Hà Nội - 02437919191    TP. Hồ Chí Minh - 02839919191    MekongFM - 02838309090
  • Hà Nội - 02437919191   
  • TP. Hồ Chí Minh - 02839919191   
  • MekongFM - 02838309090   

2 trẻ tử vong tại công viên nước Thanh Hà: Sự bình thản đáng sợ

Phóng viên - 28/09/2019 | 8:22 (GTM + 7)

Dù với bất cứ lý do nào, chủ quan hay khách quan, khó khăn hay tắc trách, thì việc có 2 đứa trẻ tử vong tại cùng một công viên nước, chỉ trong hơn 3 tháng, là điều không thể chấp nhận.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Chỉ trong hơn 3 tháng, liên tiếp 2 vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra tại một công viên nước Thanh Hà, phường Phú Lương, quận Hà Đông- được cho là có cơ sở vật chất hiện đại nhất miền Bắc.

Điều này cho thấy những bất cập trong công tác đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi nói chung và khu vui chơi dành cho trẻ em nói riêng.

Tấm biển thông báo tạm dừng hoạt động của công viên nước Thanh Hà. Ảnh: Trí Thức Trẻ
Tấm biển thông báo tạm dừng hoạt động của công viên nước Thanh Hà. Ảnh: Trí Thức Trẻ

4 ngày sau vụ một bé trai đuối nước tại Công viên nước Thanh Hà, thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, khu vực cổng công viên nước khá im ắng, không có bất cứ một hoạt động nào

Phía cổng chính và quầy bán vé đã đặt biển thông báo công viên nước đang trong thời gian bảo dưỡng nên tạm ngừng hoạt động.

Theo quan sát của phóng viên Kênh VOVGT không có bất cứ một giao dịch hay hoạt động nào diễn ra tại khu vực này.

Chị Kiều Hiền- một phụ huynh đã từng cho con trải nghiệm dịch vụ ở CV nước THanh Hà chia sẻ:

"Nhân viên cũng thấy khá ít. Nếu mà cho con đi thì xác định phải trông con chứ không trông chờ các nhân viên ở đó giúp đỡ gì cả. Trong các bể bơi, có bể có, có bể không, trên đó có 1 người ngồi trên chòi để bao quát xung quanh. Như bể bơi gia đình mình không thấy có  cứu hộ ở đấy".

Lần thứ 2 xảy ra sự cố cháu bé tử vong tại công viên nước Thanh Hà trong vòng 4 tháng qua là điều đáng báo động về vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ em khi vui chơi tại Công viên này.

Ngay sau khi xảy ra vụ đuối nước hôm 22/9, UBND phường Phú Lương đã tiến hành lập biên bản và tạm dừng hoạt động. Được biết, trước đó ngày 12/6, Công viên nước Thanh Hà cũng đã phải tạm dừng hoạt động khi để xảy ra 1 bé trai 3 tuổi đuối nước tại dòng sông Lười.

Điều đáng nói tại thời điểm này, công ty chưa được cấp giấy phép hoạt động và chỉ sau 20 ngày, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã cấp giấy phép hoạt động cho đơn vị này thực hiện hoạt động kinh doanh các dịch vụ thể thao.

Phân tích về một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ đuối nước, ông Dương Ngọc Thỏa- Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lương cho rằng, có thể nằm ở quy trình giám sát an toàn của công viên chưa chặt chẽ, lực lượng cứu hộ chưa phân bổ đều ở các khu vực và chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Ông Thỏa khẳng định, chính quyền phường đã tiến hành kiểm tra, giám sát các hoạt động của Công viên nước theo đúng các quy định về quản lý nhà nước.

"Đây là một trong những loại hình kinh doanh có điều kiện. Khi công ty trình ra một giấy chứng nhận công ty đã đủ điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao trong đó có hoạt động của bể bơi tại khu lô đất A22- KĐT Thanh Hà và căn cứ vào giấy tờ công ty cung cấp về nhân sự, đào tạo tập huấn và các trang thiết bị liên quan về cơ bản công ty đã đủ điều kiện. Theo chúng tôi nghĩ là đã cấp phép trong khuôn viên công viên đó thì chắc chắn không thuộc thẩm quyền của phường, cũng không thuộc thẩm quyền của quận mà từ cấp Sở".

Trả lời báo chí mới đây, đại diện Sở Văn hóa thể dục thể thao Hà Nội cho rằng, cơ quan này chỉ cấp phép hoạt động của khu vực bể bơi, còn các loại hình dịch vụ, khu vực thành phần như sông lười, máng trượt, cầu trượt trong quần thể này thì không thuộc thẩm quyền của Sở Văn hóa - Thể thao.

Luật sư Phạm Thành Tài- Giám đốc công ty Luật Phạm Danh cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về điều kiện kinh doanh hoạt động của khu vui chơi giải trí dưới nước, cũng như quy định về việc cấp phép các hạng mục trong khu vui chơi dưới nước. Tuy nhiên, theo quy định chung, khi xảy ra những sự cố tại các khu vui chơi giải trí, trách nhiệm thuộc về cơ quan cấp phép hoạt động cho khu vui chơi và đơn vị tổ chức kinh doanh. Bởi vậy, Luật sư Tài nhấn mạnh:

"Khi xảy ra vụ tai nạn đuối nước, cơ quan chịu trách nhiệm phải là tổ chức kinh doanh hoạt động công viên nước. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, thanh tra xem xét nguyên nhân xảy ra tai nạn, nếu do dự thiếu sót, lỏng lẻo trong hoạt động quản lý nhà nước  từ cơ quan chuyên môn về thể dục thể thao, UBND các cấp cũng phải chịu trách nhiệm. Bởi vậy, việc sở Văn hóa thể thao và du lịch Hà Nội cho rằng không thuộc trách nhiệm của Sở là không hợp lý".

Công viên nước Thanh Hà
Công viên nước Thanh Hà. Ảnh: Soha

Ông Lê Đức Long- Trưởng bộ môn bơi lội, Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh cho rằng, nguy cơ xảy ra đuối nước khi vui chơi tại công viên nước có thể là do khu vui chơi giải trí chưa đảm bảo an toàn về cơ sở vật chất, các trò chơi chưa được kiểm tra và đảm bảo an toàn, hay các sự cố hỏng hóc chưa được bảo dưỡng sửa chữa kịp thời. Bên cạnh đó, biển báo, rào chắn chưa được thiết kế phù hợp để ngăn các khu vực đảm bảo an toàn đối với trẻ em hoặc hệ thống âm than để nhắc nhở người vui chơi chưa được trang bị đầy đủ.

Nguyên nhân chủ quan là do người tham gia vui chơi, trẻ em rất hiếu động hoặc do trẻ em bị các bệnh lý không đảm bảo khi tham gia vui chơi ở dưới nước, đặc biệt là do trẻ em không chấp hành các nội quy nguyên tắc đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Long nhấn mạnh, yếu tố con người là đóng vai trò trọng đối với việc giám sát an toàn tại các khu vui chơi

"Về nguyên nhân khách quan cũng có thể do sự giám sát của nhân viên cứu hộ, có thể chưa đủ năng lực trong quá trình làm việc, thiếu trách nhiệm chưa giám sát hết hoạt động của người vui chơi đặc biệt đối với trẻ em. Nguyên nhân nữa là xử lý sự cố chưa kịp thời hoặc chưa có kiến thức nên công tác xử lý sự cố chưa được hợp lý".

Bà Lê Quỳnh Lan- Quản lý kỹ thuật chương trình Trẻ em và giới, Tổ chức Plan International tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về lỗ hổng trong công tác quản lý các điểm cung cấp dịch vụ vui chơi cho trẻ em sau sự cố đáng tiếc vừa qua. Bà Lan cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã có những quy định chung về đảm bảo an toàn tại các khu vui chơi đông người, tuy nhiên trẻ em là đối tượng đặc biệt nên các khu vui chơi dành riêng cho trẻ em cần phải tổ chức đánh giá những rủi ro có thể xảy ra đối với trẻ em để có những giải pháp quản lý rủi ro phù hợp. Hiện nay, ở các khu vực bể bơi, bể tập bơi có những quy định về cứu hộ, nhưng lại chưa có quy định cụ thể đối với công tác cứu hộ ở các khu vực, hạng mục khác nhau ở nhiều ngóc ngách tại công viên nước.

Bởi vậy, bà Lê Quỳnh Lan đề xuất:

"Tôi thấy rằng, đâu đó các quy định nói chung có thể có rồi nhưng ở góc độ bảo vệ trẻ em thì chúng tôi nghĩ rằng, mỗi nơi đặc thù cung cấp các dịch vụ vui chơi trẻ em chúng ta cần có các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần có những đánh giá rủi ro để đưa ra những cảnh báo rất cụ thể và có những biện pháp rất cụ thể, có thể liên quan đến các cơ quan cung cấp dịch vụ, những đơn vị cung cấp dịch vụ có những biện pháp để đảm bảo an ninh an toàn.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia phát triển, các khu vui chơi đông người đều có những quy định rõ ràng về bảo đảm an toàn. Đối với những khu vui chơi dành cho trẻ em, bên cạnh những cơ quan quản lý Nhà nước về dịch vụ đó, còn có những cơ quan giám sát, cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý trẻ em như Bộ Phúc lợi xã hội hoặc trẻ em.

Đây là các cơ quan chuyên môn trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát và quá trình xây dựng tiêu chí tiêu chuẩn về an toàn cho các khu vui chơi với quy định rõ ràng cho từng độ tuổi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để đảm bảo an toàn cho trẻ em tại các khu vui chơi, ngoài những biện pháp quản lý nhà nước thì các bậc phụ huynh, người giám hộ và những người lớn nói chung sát sao trong việc giám sát, bảo vệ an toàn cho trẻ em khi vui chơi.

Sự bình thản đáng sợ

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến các nguy cơ mất an toàn trong việc vận hành các khu vui chơi trẻ em, đặc biệt là công viên nước. Song, lần đầu tiên xảy ra những tai nạn thương tâm dồn dập như thế này,  dù đã có hàng chục công viên nước hoạt động lâu nay.

Vậy, nguy cơ nào mới là điều đáng sợ nhất? 

Tính từ khi mở cửa, chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm tại công viên nước lớn nhất Thủ đô này
Tính từ khi mở cửa, chỉ trong thời gian ngắn đã xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm tại công viên nước lớn nhất Thủ đô này 

Dù với bất cứ lý do nào, chủ quan hay khách quan, khó khăn hay tắc trách, thì việc có 2 đứa trẻ tử vong tại cùng một công viên nước, chỉ vong vòng hơn 3 tháng, là điều không thể chấp nhận.

Một dự án khu vui chơi được xác định rõ ràng là xây dựng trái phép, chưa hề được cấp phép kinh doanh, mà vẫn mở cửa đón hàng ngàn khách mỗi ngày trong điều kiện nhiều hạng mục còn dang dở, cho đến khi xảy ra tai nạn chết người. Đó  cũng là điều không thể chấp nhận.

Vụ tai nạn đầu tiên khiến cháu bé 2 tuổi tử vong do đuối nước xảy ra ngày 12/6, chỉ 2 ngày sau khi khai trương khu vui chơi. Và xảy ra ngay buổi chiều cùng ngày mà ngày UBND quận Hà Đông đã lập biên bản đình chỉ mọi hoạt động của công viên.

Và, thông tin về chuỗi hành vi trái phép của Dự án cộng viên nước Thanh Hà cũng như động thái trước đó của cơ quan chức năng, cũng chỉ được công khai, cho đến khi sự việc đau lòng xảy ra. Điều đó thật khó hiểu.

Nhưng khó hiểu hơn nữa, là với tất cả các sai phạm trên, với hậu quả như trên, mà khu vui chơi này chỉ bị đình chỉ 20 ngày, sau khi nộp phạt hành chính, rồi tiếp tục hoạt động.

Các hạng mục được bổ sung hoàn thiện ra sao, cơ quan chức năng đã nghiệm thu thế nào, chủ đầu tư và đơn vị kinh doanh dịch vụ đãv cam kết ra sao để đảm bảo rằng không tiếp tục xảy ra tai nạn tương tự?

Vẫn không ai hay biết, cho đến khi xảy ra cái chết của cháu bé thứ hai, chỉ sau đó 3 tháng, chính tại nơi này. Trong khi, vụ tai nạn trước đó còn chưa kịp có kết luận điều tra, chưa ai phải chịu trách nhiệm.

Cái chết của hai đứa trẻ. Nỗi đau khôn cùng của 2 gia đình. Và một loạt những sự vô lý đến khó hiểu liên quan đến công tác quản lý đối với hoạt động của công viên nước Thanh Hà, khiến nhiều người không khỏi bất bình.

Với một dự án trái phép có quy mô xây dựng lên đến 3ha, thì không thể có chuyện, đến ngày khai trương cơ quan chức năng mới hay tin. Và lễ khai trương khu vui chơi được quảng bá rầm rộ công khai cả tháng trước ngày mở cửa, cơ quan chức năng cũng không thể nào không biết.

Nhưng đến ngày thứ 3 sau lễ khai trương, chính quyền địa phương mới đến lập biên bản để yêu cầu đình chỉ. Trong khi, với tai nạn đuối nước, chỉ vài chục giây bị ngạt, đã có thể dẫn đến chết người.

Trước Thanh Hà, đã có hàng chục công viên nước lớn nhỏ được đầu tư xây dựng trên địa bàn cả nước, đem lại những trải nghiệm du lịch mới mẻ cho người dân, và chưa từng xảy ra vụ việc nào nghiêm trọng.

Nhưng tai nạn lại liên tiếp xảy ra ở chính công viên được quảng bá hiện đại nhất nước, tầm cỡ Châu Âu. Do vậy, sự non kém về kinh nghiệm của đơn vị kinh doanh dịch vụ, sự thiếu chặt chẽ trong quy định trách nhiệm về đảm bảo an toàn trong khu vui chơi, nếu là một trong các nguyên nhân, thì cũng không phải mấu chốt.

Tai nạn đã không xảy ra, nếu các cơ sở kinh doanh sai phép, trái phép bị ngăn chặn, đóng cửa kịp thời. Tai nạn cũng đã không xảy ra, nếu các phụ huynh biết được rằng đây là khu vui chơi chưa hoàn thiện, chưa được nghiệm thu an toàn, sở dĩ chưa thể đóng cửa là vì cơ quan chức năng đang gặp khó đâu đó.

Và tai nạn cũng chắc chắn không xảy ra lần thứ hai, nếu biện pháp ngăn chặn được triển khai theo một cách khác, sau vụ việc đầu tiên.

Hai tai nạn chết người chỉ trong vòng 3 tháng, ở cùng một khu vui chơi, điều đó thực sự gây bàng hoàng. Nhưng sự đủng đỉnh, bình thản đến khó hiểu của những cơ quan, đơn vị có trách nhiệm quản lý trong câu chuyện này, mới là điều đáng sợ./

Tags:
Ý kiến của bạn
TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

TP.HCM: Thí điểm xe điện 4 bánh phục vụ du lịch

Xe điện loại từ 5-14 chỗ chở khách tham quan, du lịch khu vực nội đô thành phố. Với mục đích bảo vệ môi trường, hướng tới giao thông xanh, điểm đặc biệt của các chuyến xe điện này là tính linh hoạt khi lưu thông trong nội đô, không bị phụ thuộc vào giờ giấc cao điểm, thấp điểm.

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Giá tour tăng cao, cách nào kích cầu du lịch nội địa?

Mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm sắp bắt đầu. Tuy nhiên, giá tour tăng cao, đặc biệt là giá vé máy bay, đang trở thành thách thức lớn của ngành du lịch, với tỷ lệ người dân chuyển sang đặt tour nước ngoài chiếm tới 60 - 70% trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

U80 nhảy hiphop

U80 nhảy hiphop

Hồ Gươm với không gian xanh mát, thoáng đãng giữa trung tâm thủ đô là địa điểm lý tưởng của các đội nhóm khắp nơi tìm về rèn luyện sức khỏe mỗi ngày.

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Sinh viên làm thêm: Quản lý như thế nào?

Từ lâu hình ảnh những sinh viên đại học tranh thủ làm thêm ngoài giờ học không còn xa lạ, thậm chí trong một số trường hợp, việc này nhận được sự khích lệ. Vì vậy, đề xuất của Bộ LĐTB&XH quản lý chặt hơn việc đi làm thêm của sinh viên đã thu hút sự quan tâm của dư luận.

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Lạm dụng kê khai giá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp

Sau khi Luật Giá được Quốc hội thông qua, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và hoàn thiện Nghị định thi hành Luật Giá nhằm sớm đưa Luật vào cuộc sống. Tuy nhiên, quy định liên quan tới kê khai giá trong Nghị định này đang khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn bởi có điểm bất hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp.

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Quản lý chất lượng không khí đô thị, kinh nghiệm nào cho Việt Nam

Hà Nội và nhiều địa phương đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, trong khi đó, mạng lưới hệ thống quan trắc chất lượng không khí còn mỏng, việc tiếp cận thông tin về chất lượng không khí từ cơ quan quản lý Nhà nước còn hạn chế dẫn đến những khó khăn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí.

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu bất động sản chuẩn bị đáo hạn

Áp lực đáo hạn trái phiếu năm nay của nhóm bất động sản vẫn tương đối lớn, trong đó, nhiều doanh nghiệp sẽ phải thanh toán hàng nghìn tỷ đồng đến hạn cho nhà đầu tư.

// //