Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

Cây lộc vừng Hồ Gươm

Phóng viên - 17/08/2017 | 8:47 (GTM + 7)

VOVGT - Cứ mỗi mùa hoa lộc vừng nở hay mùa thay lá, loài cây này lại khiến cho cả không gian quanh Hồ Gươm trở nên vô cùng đặc biệt.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Lộc vừng là loài cây bản địa được trồng ở nhiều nơi trên đất nước Việt Nam và ở Hồ Gươm hiện nay, chúng ta cũng đều rất quen thuộc và ấn tượng với hình ảnh hai cây lộc vừng cổ thụ. Đặc biệt, cứ mỗi mùa hoa lộc vừng nở hay mùa thay lá, loài cây này lại khiến cho cả không gian nơi đây trở nên vô cùng đặc biệt.

Cây lộc vừng ở Hồ Gươm

Như một lời hẹn của thời gian, cứ đến mùa hoa lộc vừng nở, Bờ Hồ như đông đúc nhộn nhịp hơn. Nhiều năm trước, mọi người vẫn truyền nhau những câu chuyện thú vị về sự đặc biệt gắn liền với loài cây này, đó là mỗi khi hoa nở, các cụ rùa lại thi nhau nổi lên. Giai thoại về rùa Hồ Gươm còn nhiều bí ẩn song có lẽ sự trùng hợp ngẫu nhiên này cũng tạo nên sự kỳ thú cho loài cây lộc vừng xung quanh Hồ Gươm.

Chính vì thế, điểm dừng chân của Bánh xe đồng vọng sẽ là một hành trình rất thú vị với nhiều thông tin lịch sử có giá trị về cây lộc vừng ở Hồ Gươm - một trong số ít những cây cổ thụ còn tồn tại trong không gian đặc biệt này của thủ đô nghìn năm tuổi. Và như thường lệ, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến sẽ mở đầu câu chuyện trong hành trình của chúng ta ngày hôm nay:

Nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến vừa kể các bạn nghe một vài câu chuyện thú vị về cây lộc vừng. Nếu đã từng gắn bó và thân thuộc với Hồ Gươm, có lẽ chúng ta đều có thể điểm tên những cây cổ thụ nổi tiếng, còn lại không nhiều ở Hồ Gươm hiện nay và chắc chắn trong số này có cây “lộc vừng cổ thụ” và cây “lộc vừng chín gốc”. Hai cây cổ thụ này đã góp phần không nhỏ tạo nên nét đặc trưng theo cùng năm tháng của Hồ Gươm mà không nơi nào có được.

Cây lộc vừng chín gốc có thân hình cong cong, la đà bên mặt hồ giống như chín con rồng hội tụ. Chẳng ai nhớ nổi nó bao nhiêu tuổi chỉ biết rằng nhiều cụ già chiều chiều tản bộ qua Hồ Gươm vẫn như luôn tìm thấy bóng hình tuổi thơ của mình trên thân cây trơn nhẵn, dấu tích của một thời thơ bé leo cây, tắm hồ.

Cây lộc vừng 9 gốc

Lại có một sự tích khác về cây lộc vừng chín gốc được kể lại rằng khi xưa có ai đó bỏ quên túi hạt lộc vừng bên hồ để bây giờ thành chín cây cổ thụ rễ cuốn vào nhau trong lòng đất sâu. Đã xa rồi những năm khói lửa, và chính tại gốc lộc vừng bên bờ Hồ Gươm đã chứng kiến bao cuộc chia ly của những đôi trai gái Hà thành lên đường đi kháng chiến, chứng kiến cả những đau thương, mất mát mà thủ đô phải hứng chịu dưới bom đạn chiến tranh.

Và rồi mọi biến động cũng đã qua đi, những hồi ức và tình cảm trân trọng quá khứ còn đọng lại trong mỗi người, trong cả loài cây lộc vừng trăm năm tuổi như vẫn đang tỏa hương thơm dịu ngọt trong từng chùm hoa quý phái, trong từng bè hoa vẫn chu du êm đềm trên dòng nước Hồ Gươm xanh mát.

Giờ đây mỗi độ thu về, khi hoa lộc vừng nở, các nhà nhiếp ảnh lại vội vàng xách máy lên hồ ngắm hoa và chụp ảnh như sợ đánh mất những khoảnh khắc đáng nhớ diệu kỳ ấy. Và không phải người thợ chụp ảnh này cũng có duyên với hoa lộc vừng.

Nhiếp ảnh gia Bùi Hà tâm sự: "Mình thì chưa có duyên chụp lộc vừng nhưng anh em người quen ra đấy chụp nhiều lắm. Vừa rồi cách đây hơn một tháng gì đó rất nhiều bạn bè ra chụp hoa trên cành lẫn hoa rụng đỏ trên mặt hồ rất đẹp. Giờ cứ đến mùa thì anh em nhiếp ảnh lại bảo nhau lộc vừng bắt đầu ra hoa để đi chụp".

Sớm hơn hoa sưa và muộn hơn hoa sữa, hoa lộc vừng nở vào cuối tháng tư và cuối tháng 10 hàng năm. Lộc vừng chỉ nở hoa tầm độ nửa tháng, sau đó hoa tàn để ấp ủ dành dụm đến mùa sau. Chẳng thế mà người Hà Nội ngoài nỗi nhớ hoa sữa mỗi độ thu về, thì hoa lộc vừng cũng gợi lại trong mỗi người những nỗi nhớ thương da diết khắc khoải về Hà Nội, về Hồ Gươm huyền thoại.

Ông Phạm Huy Khang- Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa truyền thống Việt Nam chia sẻ: "Về cây lộc vừng Hồ Gươm, tôi thấy trong triển lãm của Pháp thì người ta có chụp Hồ Gươm cách đây đúng 100 năm, lúc đó người ta chưa chụp cây lộc vừng Hồ Gươm, mặc dù vậy, tôi nghĩ ai reo gốc lộc vừng ở Hồ Gươm là phải mang một ý niệm gì đó.

Tôi cũng đã chụp về cây lộc vừng Hồ Gươm và ở nhà tôi cũng có 2 cây lộc vừng, một cây lộc vừng trắng, hoa to bằng quả bóng bàn trắng muốt và lộc vừng đỏ. Tôi nghĩ cây lộc vừng ấy nó mang hai ý nghĩa quan trọng đối với người Việt. Một là mang lại  lộc, nếu nhà nào trồng lộc vừng mà ra hoa nhiều thì nhà ấy có nhiều lộc. Thế thì cái lộc này lại để ở Bờ Hồ và cái gốc của nó quá lớn tức là cái cây ấy thuộc loại cây di sản mất rồi, là cây rất đặc biệt. Người ta lại nghĩ rằng Hà Nội chính là một cái đất để sinh lộc, có lộc và ngày càng phát triển thông qua màu đỏ của hoa lộc vừng Hồ Gươm".

Nhiều nhà ở Hà Nội bây giờ có thú chơi lộc vừng cổ thụ với niềm tin cây sẽ mang lại sự may mắn và tài lộc. Còn các đôi trai gái hay nhặt những cánh hoa đỏ thắm cài lên mái tóc nhau như trao lời thề ước thủy chung son sắt. Hoa lộc vừng mang màu đỏ đặc trưng đã đi vào trang viết của nhà văn Băng Sơn. Trong đó ông so sánh chùm hoa lộc vừng dài và đẹp như tràng pháo đỏ treo la đà cành cao cành thấp. Hoa nở vào đêm, đến sáng sớm xác hoa trải trên mặt hồ trong xanh tuyệt đẹp. Đó là những hình ảnh, những khoảng khắc khó quên với mỗi người khi có dịp chiêm ngưỡng.

Hành trình của Bánh xe đồng vọng hôm nay sẽ cùng quý vị gọi tên những cung bậc cảm xúc và sự kỳ thú của một nghệ sĩ nhiếp ảnh dành cho vẻ đẹp mà loài cây này đã mang lại cho Hồ Gươm, cho Hà Nội. Mời các bạn lắng nghe cuộc trò chuyện của CTV chương trình và nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế Bùi Đăng Thanh.

Nội dung cuộc trò chuyện tại đây:

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh hướng dẫn học trò

PV: Xin chào nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh. Thưa ông, cảm xúc Hà Nội là một trong nhiều đề tài được ông lựa chọn trong các bức ảnh của mình. Vậy thì lý do nào đã khiến cho ông dành cho Hà Nội và Hồ Gươm một sự ưu ái đặc biệt đến như vậy?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh: Về Hồ Gươm, có lẽ là một nơi mà đem lại cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Cảm xúc về Hà Nội nhiều xong cảm xúc về Hồ Gươm là một cái gì đó đặc biệt. Tôi thường xuyên đưa học viên lên đây thực hành, mỗi lần lên đây là một cảm xúc dâng trào, mỗi lần cây thay lá, sự thay đổi sương nắng Hồ Gươm đều đem lại cho tôi một cảm xúc đặc biệt nếu lên đây quên mang máy thì rất tiếc.

PV: Trong bộ sưu tập tranh của nghệ sĩ Bùi Đăng Thanh, không chỉ tôi mà nhiều người khác nữa rất ấn tượng với bức ảnh ông chụp về cây lộc vừng cổ thụ bên bờ Hồ Gươm. Ông có thể chia sẻ một chút về đứa con tinh thần này của mình được không ạ?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh: Tôi đã có bức ảnh về cây lộc vừng mùa thay lá, tên tác phẩm là "Mùa thu Hà Nội" đã từng đoạt giải. Cây lộc vừng nó rất hiếm hoi, có năm nó lại đỏ ối hết cả cành cây lên mà lá nó không rụng, rụng rất ít ở dưới sân và những ngày đó thì các nhà nhiếp ảnh, khách du lịch không ai không dừng chân trầm trồ ngưỡng mộ vẻ đẹp của cây lộc vừng mùa thay lá và đã có rất nhiều tác phẩm ảnh đạt giải thưởng trong đó có tác phẩm ảnh Mùa thu Hà Nội của tôi.

PV: Tôi cũng đang hơi tò mò một chút, đó là không biết khi chụp hoa lộc vừng thì có khó lắm không, thưa ông?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh: Thực sự rất khó, chúng tôi phải nhờ một họa sĩ thường xuyên ngồi vẽ ở đấy để có những thông tin chính xác về cây để bọn tôi đến hoặc có thể đi qua gặp may nhưng điều đó rất hiếm. Cây lộc vừng kể cả mùa thay lá, mùa không còn lá và mùa hoa lộc non của cây trổ ra cũng rất là đẹp . Mặt hồ như được trải thảm đỏ của hoa lộc vừng ở trên nền xanh của nước hồ .

PV: Vậy thì đâu sẽ là thời điểm lý tưởng giúp các phó nháy chụp hoa lộc vừng đẹp nhất ạ?

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Bùi Đăng Thanh: Cây lộc vừng có hai mùa trổ hoa, một là mùa tháng tư dương lịch , hai là mùa tháng 10 dương lịch và có một mùa thay lá nhưng mùa thay lá này thì có thể rất hiếm hoi. Một năm nào đó toàn bộ lá của cây lộc vừng đỏ ối. Những ngày đó thì thu hút du khách và các nhà nhiếp ảnh chụp nhiều bức ảnh đẹp về cây lộc vừng.

Mùa hoa của cây lộc vừng cũng rất đẹp. Ở dưới đất, ở dưới thảm cỏ dưới gốc cây lộc vừng là một thảm hoa màu đỏ như nhung, ở trên thảm cỏ xanh và mặt nước hồ xanh tạo cảm xúc rất đẹp về Hồ Gươm.

PV : Vâng! Xin cảm ơn nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế Bùi Đăng Thanh đã dành thời gian trò chuyện cùng thính giả của chương trình Bánh xe đồng vọng. Chúc ông sẽ luôn thành công trong các tác phẩm của mình.

 

Tags:
Ý kiến của bạn
Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Vì sao chưa thông xe nút cầu vượt Mai Dịch?

Theo ghi nhận của VOV Giao thông, vào khoảng 9h30 sáng ngày 19/4 tại nút giao Mai Dịch (Hà Nội), hiện 2 cây cầu vượt thép tại đây đã thi công xong nhưng chưa được thông xe. Đáng chú ý, tại khu vực 2 đầu cầu vượt thép chưa thông xe này có rất đông xe ôm đứng chờ đón khách.

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

TP.Thủ Đức tiên phong vận dụng NQ98 để kêu gọi đầu tư dự án theo hình thức PPP

Mới đây TP.Thủ Đức đã tổ chức sự kiện thu hút đầu tư theo hình thức PPP và trao chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng mức đầu tư gần 7000 tỷ đồng.

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Chuyện xưa Lung Ngọc Hoàng

Theo lý giải của người dân địa phương, “lung” là vùng đất trũng tự nhiên rộng lớn, hoang sơ, nước ngập quanh năm. Lung Ngọc Hoàng là “lung của ông trời” hay “lung trời sanh” vì rộng lớn và có nhiều câu chuyện kỳ bí truyền từ đời này sang đời khác.

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

‘Giếng làng’ nơi gắn kết tình ‘Láng giềng’

Hình ảnh ‘giếng làng’ xưa gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của người dân. Ngày ấy, nguồn nước trong mát của giếng làng là nguồn nước sạch chính được người dân khắp xóm gánh về đun nước, nấu ăn.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

// //