tìm cách trả lại...

Uy tín của chợ tăng dần nhờ vào nếp sống văn minh, gương mẫu của từng thành viên. Có lẽ, chính bởi lý do này nên cho dù cuộc sống phát triển theo hướng hiện đại, Hà Nội đô thị hóa quá nhanh nhưng các phiên chợ Bưởi vẫn tồn tại như một nét văn hóa riêng của Thăng Long - Hà Nội.

Tags:
Ý kiến của bạn
Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Xe giả thương binh và góc nhìn của thương binh thật

Thành phố Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải đối với xe ba bánh tự sản xuất, lắp ráp có hành vi chở hàng cồng kềnh, gây mất an toàn giao thông.

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Dồn lực thi công cao tốc, bù tiến độ sau nhiều tháng mưa triền miên

Nhiều tháng qua do ảnh hưởng của gió mùa nên thời tết khu vực miền Trung luôn trong tình trạng mưa kéo dài triền miên, khiến cho công tác thi công nền đường tại các dự án cao tốc Bắc – Nam qua khu vực này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tiến độ bị đe dọa.

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Đồng khô cỏ cháy, người Gò Công Đông đào “hầm” chắt chiu từng giọt nước

Khoảng 9 giờ sáng, tại ấp 6, người trẻ đã đi làm, chỉ còn thưa thớt người già chờ... nước từ thiện. Một chiếc “hầm” chứa nước mới được người dân thiết kế đào sáng nay. “Hầm” sâu 1 mét, dài 11 mét, rộng 3 mét, đủ chứa hơn 30 khối nước.

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Lo ngại giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư vội vàng bán chốt lời

Từ hôm qua, giá vàng giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư đã mang vàng đi bán. Nhiều người lo ngại, nếu nắm giữ vàng lâu hơn nữa, trường hợp giá vàng hạ, mức lời sẽ không còn cao.

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Thiếu nhân viên y tế học đường bởi chế độ chưa tương xứng

Sức khỏe, sự an toàn của học sinh trong môi trường giáo dục luôn là ưu tiên hàng đầu. Thế nhưng hiện nay đang tồn tại một vấn đề cấp bách: tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế học đường, làm tăng nguy cơ xảy ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất với học sinh.

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân vùng hạn: Cần những giải pháp lâu dài

Hạn mặn là vấn đề được dự báo trước, thế nhưng các địa phương vẫn loay hoay trong công tác ứng phó, chủ động nguồn nước ngọt phục vụ cho dân sinh. Điều này đòi hỏi các địa phương cần phải có một kế hoạch lớn, dài hạn để thích ứng với tình trạng hạn hán hàng năm, không để người dân thiếu nước.

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấm lòng “hầm” chứa nước giữa mùa hạn

Ấp Gò Xoài, xã Tân Trung, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có hơn 400 hộ dân; 2/3 bà con không có nước sạch để dùng. "Hầm" chứa nước mới đào chứa được khoảng 45m3 nước, nhưng cứ cuối ngày là hết, may sao có các đoàn từ thiện từ TPHCM, Long An... về liên tục trong 2 tuần qua.

// //